Lời hứa của giao ước mới

4Gr 31,31-34:

Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới,

32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.

34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Ít-ra-en sẽ tồn tại mãi

SUY NIỆM:

Sách Giê-rê-mi-a là một trong số nhiều tác phẩm Kinh Thánh có nhắc tới giao ước mới. Giao ước này có phần hơi khác so với giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với Israel tại núi Sinai sau khi Người cứu dân thoát ách nô lệ bên Ai Cập (x. Xh 19-24). Chính Israel đã phản bội giao ước này mặc dù Thiên Chúa đã mặc khải Người chính là “hôn phu” của họ (x. Gr 31,32).

Thông thường, hệ quả của việc phá vỡ giao ước hôn nhân thì tuỳ thuộc vào việc đôi vợ chồng quyết định thế nào về mối quan hệ của họ ngay sau đó. Có thể cuộc hôn nhân của họ sẽ kết thúc vì lỗi phạm của một người; cũng có thể cả hai sẽ tiếp tục mối quan hệ vợ chồng như chưa hề có chuyện gì xảy ra; hoặc một bên chủ động tha thứ cho bên mắc lỗi và cả hai sẽ bắt đầu lại từ đầu. Trong trường hợp của dân Israel, bỏ qua tất cả những lỗi lầm và những hệ quả nặng nề của việc bội phản, Thiên Chúa giàu lòng từ bi và nhân hậu đã quyết định: “Ta sẽ tha thứ và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa”(x. c 34).

Giao ước mới này không hoàn toàn khác biệt so với giao ước được lập trước đó tại núi Sinai. Và giao ước trước không hề bị huỷ bỏ: “Đức Chúa vẫn là Thiên Chúa của Israel và Israel vẫn là dân của Ngài” (x. c 33). Vậy có gì mới ở trong giao ước được thiết lập sau này giữa Thiên Chúa với dân Ngài? Đó là việc Thiên Chúa sẽ đặt để Luật của Ngài nơi Israel: “Ta sẽ đặt lề luật của Ta nơi chúng, sẽ ghi khắc luật đó trong tâm hồn chúng”. Tại Sinai, Thiên Chúa viết luật của Ngài lên đá và Israel phải học để biết Thiên Chúa và sống sao cho đẹp lòng Ngài. Thế nhưng nơi giao ước mới này, Thiên Chúa lại khắc ghi lề luật đó nơi tâm hồn những người Israel.

Israel đã phản bội lại giao ước ban đầu vì tâm hồn họ trở nên chai đá, chống lại luật Chúa và từ chối thay đổi nếp sống. Tội lỗi đã chế ngự tâm hồn họ, như Giê-rê-mi-a đã mô tả: “Tội lỗi của Giu-đa phải được ghi bằng ngòi bút sắt và được khắc bằng mũi kim cương vào trong tâm hồn” (x. Gr 17,1). Tuy nhiên, giao ước này sẽ là một mối tương quan không thể bị cắt đứt vì nó được hướng dẫn bởi con tim ngay thẳng. Israel sẽ nhận biết Đức Chúa và tự thâm tâm sẽ khao khát được bước theo đường lối của Ngài khi tâm hồn họ được Thiên Chúa biến đổi nhờ được tha thứ các tội lỗi đã phạm. Đây chính là nền tảng cho một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc trọn vẹn.

Tân ước mạc khải cho chúng ta nhận biết rằng giao ước mới đã đi vào trong thế giới này cùng với Đức Giê-su. Nhưng tâm hồn của chúng ta có biến đổi tận căn một cách thực sự để nhận biết Thiên Chúa và vâng nghe theo giáo huấn của Ngài hay chưa? Chúng ta có tỏ ra thờ ơ với lề luật của Thiên Chúa? Liệu chúng ta hoàn hảo đến mức không cần phải ăn năn hối lỗi? Rõ ràng sách Giê-rê-mi-a chưa thực sự khoả lấp được tâm hồn chúng ta.

Thế nhưng có một tâm hồn nhận biết Thiên Chúa cách trọn vẹn. Nơi con người ấy, Lề Luật của Thiên Chúa được khắc ghi để hoàn toàn tự do trong việc tùng phục thánh ý của Thiên Chúa. Đó là Đức Giê-su. Nơi Ngài, chúng ta nhận thấy một cách rõ ràng và hoàn hảo về giao ước mới. Và cũng từ nơi Ngài mà giao ước mới đã thực sự đến với Israel. Nơi Đức Giê-su, con cháu tổ phụ Apraham xuất thân từ Israel và Giuđa, lời hứa xưa nay đã được thành toàn. Từ thánh tâm của Ngài, tất cả con cháu Apraham, và hơn thế nữa là toàn thể nhân loại, có thể sống trong niềm tín thác rằng một ngày nào đó, tất cả chúng ta “từ người nhỏ cho đến người lớn sẽ nhận biết Đức Chúa” (x. c 34). 

Tự vấn và thảo luận

  • Đâu là những điều giống và khác nhau giữa giao ước cũ và giao ước mới?
  • Liệu con người có thể tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta hay không? Sự tha thứ của Thiên Chúa có ý nghĩa gì đối với tâm hồn mỗi người chúng ta?
  • Tại sao Thiên Chúa được gọi là “hôn phu” của Israel? Việc được trở nên là cô dâu và hiền thê của Thiên Chúa có ý nghĩa gì đối với toàn thể nhà Israel?
  • Bằng cách thế cụ thể nào mà chúng ta có thể nói được Đức Giê-su được nhận biết trước hết và hoàn hảo nhất về giao ước mới?
  • Sách Gê-rê-mi-a đã được ứng nghiệm ở điểm nào và điểm nào còn bị lu mờ?

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa của Israel, qua các vị ngôn sứ, Chúa đã dạy cho dân Ngài biết đợi chờ một giao ước mới. Nhờ Ngài mà một sự liên kết mật thiết và vĩnh cửu đã bén rễ sâu trong tâm hồn chúng con. Xin cho con biết sống trong niềm tin vào Người Con chí ái của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô để chúng con có thể nhận biết và sống trọn thánh ý Ngài suốt đời con. Amen.

Thành Tâm

Tuyển tập “Những Bài Suy Gẫm về Tình Yêu Thiên Chúa và Tình Yêu Thánh Tâm Chúa Giê-su Cho Nhân Loại Ngang Qua Những Trích Đoạn Kinh Thánh”

Lược dch theo nguyên tác: The Sacred Heart of Jesus by Stephen J. Binz

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *