Theo tính tự nhiên và trong nhiều nền văn hóa, người ta thường dạy những người thuộc cấp hãy yêu bạn hữu và ghét kẻ thù. Nhưng Tin Mừng hôm nay, Chúa lại muốn các môn đệ của Ngài sống khác hơn, sống cao thượng hơn vượt lên trên mọi nền văn hóa và tính tự nhiên của con người. Chúa muốn các môn đệ của Ngài phải biết tha thứ cho kẻ thù của mình. Tha thứ là điều kiện phải có để làm môn đệ Chúa.
Thực sự, tha thứ chính là một loại sức mạnh tinh thần. Tha thứ không phải yếu đuối, nhu nhược, dĩ hoà vi quý, tha thứ càng không phải đầu hàng, chấp nhận buông xuôi. Tha thứ là đặt mình ở trên người khác để bao dung họ. Cổ nhân dạy: “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Nếu bạn thực sự có thể lùi lại, lấy tĩnh khí của mình để xét đoán sự việc thì sẽ thực sự nhìn thấy được một cảnh tượng mĩ diệu khác. Đó là cảnh giới của người quân tử, cảnh giới của sự bao dung, của tinh thần vị tha, cao thượng. Như bài đọc 1, Đa-vít hoàn toàn có thể giết Vua Sa-un, người đang tìm cách giết ông. Nhưng Đa-vít đã không làm thế. Nhờ lòng cao thượng, Đa-vít đã hoán cải được tâm địa xấu xa của Vua Sa-un.
Đó là tinh thần và thái độ cần có nơi người môn đệ. Bởi khi thể hiện lòng tha thứ, các môn đệ được trở nên con cái của Thiên Chúa – Đấng ngự trên trời.
Tại sao cần tha thứ?
Có câu chuyện kể rằng, một hôm, thầy giáo ra một đề kiểm tra cho học sinh. Ông yêu cầu tất cả học trò của mình về nhà viết tên những người mình vốn không thể tha thứ lên trên những củ khoai tây và cho vào túi nilon, viết rõ cả ngày tháng và lý do. Thầy cũng yêu cầu học trò mang theo chiếc túi đó mọi nơi, mọi lúc, ngay cả khi ngủ cũng phải đặt ở đầu giường.
Một thời gian sau, tất cả học sinh đều nhận ra rằng chiếc túi đó quả thực là một gánh nặng. Sinh hoạt cá nhân của họ đều gặp không ít trở ngại. Khi ăn, ngủ, vệ sinh, họ đều phải mang nó kè kè bên mình. Ngoài ra, ngày tháng trôi qua, những củ khoai tây để trong túi đã bắt đầu phân huỷ, thối hỏng, trở thành một loại chất nhầy nhụa, bốc mùi.
Lúc ấy, người thầy ôn tồn giảng: “Các em thấy đấy, không thể tha thứ cho người khác chính là một loại gánh nặng. Tâm oán hận sẽ tích tồn những thứ dơ bẩn trong lòng. Nếu mãi ôm giữ oán hận rồi chúng ta sẽ tự làm cho bản thân mình trở nên nhơ nhuốc đi”.
Như thế, khi tha thứ cho anh em cũng là lúc tha thứ cho chính bản thân mình. Bởi tha thứ cho người khác chính là tự cởi trói cho mình.
Ai cần được tha thứ trước tiên?
Khi đặt câu hỏi như thế, mỗi người sẽ phải tự vấn lương tâm của mình. Đứng trước người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta đòi Đức Giêsu xét sử chị ta. Chúa đã chất vấn những người tố cáo: “ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá chị này trước đi”. Kết quả mọi người bỏ đi hết. Bởi khi chân thành nhìn lại bản thân, không ai trong chúng ta sạch cả, như cổ nhân đã nói: “nhân vô thập toàn”. Chính tôi là người tội lỗi, chính tôi đã được Thiên Chúa yêu thương và thứ thứ cho tôi trước. Như lời Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê rằng: “Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”.
Như thế, sự tha thứ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa và người đầu tiên cần được tha thứ là chính tôi, chứ không phải ai khác. Chúa đã tha thứ cho tôi, thì tôi cũng phải biết tha thứ cho người khác. Nay tôi tha cho người để mai người tha lại cho tôi. Đây cũng là điều kiện cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu.
Qúy vị và các bạn thân mến!
Nhưng làm sao để có thể có thể tha thứ? Với tính tự nhiên quả thực không hề dễ chút nào. Để có thể yêu thương và tha thứ, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá– mẫu gương của yêu thương và tha thứ: Chính Chúa Giêsu đã sống tình yêu tha thứ đó trên thập giá đối với những kẻ giết Ngài: Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Tình thương Chúa không dừng lại ở việc tha thứ một hai lần nhưng tha đến bảy mươi lần bảy nghĩa là tha mãi mãi. Không dừng lại ở tha thứ, Chúa Giêsu còn thi ân qua việc yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho mọi người, người lành cũng như người dữ. Là người môn đệ, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy sống tình thương yêu bao dung đó với anh em mình.
Lạy Chúa là Đấng hằng yêu thương và tha thứ! Chúa đã tha thứ cho chúng con thì xin cho chúng con cũng biết yêu thương và tha thứ cho anh chị em. Để khi sống yêu và tha thứ, chúng con được nên con cái Chúa và nên anh em con một Cha trên trời. Amen.
Bài viết: Jos. Tuấn Vũ, CSC