Đừng quên Chúa đang “ngủ” trên thuyền đời của bạn

Hành trình cuộc đời của mỗi người nơi trần gian có thể được ví như một con thuyền đi trên biển cả và chứa đầy những cơn sóng: sóng nhỏ, sóng to, và cường độ mạnh nhất thì người ta gọi là sóng thần. Hơn nữa, những cơn sóng to thường đi kèm với những trận giông tố lớn và đây chính là điều thử thách tay lái của các thủy thủ và độ bền bỉ của con thuyền. Nếu con thuyền ra khơi phải đối mặt với những cơn sóng nước dữ dằn của biển lớn, thì “con thuyền đời” của mỗi người cũng không thể tránh khỏi những va đập của gian khó, sự dữ ngang qua “hành trình biển đời” của trần gian

Trong khi cuộc sống con người đang êm trôi, đại dịch Covid-19 đột nhiên xuất hiện đã tạo nên một “đợt sóng” mạnh đe dọa thuyền đời của mỗi người. Con Virus Corona tuy rất nhỏ bé, nhưng đã làm đảo lộn cả nhân loại. Hơn bao giờ, với những người đã quá cậy dựa, đã xem vật chất, đã đặt khoa học lên vị trí độc tôn, thì nay họ mới ngỡ ngàng và bấn loạn khi nhận ra sự yếu đuối, mỏng manh của phận người. Trước hoàn cảnh như thế, nhiều người đã nỗ lực chứng tỏ mình là một “tay lái kỳ cựu”, có thể đưa con thuyền vượt qua đợt sóng này. Điều này được thể hiện bằng những sáng kiến cá nhân của họ được cộng đồng ghi nhận. Bên cạnh đó, còn có những người đã biết cộng tác với nhau bằng tình thương, bằng sự liên đới nhằm thắp lên hy vọng để có thể vượt qua cơn hoạn nạn… Tất cả mọi nỗ lực cá nhân hay cộng đồng đều cho thấy sự kiên cường của con người trước khó khăn.

Khi nói về những sóng gió cuộc đời của mỗi người nơi biển đời trần gian, Tin Mừng theo thánh Máccô (Mc 4, 35-41) là một minh chứng điển hình. Chúng ta thấy các môn đệ lên thuyền để qua bờ bên kia, trong khung cảnh Đức Giêsu đang “ngủ” ở đầu lái và các ông cùng nhau chèo chống. Thình lình, một trận cuồng phong ập đến, các ông đã dùng sức lực và tài khéo của mình bao năm trong nghề biển để gắng giữ cho con thuyền và trên hết là tính mạng của mỗi người được an toàn. Cho dù đã kề vai sát cánh cùng nhau, các ông cũng không thể nào chỗng đỡ nổi. Nhưng thật may thay, trong lúc bàng hoàng như vậy, “cái khó ló cái khôn”, các ông sực nhớ Đức Giêsu đang “ngủ” trên thuyền của mình và hơn nữa, Ngài còn nằm ở đầu lái, nơi điều chỉnh hướng di chuyển của con thuyền.

Tại sao Đức Giêsu lại không nằm ở nơi khác trong con thuyền mà lại nằm ở đầu lái? Có phải nằm trước đầu lái không có ai làm phiền sẽ dễ “ngủ” hơn chăng? Có thể đây là một lý do xét theo sự suy đoán của con người. Chắc chắn, những câu hỏi và lý do đưa ra trên chưa giải thích đúng khi nói về hành động của Ngài. Bởi chưng, vì Đức Giêsu là Chúa nên Ngài sẽ đi bước trước chúng ta trên mọi nẻo đường và trong mọi hoàn cảnh, để Ngài trở nên như là khiên che thuẫn đỡ cho chúng ta trước mọi hiểm nguy. Khi nhìn Đức Giêsu đang nằm, có lẽ, các ông đều tức tối trong khi mình phải vất vả mà Thầy Giêsu lại thư thái nằm “ngủ” như không có chuyện gì xảy ra. Cho nên, các ông đã trách móc Chúa hơn là cầu xin sự giúp đỡ của Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, mà Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).

Quả thật, sau một câu nói có tính trách móc của các môn đệ, Đức Giêsu đã vùng dậy và khống chế tình thế ngay tức thì. Khi các môn đệ gặp cuồng phong, họ đã dùng hết mọi khả năng nhưng không thể khuất phục được sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng đối với Chúa, khi con người đã bó tay thì Ngài lại không cần đến một chút sức nào, Ngài chế ngự cuồng phong chỉ bằng một lời quyền năng: “Im đi, câm đi” là đủ để mọi thứ phải trở lại trạng thái bình thường. Điều quan trọng là trong lúc cố gắng để tìm cách vượt thắng phong ba bão táp, chúng ta có còn nhớ Chúa đang “ngủ” trên thuyền của mình để kêu cầu Ngài giúp đỡ như các môn đệ hay không.

Có thể, con thuyền của các môn đệ không đủ lớn và vững chãi vì chỉ mới một trận cuồng phong xuất hiện đã làm cho nó chao đảo giữa dòng nước. Nhưng con thuyền của các ông vẫn vượt qua cuồng phong một cách an toàn, vì trên thuyền họ có “chở” Đức Giêsu, một Thiên Chúa quyền năng. Hơn hết, các ông đã ý thức sự có mặt của Đức Giêsu và cầu cứu với Ngài đúng lúc. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc “chở” Chúa trên thuyền đời của mình mà thôi thì chưa đủ! Chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa đang “ngủ” ở đầu lái của con thuyền để kêu cầu Ngài trong lúc cần kíp, khi gặp những trận cuồng phong trên biển đời.

Cũng vậy, nhân loại ngày nay đang phải đối diện với cơn bão táp, cuồng phong của biển đời. Cơn đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều nỗi lo sợ, hoang mang, và gây ra sự chết chóc, đau thương… Nếu chúng ta nhớ rằng Chúa đang hiện diện ngay bên mình và cất tiếng kêu xin Ngài, ngay cả khi tiếng kêu của chúng ta nhỏ nhẹ và tưởng chừng không vọng tới tai Ngài thì chắc chắn Ngài vẫn lắng nghe và cứu chữa.

Hàng ngày và hàng giờ, đâu đó, chúng ta vẫn nghe được những tin buồn, tin xấu, có lẽ là vì người ta chưa nhớ đến sự hiện diện của Chúa, vì nếu nhớ đến Chúa, họ sẽ làm những việc tốt hơn và “chuyện đê hèn sẽ không còn đầy dẫy nhân gian nữa” (Tv 12, 9). Mỗi người chúng ta đều phải tự chèo lái thuyền đời của mình băng qua biển đời trần gian này, và không ai có thể thay thế cho nhau mà chỉ có thể hỗ trợ nhau để tạo nên sức mạnh tiến lên phía trước thôi. Thuyền đời chúng ta sẽ lướt đi nhẹ nhàng hay phải căng mình chống lại những trận cuồng phong dữ dội bởi biển đời đem lại.

Nghĩ về cuộc đời của mỗi người trong bối cảnh của Đại dịch Côvid-19, chúng ta có dám rước Chúa lên thuyền và để Ngài “ngủ” lại trên thuyền, và nhất là chúng ta có nhớ nhìn lên phía đầu lái để thấy Chúa và kêu cầu Ngài. Nếu không, chúng ta sẽ mất rất nhiều sức lực mà thuyền đời của mình vẫn ngã nghiêng và thậm chí sẽ bị nhấn chìm giữa biển đời lúc nào không hay, khi đó chúng ta sẽ nghiệm thấy: “Vất vả uổng công nếu không có Chúa” (Tv 127, 1). Giữa lúc con thuyền nhân loại đang bị cuốn theo những cuồng phong của tội lỗi, của sự kiêu căng tự phụ, nhất là của dịch bệnh. Tôi và bạn, chúng ta hãy cùng nhau khơi lên trong mọi người ý thức có sự hiện diện của Chúa trong “thuyền đời” của mỗi người trên hành trình vượt biển trần gian, để nhờ Chúa che chở, thuyền đời của tất cả chúng ta sẽ cùng gặp nhau nơi bến bờ bình an, hạnh phúc.           

Bài viết: Đình Cương, CSC