ĐTC dâng Thánh lễ tại Đại học Công giáo Thánh Tâm

Sáng thứ Sáu 05/11/2021, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Roma, nhân kỷ niệm 60 năm khánh thành khoa Y và Phẫu thuật của Đại học. Đức Thánh Cha đã quảng diễn về ba cụm từ có liên hệ đến Thánh Tâm Chúa Giêsu: tưởng nhớ, khổ nạn và an ủi.

 

Ngọc Yến – Vatican News

Ðại học Công giáo Thánh Tâm đã do linh mục Agostino Gemelli thành lập năm 1921, tại Milano, và nhiều chi nhánh khác trên khắp nước Ý. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần được điều trị tại bệnh viện này. Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã ở bệnh viện này trong 10 ngày để phẫu thuật đại tràng và điều trị hậu phẫu vào mùa hè vừa qua (04/7 đến 14/7/2021).

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói trường đại học được mang tên Thánh Tâm, và hôm nay ngày thứ Sáu đầu tháng là ngày tôn kính đặc biệt Thánh Tâm Chúa Kitô, vì vậy ngài mời gọi mọi người cùng suy niệm về ba cụm từ liên hệ đến Thánh Tâm: tưởng nhớ, khổ nạn  an ủi.

Thứ nhất tưởng nhớ: Đức Thánh Cha giải thích rằng, tưởng nhớ có nghĩa là trở về với con tim. Thánh Tâm chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng tự hiến. Cuộc sống ngày nay làm cho con người phải vội vã, lo lắng liên tục, làm cho chúng ta dễ đánh mất khả năng cảm thương, đánh mất việc trở về với con tim, với ký ức.

Không có ký ức chúng ta mất cội nguồn và không có cội nguồn thì chúng ta không thể lớn lên. Việc nuôi dưỡng ký ức đối với những ai đã yêu thương và chăm sóc chúng ta là một điều tốt. Ở điều này, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ lòng biết ơn vì sự quan tâm và tình cảm ngài đã nhận được nơi đây.

Theo Đức Thánh Cha, ký ức hoạt động khi chúng ta nhớ đến người nào đã chạm đến con tim chúng ta, khi nó được liên kết với một tình cảm cụ thể. Ở điểm này, Thánh Tâm Chúa chữa lành ký ức chúng ta để đưa ký ức trở lại tình cảm ban đầu, đó là việc cảm nhận được chúng ta là những thụ tạo được yêu thương.

Đức Thánh Cha giải thích tiếp về cụm từ khổ nạn: “Thánh Tâm Chúa là hình ảnh của cuộc khổ nạn, chỉ cho chúng ta thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa. Và trong sự dịu dàng đau đớn đó, Thánh Tâm bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Điều này gợi lên rằng, nếu chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa, chúng ta phải say mê con người, đặc biệt những người bị ruồng bỏ và khước từ”.

Về cụm từ cuối cùng – an ủi, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “An ủi cho thấy sức mạnh không đến từ chúng ta, nhưng đến từ người ở với chúng ta. Đó là Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Thánh Tâm Chúa ban cho chúng ta can đảm trong lúc gặp khó khăn”. Ngài nói thêm rằng, mặc dù y học đã tiến bộ nhiều nhưng vẫn còn nhiều căn bệnh không chữa trị được. Chính vì vậy chúng ta cần sự an ủi nơi Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời khích lệ: “Chúng ta hãy cầu xin Thánh Tâm ân sủng để chúng ta cũng biết an ủi người khác. Chúng ta cần phải xin ơn này, để khi dấn thân với lòng can đảm, chúng ta có thể mở lòng, giúp người khác, và mang gánh nặng cho nhau. Điều này cũng áp dụng cho tương lai ngành y, đặc biệt y tế ‘Công giáo’. Đó là sự chia sẻ, nâng đỡ, và cùng nhau tiến bước”.