Đức Thánh cha: Với Chúa, không có đêm tối nào mà ta không thể đương đầu được

Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật 26/4/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trực tuyến, từ thư viện dinh Tông Tòa.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, Đức Thánh cha giải thích cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus rồi áp dụng vào cuộc sống cụ thể của các tín hữu.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng Chúa nhật hôm nay, được đặt trong bối cảnh ngày Phục sinh, thuật lại giai thoại nổi tiếng về hai môn đệ trên đường tiến về làng Emmaus (Xc 24,13-35). Đây là một câu chuyện khởi sự và kết thúc trên đường. Thực vậy, chuyến đi của hai môn đệ buồn sầu vì sự kết thúc vụ Chúa Giêsu. Họ rời thành Jerusalem và trở về nhà ở Emmaus, đi bộ trên quãng đường dài khoảng 11 cây số. Đó là một cuộc hành trình diễn ra ban ngày, phần lớn là con đường xuống dốc. Và chuyến về lại Jerusalem sau đó cũng dài 11 cây số nhưng vào lúc chiều tối, với đoạn đường lên dốc, sau những vất vả trong chuyến đi. Hai hành trình: một chuyến đi dễ dàng ban ngày và chuyến về vất vả ban đêm. Nhưng chuyến đi diễn ra trong u sầu, chuyến về trong hân hoan. Trong chuyến thứ nhất, có Chúa đồng hành cạnh hai môn đệ, nhưng họ không nhận ra Ngài; trong chuyến về, họ không còn thấy Chúa nữa, nhưng cảm thấy Ngài ở cạnh, gần gũi. Trong chuyến đi, họ buồn sầu và không còn hy vọng; trong chuyến về, họ chạy nhanh, mang cho người khác tin vui về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục sinh.

Ý nghĩa hai thái độ khác nhau của hai chuyến đi – về

Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Hai con đường khác nhau của các môn đệ đầu tiên ấy nói với chúng ta, các môn đệ ngày nay của Chúa Giêsu, rằng trong cuộc sống chúng ta có hai hướng đi trái ngược nhau: có con đường của những người, giống như hai môn đệ trong chuyến đi, để cho mình bị tê liệt vì những thất vọng trong cuộc sống và tiến bước trong u sầu; và có con đường của người không đặt bản thân với các vấn đề của mình ở chỗ thứ nhất, nhưng đặt Chúa Giêsu Đấng viếng thăm chúng ta, và các anh chị em đang chờ đợi cuộc viếng thăm của Chúa. Và thế là có sự đảo lộn: ngưng quĩ đạo xoay quanh cái tôi, những thất vọng trong quá khứ, những lý tưởng không thực hiện được, và tiến bước, nhìn đến thực tại lớn hơn và chân thực hơn của cuộc sống: đó là Chúa Giêsu hằng sống, Ngài thương yêu tôi.

Sự đi ngược lại ở đây là: tiến từ những tư tưởng về cái tôi đến thực tại Thiên Chúa của tôi; nói theo kiểu chơi chữ là tiến từ “se” tới “sì”, từ “giả sử” đến “đúng vậy”. Từ giả sử: “Giả sử Chúa đã giải thoát chúng ta, giả sử Thiên Chúa đã nghe tôi, giả sử cuộc sống đã diễn ra như tôi muốn, giả sử tôi được điều này và điều kia…”. Đó là những “giả sử” của chúng ta, giống như những giả sử của hai môn đệ. Nhưng họ đã tiến sang thái độ “sì”: “Đúng vậy, Chúa đang sống, đang đồng hành với chúng ta. Đúng vậy, hiện giờ, chứ không phải ngày mai, chúng ta lên đường để loan báo Chúa”.

Cách đổi hướng: từ cái tôi đến Thiên Chúa

Làm thế nào để có sự đổi bước, từ cái tôi đến Thiên Chúa, từ giả sử đến đúng vậy, xảy ra được? Thưa, bằng cách gặp Chúa Giêsu. Hai môn đệ làng Emmaus, trước tiên đã mở lòng cho Chúa; rồi họ lắng nghe Ngài giải thích Kinh thánh; tiếp đến, họ mời Ngài về nhà. Đó là ba giai đoạn chúng ta cũng có thể thực hiện trong nhà chúng ta: trước tiên là mở lòng cho Chúa Giêsu, tỏ bày với Ngài những gánh nặng, những cơ cực, những thất vọng trong cuộc sống; thứ hai là lắng nghe Chúa Giêsu, cầm sách Tin mừng lên, ngày hôm nay đọc lại cùng đoạn thứ 24 trong Tin mừng theo thánh Luca; thứ ba là cầu nguyện với Chúa Giêsu, bằng cùng những lời của hai môn đệ: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” (v.29): ở lại với tất cả chúng con, vì chúng con đang cần Chúa để tìm thấy con đường”.

Anh chị em thân mến, trong cuộc sống, chúng ta luôn tiến bước. Và chúng ta trở thành điều mà chúng ta đang đi tới. Chúng ta hãy chọn con đường của Thiên Chúa, chứ đừng chọn con đường của cái tôi; con đường “đúng vậy”, chứ không phải con đường “giả sử”. Chúng ta sẽ khám phá thấy rằng với Chúa, không có sự bất ngờ, không có lên dốc, không có đêm tối nào mà ta không thể đương đầu được.

Và Đức Thánh cha kết luận với lời khẩn nguyện: “Lạy Mẹ Maria là Mẹ lữ hành, khi đón nhận Lời Chúa, Mẹ đã biến trọn cuộc sống của Mẹ thành một lời “xin vâng” đối với Thiên Chúa; xin Mẹ chỉ đường cho chúng con.”

Nhắn nhủ và mời gọi

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói thêm rằng:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua (25/4) là Ngày Thế giới của Liên Hiệp Quốc chống bệnh sốt rét ngã nước. Trong khi chúng ta chiến đấu chống đại dịch coronavirus, chúng ta cũng phải tiếp tục dấn thân phòng ngừa và chữa trị bệnh sốt rét ngã nước, đang đe dọa hàng tỷ người tại nhiều nước. Tôi gần gũi tất cả các bệnh nhân, những người săn sóc họ, và những người đang làm việc để mỗi người được các dịch vụ y tế cơ bản.

Hôm nay, tại Roma, chúng ta cử hành Ngày Đại học Công giáo Thánh Tâm. Ngày này năm nay có chủ đề là: “Đồng minh cho tương lai”. Cùng với Hội đồng Giám mục Italia, tôi mời gọi hỗ trợ đại học này, đang tìm cách liên kết nghiên cứu khoa học với việc huấn luyện toàn diện con người.

Tôi cũng gởi lời chào thăm tất cả những người hôm nay đang tham dự “Cuộc đọc Kinh thánh toàn quốc”. Và Đức Thánh cha nhắc lại lời khuyên ngài đã nói nhiều lần: khuyến khích các tín hữu mỗi ngày đọc một đoạn Kinh thánh.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: Trong vài ngày nữa, sẽ bắt đầu tháng Năm, là tháng được đặc biệt dành để kính Đức Mẹ. Qua lá thư ngắn, công bố hôm thứ bảy, 25/4/2020, tôi đã mời gọi tất cả các tín hữu đọc kinh Mân côi trong tháng Năm tới đây, cùng với hai kinh mà tôi gửi đến tất cả mọi người. Đức Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta đương đầu, trong niềm tin tưởng và hy vọng, đối với thời kỳ thử thách chúng ta đang trải qua.

Tôi cầu chúc tất cả mọi người một Chúa nhật tốt đẹp, và xin anh chị em đừng quên xin cầu nguyện cho tôi.