Ngọc Yến – Vatican News
Đại dịch vẫn chưa kết thúc, đã gây ra rất nhiều hậu quả, vì thế, trong sứ điệp Mùa Chay, nhiều Hội đồng Giám mục đã nhắc đến thảm trạng này và mời gọi các tín hữu sống tinh thần chia sẻ với những ai đang gặp khó khăn.
Giáo hội Philippines: Sống bác ái và liên đới đối với những người đau khổ.
Trước hết, Đức cha Romulo Valles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines thay mặt các Giám mục viết trong sứ điệp Mùa Chay: “Niềm hy vọng và lời cầu nguyện của tôi trong những thời điểm khó khăn này, là chúng ta ý thức sâu sắc hơn việc chúng ta được liên kết với Chúa Kitô. Và điều đó có nghĩa là thực hiện những hành động bác ái và thương xót, vác thập giá của chúng ta và truyền cảm hứng cho những người khác vác thập giá của họ. Bằng cách này, chúng ta có thể làm cho mọi người suy nghĩ lại về hồng ân Thánh tẩy và một lần nữa biết quý trọng phẩm giá đã nhận được qua bí tích này. Chúng ta hãy cố gắng thực hành các hoạt động bác ái và liên đới, đặc biệt với những người đang đau khổ do đại dịch Covid-19. Anh chị em hãy sống thời gian này trong cầu nguyện và ăn chay, mang lại hy vọng cho người khác, ngay cả khi chỉ là một thái độ tử tế, hoặc như theo gợi ý của Đức Thánh Cha: tạm quên những mối quan tâm và khẩn cấp của chính mình để chú ý, trao một nụ cười, nói một lời khích lệ, giúp tạo ra một không gian lắng nghe giữa quá nhiều dửng dưng trong xã hội ngày nay” .
Đức Tổng Giám mục Arshad của Pakistan: Cầu mong tinh thần bác ái của Mùa Chay được tiếp tục
Đức cha Joseph Arshad,Tổng Giám mục của Rawalpindi-Islamabad, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan gởi đến các tín hữu Pakistan những lời khích lệ: “Mùa Chay là thời gian Chúa ban cho chúng ta để nhìn lại cuộc sống của mình, xin ơn tha thứ tội lỗi và thay đổi. Bốn mươi ngày này, trước hết là một lời mời gọi hoán cải. Anh chị em hãy nhận biết những công trình của Chúa trong đời sống, vì Người củng cố và dọn đường cho những ai nhận ra Người”.
Sau đó nhắc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về cầu nguyện, ăn chay và thực thi bác ái, Đức Tổng Giám mục nhắc nhở rằng ở trung tâm của ba chiều kích này không có sự phô trương . Ăn chay rất quan trọng vì hai lý do. Trước hết, khi hạn chế trong ăn uống, chúng ta cảm thấy khổ sở và điều này liên kết chúng ta với những gì Chúa Giêsu đã phải chịu vì chúng ta. Khía cạnh thứ hai, chúng ta có thể quyên góp số tiền tiết kiệm được qua những hạn chế trong ăn uống cho những người thiếu thốn. Giá trị của sự chia sẻ này là điều mà Kitô giáo và Kinh Thánh dạy chúng ta không chỉ trong Mùa Chay, nhưng cho cả năm và cho cả cuộc đời chúng ta”. Đối với việc cầu nguyện, Đức Tổng Giám mục nói: “Cầu nguyện có thể diễn ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu, và phải đem lại giá trị lớn trong cuộc sống của chúng ta, bởi vì qua cầu nguyện, chúng ta có thể tạo ra tương quan bền chặt hơn với Thiên Chúa là Cha”.
Các Giám mục Ecuador: Ưu tiên vắc xin cho những người dễ bị tổn thương
Liên quan đến việc cung cấp vắc xin, trong sứ điệp có tựa đề “Trách nhiệm”, các Giám mục Ecuador kêu gọi chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho “các thủ tục mua và quản lý vắc xin”, tôn trọng các tiêu chí đã thiết lập để những người dễ bị tổn thương là những người đầu tiên được nhận vắc xin, chứ không phải các thành viên gia đình, bạn bè hoặc tổ chức của các viên chức chính phủ.
Trong sứ điệp, các Giám mục cũng nhắc lại ba điều thiết yếu của Mùa Chay: Ăn chay, cầu nguyện và thực hành bác ái. Ăn chay thể hiện đức tin vào tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, thúc đẩy chúng ta hướng đến một cuộc sống tự do, không bị điều gì cản trở và chia sẻ vật chất với những người thiếu thốn. Mặt khác, cầu nguyện được bày tỏ trong niềm hy vọng của Kitô giáo, điều này hỗ trợ chúng ta vượt qua sự mong manh, lo lắng, không chắc chắn, và cho phép chúng ta mở lòng mình với hiện tại và tương lai với sự bình an và niềm vui của Chúa ban. Cuối cùng, về thực hành bác ái, các Giám mục viết: “Bác ái làm cho chúng ta có lòng từ bi và nâng đỡ những người cô đơn, bệnh tật hoặc bị phân biệt đối xử, coi họ như những người anh chị em”.
Chiến dịch đại kết vì công bằng khí hậu của Giáo hội Thụy Sĩ
“Công bằng khí hậu” là tiêu đề của chiến dịch đại kết cho Mùa Chay được phổ biến tại Thụy Sĩ bởi tổ chức “Hoạt động Mùa chay”, trợ giúp người Công giáo trong nước cùng với các tín hữu Tin lành của phong trào “Bánh cho người thân cận”. Sáng kiến này yêu cầu Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), thoái vốn trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, để tránh những hậu quả nghiêm trọng về biến đổi khí hậu.
Vào cuối năm 2019, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nắm giữ gần 6 tỷ đô la cổ phần của các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch, trên thực tế, tài trợ phát thải 43 triệu tấn C02 trong năm và làm cho khí hậu ấm dần lên từ 4 đến 6 độ, cao hơn nhiều so với mức được thiết lập bởi Thỏa thuận Paris về khí hậu.
Chiến dịch đại kết nhằm mục đích nâng cao nhận thức ở Thụy Sĩ về tình hình ở các nước phía Nam bán cầu, nơi những người thiệt thòi nhất đang phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, ngay cả khi họ không phải chịu trách nhiệm gì. Ví dụ, 50% dân số thế giới nghèo nhất chỉ tạo ra 10% lượng khí thải nhà kính liên quan đến tiêu dùng, trong khi 10% người giàu nhất tạo ra gần 50% lượng khí thải.
Do đó, việc thúc đẩy “công bằng khí hậu” là điều bắt buộc. Đó là nguyên tắc không thể thỏa hiệp, những người thúc đẩy sáng kiếnkhẳng định. Trong khi đó, hậu quả của biến đổi khí hậu đã thấy rõ đối với các quốc gia như Philippines, nơi tần suất và cường độ của các cơn bão ngày càng gia tăng, hay Indonesia, nơi mực nước biển đang dâng cao một cách nguy hiểm, cho 90.000 km2 đất liền và 23 triệu người.
Theo những người đưa ra sáng kiến, đã đến lúc các quốc gia phải chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu, trong đó có Thụy Sĩ. Bởi vì cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra đe dọa an ninh lương thực của nhiều dân tộc. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính ở Thụy Sĩ vào năm 2040.
Chiến dịch đại kết bắt đầu vào ngày 17/02, thứ Tư Lễ Tro, và sẽ kết thúc vào thứ Sáu, 26/3, trong một tuần trước Lễ Phục Sinh. Chương trình bao gồm nhiều hội thảo trực tuyến trên các YouTube và Zoom, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và đặc biệt là giới trẻ về các vấn đề môi trường và bảo vệ Thụ tạo.
Giáo hội Ba Lan với Chiến dịch “Những người truyền giáo trong Mùa Chay năm 2021”
Ở Ba Lan, vào Mùa Chay, Giáo hội quan tâm đặc biệt đến các nhà truyền giáo. Hiện Ba Lan có 1.892 nhà truyền giáo Ba Lan đang làm việc tại các xứ truyền giáo và những nơi trong thời điểm khó khăn này do đại dịch cần được hỗ trợ tinh thần nhiều hơn nữa. Chiến dịch “Những người truyền giáo trong Mùa Chay năm 2021” được dành riêng cho họ, sự kiện hàng năm được quảng bá ở Ba Lan từ thứ Tư Lễ Tro đến Chúa Nhật Phục Sinh nhằm hỗ trợ tinh thần bằng lời cầu nguyện. Năm nay là lần thứ tám của chiến dịch.
Năm 2020, có 50 ngàn người tham gia chiến dịch. Năm nay, số người đăng ký cho tới nay đã hơn 40 ngàn. Để tham gia, chỉ cần đăng ký trên trang web (https://misjonarznapost.pl) mỗi người tham gia được chỉ định một nhà truyền giáo để hỗ trợ bằng cách ăn chay, cầu nguyện hoặc dâng những đau khổ của họ.
Chiến dịch Huynh đệ Đại kết trong Mùa Chay của Giáo hội Brazil
Đối với Giáo hội Brazil, Mùa Chay năm nay, Hội đồng Giám mục Brazil và Hội đồng Quốc gia của các Giáo hội Kitô (Conic) đã khai mạc vào thứ Tư Lễ Tro, cho lần thứ V của “Chiến dịch Huynh đệ Đại kết”. Chiến dịch được tổ chức trung bình năm năm một lần, tập hợp nhiều hệ phái Kitô, nâng cao sự phong phú được chia sẻ giữa các Giáo hội.
Chủ đề của Chiến dịch năm nay là “Tình huynh đệ và Đối thoại: dấn thân yêu thương” và phương châm “Chúa Kitô là bình an của chúng ta: từ những gì bị chia rẽ, Người đã tạo nên sự hiệp nhất”, trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (2,14). Chiến dịch Huynh đệ 2021 được cử hành theo tinh thần đại kết, mời gọi các Kitô hữu và những người có thiện chí suy nghĩ, đánh giá và xác định những cách thích hợp để vượt qua những phân cực và bạo lực ghi dấu ấn trên thế giới ngày nay. Tất cả điều này thông qua cuộc đối thoại yêu thương và chứng tá hiệp nhất trong sự khác biệt, được tình yêu của Chúa Kitô linh hứng.
Nghĩa cử cụ thể của Chiến dịch được thể hiện bằng cuộc quyên góp liên đới quốc gia, được tổ chức vào Chúa nhật Lễ Lá trên khắp Brazil, nhằm hỗ trợ các dự án xã hội liên quan đến chủ đề Chiến dịch. Năm 2019, Quỹ Liên đới đã hỗ trợ hơn 230 công trình.
Giáo hội Nicaragua: Mùa Chay, thời gian hòa giải và hoán cải trái tim
Tình hình chính trị của đất nước vẫn chưa được bình yên, vì thế trong sứ điệp Mùa Chay, các Giám mục Nicaragua bày tỏ sự hiệp nhất với nguyện vọng của người dân về một cuộc cải cách bầu cử “cần thiết” nhằm đảm bảo “một quá trình bầu cử tự do và minh bạch” trong các cuộc tham vấn dự kiến vào ngày 7/11 tới. Nhưng theo các Giám mục, điều này chỉ có thể đạt được khi thái độ cường quyền và chủ nghĩa cá nhân phải bị loại trừ. Hội đồng Giám mục Nicaragua kêu gọi một cuộc hoán cải khẩn cấp con tim, vì đây là một trong những nguyên tắc để giải thoát đất nước khỏi “sự xấu xa, bất công, gian ác, ích kỷ, kiêu ngạo, hủy hoại sự sống và thiên nhiên, chống lại ý Chúa”.
Một điểm thiết yếu khác của Mùa Chay, được Hội đồng Giám mục Nicaragua nhấn mạnh, là cầu nguyện. Các Giám mục viết: “Bốn mươi ngày chuẩn bị cho Lễ Phục sinh là thời gian ân sủng để cầu nguyện cho một xã hội mới, một xã hội luôn theo đuổi công ích và liên tục tái thiết trật tự chính trị và xã hội”. Đồng thời, các Giám mục nhấn mạnh rằng, sám hối là một ân sủng, bởi vì nó giúp chúng ta nhận ra tội lỗi của chính mình và sự cần thiết hoán cải.