Người di cư bị từ chối có thể là người ông của một hồng y tương lai
“Người di cư mà anh chị em từ chối hôm nay có thể là người ông của một hồng y tương lai!” Đó là lời cảnh báo của hồng y Tagle, Bộ trưởng bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc gởi đi trong một hội nghị để nghiên cứu chương trình trợ giúp người di cư ngày 15 tháng 6 năm 2021.
Đề cập đến câu chuyện cá nhân của mình, hồng y Phi Luật Tân nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ với những người di cư đã làm tiến triển dần dần trong đức tin và trong sự hiểu biết về người anh em. Ngài nói giọng đầy xúc động: “Những người tị nạn này đưa tôi trở về nguồn cội của tôi.” Ngài tiếp tục nói, đôi mắt đẫm nước mắt: “Nơi họ, tôi thấy ông nội tôi sinh ra ở Trung Quốc, nhưng buộc phải rời quê hương khi ông còn là một đứa bé để sang Phi Luật Tân với người chú của mình, mong tìm một tương lai tốt đẹp hơn”.
Với tư cách là nhân vật cao cấp của Giáo triều phụ trách truyền giáo, hồng y Tagle đã đến nhiều quốc gia để thăm các trại tị nạn – Hy Lạp, Liban, Bangladesh… Tuy nhiên, ngài thấy vấn đề người di cư luôn phát sinh ở bất cứ đâu. Ngài cho biết, về phần mình, ngài tìm được “phần” của mình trong những cuộc gặp này. Hồng y Tagle là nhân vật mà một số nhà vatican học cho là có thể làm giáo hoàng, ngài được người đồng hương tặng cho ngài biệt danh “Chito”, với ngài, luôn có “những điều khó tin” xảy ra trong các cuộc gặp gỡ với người di cư. Đứng trước nỗi sợ và cảm nhận bị từ chối, theo ngài, điều quan trọng là phải nỗ lực khơi dậy sự hiếu kỳ tìm hiểu của mọi người.
Người phụ nữ Eritrean của Phi Luật Tân
Hồng y Tagle kể câu chuyện ở giáo phận Manila của ngài ở Phi Luật Tân, năm đó ngài cử hành thánh lễ nhân ngày quốc tế người di cư nhằm ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Khi đó ngài đề nghị rửa chân theo truyền thống công giáo cho một số người di cư, có người không phải là tín hữu kitô.
Trong số này có một phụ nữ người Eritrean đang mang thai, ngài kể: “Các giáo dân nhìn cô ấy đến, dáng cao, đi rất thanh lịch, họ tự hỏi cô ấy là ai”, ngài nói cô đến từ Eritrea, và họ “rất ngạc nhiên, vì họ còn không biết đất nước này là đất nước nào.” Và khi họ biết được, họ không hiểu làm sao một người ở vùng đất xa xôi như vậy lại đặt chân đến được Phi Luật Tân.
Hồng y Tagle kết luận, đó là lợi ích của việc làm cho người di cư có thể được nhìn thấy. Điều này làm cho mọi người “hiếu kỳ” và sau đó “mở lòng.” Ngài kể, sau đó người phụ nữ Eritrean nhận được học bổng để được đào tạo và đã có thể bảo lãnh mẹ để giúp mẹ.
Cô bé đến từ Nepal
Hồng y làm chứng việc những người di cư được giúp đỡ đã rất xúc động trước sự hỗ trợ của giáo dân Giáo hội công giáo trên toàn thế giới. Ở các trại ngài đến thăm ở Phi Luật Tân, câu hỏi ngài thường nghe là “vì sao các ông lại giúp chúng tôi?” Câu trả lời của ngài luôn là: “Vì tôi tin ở một Chúa, Đấng thúc giục tôi yêu anh chị em.”
Khi kể một phản ứng trước câu trả lời này, thêm một lần nữa, đôi mắt của ngài lại ngấn lệ, lần này thật rõ rệt. Một cô bé trong một trại ở Nepal đã nói với ngài: “Chúa của cha thật đẹp!”
Marta An Nguyễn dịch (phanxico.vn 16.06.2021/ cath.ch, Maurice Page, 2021-06-15)