Đi để trở về, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã cảm nghiệm điều này trong cuộc sống mình. Nhưng với tôi, lúc này cảm nghiệm đó lại rất sâu đậm, trong sự tĩnh mịch của màn đêm vắng, trước linh cửu của người anh đáng kính.
Cuộc đời mỗi người được dệt nên bởi vô vàn những bước chân hành trình, và điểm kết cho chuỗi hành trình ấy chính là “cái chết”. Chết là chuyến đi dài, thật dài, chuyến đi định mệnh mà con người, ai rồi cũng phải qua. Cả đến Đức Giêsu, Con Thiên Chúa khi bước vào lòng nhân thế, cũng đã chấp nhận cái quy luật thường tình ấy của cõi nhân sinh.
Sự ra đi nào cũng mang theo nhiều mất mát, vơi đầy cảm xúc giữa người đi và kẻ ở. Đó có thể là hình ảnh, người mẹ với khóe mi ngấn lệ đang dõi theo đứa con trên chuyến xe dần khuất bóng hay sự bịn rịn khó rời của đôi trẻ đang yêu. Nhưng sự ra đi nhọc nhằn và khó chấp nhận nhất của kiếp người đó là cuộc biệt ly sống – chết.
Có thể với nhiều người, cuộc chia ly ấy là một thất bại ê chề, là sự mất đi chẳng thể nào lấy lại. Nhưng điều này lại rất khác trong tâm tình của những kẻ tin. Sự ra đi tưởng chừng như mất hết, như thất bại cay đắng ấy lại chính là khởi điểm cho những hoa trái của niềm hy vọng, là quả ngọt cho cuộc lữ hành đức tin đầy những chông gai nơi dương trần. Quả vậy, nơi người tin những nỗi niềm tiếc thương, những giọt lệ tuôn tràn trong ngày đưa tiễn chỉ là đang ươm mầm cho niềm vui, hạnh phúc viên mãn cho ngày trở lại.
Trong cuộc lữ hành đức tin, tuy có người đi trước, kẻ rảo bước theo sau nhưng tất cả cũng chỉ có một đích đến, cùng hướng nhìn đến sự gặp gỡ trong nhà Cha trên trời. Như thế, kẻ đến trước hay người sẽ đến sau cùng bước chung trên một lối nẻo của niềm hy vọng.
Khi gẫm suy như thế, lòng tôi lại thổn thức như mừng cho Emmanuel Triệu, anh tôi. Anh đã đi nhưng là đi để trở về. Anh đang về với Chúa là Cha, về với nơi lòng anh từng khao khát, đúng như lời Vịnh Gia đã thân thưa với Chúa.
“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan?” (Tv 42, 2)
Trên con đường “về quê” ấy anh sẽ không lẻ bóng vì có Giêsu, Đấng lòng anh hằng yêu mến suốt gần trăm năm nơi dương thế, 78 năm thiết thân trong lời khấn dòng luôn ở cùng, Mẹ Maria và Giáo Hội luôn hiệp hành, thêm sự sẻ chia huynh đệ nơi các em trong đời sống Thánh Tâm. Như thế, ngày anh đi không còn là chia ly nhưng chính là sự trở về trong viên mãn tròn đầy. Ở nơi đó, anh cũng đang đón đợi các em trong ngày hạnh ngộ.
Phêrô Nguyễn Tĩnh, CSC
Bài viết liên quan
Nét đẹp A Lưới trong hành trình tìm về Giáo xứ Sơn Thủy
Dọc theo những con đường đèo quanh co, những khúc cua gập ghềnh, A Lưới...
Th1
Thiên Chúa hoá dại vì yêu
Chẳng phải vì yêu hóa dại khờ Nên rời điện ngọc xuống chơi thơ...
Bạn có biết R.I.P. là một lời cầu nguyện bằng tiếng Latin?
Chữ viết tắt thường thấy trên các bia mộ có lịch sử cổ xưa gắn...
KHI ĐÁ CHẢY LỆ
Bạn thân mến, Ngay từ lần đầu gặp, Thầy Giê-su đã nhìn Si-mon...
Mùa Trở Về, Dẫu Còn Bất Xứng
Chẳng phải vì yêu hóa dại khờ Nên rời điện ngọc xuống chơi thơ Mặc...
Tản mạn lễ Thăng thiên
Trong Kinh Thánh chỉ có Tin mừng Luca và Máccô tường thuật cho độc giả...