Sống trong đời, không ai lại không kinh qua gian khổ. Dù muốn hay không, đau khổ vẫn là một trong những yếu tố không thể thiếu trong vận mạng và trong tiến trình lớn lên của mỗi người. Đây không phải là điều mới mẻ gì, vì hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã thốt lên “đời là bể khổ”. Mặc dù cũ kĩ nhưng nó vẫn mang tính thời sự, là đề tài thường xuyên được bàn đến trong đời sống và trong những câu chuyện thường ngày của kiếp nhân sinh. Đặc biệt hiện nay, dịch bệnh Covid là một vấn đề mà ắt hẳn, ai cũng phải bận tâm. Đại dịch Covid 19 là một cái khổ chung của nhân loại, cách riêng là của đất Việt thân yêu. Đứng trước nỗi đau và sự mất mát rất lớn mà đại dịch mang đến, nhiều người đã đi đến chỗ thất vọng, tuyệt vọng. Không những vậy, rất nhiều Kitô hữu cũng cảm thấy hoài nghi về đức tin của mình và đâu đó vẫn có những lời truy vấn tại sao Chúa im lặng?
Vấn đề đại dịch covid dường như được nhìn là vấn đề của sự dữ. Đó là vấn đề muôn thủơ của phận người. Đứng trước vấn đề đau khổ, sự dữ thì ngay cả những khối óc vĩ đại như thánh Augustinô hay Tôma Aquinô cũng không thể đưa ra lời giải đáp cách rốt ráo nhất. Thực sự, ta có thể nói mạnh dạn, nói mà không sợ sai rằng đau khổ là một “mầu nhiệm”. Nhưng, không phải vì thế mà ta thất vọng hay hoài nghi về sự quan phòng của Thiên Chúa.
Khi lần lại những trang đầu của Sáng Thế Ký, ta thấy rằng, từ thủa hồng hoang sự dữ đã xuất hiện. Lúc bà Evà đưa tay hái trái cấm thì cũng là lúc sự dữ tràn vào nhân gian (St 3, 6.7). Kinh Thánh cho thấy, từ lúc đó, mối tương quan của con người với Thiên Chúa bị phá vỡ: Nguyên Tổ bị rời khỏi vườn Địa Đàng (St 3, 9-24) và tương quan người với người cũng không còn nguyên vẹn; Ađam đổ lỗi cho Evà; Cain giết Aben…
Tại sao Chúa lại để cho Nguyên Tổ phạm tội? Chẳng phải vì Ngài tôn trọng tự do của họ đó sao. Kinh Thánh không dừng lại ở đó, nhưng được viết tiếp với lời hứa đầy yêu thương mà Ngài sẽ thực hiện cho con người, lời hứa cứu độ. Như vậy, Thiên Chúa không bất lực trước sự dữ. Trái lại, Ngài có một “chương trình Tình yêu” còn lớn hơn, bao trùm cả yếu đuối của con người, lớn hơn cả quyền lực của sự dữ, đó là chương trình cứu độ. Quả thực, thánh Tôma Aquinô thật có lý khi diễn tả: “Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra trừ phi vì một sự thiện nào đó lớn hơn”. Như vậy, trước đau khổ của con người, Thiên Chúa không im lặng hay bất lực, nhưng Ngài luôn có kế hoạch để giải thoát con người. Phải trải qua thời gian rất dài, chương trình Cứu Độ mới được nên hoàn trọn trong Đức Kitô Giêsu và lúc đó con người mới hiểu được ý nghĩa “tội là hồng phúc”, thì chúng ta cũng cần thời gian để hiểu được ý nghĩa của đau khổ mà đại dịch mang đến; cũng như cảm nghiệm được bàn tay Chúa luôn dìu dắt và yêu thương ta.
Trở lại vấn đề đau khổ – sự dữ, tại sao Thiên Chúa im lặng trước sự dữ của con người?
Trong bài hát Dấu Chân của nhạc sĩ Thông Vi Vu, nhạc phẩm được viết với những ca từ rất đẹp: “Hôm nao, thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi. Hôm nào, còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi”. Như vậy, nhạc sĩ đã cảm nghiệm rằng khi con người gặp đau khổ, buồn phiền thì Thiên Chúa ẵm ta lên để đưa ta vượt qua khó khăn. Nhưng thiết nghĩ đó chỉ là cảm nghiệm riêng của tác giả, bởi vì, cứ mỗi lần ta gặp gian khó Thiên Chúa đều vác ta trên vai thì liệu như thế ta có thể trưởng thành được không? Vì chưng, Thiên Chúa đã ban cho ta tự do, Ngài rất tôn trọng tự do của con người. Như đầu bài người viết có đề cập đến câu chuyện Sáng Thế, Thiên Chúa dư sức để ngăn Nguyên Tổ phạm tội, nhưng Ngài tôn trọng tự do của họ, tôn trọng cả khi hai ông bà quay lưng với Ngài để đưa tay hái “trái cấm”. Cũng vậy, nếu một bà mẹ luôn ngăn cản không cho con mình có cơ hội tiếp xúc với những khó khăn, không cho nó có cơ hội trải nghiệm với môi trường khắc nghiệt, thì người con đó sẽ ra sao. Liệu bà mẹ có thể đi theo con được hết cuộc đời để bảo vệ con không? Liệu người con đó có khả năng để đương đầu với sóng đời thiên biến vạn hóa khi xa rời vòng tay của mẹ? Thực sự, người con ấy sẽ rất khó để có thể đủ sức bước đi trên đôi chân của mình. Như vậy, người mẹ đó không chỉ hạn chế tự do của người con mà còn lấy mất cơ hội để con được trưởng thành.
Cũng vậy, dưới nhãn quan đức tin, Thiên Chúa sẽ không mang ta trên vai mỗi khi ta gặp gian khó đâu! Có chăng Ngài chỉ dìu ta qua một đoạn đường nào đó mà thôi. Chính Đức Giêsu còn phải tự vác thập giá để đi lên đỉnh đồi Canvê để hoàn tất chương trình Cứu độ của Thiên Chúa. Ông Simon có giúp thì cũng chỉ vác đỡ cho Người một đoạn đường mà thôi. Chúa phải vác lấy tội của nhân loại để mang lên cây thập giá, có như thế, chương trình cứu độ mới thực sự được hoàn trọn. Cũng vậy, mỗi người phải tự vác lấy thập giá đời mình (tức là những đau khổ) để được thông hiệp với con đường thập giá của Chúa, có như vậy, ta mới được hưởng ơn cứu độ. Như vậy, sự dữ cũng có ý nghĩa riêng biệt không thể thay thế trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa. Nó là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hòa tuyệt mức của thế giới. Điều này cũng giống như những mảng tối của bức tranh sẽ tăng thêm vẻ đẹp tổng thể cho bức tranh. Và nó cũng là phương tiện cần để thanh luyện và giúp ta lần bước lên trời.
Do đó, ta cũng dễ hiểu và cảm thông với những người không cảm thấy Chúa nâng đỡ họ vượt qua đau thương, mà chỉ cảm thấy đau khổ đến rồi đi như một tiến trình tự nhiên và chính mình phải tự vác lấy thập giá để hoàn thành vận mạng đời mình trong hành trình lên đồi Canvê cùng thầy Giêsu. Có lẽ khi suy tư về vấn đề sự dữ và đau khổ này, linh mục Trần Tuấn trong nhạc phẩm Lặng đã cảm nghiệm rất chân thực và chính xác. Tác giả đã chất vấn Chúa, tại sao Ngài lại bỏ mặc con một mình trong đau thương của kiếp người. Và rồi tác giả như nghe được tiếng thì thầm trả lời của Chúa. Đứng trước đau khổ, con người chỉ nên thinh lặng. “Lặng” để cảm nhận nỗi đau mà tâm hồn đang chịu để nhận ra những giới hạn và thân phận mỏng manh của kiếp người, để từ đó, ta có thể dễ cảm thông với đau khổ của tha nhân. “Lặng” để nghe tiếng Chúa thầm thì, tiếng thổn thức của Chúa khi các môn đệ bỏ Chúa mà chạy trốn trong vườn cây dầu khi xưa. Và lúc này, nhịp tim thổn thức đó vẫn đập liên hồi khi chúng ta vô tình quay lưng với Chúa mỗi khi phạm tội. “Lặng” còn để nghe tiếng Chúa trả lời ta bằng cách chất vấn lại con người rằng thánh giá Ngài mang nặng vì ai. Không những thế, “Lặng” còn giúp ta nhận ra được sự hiện diện của Chúa đang ở bên cạnh ta, Ngài cùng ta chia sẽ những vui buồn của kiếp nhân sinh. Tóm lại, đứng trước đau khổ, con người chỉ biết “Lặng” để cảm nghiệm, để trải lòng và tin tưởng Chúa luôn đồng hành, ở bên và chia sớt nỗi niềm với chúng ta.
Sinh ra trong đời, con người sao có thể thoát khỏi cái khổ. Khổ đau là một thực trạng gắn liền với thân phận con người ở đời này. Đó là điều kiện cần để ta được tham dự vào hạnh phúc muôn đời của Thiên Chúa, bởi vì “phải qua đau khổ mới đạt tới được vinh quang”. Nhưng điều quan trọng là chúng ta biết tìm ra hướng đi để vượt qua thách đố trong cuộc sống, nhất là những lúc đau thương trong đời. Đại dịch có thể cản lối ta đến với tha nhân, ngăn ta không bước tới được thánh đường, nhưng nó sẽ không bao giờ có thể chặn được ta đi vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Ước mong rằng đây là cơ hội giúp chúng ta biết “Lặng” để lắng nghe tiếng Chúa rất khẽ trong tâm hồn ta, để vun đắp thêm tương quan giữa ta với Chúa và với tha nhân.
Bài viết: Duy Bắc, CSC