ĐTC Phanxicô (18/4): Kitô hữu là người can đảm nhưng thận trọng

Chúng ta không thể là Kitô hữu tốt nếu không có sự thẳng thắn và can đảm. Sự điên rồ của việc rao giảng Tin Mừng không thể đi vào những tâm hồn đã bị hư hoại. Tội lỗi có, nhưng không bao giờ hư hoại
 

Ngọc Yến – Vatican

Sáng thứ Bảy, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ cầu nguyện cho những người khuyết tật bị nhiễm Covid-19 và những người đang chăm sóc họ. Đức Thánh Cha nhớ đặc biệt đến họ, vì ngày hôm trước có một nữ tu đang làm công việc dịch thuật ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc gửi thư cho Đức Thánh Cha và kể lại những khó khăn mà các nhân viên, các y tá, bác sĩ đang phải đối diện với những người khuyết tật bị nhiễm Covid-19. Nữ tu cho biết khi những người khuyết tật bị nhiễm virus thì việc phục hồi cho họ trở nên khó khăn hơn. Vì thế, Đức Thánh Cha mời mọi người cầu nguyện cho những người đang chăm sóc người khuyết tật bị nhiễm virus corona và cho chính những người khuyết tật, “những người không có sự khéo léo, kỹ năng như chúng ta”.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha giải thích về thái độ của các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư; cũng như của các Tông đồ trong Bài đọc I trích từ sách Công vụ Tông Đồ.

Can đảm và thẳng thắn: phong cách của người môn đệ

“Khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân, các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư rất ngạc nhiên. Họ không hiểu tại sao những người này lại can đảm và thẳng thắn như thế. Can đảm và mạnh dạn thẳng thắn trở thành phong cách của người rao giảng Tin Mừng. Trong Sách Công vụ Tông Đồ, chúng ta tìm thấy nhiều lần nói về điều này: các Tông đồ giải thích với người Do Thái về mầu nhiệm của Chúa Giêsu một cách mạnh dạn thẳng thắn”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha trích dẫn Thư gửi tín hữu Do Thái để nhắc nhở mọi người cần phải nhớ lại lòng nhiệt thành của những ngày đầu tiên được lãnh nhận Tin Mừng Phục Sinh: “Trong thư gửi tín hữu Do Thái, có một câu tôi rất thích: có một điều gì đó làm cho cộng đoàn tín hữu đi xuống, các Kitô hữu trở nên lạnh nhạt, nguội lạnh; tác giả thư gửi tín hữu Do Thái khuyên: ‘Xin anh chị em nhớ lại những ngày đầu: lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập. Khi thì anh em bị sỉ nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ’”. (Dt 10)

Sau khi trích dẫn đoạn Kinh Thánh trên, Đức Thánh Cha nhắc lại một lần nữa: “Xin anh chị em đừng vứt bỏ sự thẳng thắn mạnh dạn của anh chị em. Chúng ta không thể là Kitô hữu nếu không có sự thẳng thắn, mạnh dạn này: Nếu không có sự thẳng thắn như thế, thì chúng ta không phải là một Kitô hữu tốt. Nếu anh chị em không có can đảm, nếu anh chị em không giải thích lập trường của anh chị em thì anh chị em sẽ rơi vào những ý thức hệ hoặc những giải thích theo kiểu khảo sát trường hợp, anh chị em thiếu sự thẳng thắn, thiếu lối sống như Kitô hữu, thiếu tự do nói, nói tất cả”.

Thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư: nạn nhân của sự thẳng thắn

Các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư là những nạn nhân của sự thẳng thắn này vì họ đã bị đẩy vào chân tường: họ không biết phải làm gì. Thay vì chấp nhận sự thật, con tim họ đã đóng kín và tìm kiếm con đường thỏa hiệp. Họ bị sự thẳng thắn dồn vào đường cùng. Con tim họ đã bị hư hoại.

Tội lỗi có, nhưng không bao giờ hư hoại

“Sự điên rồ của việc rao giảng Tin Mừng không thể đi vào những tâm hồn đã bị hư hoại. Tội lỗi có, nhưng không bao giờ hư hoại. Thánh Phêrô không phải là người can đảm từ khi sinh ra, nhưng điều gì đã xảy ra bây giờ? Can đảm này đến từ đâu? Đến từ hồng ân của Thánh Thần”. Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người “Xin Chúa giúp chúng ta luôn can đảm, không thiếu sự thận trọng nhưng với lòng can đảm Kitô giáo”.