Lời Chúa: Lc 2, 41-52
Hàng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.
Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Suy niệm: PHỤNG SỰ THIÊN CHÚA TRƯỚC TIÊN
Bé Ma-ri-a mới lên 8 tuổi. Em học biết trong giáo lý rằng một người Công giáo tốt phải tham dự Thánh lễ mỗi Chúa nhật và đây là luật buộc. Khổ thay, ba của em lại sống trong hôn nhân dị giáo và do đó, đã từ lâu, ông không còn giữ luật này nữa. Một Chúa nhật nọ, bên ngoài trời mưa lớn, bé Ma-ri-a xin phép ba: “Thưa ba, con có thể đi Nhà thờ không?” – “Không!” Một lúc sau em lại hỏi: “Thưa ba, con có thể đi Nhà thờ không?” Thay cho câu trả lời, ba em cầm lấy cây gậy đánh em túi bụi. Những dòng nước mắt chảy dài trên đôi má, và trong nước mắt, em lại cất tiếng hỏi lần thứ ba: “Thưa ba, bây giờ thì con có thể đi Nhà thờ được chứ?” Lòng can đảm của em đã làm ba nao núng, và cuối cùng em đã có thể đi dự lễ. Chúa nhật kế tiếp, chính ba em cũng bước trên con đường dẫn đến Nhà thờ. Và cũng từ đó, ông đi lễ Chúa nhật đều đặn.
Thái độ dành ưu tiên cho Chúa của em Ma-ri-a cũng là thái độ Đức Giê-su đã tỏ ra trong câu chuyện Tin Mừng của lễ Thánh Gia này. Thái độ đó cũng đã tạo hiệu quả nơi những người chứng kiến sự việc.
1. Đánh mất – kiếm tìm – gặp lại
Nhấn mạnh chữ “hàng năm” trong câu mở đầu bài Tin Mừng, Lu-ca muốn gợi cho ta nhớ là Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se đã sống trung thành với Lề luật. Bầu khí lịch sử, xã hội tôn giáo trong đó Đức Giê-su đã lớn lên, đúng là bầu khí thiêng liêng của Cựu Ước. “Mỗi năm ba lần, mọi nam nhân của ngươi sẽ ra trước Đức Chúa” (Xh 23,14.17). Ba cuộc hành hương mỗi năm! Ba lần rời khỏi nhà ít nhất một tuần để đi bộ gặp Thiên Chúa, Đấng coi như hiện diện tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, vừa đi vừa hát các “Thánh vịnh lên đền”: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!” (Tv 121,1).
Khi Đức Giê-su lên mười hai tuổi, Người được Lề luật cho phép lên Đền Thờ cùng với cha mẹ. Như nơi chúng ta ngày chịu phép Thêm sức, tại Ít-ra-en, sau thời gian học giáo lý, trẻ em đi vào thế giới người lớn lúc 12 tuổi và trở thành “bar mitzvah”, “con của Lề luật”. Ngày ấy, người ta yêu cầu cậu bước lên tuyên đài để đọc Torah (Sách Luật). Nhưng trong chuyến lên đền đầu tiên này, Thánh Gia đã bị một cú sốc dữ dội: “Cậu bé Giê-su ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. Phải chăng đây là dấu hiệu tự lập của tuổi thiếu niên? Phải chăng có khủng hoảng trong quan hệ giữa Đức Giê-su với cha mẹ Người? Phải chăng tình cờ khi chi tiết duy nhất ta biết được về Đức Giê-su trong ba mươi năm ẩn dật của Người lại là chi tiết đó: một cậu bé bỏ nhà ra đi khiến cha mẹ đau khổ. Rõ ràng là Đức Giê-su đã chẳng thực hiện cử chỉ ấy với một dã tâm. Hiển nhiên tác giả kể lại cho ta sự kiện vì những lý do khác hơn là lý do tâm lý của tuổi trẻ. Nhưng đối với những cha mẹ thường lo âu vì con cái, cũng tốt khi biết rằng Ma-ri-a và Giu-se đã trải qua cùng cảnh ngộ.
“Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm”. Động từ “tìm” sắp trở lại 4 lần trong trình thuật. Nơi đây là việc tìm kiếm cụ thể. Nhưng tất cả Kinh Thánh thường sử dụng kiểu nói “tìm-gặp” này để diễn tả việc tìm kiếm Thiên Chúa, vốn có giữa lòng mọi cuộc sống tín hữu: tin là kiếm tìm. Thiên Chúa là Đấng ta không ngớt có cảm tưởng “gặp được” rồi “đánh mất” để lại “kiếm tìm”. Người là Đấng không thể bị chiếm hữu vì siêu vượt chúng ta, là Đấng chẳng ai có thể nắm bắt, là Đấng thoát khỏi mọi phạm trù (khuôn khổ trí tuệ) mà ta muốn nhốt Người vào. Thiên Chúa là Đấng vượt lên trên tất cả! Và ta nhớ lại “dụ ngôn” tế nhị trong sách Diễm Ca: các tương quan của nhân loại đối với Thiên Chúa được so sánh với việc một cô gái si tình “tìm người hồn cô yêu dấu nhưng không gặp…” (Dc 3,1-3).
Nhưng phần Ma-ri-a và Giu-se thì “sau ba ngày, đã gặp thấy con trong Đền Thờ”. Rõ ràng là Lu-ca đọc lại biến cố này dưới ánh sáng Phục sinh. Nhiều dấu hiệu khiến ta phải nghĩ như thế: 1- Họ đã “lên dự lễ Vượt Qua”, như Đức Giê-su một ngày nào đó “sẽ lên Đền Thờ” (Lc 18,31). 2- Việc biến mất của Đức Giê-su, mà song thân chỉ tìm lại được “ngày thứ ba”, không thể không gợi nhớ một lễ Vượt Qua khác sau này, lúc Người sẽ sống lại “ngày thứ ba”. 3- Thành ngữ “có bổn phận” (trong câu “con có bổn phận ở nhà Cha con”) là hạn từ Lu-ca sẽ sử dụng lắm lần để nói Đức Giê-su trung thành “vâng phục” Chúa Cha và “hoàn tất” Thánh Kinh trong cuộc Khổ nạn (x. Lc 4,43; 9,22; 13,33; 17,25; 22,37; 24,26.44). 4- Chủ đề “không hiểu” thường được liên kết với cuộc Khổ nạn: cụm từ “họ không hiểu” sẽ trở nên như một điệp khúc cho thấy các môn đệ đã không thể đi theo Đức Giê-su như thế nào (x. Lc 9,45; 18,34; 24,25-26). 5- Đức Giê-su “ngồi ở nhà Cha” khi được tìm lại; cuộc Phục sinh-Thăng thiên cũng đã cho “Đức Giê-su ngồi bên hữu Cha”. 6- Sau cùng, lời quở trách “Sao cha mẹ lại tìm con?” khiến ta nghĩ một lời quở trách đối với các phụ nữ “đến tìm xác Đức Giê-su nơi mộ”: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24,5).
Vâng, để “gặp” Đức Giê-su, để “hiểu Người là ai”, phải trải nghiệm con đường Vượt qua với Người, tức việc Người “đi về cùng Cha”. “Thầy đến cùng Chúa Cha”, Người sẽ nói về cái chết của mình như thế (x. Ga 13,33; 14,2.28; 16,5; 16,28). Khám phá khía cạnh vượt qua sâu xa ấy trong một sự cố đau thương của cuộc sống gia đình, các cha mẹ hôm nay sẽ không phải “chạy trốn” các thực tại thường nhật. Biết đâu đối với họ, như đối với Ma-ri-a và Giu-se ngày xưa, chính khi nghĩ tới mầu nhiệm Vượt Qua (“sự sống” phát sinh từ “cái chết”) mà họ sẽ có thể tìm lại được niềm hy vọng là “sẽ không mất hẳn con mình”. Khủng hoảng hiện nay trong các gia đình là giai đoạn đau thương của Ngày Thứ Sáu thánh. Nhưng chúng ta hãy tin tưởng chờ mong giai đoạn sáng sủa, giai đoạn gặp lại.
2. Gặp lại – đánh mất – kiếm tìm
Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se đã gặp lại Đức Giê-su ở Đền Thờ, đang đối đáp với các thầy thông luật. Lu-ca mô tả Người như một cậu bé sớm phát triển, thông minh, chăm chú, thành thạo Thánh Kinh. Cha mẹ cậu hết sức kinh ngạc về điều đó, nhưng không vì thế mà bỏ qua sự việc. Họ đã “tìm kiếm” Người. Giờ đây, với giọng tình cảm nhưng cũng có phần cứng rắn, họ “yêu cầu được giải thích”. Và chính Ma-ri-a cất lời. Bà đau khổ khủng khiếp, như thể bị ngược đãi trong tình mẹ. Trên kia, bản văn Lu-ca đã nói rõ Đức Giê-su là một “cậu bé” (Lc 2,43), Nhưng lúc này, Ma-ri-a chỉ biết gọi Người là “con nhỏ của mẹ”, để cho thấy vết thương trong trái tim hiền mẫu của bà.
Thế nhưng Đức Giê-su đã trả lời có vẻ cứng cỏi. Mẹ ruột và cha nuôi phải đứng lại đằng sau. Chỗ ưu tiên trong lòng Người từ nay là Thiên Chúa. Đúng là tìm gặp rồi lại đánh mất. Đây là lời đầu tiên Đức Giê-su thốt lên trong Tin Mừng, lời duy nhất chúng ta nghe được từ Người suốt 30 năm! Thiên Chúa rõ ràng là không bép xép! Và lời duy nhất này là để mạc khải cho chúng ta ý thức tuyệt đỉnh Đức Giê-su có về căn tính sâu xa của mình. Ma-ri-a mới nói với Người về cha Người, ông Giu-se. Và Đức Giê-su đáp lại bằng cách đề cập tới một kẻ khác mà Người gọi là “Cha của con” và mình phải ở trong Nhà vị Cha đó, nơi Đền Thờ trang trọng này. Như để đáp lại, lời đầu tiên của Chúa Cha trong phép rửa sẽ là: “Đây là Con Ta” (Lc 3,2).
Như thế là Đức Giê-su đã hướng về Cha. Ở đây chúng ta chìm sâu trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Từ lúc còn rất trẻ, Đức Giê-su đã là kẻ tôn thờ Cha. Chẳng quá đáng đâu khi tưởng tượng ra những giờ cầu nguyện đầy cảm thức hạnh phúc và tâm tình thờ phượng mà cậu bé mười hai tuổi đã trải qua với Cha mình. Về sau, Tin Mừng sẽ nói, Người đã trải qua nhiều đêm trọn để cầu nguyện (x. Lc 6,12) và đã cầu nguyện cho đến trên Thập giá.
Trên đây chúng ta đã nhấn mạnh chữ “có bổn phận” (“phải”). Đây là một từ rất chủ yếu và rất đặc trưng của Kinh Thánh. Như một điệp khúc gây ám ảnh, nó cho thấy Đức Giê-su gắn bó với ý muốn Cha mình ra sao: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ” (Lc 17,25). “Cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép” (Lc 22,37). “Tất cả những gì đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44). Thánh Phao-lô sẽ bảo rằng sự “vâng phục” của Đức Giê-su cứu thoát chúng ta (x. Rm 5,19; Dt 10,5.9; Pl 2,8).
Hai ông bà đã tìm được Đức Giê-su cách cụ thể, song vẫn phải tiếp tục tìm kiếm Người! Họ đã hiểu đâu! Ma-ri-a xem ra không nhớ Thiên thần truyền tin đã nói với bà: “Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Thiên Chúa”. Chúng ta hẳn là lầm khi quá tô điểm cuộc đời Đức Trinh Nữ. Ma-ri-a đã không được miễn thực hiện các hành vi đức tin, vì bà “đã chẳng bao giờ thấy Thiên Chúa!” (Ga 1,18). Ở đây, tiếng “vâng” của bà trong ngày đầu tiên phải được bổ túc bằng một tiếng “vâng” khác trong đêm tối đức tin ở Núi Sọ! Tuy nhiên, dù không hiểu, bà vẫn giữ lại tất cả những điều này: chúng sẽ sáng tỏ một ngày kia… Chúng ta cũng như thế!
Lm Phê-rô Phan Văn Lợi