Đức Cha Tổ Phụ Joseph Allys (Lý), Con Người Của Lòng Tin Và Dấn Thân Phục Vụ
Đối với anh em trong Gia đình Thánh Tâm, tháng Tư là tháng nhắc nhớ mỗi thành viên về biến cố Đức Cha Tổ Phụ Eugene Marie Joseph Allys (Lý) kết thúc sứ mạng tại thế, để trở về với Thiên Chúa là cội nguồi và cùng đích của mình. Hôm nay, chúng ta dâng thánh lễ giỗ lần thứ 85 của Đức Cha Tổ Phụ Eugène Marie Joseph Allys.
Đọc lại những trang sử về cuộc đời Đức Cha Tổ Phụ, người đọc nhận thấy hai điểm nổi bật hơn cả đó là: (1) Đức Cha Tổ Phụ, con người của lòng tin; (2) Đức Cha Allys, con người của dấn thân phục vụ
1. Đức Cha Tổ Phụ, con người của lòng tin
Ngay từ những ngày đầu của thời niên thiếu, được hấp thụ lòng đạo đức của cha mẹ, cậu Allys sớm biết được có Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Nhờ đó, cậu Allys luôn nỗ lực chăm chỉ học tập, chăm ngoan để làm đẹp lòng Chúa.
Quả vậy, lòng tin vào Chúa của cậu Allys mỗi ngày một lớn lên từ những ngày đầu học tại trường Paimtpont, đến Tiểu Chủng Viện Saint Méen, đến Đại Chủng Viện Rennes, và Đại chủng viện Thừa Sai Paris.
Lòng tin ấy nơi Thầy Allys lớn mạnh đến nỗi ngài sẵn sàng đáp lại tiếng mời gọi của Chúa trong tác vụ linh mục 10.10.1875. Để rồi khoảng hai tháng sau, (16.12.1875) Cha Allys đã đến Việt Nam để truyền giáo khi mới chỉ 23 xuân xanh.
Khi nhìn lại biến cố dấn thân ra đi này, chúng ta mới thấy được lòng tin, sự phó thác của Cha vào Thiên Chúa lớn cỡ nào. Ngài tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa không nghi nan như Tổ phụ Abraham đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Có thể nói, chỉ vì tin vào Thiên Chúa, chỉ vì tin có Thiên Chúa luôn đồng hành với mình, mà Đức Cha Tổ Phụ mới dám bỏ quê hương xứ sở, gia đình,… bỏ kinh đô hoa lệ, bỏ sự tiện nghi để đến với vùng Đông Dương, cụ thể là Miền Trung Việt Nam xa lạ, quê mùa, đầy thiếu thốn, và nhiều khó khăn: chính trị rối ren, kinh tế thì lạc hậu, ngôn ngữ thì mới mẻ…Tất cả những khó khăn ấy không làm cho Đức Cha lo sợ nhưng càng gắn bó, càng tin tưởng, càng phó thác vào Chúa hơn.
Sức mạnh ấy, Đức Cha có được là nhờ việc cầu nguyện và chầu Thánh Thể mỗi ngày và lâu giờ. Chính Đức Hồng Y Fumasoni – Biondi đã rất cảm phục ghi lại những lời tâm sự của Đức Cha Allys trong những năm hưu dưỡng được đăng trên tạp chí Bulletin MEP năm 1932: “Từ nay cuộc sống tôi tóm lại trong cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể, tôi khuyên các cha cũng vậy, dùng đến phương thế đó”.
2. Đức Cha Allys, con người của dấn thân phục vụ
a. Mau mắn lên đường
Phải chăng Đức Cha đã cảm nghiệm được câu kinh thánh “Ai vui vẻ dâng hiến thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7) mà ngài đã mau mắn lên đường, để đến với miền đất truyền giáo xa xôi. Không tính toán. Không nề gian nan khổ cực. Và có lẽ, Đức Cha cũng bắt gặp được cảm hứng từ các tông đồ đầu tiên của Đức Giêsu trước lời mời gọi đi theo Ngài năm xưa. “Đức Giêsu gọi Phêrô và Anrê: Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. Đi một quãng nữa, Đức Giêsu thấy và gọi Giacôbê và Gioan con ông Dêbêđê. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.” (Mt 4,18-22)
b. Dấn thân phục vụ trong việc mở mang Nước Chúa
Khi được hỏi đâu là điểm son mà Đức Cha Allys để lại thì nhiều người con giáo phận sẽ trả lời là: Điểm son trong đời Đức Cha Allys là miệt mài loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi. Quả thật như vậy, khi Đức Cha Tổ Phụ về với miền đất miền trung xứ Huế, số tín hữu nơi đây rất ít. Số giáo xứ cũng thưa thớt.
Cha Allys đẩy mạnh công tác truyền bá Tin Mừng trong giáo xứ và trong Giáo Hạt được giao phó. Ngài tìm cách đem lại sức sống cho giáo dân và các giáo xứ. Với nỗ lực đó, ngài đã gặt hái được những thành quả đáng kể. Ngài đã biến Phủ Cam thành giáo xứ sầm uất đạo đức bậc nhất trong giáo phận, từ 500 lên 2400 giáo dân sau 23 năm làm cha sở; và đưa Hạt Bên Thủy lên con số cao kỷ lục là 11.000 tín hữu.
Công việc này càng được đẩy mạnh hơn khi ngài làm Giám mục. Ngài quan tâm chăm sóc những người đạo mới. Ngài khuyến khích các linh mục đi đến với lương dân, thành lập các giáo xứ mới và xây dựng nhà nguyện.
Và cũng với 23 năm coi sóc giáo phận Huế, ngài đã đem về cho Giáo Hội 37.000 dự tòng. Đây là thành quả ngoài sức tưởng tượng.
Điều này, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã ca ngợi trong thư gửi mừng Ngân Khánh Giám mục của Ngài, ngày 29.4.1933: “Quả thực, không người nào mà không biết Đức Cha đã miệt mài trong công việc tông đồ với lòng nhiệt thành và hăng say thế nào…”.
c. Ưu tư cho thanh thiếu niên
Là một nhà Truyền giáo giàu nhiệt huyết, ngài luôn canh cánh bên lòng nỗi ưu tư về lớp trẻ cần được giáo dục trong đức tin và thăng tiến về văn hóa.
Vốn là con người xuất thân trong gia đình nghèo. Nên Cha Allys dễ đồng cảm được với sự thiếu thốn, sự khó khăn của các trẻ em nghèo. Cha lại càng được đánh động nhiều hơn nữa, khi phục vụ các trẻ mồ côi trong viện Dục Anh.
Ngài cũng cảm thấy đau lòng khi các con em mình được giáo dục dưới một mái trường thuần túy đời.
Trong ưu tư thao thức ấy, cùng với sự thúc bách của Chúa Thánh Thần, Đức Cha Tổ Phụ đã sinh ra Dòng Thánh Tâm Huế chúng ta. Điều mà Đức Cha kỳ vọng rằng người con của mình sẽ tiếp nối ưu tư, và khát vọng được phục vụ cho các thanh thiếu niên. Ngõ hầu tất cả được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo và qua đó thăng tiến phẩm giá con người.
Khi tưởng nhớ ngày Đức Cha Tổ Phụ về với Chúa, là dịp chúng ta mừng sinh nhật trên Trời của ngài. Là mỗi người con của Đức Cha, chúng ta được mời gọi noi gương Đức Cha Tổ Phụ về lòng tin vào Thiên Chúa cũng như trong việc dấn thân phục vụ tha nhân. Sẵn sàng ra đi đến với con người vùng ngoại biên, ra khỏi không gian tiện nghi đến với con người nghèo khổ, ra khỏi môi trường xum tụ đến với những vùng cô quạnh, để thông truyền tình yêu của Thiên Chúa đến với những người nghèo khó…nhất là với thanh thiếu niên trong thời đại của chúng ta hôm nay.