Lý do Đức Mẹ mặc áo màu xanh da trời

Khi chiêm ngưỡng Đức Trinh Nữ, có khi nào bạn hỏi tại sao Đức Mẹ lại mặc áo xanh da trời (xanh lam). Màu này có ý nghĩa gì?  Bạn thân mến! Màu sắc gợi lên nhiều ý nghĩa tâm linh, mỗi màu biểu trưng cho một phẩm tính khác nhau của Mẹ Thiên Chúa. Khi nhìn ngắm nghệ thuật Kitô giáo từ bao đời nay, có một màu gần như luôn luôn được liên kết với Đức Trinh Nữ Maria: đó là “MÀU XANH DA TRỜI.”

Trước hết, màu xanh da trời có nguồn gốc sâu sắc trong Cựu Ước. Theo Tiến sĩ R. Jared Staudt, màu này được đề cập cụ thể là màu của người dân Israel trong sách Dân Số:  “Ngươi hãy nói với con cái Ít-ra-en38 và bảo chúng phải làm tua khâu vào tà áo của chúng, qua mọi thế hệ, và cột lên tua áo đó một sợi dây xanh lam” (dựa theo bản dịch KJV và NAS, bản tiếng Pháp dịch là pourpre violette: màu xanh lam, còn Nhóm giờ Kinh Phụng vụ dịch là màu đỏ tía).  Đối với người dân Israel, màu xanh này gợi lên trong tâm trí họ các điều răn của Thiên Chúa, trái ngược với ý chí ích kỷ của con người. Chính Đức Mẹ Maria sống cách hoàn hảo kinh nghiệm đức tin này, Mẹ thưa với sứ thần rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38). Mẹ là thiếu nữ Xion đã đáp lại lời mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Ngoài ra, Sách Dân Số còn chỉ ra rằng, các thầy Lêvi “sẽ trải lên đó (Hòm bia giao ước) tấm bạt bằng da cá heo, và trên tấm bạt này sẽ phủ tấm vải màu xanh lam (Ds 4, 6). Và hơn thế nữa: “chúng sẽ trải một tấm vải xanh lam, rồi đặt lên đó các khay, ly, chén và bình dùng trong lễ tưới rượu. Bánh thường tiến cũng phải có trên đó”(Ds 4, 7). (bản dịch KJV và NAS).

Theo truyền thống, Mẹ Maria được gọi là “Hòm bia giao ước mới”, vì Mẹ cưu mang sự Hiện Diện thần linh, tức là Con Thiên Chúa-Nhập-Thể.Mặt khác, trong thế giới cổ đại, nếu màu điều (màu đỏ thẫm) tượng trưng cho nhà vua, thì màu xanh da trời là màu của nữ hoàng. Bắt đầu khoảng năm 500, Đức Maria được biểu thị trong nghệ thuật Byzantine, mặc áo choàng màu xanh da trời. Đó là dấu hiệu phẩm giá hoàng gia của Mẹ với tư cách là nữ hoàng.

Theo nghệ thuật Byzantine, màu này tượng trưng cho sự siêu việt, huyền nhiệm và thiêng liêng. Đó là màu của bầu trời và được xem như một màu của thiên giới.  Ngược lại, màu đỏ được xem như một màu hạ giới, màu của máu. Nghệ thuật Byzantine Giêsu thường mô tả Chúa trong các bức tranh Icon với trang phục bên ngoài màu xanh và trang phục bên trong màu đỏ, tượng trưng cho việc thần linh bao bọc nhân tính. Mặt khác, Mẹ Maria được chiêm ngắm với áo ngoài màu đỏ và áo trong màu xanh. Điều này biểu thị cho việc Mẹ cưu mang thiên tính (Chúa Giêsu Kitô) bên trong nhân tính của mình.

Vào thời trung cổ, chúng ta nhận thấy bức tranh “Đức Mẹ hằng cứu giúp (Our Lady of Perpetual Help) được vẽ vào khoảng thế kỷ 13 có nguồn gốc từ Hy Lạp theo truyền thống Byzantium, mà nguyên bản, từ năm 1866 đến nay, được thờ kính tại nhà thờ Thánh An Phong (Alfonso) ở Rôma, Italia. Trong đó, Đức Mẹ khoác áo choàng màu xanh tối đậm(choàng màu xanh sẫm. Ðây là màu áo các bà mẹ mặc ở Palestine.) có lớp vải lót bên trong màu xanh lá cây và áo dài màu đỏ (Áo dài màu đỏ. Ðây là màu áo các trinh nữ mặc vào thời Chúa Giêsu). Ba màu xanh da trời, xanh lá cây và đỏ là những màu của nữ hoàng vua chúa. Chỉ nữ hoàng được mang mặc màu này thôi.

Như vậy, màu xanh rất quan trọng trong các truyền thống nghệ thuật của Kitô giáo và thể hiện chiều kích tâm linh sâu sắc. Nó biểu lộ những phẩm tính khác nhau nơi Mẹ Maria. Đó là màu sắc thiêng liêng, gợi lên lòng trung tín sắt son Mẹ, đồng thời, cho thấy vai trò đặc biệt  của Mẹ trong lịch sử cứu độ.

Phêrô Trịnh Thiên Phú, OP