Đức Cha Allys (Lý), Giám Mục Giáo Phận Huế, Tổ phụ của Dòng Thánh Tâm Huế chúng ta là một nhà truyền giáo nhiệt thành và luôn có tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Tại sao chúng ta có thể nói về ngài như vậy? Thật vậy, đọc lại tiểu sử cuộc đời của Ngài chúng ta có thể khẳng định điều này. Đức Cha Allys được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Pháp quốc, nơi trên thực tế là cực kỳ xa xôi, kỳ lạ, khác xa với đất nước Việt Nam, nhất là với hoàn cảnh lịch sử lúc đương thời của ngài. Xuất thân từ một con người được sinh ra trong một đất nước kinh đô ánh sáng, trung tâm của nền văn minh tân tiến lúc bấy giờ, thì cái tên An Nam (tên gọi của đất nước Việt Nam lúc đó) quả thật là một cái tên vô cùng xa lạ. Thế mà một thanh niên trai trẻ lại dám dấn thân đặt chân đến mảnh đất này để mong đem lại những gì là tốt đẹp nhất cho mọi người. Tinh thần lạc quan ấy được ươm mầm từ đấy và được gìn giữ đến sau này.
Tinh thần đó ắt hẳn phải khởi đi từ một tinh thần mục tử quên mình vì đàn chiên sẵn sàng đi tìm những con chiên bị tản lạc, nó giống như câu châm ngôn mà ngài chọn khi làm Giám mục sau này: “Deligo Omnes” (Tôi Thương mến mọi người). Qua việc vị linh mục trẻ mang tên Eugène Marie Joseph Allys, (cũng chính là vị Sáng Lập dòng chúng ta về sau) sẵn sàng buông bỏ quê hương, mà sẵn sàng bước tới một mảnh đất xa lạ đầy những hiểm nguy, để phục vụ dân bản địa một cách tốt đẹp như vậy, làm sao có thể thiếu đi một tinh thần lạc quan, tín thác trong đó.
Chúng ta có thể tóm tắt tinh thần sống lạc quan yêu đời yêu người trong sự phó thác quan phòng của Chúa bằng đoạn thơ ngắn sau đây:
Cố hương Pháp quốc chào đời Tuổi thơ dâng hiến rạng ngời miền quê Ra đi không hẹn ngày về Hết mình với Huế không hề tiếc thân Vườn hoa ơn gọi ươm trồng Dòng tu phong phú Cha mong giúp đời.
Không chùn bước nhưng với sự phó thác hy vọng vào tương lai, chỉ chịu chức một thời gian ngắn, Cha Allys đã lên đường truyền giáo tại Việt Nam, khi ấy Ngài mới 23 tuổi. Cũng từ đó, Ngài không một lần trở về cố hương Pháp quốc. Đó chính là tinh thần trung thành với giao ước với Thiên Chúa. Có thể nói, hoàn cảnh được sai đi của Đức Cha lúc bấy giờ cũng không khác gì hoàn cảnh của Tổ phụ Abraham, và ông Môsê. Tất cả các ngài đều đã bước đi, dù không biết mình sẽ đi đâu. Nói cách khác, các ngài đều bước đi trong sự vâng phục, phó thác, và yêu mến Thiên Chúa. Nếu đặt hoàn cảnh trên đối với một trong số tu sĩ chúng ta hiện nay, với những khó khăn thử thách như thế, chúng ta có dám mạo hiểm dấn thân như vậy hay không?
Các trọng trách được đặt lên vai Đức Cha, nhưng bằng tinh thần lạc quan, tin vào Đấng mà ngài yêu mến là Thiên Chúa, ngài đã lướt thắng tất cả. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong nhiều trường hợp. Khi mà ngài được giao nhiệm xây dựng Đại Chủng Viện mới tại Kim Long, làm cha phó xứ Dương Sơn, vị thừa sai trẻ Allys, bằng sự học hỏi, nắm bắt và hấp thụ được phong tục tập quán bản xứ, đã chu toàn được mọi công việc của giáo xứ, giáo phận. Đặc biệt là trong thời kỳ Văn Thân tổ chức giết hại đạo ở một số giáo xứ xa kinh đô (như Dương Sơn) bị đe dọa, dù ở trong hoàn cảnh éo le như vậy nhưng ngài vẫn sống tinh thần lạc quan, dầu có được gọi về Tòa giám mục nhưng cha Allys (Lý) xin ở lại để chấn an tinh thần các con chiên để gieo niềm tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa nơi họ. Về nhiều giai đoạn sau này cũng vậy tinh thần sống trong hy vọng vẫn khắc sâu trong ngài, nhất là khi ngài được đặt làm Tuyên uý quân đội Pháp tại Huế, trước cảnh chiến tranh đầy dẫy nguy hiểm, phải chứng kiến những cảnh tàn sát và bắt bớ ở nhiều nơi tại Quảng Trị, Quảng Bình nhưng ngài vẫn lạc quan về một tương lai xán lạn hơn cho người dân. Ngài những muốn mọi người được trở lại cuộc sống yên bình, do vậy ngài sẵn sàng ra Quảng Trị để thị sát tình hình rồi trở về Huế phúc trình Đức Cha, ngõ hầu có thể mang đến sự giúp đỡ cho các tín hũu để họ vượt qua những hoàn cảnh đau thương mất mát của chiến tranh.
Quả thật, nếu không sống tinh thần lạc quan tin tưởng và hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa, thì làm sao mà từ khoảng 500 tín hữu trong hạt Phủ Cam ban đầu mà sau 23 năm phục vụ, ngài có thể đưa con số tín hữu đó lên đến con số 11 ngàn! Những điểm son đặc biệt trong đời giám mục của Đức cha Allys thật khó mà kể đến như: quan tâm đến lương dân, người tân tòng, những trẻ em mồ côi, người bệnh tật, thành lập các giáo xứ, xây dựng nhà nguyện, đào tạo các thầy giảng và hàng giáo sĩ bản quốc, đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ về đức tin và văn hóa, xây dựng Đền thờ Đức Mẹ La vang, bảo trợ việc thành lập đan viện nam, đan viện nữ, mời các cha dòng Chúa Cứu Thế đến mục vụ tại Huế, sống đời sống cầu nguyện và hy sinh…
Chúng ta không thể kể hết những công lao to lớn của Đức Cha, nhưng điều hàm chứa trong các công lao đó là ý hướng của ngài trọn vẹn trong phục vụ. Đó là một tinh thần sống đầy sự hy vọng, lạc quan, phó thác, tin tưởng hết mực vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Tinh thần sống yêu Chúa, yêu người, và yêu đời, với sự lạc quan tinh tế như vậy của Đấng Sáng Lập Dòng chúng ta chính là tấm gương sáng ngời để mỗi anh em tu sĩ học hỏi và bắt chước. Sự phục vụ trong tinh thần quan của Đức Cha là mẫu gương cho các tu sĩ Thánh Tâm, những người con qua bao thế hệ, học đòi và bắt chước. Vì nơi chính tâm hồn của ngài, chúng ta nhìn thấy dáng vẻ và dung mạo của Đức Kitô, Đấng là mẫu gương tuyệt hảo của tất cả mọi người.