ĐTC Phanxicô (25/4): “Đức tin: hoặc là truyền giáo hoặc không phải là đức tin”

Đức tin: hoặc là truyền giáo hoặc không phải là đức tin. Đức tin không phải là một điều gì đó chỉ dành cho chính tôi, đức tin luôn làm cho anh chị em ra khỏi chính mình, đức tin phải được loan truyền và được trao ban trước hết bằng chứng tá
 

Ngọc Yến – Vatican

Sáng thứ Bảy, lễ Kính Thánh Marcô, tác giả sách Tin Mừng, Đức Thánh Cha bắt đầu Thánh lễ với những lời mời gọi sau: “Hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang thực hiện các dịch vụ tang lễ. Thật đau đớn và rất buồn về điều họ làm. Họ là những người cảm nhận rất rõ nỗi đau của đại dịch”.

Trong phần bải giảng, trước hết Đức Thánh Cha nhắc mọi người nhớ hôm nay là lễ kính Thánh Marcô, một trong bốn Thánh sử, người rất gần gũi với Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha khuyên mọi người hãy dành giờ đọc Tin Mừng này, vì Tin Mừng Marcô là Tin Mừng được viết đầu tiên, một lối viết đơn giản rất gần gũi kể về cuộc đời của Chúa Giêsu.

Tin Mừng lễ kính Thánh Marcô cũng là Tin Mừng do chính Thánh nhân thuật lại, nói về việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho tất cả Israel và mọi người. Đức Thánh Cha giải thích: “Chúa Giêsu lên trời, nhưng trước khi ra đi Chúa hiện ra với nhóm Mười Một và nói: ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo’. Ở đây có tính chất truyền giáo của đức tin. Đức tin: hoặc là truyền giáo hoặc không phải là đức tin. Đức tin không phải là một điều gì đó chỉ dành cho chính tôi, đức tin luôn làm cho anh chị em ra khỏi chính mình, đức tin phải được loan truyền và được trao ban trước hết bằng chứng tá”.

Đức Thánh Cha lưu ý đức tin không chỉ là điều thể hiện trên giấy tờ cá nhân: “Vâng, tôi là một Kitô hữu, một người Công giáo, trong thẻ căn cước tôi là người Công giáo; nhưng đó chỉ về mặt xã hội, là một dữ liệu, một cái gì đó thuộc về văn hóa, nó không phải là đức tin. Đức tin phải làm cho anh chị em ra đi, loan truyền đức tin. Đức tin không thể ở yên. Nhưng điều này không có nghĩa là phải đi xa tới một nơi nào đó, đây chỉ là một phần của loan báo Tin Mừng. Nếu anh chị em có đức tin thực sự anh chị em phải ra khỏi chính mình và sống niềm tin trong xã hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động nơi mọi người bằng đời sống chứng tá phục vụ của anh chị em. Phục vụ là một cách sống đức tin. Nếu tôi nói tôi là Kitô hữu mà tôi sống như một người ngoại đạo thì không được. Điều này chẳng thuyết phục được ai. Nếu tôi nói tôi là một Kitô hữu và tôi sống như một người có niềm tin vào Đức Kitô, thì điều này sẽ lôi cuốn người khác và đó là chứng tá”.

Để làm được điều này, Đức Thánh Cha trở lại Bài đọc I và khuyên mọi người sống những lời của Thánh Phêrô: “Anh chị em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”. Và nhớ rằng Chúa luôn đồng hành với chúng ta, đồng hành với người rao giảng Tin Mừng cho đến tận thế, chúng ta không đơn độc trong hành trình.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời cầu nguyện: “Xin Chúa giúp chúng ta sống đức tin với những cánh cửa rộng mở, một đức tin tinh tuyền, một đức tin gây được sự hiếu kỳ lành mạnh. Và chính điều này sẽ giúp người khác nhận lãnh sứ điệp, một sứ điệp đem lại ơn cứu độ cho họ”.