Nếu có cơ hội được ngồi cạnh một người xa lạ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, và chỉ được nói một câu để đúc kết toàn bộ Tân Ước và về Tin Mừng, thì tôi sẽ nói rằng “Tân Ước là lời công bố của Đức Giêsu Kitô trong vai trò là Chúa và Đấng Cứu Độ chúng ta về tình yêu, sự giải thoát và ơn cứu độ ngang qua những bài giảng của Ngài”.
Thánh Gioan đã từng nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu và ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16-17).
Trong các bài giảng của mình, Chúa Giêsu luôn xem tình yêu như là điểm tựa khi phải đối mặt với nghịch cảnh. Ngài mời gọi chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại sự thù ghét, lấy hoà bình để đáp lại bạo tàn.
Đức Tổng giám mục Anthony Fisher OP đã chia sẻ với các bạn trẻ trong ngày Đại hội giới trẻ thế giới năm ngoái về khái niệm của tình huynh đệ đại đồng rằng “Sự khôn ngoan của Kitô giáo thì rất rõ ràng: chúng ta được tạo dựng không gì khác hơn là cho tình bạn, tình liên đới và tình yêu”. Nghĩa là chúng ta được dựng nên là để “yêu thương gia đình mình; yêu mến bạn bè ở trường cũng như ở nơi làm việc; yêu mến đất nước; yêu thương thế giới này; yêu mến Thiên Chúa và yêu thương cả chúng ta nữa”.
Đó thực sự là một cách mô tả rất đẹp, rất rõ ràng và mộc mạc. Trong cuộc đời của mình, mọi nỗ lực phấn đấu của chúng ta đều cần phải được đặt trên nền tảng của lòng yêu mến tha nhân, trong tinh thần của sự thật và lòng thương xót được biểu lộ trong Tin Mừng.
Lòng sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu nơi các tín hữu Công giáo từ lâu đã được biết đến cách rộng rãi trên toàn thế giới. Thực tế thì lòng tôn sùng ấy không chỉ có nơi những người Công giáo mà thôi, nhưng còn được thấy ở cả nơi các kitô hữu thuộc các tôn giáo khác, và thậm chí là ở cả những người không phải là kitô hữu nữa. Họ là những người được nung nấu bởi biểu tượng trái tim rực cháy của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Các tu sĩ Dòng Tên có một lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cách đặc biệt. Bởi đó, không ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp thứ 4 – Dilexit Nos (Ngài Đã Yêu Thương Chúng Ta) – được ban hành vào dịp kết thúc Thượng Hội Đồng về sự Hiệp Hành, đã mời gọi mỗi người chúng ta hãy phóng chiếu trái tim của cả Giáo Hội cũng như trái tim của đời sống cá nhân mỗi người Kitô hữu chúng ta lên với Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng như với tình yêu vô bờ bến mà Đức Kitô đã trao ban cho chúng ta: “Trái tim của Đức Ki-tô, biểu tượng của nguồn tình yêu sâu thẳm nhất và cá vị nhất dành cho chúng ta, luôn là cốt lõi của việc rao giảng Tin Mừng. Nó là khởi nguồn cho niềm tin của mỗi người chúng ta giống như dòng suối làm tươi mát và tăng thêm sức sống cho niềm tin của người Ki-tô hữu”.
Trong chương đầu tiên của Thông điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thúc giục chúng ta hãy trở nên những người biết cảm thương, biết đồng cảm và biết sống liên đới với nhau giữa một thế giới đang không ngừng bị chia rẽ.
Chương thứ hai khám phá tình yêu, lòng trắc ẩn của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta và sự hiến tế của Đức Kitô như là tình yêu sâu thẳm nhất:
“Thập giá chính là lời có sức lý giải mạnh mẽ nhất cho tình yêu mà Đức Giêsu dành cho chúng ta. Lời ấy không hề nông cạn, cảm tính hoặc chỉ mang tính trang hoàng bề ngoài. Nhưng đó là ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu thuần khiết. Điều đó lý giải vì sao thánh Phaolô, đang khi cố gắng để tìm ra những từ ngữ chính xác nhất để miêu tả về mối tương quan của ngài với Đức Kitô, đã có thể viết được rằng “Con Thiên Chúa, Người đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Niềm tin sâu sắc nhất của thánh Phaolô chính là biết mình là người được yêu.”
Trong chương thứ 3 của Thông điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập tới lòng sùng kính đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu.
“Hơn bất kỳ bộ phận nào khác nơi thân thể của Ngài, chính Thánh Tâm Chúa Giêsu là “dấu chỉ và biểu tượng nguyên thuỷ cho tình yêu vô bờ bến của Ngài”
Chương thứ tư nói về một vì Thiên Chúa luôn khát khao yêu thương và lời hứa về nước ban sự sống qua Bí tích Rửa tội. Nguồn ân sủng này tuôn chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu khi bị treo trên thập giá. Đây chính là sự diễn tả về tình yêu nồng nàn mà Thiên Chúa ban tặng cho dân của Ngài.
Chương cuối cùng của Thông điệp mời gọi các tín hữu hãy đáp lại tình yêu ấy ngang qua Bí tích Thánh Thể và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, để xây dựng một xã hội dựa trên quà tặng và nhân đức yêu thương.
“Tình yêu dành cho những người anh chị em trong các cộng đoàn dòng tu, giáo xứ, giáo phận và các cộng đoàn khác, chính là thứ giúp chúng ta nuôi dưỡng tình liên đới với Đức Giêsu. Những cử chỉ yêu thương mà chúng ta dành cho những người anh chị em trong cộng đoàn của mình chính là dấu chỉ rõ ràng nhất để làm chứng cho những người khác về tình yêu mà chúng ta dành cho Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài đã nói rằng “Cứ dầu này mà người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Lời kết của Thông điệp dạy chúng ta biết rằng chỉ có tình yêu của Đức Kitô mới có thể giải thoát chúng ta khỏi vòng xoáy của chủ nghĩa hưởng thụ và ham muốn thu tích của cải cho riêng mình. Thay vào đó là làm lan toả tình yêu đích thực và vô vị lợi tới những người khác.
Vậy nhiệm vụ của bạn trong tuần này là gì? Đó là hãy dành thời gian để dâng lời cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu và làm lan toả tình yêu bao la của Ngài đến cho những người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày.
Tác giả: Stephen Lacey | Chuyển ngữ: Lm. Gioakim Phạm Văn An, CSC
[bai/]
Bài viết liên quan
Đức giáo hoàng đã cung hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa khi nào?
Vào năm 1899, Đức Giáo hoàng Lêo XIII đã cung hiến thế giới cho Thánh...
Th1
3 dòng suối chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu
3 DÒNG SUỐI CHẢY RA TỪ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU Thánh Magarita Maria Alacoque...
Th12
Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tình yêu của Chúa Giêsu tuôn...
Th12
Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa
Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô...
Sùng kính Thánh Tâm là yêu mến Thánh Thể
Trong một bức thư, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích bằng cách...
Tại sao lễ kính Thánh Tâm Chúa là dịp để cầu nguyện cách đặc biệt cho các Linh mục
Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã ấn định ngày Lễ trọng kính Thánh Tâm...