Bạn thân mến,
Ngay từ lần đầu gặp, Thầy Giê-su đã nhìn Si-mon và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha, nghĩa là đá.”(Ga1,42). Bản chất của đá luôn rắn chắc, nó là biểu tượng của sức mạnh. Đá là dấu chỉ cho sự vững bền, khô, cứng. Thế nhưng, Thầy Giê-su lại nghĩ thế nào khi gọi Phê-rô là đá? Bởi Phê-rô là đá, nhưng là một loại đá mà không cứng. Trái lại đá mà mềm. Đá mà rung động con tim và biết rơi lệ.
Chỉ là cái nhìn trong giây phút đầu tiên gặp gỡ, nhưng Thầy Giê-su đã “trông mặt đặt tên” cho người ngư phủ có khuôn mặt cương nghị miền Ga-li-lê. Tưởng đâu Phê-rô cũng gan lì như cái vốn có của người dân biển. Tưởng đâu Phê-rô sẽ dành cho Thầy Giê-su một tình yêu mãnh liệt hơn cuồng phong ngoài đại dương và vững bền như ngọn hải đăng phía cuối chân trời. Thế nhưng, chỉ đến khi “hữu sự”, Phê-rô đã chối Thầy đây đẩy đến tận ba lần nơi góc vườn thầy thượng tế đêm ấy. Như thế đó, tình nghĩa Thầy-trò sau bao năm gắn bó, giờ trong thoáng chốc Phê-rô đã thẳng tay xóa sạch không luyến tiếc, để rồi khi vừa chối xong, tức thì “gà liền gáy”. Trong bóng đêm của bội phản, Phê-rô đã khóc thảm thiết.
Điều gì đã khiến Phê-rô nhìn lại con người tội lỗi của mình? Chỉ một mình Thánh sử Lu-ca nói rõ “ Đang khi ông còn nói thì gà liền gáy và Chúa quay lại nhìn Phê-rô”. Một người im lặng nhìn, rồi một người lặng lẽ ra đi …và khóc. Khoảng cách giữa Thầy Giê-su đang ngồi trong dinh thượng tế với Phê-rô là rất xa. Do vậy, Phê-rô không thể nhìn thấy rõ ánh mắt của Thầy mình được. Thế nhưng Thầy Giê-su đã “nhìn” Phê-rô với “ánh mắt” rất đỗi yêu thương, và Phê-rô cảm nhận được tình yêu đó. Và bất chợt, Phê-rô òa khóc nức nở khi cảm nhận được tình yêu bao dung của Thầy Giê-su.
Tình yêu thật tuyệt vời! Nó làm rung động cả đá. Nó làm cho đá nhỏ lệ. Khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, Đá cũng phải khóc. Giọt lệ rơi trên Đá mới đẹp làm sao, thơ mộng chừng nào.
Phê-rô khóc, Đá khóc vì cũng là người. Mà đã là người sao chẳng có lần vấp ngã. Có ngã chắc sẽ đau, và đã đau ắt phải khóc. Nhất là khi có người “nhìn” đến chỗ đau của mình. Đá khóc để mãi mãi Đá vẫn là Đá của Hội Thánh. Trong hành trình làm người, sẽ có lúc chúng ta phải khóc. Bởi nếu không biết khóc, chúng ta sẽ không còn là người. Nếu như Đá còn khóc, huống gì là chúng ta? Nếu đêm ấy, Đá không òa lên khóc cho lỗi lầm trót dại của mình, đã hẳn, Đá ấy đã lăn xuống hố sâu tuyệt vọng. Còn đâu để Thầy Giê-su dùng làm Bàn Thạch Giáo Hội.
Cứ cúi mặt đi để nghe đời lầm lỡ
Đừng níu thời gian cho thêm sầu vương mang
(Cỏ Úa – Lam Phương)
Khi Thầy Giê-su nhìn Phê-rô, Phê-rô đã không nói gì với Thầy mình, nhưng chỉ cúi mặt khóc cho lầm lỡ. Giọt lệ rơi của Đá đã nói lên tất cả. Giọt nước mắt là lời tạ tội đẹp nhất. Nước mắt đã xóa mờ bội tín, tẩy sạch bất trung và làm lành vết thương tâm hồn. Trái tin của Phê-rô đã dìm trong nước mắt để trở nên tinh tuyền, trong sạch như lần đầu gặp Thầy Giê-su. Nước mắt đã làm cho thời gian không còn níu lại của những sầu vương trong cõi lòng Phê-rô, nhưng chắp cánh cho ông bay vào khung trời tương lai hẹn ước. Không gì ngọt ngào hơn nước mắt.
Bài viết: Pet. Anh Tài, CSC