Hs 11,1-11
1 Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó,
từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về.
2 Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi ;
chúng dâng hy lễ cho các Ba-an, đốt hương kính ngẫu tượng.
3 Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó,
nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng.
4 Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.
Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má ;
Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.
5 Nó sẽ không trở về Ai-cập nữa,
nhưng Át-sua sẽ lại làm vua nó, vì nó không chịu về với Ta.
6 Gươm đao sẽ hoành hành trong các thành của nó,
sẽ làm cỏ và ngốn sạch con cái nó, vì chúng có những ý đồ xấu xa.
7 Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín,
chúng được kêu mời hãy vươn lên,
mà chẳng một ai ngóc đầu dậy !
8 Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi !
Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành !
Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma,
để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được ?
Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.
9 Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận,
sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa,
vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh,
và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.
10 Chúng sẽ bước theo ĐỨC CHÚA.
Người sẽ rống lên như sư tử.
Quả thật, Người sẽ rống lên,
và từ phía tây, con cái sẽ vui mừng chạy tới.
11 Chúng sẽ chạy tới lẹ như chim từ Ai-cập,
như bồ câu từ đất Át-sua,
và Ta sẽ cho chúng cư ngụ trong nhà của chúng,
– sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
Không có trích đoạn nào trong Kinh Thánh nói về lòng trắc ẩn mà Thiên Chúa dành cho Israel một cách rõ ràng và tuyệt vời hơn điều mà Hô-sê đã diễn tả trong tác phẩm của mình. Ở đó, mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài được nói đến như tình thân thương giữa cha và con. Thiên Chúa đã coi Israel là con ngay từ cuộc xuất hành khỏi Ai Cập (x. Hs 11,1). Israel không hề có bất cứ công trạng nào xứng với tình yêu ấy; Thiên Chúa đơn thuần chỉ là “đặt để” tình yêu của Ngài nơi Israel mà thôi (x. Dnl 7,6-8). Ngôn sứ Hô-sê đã diễn tả tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân Ngài ngang qua tình yêu thương của một người cha dành cho con cái mình.
Thiên Chúa đã diễn tả tình yêu của Ngài đối với Israel (theo cách nói khác thì là Ép-ra-im) ngang qua một chuỗi đại từ “Ta”: Ta yêu; Ta gọi: Ta dạy bảo; chữa lành; dẫn dắt; nuôi nấng (Hs 11,1-4). Hình ảnh mối liên hệ cha con cho thấy sự gắn bó và thân thiết như là mối tình giữa Thiên Chúa và Israel. Thiên Chúa đã luôn ở cùng Israel ngay từ lúc ban đầu, kiên nhẫn dìu dắt họ bước đi, dẫn đưa họ từ những bước chập chững ban đầu; đỡ nâng họ trong lòng bàn tay Ngài khi họ sa ngã. Thiên Chúa đã ở cùng với dân Ngài, nâng họ lên cho xứng với những gì mà cha ông họ đã được hứa ban.
Mặc cho tình yêu thương vô bờ bến ấy, Israel vẫn tiếp tục rời xa Thiên Chúa và đi thờ phượng những thần khác. Thiên Chúa đã biểu lộ tình cảnh của người cha bị chính con mình bội phản. Tình yêu của Thiên Chúa tuy mềm dẻo nhưng bền vững. Thế nhưng cũng đến lúc những quy tắc cần phải được áp dụng và kèm theo đó là những sự trừng phạt. Israel sẽ nếm trải những gì mà họ đã từng phải chịu đựng khi còn bên Ai-cập. Họ sẽ bị trị vì bởi dân Assyri. Quân thù sẽ phá huỷ thành thánh; giết các tư tế; và đập tan những nơi mà họ dành để thờ phượng các thần khác. Tuy nhiên, không gì có thể chấm dứt tình yêu mà Thiên Chúa dành ho Israel dân Ngài.
Hose đã đem lại cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân Người – một tình yêu có sức nặng chịu đựng. Thiên Chúa hoàn toàn có khả năng tiêu diệt lũ dân phản loạn, nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài không thể đứng chứng kiến dân mà mình đã chọn bị tiêu diệt. Thay vào đó, Ngài đã xua tan nỗi khổ đau và thổn thức trước ý nghĩ từ bỏ dân mà Ngài đã chọn: “Trái tim ta chống đối Ta; Tình thương của ta ngày một chan hoà và thương mến hơn”. Sự lặp lại: “Ta sẽ không, Ta sẽ không, Ta sẽ không diễn tả sự cương quyết của Thiên Chúa trong việc quên đi sự trừng phạt với tất cả những gì mà Israel đã làm. Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh, Ngài không bao giờ ngừng yêu thương và tình yêu Người dành cho Israel là muôn thuở. Dù cho Israel có bội bạc thế nào đi nữa thì Ngài vẫn luôn yêu thương và tỏ lòng thành tín với dân mà Ngài đã chọn.
Tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với dân Ngài sẽ vang rền như tiếng gầm của sư tử. Và chắc chắn một điều rằng dân Ngài sẽ trở về với Ngài. Khi ấy, Thiên Chúa sẽ lại yêu thương dân Ngài và đưa họ về với miền đất mà Ngài đã hứa dành tặng cho họ. Mọi sự phản loạn của Israel dù có nặng nề đến đâu cũng sẽ chẳng thể vượt qua được tình yêu bao la của Thiên Chúa, bởi Ngài luôn đau đáu dành cho dân Ngài một tình yêu và một tương lai tươi sáng. Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho Israel được hoàn tất nơi người Con chí ái của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Lời của Thiên Chúa phán với Israel “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập” được thánh Mattheu ghi lại trong Tin Mừng của Ngài để bày tỏ lòng thương cảm mà Thiên Chúa dành cho trẻ sơ sinh Giê-su (x. Mt 2,15). Tâm hồn chai đá và phản loạn của Israel sẽ được che phủ bởi lòng trung tín và tình yêu của Đức Giê-su. Nhờ Ngài, mọi con cái sẽ trở về với tình yêu bao la và trung tín của Thiên Chúa.
Thảo luận:
- Ở vào tuổi nào thì con người ta được yêu quý nhiều nhất? Thiên Chúa đã dành tình yêu của Ngài cho Israel như thế nào?
- Mỗi người chúng ta có kinh nghiệm gì về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta như một người cha đối với con mình? Cách nào hữu hiệu nhất để có thể diễn tả một tình yêu vừa mềm dẻo nhưng lại vô cùng bền vững?
- Câu Hs 8,9 có thêm gì vào sự hiểu biết của tôi nơi tình yêu Thiên Chúa hay không?
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa của con, tình yêu Ngài dành cho chúng con luôn trung tín và bền vững. Dù cho chúng con có thất trung và bội phản, thì Ngài vẫn luôn trao ban cho chúng con niềm hy vọng nhờ những lời Ngài đã hứa. Xin vì lòng từ bi của Con Một chí ái của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, xin dẫn đưa chúng con về với Ngài để được sống muôn đời. Amen
Những Bài Suy Gẫm Về Tình Yêu Thiên Chúa Và Tình Yêu Thánh Tâm Chúa Giê-su Cho Nhân Loại Ngang Qua Những Trích Đoạn Kinh Thánh
Lược dịch theo nguyên tác: The Sacred Heart of Jesus by Stephen J. Binz