LỜI CHÚ: Lc 1, 28-38
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
SUY NIỆM
Khi Sứ thần Gabriel đến truyền tin, Mẹ Maria, một thôn nữ vô danh nơi làng quê hẻo lánh Nazareth đã khiêm nhường thưa lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời thưa ấy không chỉ là câu trả lời cho một biến cố bất ngờ, nhưng là kết tinh của cả một đời sống nội tâm sâu xa, lắng nghe, và chuẩn bị trong thinh lặng. Trong giây phút định mệnh ấy, Mẹ không tìm cách hiểu hết tương lai, không đòi hỏi bảo đảm, không mặc cả với Thiên Chúa. Mẹ chỉ đơn sơ nhận biết mình là “nữ tỳ hèn mọn”, một người nhỏ bé hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Ý.
Đó là một lời “xin vâng” được phát xuất từ chiều sâu đức tin, từ một đời sống khiêm tốn đã được hun đúc qua từng ngày sống trong lặng lẽ, phục vụ, cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Mẹ không đón nhận sứ mạng bằng cảm xúc bốc đồng, mà bằng sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Mẹ không được chuẩn bị bằng những vũ khí của thế gian, nhưng bằng một tâm hồn nghèo khó thiêng liêng, hoàn toàn rộng mở cho Thiên Chúa, giống như “đất tốt” sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời.
Sự khiêm nhường của Mẹ không phải là sự hạ mình giả tạo hay tự ti tiêu cực, nhưng là một thái độ sống chân thực trước Thiên Chúa, nhận ra mình là ai, và ai là Đấng làm chủ đời mình. Mẹ hiểu rằng mọi điều mình có từ thân xác, tâm hồn, đến sứ mạng làm Mẹ Đấng Cứu Thế đều là ân huệ nhưng không. Chính vì thế, Mẹ không bao giờ chiếm chỗ, không tự đặt mình vào trung tâm, dù lẽ ra Mẹ có thể làm điều ấy một cách chính đáng.
Trong Mẹ, khiêm nhường và tình yêu kết hợp mật thiết như một đôi cánh nâng tâm hồn vươn đến Thiên Chúa. Khiêm nhường giúp Mẹ không khép kín trong cái tôi, mà mở ra hoàn toàn cho Chúa và cho tha nhân. Chính vì Mẹ không đặt mình làm trung tâm, nên Thiên Chúa có thể làm nơi Mẹ những điều kỳ diệu: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (Lc 1,49). Chính Thiên Chúa nâng cao kẻ khiêm nhường, và chính nhờ sự khiêm hạ sâu thẳm, Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa.
Sự khiêm nhường ấy được thể hiện liên lỉ trong suốt hành trình đời Mẹ. Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, Mẹ âm thầm dõi theo, cầu nguyện, nâng đỡ, và lui về sau để Con mình được tỏa sáng. Mẹ không xuất hiện nhiều trên các trang Tin Mừng, nhưng mỗi lần xuất hiện đều mang dấu ấn của một người sống sâu sắc với Thiên Chúa và luôn hành động một cách kín đáo nhưng quyết liệt vì tình yêu.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ can thiệp một cách tế nhị, không nhằm thu hút sự chú ý về mình, nhưng chỉ để hướng người khác đến với Chúa Giêsu: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Câu nói ấy tựa như một tấm gương phản chiếu cả đời sống nội tâm của Mẹ là luôn hướng về Chúa và dẫn người khác đến với Người, không cản trở, không xen vào, không tìm vinh quang riêng.
Ngay cả dưới chân Thập Giá, nơi đau đớn và uẩn khúc nhất của hành trình đức tin, Mẹ vẫn đứng đó, không nói gì, không than phiền, không hoài nghi. Chỉ đơn giản hiện diện. Sự hiện diện ấy là đỉnh cao của một đời hiến dâng âm thầm và trung thành. Trong thinh lặng ấy, Mẹ tiếp tục sống tinh thần “xin vâng” trong bóng tối của đau khổ, của sự không hiểu, để Thiên Chúa có thể hoàn tất công trình cứu độ qua cái chết và phục sinh của Con Mẹ.
Nhờ chính sự khiêm nhường sâu thẳm này, Mẹ Maria trở nên khuôn mẫu hoàn hảo cho mỗi người chúng ta. Trong một thế giới ồn ào, đầy tranh đua và khát vọng được nhìn nhận, Mẹ dạy chúng ta sống ẩn mình nhưng không vô danh, sống bé nhỏ nhưng không tầm thường. Khiêm nhường không làm giảm giá trị con người, trái lại, nâng cao phẩm giá đích thực khi chúng ta biết sống đúng vị trí của mình trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Người khiêm nhường không bị hòa tan trong đám đông, nhưng tỏa sáng bằng chính sự thinh lặng, phục vụ, và lòng trung tín.
Khiêm nhường cũng là nền tảng vững chắc để sống đức tin. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra sự bất toàn của mình, chúng ta mới có thể để Thiên Chúa bước vào và hành động trong cuộc đời chúng ta. Mẹ Maria đã sống như thế và nhờ đó, Mẹ trở nên người cộng tác tuyệt hảo trong công trình cứu độ. Ngày nay, Mẹ vẫn tiếp tục là Đấng đồng hành với Giáo Hội và với từng người con, không bằng quyền lực hay áp đặt, mà bằng sự hiện diện dịu hiền của một người Mẹ khiêm nhu.
Đối với người sống đời thánh hiến, nhân đức khiêm nhường của Mẹ Maria lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn. Khiêm nhường không chỉ là một thái độ đạo đức, nhưng là nền tảng của đời sống kết hiệp với Thiên Chúa và phục vụ tha nhân cách vô vị lợi. Khiêm nhường giúp chúng ta không tìm mình trong sứ vụ, không đóng khung Thiên Chúa trong kế hoạch của chúng ta, nhưng luôn mở ra với ơn Chúa trong từng phút giây.
Ước gì mỗi chúng ta học lấy nơi Mẹ tinh thần khiêm hạ ấy, để giữa muôn thử thách và chọn lựa, chúng ta luôn biết thưa “xin vâng” với niềm tín thác, để Chúa được lớn lên trong chúng ta, và qua chúng ta, đến với người khác. Như Mẹ, chúng ta được mời gọi sống ẩn mình trong ý muốn của Thiên Chúa, để chính Ngài tỏ hiện vinh quang qua những điều đơn sơ nhất của đời mình.
SỐNG KHIÊM NHƯỜNG NHƯ MẸ MARIA
Nếu nơi Mẹ Maria, khiêm nhường không phải là sự tự ti hay né tránh trách nhiệm, thì cũng không bao giờ tách rời khỏi lòng tín thác vào Thiên Chúa. Ngay từ giây phút thưa tiếng “Xin Vâng”, Mẹ đã chọn sống như một nữ tỳ, không nắm giữ quyền hành nào, không tìm cách hiểu hết mọi điều, nhưng hoàn toàn phó thác vào Đấng đã kêu gọi Mẹ. Sự khiêm nhường ấy không làm Mẹ trở nên vô danh, mà lại nâng Mẹ lên địa vị cao cả nhất trong lịch sử cứu độ, nhưng Mẹ vẫn luôn ẩn mình, để Thiên Chúa được tôn vinh trọn vẹn. Vì vậy, chúng ta hãy:
(1) Bắt đầu ngày sống với một tâm thế khiêm tốn: Trước khi làm bất cứ điều gì, hãy nhắc nhở mình rằng: “Mọi sự là bởi ơn Chúa mà tôi làm được” (x. 1Cr 15,10). Khiêm nhường là biết mình không phải là trung tâm, không là người nắm quyền quyết định cuối cùng, nhưng là người được sai đi. Như Mẹ Maria, chúng ta bắt đầu ngày sống bằng lời “xin vâng” trong lặng lẽ, với sự nhận biết rằng mình chỉ là khí cụ nhỏ bé trong tay Thiên Chúa. Một lời nguyện thầm: “Lạy Chúa, xin hãy sử dụng con theo ý Chúa” chính là bước khởi đầu của một ngày sống trong khiêm tốn.
(2) Khiêm nhường trong những việc nhỏ hằng ngày: Mẹ Maria đã không làm những điều vĩ đại bên ngoài, nhưng đã chu toàn những việc âm thầm nhất, từ việc giặt áo, nấu cơm, chăm sóc Thánh Giuse và Chúa Giêsu bằng tình yêu và lòng trung tín. Khiêm nhường không phải là rút lui khỏi đời sống, nhưng là chọn sống từng việc nhỏ với lòng mến lớn. Chúng ta sống khiêm nhường khi không cần ai công nhận, không tìm được chú ý, nhưng vẫn làm điều tốt với tất cả trách nhiệm và tình yêu.
(3) Khiêm nhường khi đối diện với những điều không hiểu được: Mẹ Maria đã không hiểu trọn lời sứ thần, đã không biết hết hành trình tương lai, nhưng vẫn thưa “xin vâng”. Mẹ không chất vấn Thiên Chúa bằng nghi ngờ, nhưng phó thác bằng đức tin. Chúng ta cũng vậy, khi đối diện với những điều vượt ngoài lý trí như bệnh tật, hiểu lầm, thất bại, … hãy chọn giữ lòng khiêm tốn mà không nổi loạn, chọn tin rằng “ý Chúa nhiệm mầu nhưng luôn tốt lành”, và sẵn sàng bước đi trong đêm tối với một niềm tin đơn sơ.
(4) Khiêm nhường trong tương quan với tha nhân: Mẹ Maria không đòi hỏi ai phải hiểu mình, không phản kháng dù bị hiểu lầm, không kể công dù đã góp phần lớn trong chương trình cứu độ. Khiêm nhường là biết lắng nghe hơn là tranh luận, là nhận lỗi hơn là đổ lỗi, là nhường chỗ hơn là tranh chỗ. Một người sống khiêm tốn sẽ không cần người khác phải khen, nhưng luôn biết khen người khác cách chân thành. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn được giải thoát khỏi cái tôi.
(5) Khiêm nhường là biết để người khác tỏa sáng: Mẹ Maria lui về sau để Chúa Giêsu được lớn lên. Tại Cana, Mẹ không giành lấy ánh sáng cho mình, nhưng âm thầm hướng người khác đến với Con Mẹ: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Chúng ta cũng vậy, khi sống trong cộng đoàn, trong sứ vụ, hãy học cách vui mừng vì thành công của người khác, biết cổ vũ và nâng đỡ anh chị em, thay vì so sánh hay cạnh tranh. Khiêm nhường là niềm vui khi thấy người khác được lớn lên.
(6) Khiêm nhường như một sứ mạng yêu thương: Mẹ Maria là mẫu gương của sự khiêm nhường sâu thẳm, và cũng là người đem lại hy vọng cho những ai yếu đuối, bị loại trừ hay thất vọng. Mẹ không xét đoán ai, không rao giảng cách cao đạo, nhưng hiện diện dịu dàng để nâng đỡ và đồng hành. Sống khiêm nhường như Mẹ là trở nên người thấu cảm, không lên án, không hơn thua, nhưng biết cúi xuống để phục vụ, biết nhìn người khác bằng ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa.
Như vậy, sống khiêm nhường như Mẹ Maria là sống thật với chính mình, không che giấu những giới hạn, không tô vẽ bản thân, nhưng phó thác vào tình yêu Thiên Chúa. Khiêm nhường không làm chúng ta nhỏ đi, nhưng là nền tảng để Thiên Chúa có thể hành động trong chúng ta. Đó không chỉ là một nhân đức, mà là một lối sống, sống để tôn vinh Chúa, chứ không để tìm vinh quang cho mình.
Cùng với Mẹ, chúng ta hãy xin ơn được trở nên những người khiêm tốn trong tâm hồn, trong lời nói, trong cách sống để nhờ đó, Thiên Chúa có thể lớn lên trong chúng ta, và qua chúng ta, Người có thể đến với những tâm hồn khác đang khát khao một tình yêu thật, một ánh sáng thật. Và chính lúc ấy, đời sống của chúng ta sẽ trở thành khí cụ sống động cho một thế giới đầy kiêu ngạo đang mòn mỏi tìm lại sự khiêm nhu của tình yêu đích thật.
NGUYỆN CẦU VỚI MẸ MARIA
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Khiêm Nhường và Hiền Lành, con đến với Mẹ trong thinh lặng của tâm hồn, nơi chỉ có Mẹ và con cùng hiện diện trước Thiên Chúa. Mẹ đã sống một cuộc đời ẩn dật, không tìm kiếm vinh quang, chỉ lặng lẽ thưa “Xin Vâng” và để Thiên Chúa làm chủ đời mình.
Xin Mẹ dạy con biết quên mình như Mẹ, để không sống theo cái tôi kiêu căng, không tìm tiếng khen hay chỗ đứng, nhưng biết vui với điều âm thầm, trung tín trong việc nhỏ,và hân hoan khi người khác được nâng cao.
Xin cho con một trái tim mềm mại, không chống trả, một ánh mắt hiền lành trước bất công, một nụ cười khi bị hiểu lầm, và một đôi tay biết phục vụ trong âm thầm không tính toán.
Lạy Mẹ Maria Khiêm Nhường, xin dẫn con đến gần Chúa Giêsu hơn – Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Xin Mẹ nhắc con rằng: Giá trị thật không nằm trong điều con làm được, mà trong tình yêu con để Chúa đổ đầy. Xin Mẹ gìn giữ tâm hồn con trong sự nhỏ bé, để con luôn cần đến Chúa, và để người khác thấy Chúa nơi con.
Lạy Mẹ Maria dịu hiền, xin cầu cho con biết chọn phần bé nhỏ, để lòng con được an vui trong chính chỗ đứng của mình, nơi Chúa muốn con hiện diện – dù là nơi âm thầm nhất. Xin Mẹ uốn lòng con theo tinh thần Phúc Âm, để con không sống theo lối thế gian, nhưng theo con đường nghèo khó, đơn sơ và tin tưởng của Mẹ. Con xin phó thác mình cho Mẹ, xin Mẹ dìu dắt con sống từng ngày với lòng khiêm nhường đích thực, để trở nên khí cụ bình an và tình yêu của Chúa giữa trần gian. Amen.
KINH DÂNG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, con xin dâng lên Chúa ngày sống hôm nay, với tất cả những gì con sẽ nghĩ, nói, làm và chịu. Xin cho từng giây phút con sống hôm nay được thấm đẫm tinh thần khiêm nhường của Chúa. Xin giúp con biết bắt đầu ngày mới không bằng ý riêng mình, nhưng bằng lòng phó thác và niềm tin tưởng vào Chúa. Xin cho con biết chấp nhận chính mình với những giới hạn, biết vui trong phần nhỏ bé được trao, và trung thành sống trọn vẹn bổn phận hằng ngày.
Lạy Chúa Giêsu nhân hiền, xin dạy con im lặng khi muốn biện minh, hiền lành khi bị hiểu lầm, và vui vẻ khi không được nhìn nhận. Xin cho con biết nhường chỗ cho người khác, biết lui lại để người khác tiến lên, biết cúi xuống để yêu thương và phục vụ. Xin dạy con yêu mến những điều âm thầm, không tìm vinh quang cho bản thân, nhưng chỉ mong Chúa được lớn lên trong cuộc đời con. Xin ban cho con đôi mắt khiêm nhu để nhìn tha nhân bằng lòng kính trọng, một tâm hồn đơn sơ để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố.
Lạy Chúa Giêsu của con, ngày sống hôm nay là quà tặng của Chúa, xin cho con sống từng phút giây trong sự khiêm tốn, hiền lành và tin tưởng. Cùng với Mẹ Maria, Người Nữ Khiêm Nhường, con xin dâng tất cả cho Chúa, để ngày sống này trở thành lời ngợi khen âm thầm và là bước chân nhẹ nhàng trong tình yêu. Amen.
MẸ LẶNG THẦM BÊN TÔI
Tháng Năm – Tháng Kính Đức Mẹ Maria
Tác giả: Paulthem, CSC
Bài viết liên quan
Ngày 11: Đức Maria – Người Nữ Của Niềm Hy Vọng
ĐỨC MARIA – NGƯỜI NỮ CỦA NIỀM HY VỌNG LỜI CHÚA” Luca 1,39-56 Hồi ấy,...
Ngày 10: Đức maria – Người nữ của tình yêu cứu độ
Cùng với Mẹ, chúng ta hãy xin ơn được trở nên khí cụ của tình...
Ngày 9: Đức Maria – Người nữ của sự bình an
Nếu nơi Mẹ Maria, bình an không phải là sự vắng bóng đau khổ, thì...
Ngày 8: Đức Maria – Người nữ của sự phục vụ
Nếu Mẹ Maria đã sống đức tin bằng cách hiến dâng cả cuộc đời mình...
Ngày 7: Đức Maria – Người Nữ Của Tình Yêu Hy Sinh
Đỉnh cao của tình yêu hy sinh nơi Mẹ Maria chính là giây phút Mẹ...
Ngày 6: Đức Maria – Người Nữ Của Sự Khó Nghèo
Mẹ Maria là người nữ tuyệt vời nhất sống trọn vẹn mối phúc đầu tiên...