LỜI CHÚA: Luca 2, 22-35
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài”. Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.
SUY NIỆM
Ngay từ những ngày đầu khi Chúa Giêsu chào đời, Đức Maria đã phải đối diện với những gian nan mà một người mẹ bình thường khó có thể tưởng tượng. Lời tiên báo của cụ Simêon trong Đền Thánh như một nhát dao vào lòng người mẹ trẻ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Không chỉ là một hình ảnh tượng trưng, mà là một mặc khải về hành trình khổ đau và hiến dâng sẽ đợi chờ Mẹ ở phía trước. Từ giây phút ấy, Mẹ ý thức rằng, làm Mẹ của Đấng Cứu Thế không phải là một đặc ân mang lại vinh quang theo kiểu trần thế, mà là bước vào một con đường của tự hủy, của chấp nhận đánh mất chính mình vì tình yêu lớn lao hơn, một tình yêu cứu độ.
Hành trình làm Mẹ của Đức Maria là hành trình dấn thân trọn vẹn trong niềm tin và hy vọng, ngay cả khi mọi sự trước mắt trở nên mịt mù, không lời giải đáp. Từng biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu đều in dấu những bước chân vững chãi nhưng âm thầm của Mẹ: từ lúc vội vã bồng con trốn chạy sang Ai Cập trong đêm tối, một hành trình đầy hiểm nguy, cho đến khi mất Con ba ngày giữa đám đông trong Đền Thánh, cảm giác hẫng hụt và lo lắng như xé nát lòng. Những biến cố ấy không chỉ là những tai nạn bất ngờ của cuộc sống, nhưng là những chương đầu của cuộc Thương Khó mà Mẹ đã bước vào một cách huyền nhiệm, với một tình yêu can đảm và lòng tin không hề lay chuyển.
Mẹ không chọn ở lại bên lề cuộc đời của Con, nhưng bước cùng Con, mang lấy nỗi đau của Con trong trái tim Mẹ. Mẹ không kêu than hay oán trách, nhưng lặng lẽ hiện diện, chia sẻ, và kết hiệp với từng bước đường đau thương mà Chúa Giêsu đi qua. Đỉnh cao của hành trình ấy chính là dưới chân Thập Giá. Ở đó, trong khi hầu hết môn đệ đã bỏ trốn, chỉ còn Mẹ và một số ít người phụ nữ trung tín, Mẹ vẫn đứng, không sụp ngã, không gào khóc oán hờn, nhưng đứng một cách hiên ngang trong đau khổ, với lòng tin sắc bén hơn bất cứ lý luận nào, và với tình yêu mạnh mẽ hơn bất cứ nỗi sợ hãi nào. Mẹ đứng đó như một của lễ hiệp tế sống động, dâng Con Yêu và chính bản thân mình cho Thiên Chúa.
Chính trong những giờ phút tận cùng của đau thương, Đức Maria đã trở thành biểu tượng hoàn hảo của đức tin và lòng phó thác. Mẹ không cần lời giải thích, vì Mẹ đã hoàn toàn tín thác nơi Đấng mà Mẹ từng hát lên trong Magnificat: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (Lc 1,49). Mẹ tin rằng, ngay cả trong đau khổ, Thiên Chúa vẫn trung thành. Và nhờ niềm tin ấy, Mẹ đã bước qua tất cả, trở nên Đấng Hiệp Thông Cứu Chuộc cách sâu xa nhất không phải bằng quyền lực, mà bằng sự chia sẻ trọn vẹn đau khổ trong tình yêu.
Trong hành trình đời sống hôm nay, mỗi người chúng ta đều không tránh khỏi những lúc khổ đau, thử thách, thất vọng, hoặc cô đơn. Có những khoảnh khắc mà con tim như tan vỡ vì mất mát, hiểu lầm, hoặc bị bỏ rơi giữa chính công việc dấn thân. Nhưng nếu biết chạy đến với Mẹ, nếu biết học nơi Mẹ cách đón nhận thánh ý trong khiêm nhường và trung tín, chúng ta sẽ tìm được một người bạn đường dịu hiền, một người Mẹ hiểu rõ từng giọt nước mắt, từng cơn mệt mỏi, từng niềm hy vọng nhỏ nhoi mà ta cố gìn giữ. Mẹ không cất khỏi những thử thách khỏi chúng ta, nhưng Mẹ sẽ giúp ta vượt qua, bằng chính sức mạnh nội tâm được hun đúc bởi tình yêu và lòng tin vững chắc.
Như vậy, Mẹ Maria là hình ảnh sống động của Hội Thánh, trung thành giữa những đổi thay, khiêm tốn giữa bao hỗn độn, âm thầm nhưng đầy sức mạnh. Với chúng ta, Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo: không tìm kiếm ánh đèn sân khấu, không cần được ngợi khen, nhưng luôn hiện diện, luôn yêu, luôn phục vụ và vâng phục trong mọi sự. Mẹ mời gọi chúng ta sống ơn gọi của mình không phải như một sứ mạng được vạch sẵn đầy an nhàn, nhưng là một hành trình của tình yêu: có nước mắt, có thập giá, có hy sinh, nhưng cũng đầy bình an và hoa trái.
SỐNG ĐỒNG HÀNH NHƯ MẸ MARIA
Nếu Mẹ Maria đã đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa trong sự vâng phục trọn vẹn, thì Mẹ cũng đã sống trọn vẹn tình yêu bằng một đời sống đồng hành âm thầm và bền bỉ. Mẹ không chỉ đồng hành với Chúa Giêsu trong hành trình cứu độ, mà còn đồng hành với từng con người chúng ta trong sự hiện diện khiêm tốn và cảm thông. Đồng hành nơi Mẹ không phải là sự đi cạnh bên một cách hời hợt, nhưng là sự lắng nghe, nâng đỡ và chia sẻ bằng cả trái tim. Học nơi Mẹ, chúng ta cũng được mời gọi sống tinh thần đồng hành ấy mỗi ngày: đồng hành với nhau trong gia đình, trong đời sống cộng đoàn, trong sứ vụ và trong hành trình đức tin. Vì vậy, chúng ta hãy:
(1) Bắt đầu ngày sống với ước muốn đồng hành trong yêu thương: Khi tỉnh dậy, thay vì vội vã với những công việc hay lo toan, chúng ta hãy lặng thinh một chút để dâng ngày mới cho Chúa, và thưa lên như Mẹ: “Này tôi đây, xin hãy làm cho tôi như lời Sứ Thần truyền” (Lc 1,38). Ước gì mỗi ngày sống là một cơ hội để hiện diện với ai đó đang cần, để lắng nghe mà không ngắt lời, để đi bên cạnh người khác trong sự kiên nhẫn và thấu hiểu. Đồng hành không bắt đầu bằng việc làm, mà bằng tâm thế mở lòng và sẵn sàng đi cùng.
(2) Đồng hành trong âm thầm và kiên trì: Mẹ Maria đã đồng hành với Chúa Giêsu từ khi Người còn là một bào thai nhỏ bé, cho đến dưới chân thập giá. Mẹ không lên tiếng nhiều, nhưng sự hiện diện của Mẹ là suối nguồn sức mạnh. Trong đời sống thánh hiến hay trong gia đình, chúng ta cũng có thể đồng hành với người khác trong thinh lặng: khi chăm sóc người đau yếu, khi lặng lẽ cầu nguyện cho ai đó, khi bước bên một người đang khủng hoảng đức tin. Sự đồng hành chân thật không cần phải nổi bật, mà cần trung tín và yêu thương.
(3) Đồng hành bằng ánh mắt cảm thông và trái tim lắng nghe: Chúng ta có thể hình dung Mẹ Maria đồng hành với thánh Giuse trong những bối rối ban đầu, đồng hành với các tông đồ trong giờ cầu nguyện nơi nhà Tiệc Ly, đồng hành với nhân loại trong lời chuyển cầu không ngơi nghỉ. Đồng hành không phải là “lên tiếng nói thay” người khác, mà là hiện diện để họ được là chính mình. Học nơi Mẹ, chúng ta được mời gọi biết nhìn người khác bằng ánh mắt thấu hiểu, biết lắng nghe không phán xét, và đồng hành không gò bó.
(4) Đồng hành trong những tình huống bình thường và nhỏ bé: Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sự đồng hành phải là điều gì to tát: cố vấn, hướng dẫn, dẫn dắt, … Nhưng Mẹ Maria dạy chúng ta rằng đồng hành bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: một nụ cười, một lời động viên, một bước đi chậm lại để người khác không bị bỏ lại phía sau. Trong đời sống thường ngày, chúng ta có thể đồng hành bằng cách chia sẻ một bữa cơm, ngồi lại bên một người đang buồn, hay đơn giản là nhớ cầu nguyện cho ai đó trong âm thầm.
(5) Đồng hành qua sự tha thứ và hy vọng: Sự đồng hành thật sự không thể thiếu lòng tha thứ và niềm hy vọng. Mẹ Maria đã không bỏ cuộc khi chứng kiến Chúa Giêsu bị hiểu lầm, bị chống đối, bị đóng đinh. Mẹ vẫn hiện diện, vẫn tin tưởng nơi chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta cũng vậy, khi đồng hành với người khác, sẽ có những thất vọng, hiểu lầm hay tổn thương. Nhưng chính trong những lúc ấy, chúng ta được mời gọi yêu như Mẹ: yêu trong hy vọng và tha thứ, để đồng hành trở thành cầu nối dẫn tới sự chữa lành.
(6) Đồng hành như một phần của ơn gọi và sứ mạng: Mẹ Maria không chọn đồng hành vì tình cảm nhất thời, nhưng vì đó là sứ mạng tình yêu mà Thiên Chúa mời gọi Mẹ sống. Cũng vậy, chúng ta đồng hành với nhau không chỉ vì thấy cần thiết, nhưng vì đó là cách mà chúng ta sống ơn gọi hiệp thông trong Giáo Hội. Đồng hành không phải là gánh nặng, mà là con đường giúp chúng ta trở nên giống Đức Kitô hơn, Đấng đã đồng hành với nhân loại cho đến tận cùng. “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật của Đức Kitô” (Gl 6,2).
Như vậy, sống với sự đồng hành như Mẹ Maria là bước đi cùng người khác với trái tim hiền mẫu, với sự lặng thinh kiên trì, với đôi mắt thấu hiểu và đôi tay dịu dàng. Đó là cách sống tình yêu giữa một thế giới dễ bị phân mảnh, lạnh lùng và cô đơn. Mẹ Maria dạy chúng ta rằng, đồng hành không cần nhiều lời, chỉ cần một trái tim luôn mở ra để đón nhận và nâng đỡ. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy xin ơn được trở thành người “bạn đường yêu thương” của tha nhân, để trong từng bước nhỏ của đời sống, chúng ta cùng nhau tiến về Thiên Chúa, nguồn tình yêu và là đích đến của mọi hành trình.
NGUYỆN CẦU VỚI MẸ MARIA
Lạy Mẹ Maria mến yêu, Mẹ là người bạn đồng hành dịu hiền trên hành trình đức tin của chúng con. Mẹ đã âm thầm sánh bước với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường cuộc đời, từ Bêlem nghèo hèn đến đường Thánh Giá đau thương, từ những ngày thơ bé của Con Mẹ đến buổi chiều hy sinh trên đồi Canvê. Xin hãy cùng con bước đi trong cuộc sống hôm nay. Khi con hoang mang không biết chọn lựa điều gì, xin Mẹ đồng hành để con lắng nghe được tiếng Chúa. Khi con mỏi mệt vì công việc bổn phận, xin Mẹ hiện diện để nâng đỡ và tiếp sức cho con. Khi con cô đơn và không ai hiểu, xin Mẹ ôm con trong sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ.
Lạy Mẹ Maria diụ hiền, Mẹ đã sống từng bước đời với sự tin tưởng, với trái tim rộng mở và lòng vâng phục tuyệt đối. Xin dạy con biết sống như Mẹ: đi bên cạnh người khác với lòng cảm thông, hiện diện trong yêu thương và lặng lẽ nâng đỡ bằng cầu nguyện. Xin cho con, trong mọi hoàn cảnh, biết ở lại với người khác không bằng lời nói nhiều, mà bằng trái tim biết lắng nghe, không bằng những hoạt động rầm rộ, mà bằng sự hiện diện chữa lành.
Lạy Mẹ Maria Đồng Hành, xin bước cùng con qua từng ngày sống, để con biết đồng hành với người khác như Mẹ, bằng ánh mắt yêu thương, bằng tấm lòng khiêm nhu, và bằng niềm tin vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Con xin phó thác con trong tay Mẹ, và nguyện xin Mẹ dạy con biết yêu mến, biết phục vụ, và biết sống như một người bạn đồng hành trung tín giữa thế giới hôm nay. Amen.
KINH DÂNG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con đến với Chúa trong thinh lặng của tâm hồn, không để xin ơn này ơn kia, nhưng chỉ để hiện diện với Chúa như Mẹ Maria đã hiện diện vì con tin Chúa đã biết hết lòng con. Như Mẹ xưa đã đồng hành với Chúa bằng trái tim lắng nghe, con cũng xin được ngồi bên Chúa, lặng thinh, mà dâng lên Chúa cả những điều con chưa nói thành lời. Xin cho con yêu Chúa không vì phần thưởng, theo Chúa không vì kết quả, nhưng chỉ vì chính Chúa là tình yêu. Như Mẹ đã đứng dưới chân Thập giá, với niềm tin không dao động, con cũng xin được ở lại với Chúa trong những giờ phút tối tăm của cuộc đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được đồng hành với Chúa mỗi ngày bằng sự hiện diện âm thầm, kiên nhẫn và tin tưởng, như Mẹ Maria đã đồng hành suốt hành trình cứu độ của Con Mẹ. Xin cho con biết chọn ở lại bên Chúa, dù có hiểu hay không hiểu, dù được an ủi hay đang khô khan, dù có ánh sáng hay đang mịt mù. Vì con tin rằng, chỉ cần ở bên Chúa mọi sự sẽ nên tốt đẹp. Chỉ cần có Chúa, đời con sẽ không lạc hướng. Và chỉ cần bước theo Chúa, con sẽ không bao giờ đơn độc. Con xin dâng lòng con cho Chúa hôm nay, trong sự lặng thầm, nhưng đầy tín thác, như một lời yêu thương không cần nói, như Mẹ đã từng sống trọn vẹn cho Chúa. Amen.
Bài viết liên quan
Tôn kính Đức Maria trong Tháng Năm
Đức Maria giữ một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên...
Ngày 4: Mẹ Maria – người nữ của niềm tin
Nếu Mẹ Maria đã sống niềm tin bằng cả tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường...
Ngày 3: Đức Maria – Người nữ của sự xin vâng
Tiếng “Xin Vâng” của Mẹ là biểu tượng của một tâm hồn hoàn toàn phó...
Ngày 2: Mẹ Maria – Người nữ của sự cầu nguyện
Nếu cuộc đời của Mẹ Maria là hành trình cầu nguyện liên lỉ và kết...
Mẹ là hương hoa hy vọng
Mẹ là hương hoa hy vọng, chúng con là những người lữ hành đang cùng...
Ngày 1: Đức Maria – Người Nữ Đầy Ơn Phúc
Mẹ Maria được gọi là “Đầy ân sủng” vì Mẹ trọn vẹn thuộc về Thiên...