Đức cha già Lý, từ khi phải mù quáng, xin hưu trí là năm 1931. Ngài tịnh dưỡng trong một nhà ngói nhỏ, cũng là dinh giám mục lúc đang coi sóc địa phận. Trong khoảng mấy năm dần đui tối, nhiều lần phải nhọc mệt, song chẳng khi nào phải liệt nằm dưỡng một đôi ngày. Hằng chuyên bề nguyện gẫm, nhờ người giúp đỡ đưa ngài đến nhà thờ chầu lễ, rước lễ : mỗi ngày hai lần đến chầu Mình Thánh Chúa một hai giờ, chẳng hề bỏ thói quen ấy khi nào.
Người năng gặp khách tây nam đạo đời, nhất là các thầy cả, trí nhớ sáng suốt cho đến phút sau hết tắt hơi ; vui vẻ chuyện trò, dạy vẽ nói phô những đều tầng trải mình đã nghe thấy. Người có nhơn đức chịu khó rất lạ, nhiều lần trong mình mệt mỏi, mà trí nhớ đều nọ, tưởng đều kia thì cực lực tâm thần, bởi lòng mến Chúa thương người, song mặt mũi cũng cứ tươi cười: khi ai đến viếng thăm, thì chẳng hề từ chối. Vừa đầu tháng Avril năm nay (1936), trong mình chẳng thấy đau chi, song chỉ là mang lấy cái bịnh già, vì năm nay ngài đã 84 tuổi, khí, huyết suy mòn lần lần, con ma chết đã đến gần với ngài, nên bữa mồng 9 Avril nhằm thứ năm Tuần Thánh, ngài phải một cơn sốt, lại thêm thời khí chẳng lành, mấy ngày đó ở Huế trời nóng, cơn dông làm cho ai nấy dầu mạnh cũng phải khó chịu. Người phải liệt giường, có lúc phải mê mẫn tâm trí, trên đầu khó chịu quá, các bộ máy trong mình đều chuyển. Nhằm là ngày lễ Truyền phép chầu dầu, các cha Tây Nam tựu đến nhà chung đông đảo. Đức cha Chabanon đến thấy cơn sốt Đức cha già Lý ngặt mình, thì xin Đức cha già chịu phép xức dầu, trước mặt nhiều cha Tây Nam, cũng đặng hơn 30 đấng. Chính Đức cha Chabanon làm phép xức dầu thánh cho người. Thật là gương nhân đức sốt sắng họa hiếm, ai có mặt cũng phải động lòng, khi thấy Đức cha già dầu mệt hết sức, hơi thở muốn nghẹt, song trí rất tỉnh táo, giơ tay làm dấu thánh giá và đấm ngực theo kinh cáo mình, miệng thưa lại các lời đọc trong sách các phép, ngó bộ dạng tỏ ra có đức tin lạ lùng, phú dâng mạng sống mình trong tay Chúa, xin Chúa tha thứ mọi tiền khiên. Nói tắt là Người chịu phép xức dầu cách sốt sắng chẳng có tiếng mà tả ra cho đặng, làm cho mọi người đứng xung quanh phải cảm xúc lắm. Đoạn đức cha Chabanon xin đức cha làm phép lành cho mình và các cha. Tức thì Ngài gắng giơ tay lên và đọc lớn tiếng: “Benedicat vos omnes omnipotens Deus Pater et Filius et Spiritus sanctus, Ngài đọc lớn tiếng Vos omnes và tiếng omnipotens Deus Pater, một cách có ý tứ xin Chúa quyền cả vô cùng ban phép lành cho đức cha và các cha, xin Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần xuống phúc lành cho hết mọi người. Đoạn đức cha giơ tay ra, xin đức cha Giáo, các cha, các cố, và mọi người tha các sự lỗi lầm cho đức cha, người nói rằng: “Tôi có làm cực phiền ai, làm mất lòng ai xin tha thứ cho tôi”.
Dầu mệt và yếu sức xong ngó tướng diện tươi tắn, nói cách êm ái dễ thương lắm. Đức cha Giáo và các cha thấy ngài mệt thì xin kiếu ra để cho ngài nghỉ an. Đức cha cũng nói với chú giúp việc Phao-lô Chuyên là kẻ giúp ngài từ ngày ngài làm cha sở đến nay cũng đặng gần 35 năm, có lòng trung tín cùng chí thú với ngài mà rằng: “Ông Chuyên, tôi cũng xin ông tha sự lỗi cho tôi, vì nhiều lần tôi làm cực lòng ông”, Đức cha khiêm nhượng lắm, ngài nói rằng: “Ông giúp tôi, tôi nhờ ông cả phần hồn phần xác”. Các lời ấy ngài lặp đi lặp lại cho đến gần giờ sau hết. Thật ông Chuyên đáng khen vì ông ấy giúp Đức cha tận tình, nhất là những năm Đức cha chẳng còn có con mắt thì ông ấy cứ đúng giờ khắc mà đưa Đức cha đi nhà thờ, lo lắng cơm nước cho Đức cha, cùng giữ của cải chút đỉnh người ta dâng cúng, cùng đồ đạc chẳng hề mất một mảy, lại chẳng hề thở than một lời năn nỉ nào hoặc vô phép với Đức cha khi nào. Thật là một người phải có nhơn đức. Thế ngày nay Đức cha lên thiên đàng chẳng quên ơn ông ấy, và Chúa thưởng công ông ấy chẳng sai. Qua ngày 10 Avril, nhằm chiều ngày thứ 6 Chúa chịu nạn và ngày thứ 7 áp lễ Paques, Đức cha khá lại. Người còn nằm liệt, song mỗi ngày uống đặng hai lần, mỗi lần một tách sữa và một, hai bánh Biscuit nhỏ mềm, nên xem bệnh tình chưa phải nguy, ai đến thăm, ngài dầu nói ít mà cũng đối đáp. Các cha ở xa xôi, các quý quan và ai nấy nghe tin Đức cha đã chịu phép xức dầu thì đến kính viếng Đức cha một phen sau hết giã từ, trước khi người sinh thì. Các cha, các cố gần liên tiếp nhau đến thăm, dầu chẳng dám làm phiền Đức cha kẻo sợ ngài mệt, song có mặt các cha luôn, nhất là cha Trang và cha Thục ngày nào cũng có mặt, hầu mỗi ngày hai buổi. Đức cha Cẩn đặng tin Đức cha già liệt nặng thì tốc vào chính chiều ngày áp lễ Paques. Đức cha Cẩn vào ôm Đức cha già hôn mà khóc ròng rã! Cả hai cha con ôm nhau từ giã cùng an ủi nhau. Một bên dọn mình lên thiên đàng, một bên ở lại lo hành công việc mở Nước Chúa ở thế này, sau lên một nơi cùng nhau. Đức cha Cẩn thấy bệnh tình Đức cha già xem chưa phải gấp nên xin trở về Bùi Chu lo việc địa phận đã và xin đi phong chức tại Lạng Sơn như đã hứa.
Hôm 14 Avril trước khi Đức cha Cẩn lên xe tốc hành về Bắc, Ngài đến từ giã thì Đức cha núm tay Đức cha Cẩn lâu buổi mà nói: “Hôm nay tôi mệt lắm… có lẽ chết đêm nầy…” Đức cha Cẩn động lòng quá, nên rán ở lại thêm một ngày nữa, song ngài thấy Đức cha già cũng yên một mực, nên ngày 16, Đức cha Cẩn xin từ giã ra Bắc đã, sau đặng tin ngặt nghèo thì sẽ trở vô Huế lại.
Ngày 18 và 19 Avril, xem diện mạo Đức cha tươi tỉnh mọi người tưởng Đức cha khỏe lại, song những dấu mà người An Nam đoán kẻ gần sinh thì thì Đức cha đều tỏ ra mấy ngày trước chết: là Đức cha tỉnh táo hơn thường, cách nói năng không phải người yếu liệt. Ngài đòi đỡ ngài dậy, nằm nơi ghế xem ra trông mình hồi dương lại, và muốn xuống đất nên đòi nằm ghế, song trong mình ngài thở ra mệt lắm. Hễ ai đến thăm, thì ngài than thở: “Tôi chịu đau đớn trong xác lắm!” chiều 19 là Chúa nhật, các cha rảnh nên đến viếng đông hơn. Cố Chính Lemasle chiều theo ý các cha và bổn đạo, đến xin Đức cha cho chôn xác ngài trong nhà thờ, vì theo tờ trối: thì ngài định chôn tại đất thánh, trong lăng ngài đã làm cho các cha bổn quốc Phủ Cam… chiều ấy, Đức cha nói chuyện mạnh mẽ và xin cố Chính nói lại với bổn đạo ngài cảm ơn, song sự ngài đã định thì xin cứ để vậy. Ngài xin đừng làm chi trọng thể việc đám xác ngài, ngài nói; “đã định một số tiền cho họ Phủ Cam thắp đèn xin lễ và cho dân đưa xác ngài đến phần mộ”. Cố Chính Lễ chẳng dám thêm lời cãi ý ngài. Lúc ấy Đức cha thở ra mà nói: “Ngài đau đớn lắm cả và mình đều cực lực”. Cố Chính Lễ thưa lại với Đức cha rằng: Đức cha bằng lòng chịu khó mà lập công nghiệp cho Đức cha và mọi người trong chúng con. Đức cha trả lời lại: “Phải”. Dầu ngài phải cực lực song mặt mày chẳng nhăn nhó xem lòng vững đức chịu khó và cũng cứ trả lời một đôi tiếng cho kẻ đến viếng, như vừa khi cố Chính Lễ hầu chuyện thì có cha Tân là thầy cả già cả hơn hết trong các cha bổn quốc đến thăm, đi với cha Sanh thì ngài cũng nhìn biết và cảm ơn. Dầu đau đớn trong xác bởi sự chết đến bắt ngài mà trí ý ngài vì lòng kính Chúa, nên cũng còn cứ nhắc đến sở nọ sở kia, cha nầy, cha khác đang phải lao đao cực khổ.
Có lần cha Trang là con riêng Đức cha đến thì ngài Bonjour, và nói: “Tôi thương mấy cha lo họ đạo mới làm tông đồ mở Nước Chúa. Tôi có 4 học trò, tôi bằng lòng cả 4, là: Đức cha Cẩn, đã làm giám mục Bùi Chu rồi, cha Thục nay mai tôi còn trông như vậy, còn cha Úy, cha Trang làm tông đồ cho dân ngoại. Ngài nói: Tôi chẳng quên cha khi nào. Cha Trang thưa lại: con dâng lễ Misa cho Đức cha dọn mình chết lành, và dâng các sự khó nhọc con chịu với đạo mới, chầu nhưng cho Đức cha bằng lòng chịu khó trong những ngày giờ sau hết đời Đức cha. Đức cha rất khiêm nhường đáp lại: Cha tốt lắm, cha có công nghiệp hơn tôi nhiều lắm. Cha Trang thưa rằng: Lạy Đức cha, Chúa lòng lành vô cùng sẽ thưởng công nghiệp Đức cha vì cả đời Đức cha lo làm sáng danh Chúa cùng cứu chầu nhưng nhiều lắm. Chúng con chỉ nhờ Đức cha mà làm việc. Đức cha đã làm nhiều việc sáng danh Chúa, nên sau hết Chúa chẳng bỏ Đức cha đâu. Đức cha đáp lại với cha Trang cũng như nhiều cha khác mà rằng: Thôi đừng có nói đến các việc mình làm, mình chẳng có công gì; ấy là ơn Chúa giúp, tôi chỉ có chút công là qua An Nam đặng 61 năm mà thôi, nên đừng nói và không nên nói đến các điều ấy. Đức cha là người rất khiêm nhượng khi sống và đến giờ gần chết cũng chẳng hề khoe mình đã làm việc nọ việc kia. Trong các dịp hội chung với các cha, thì người chỉ nói là nhờ các cha Tây, Nam trong địa phận đã làm nên các sự chớ ngài thì chẳng có công gì sốt.
Cha Trang từ giã ra về thưa rằng: con xin làm lễ cho Đức cha dọn mình lên thiên đàng. Đức cha cảm ơn lại tỏ lòng khiêm nhường hơn nữa: Phải, mà cha với tôi lên một lượt. Xin cha nói với cố giữ việc, mai sớm đưa Mình Thánh cho tôi. Chú giúp ngồi thưa rằng: Lạy Đức cha đừng lo, có con sẽ nhắc và tin trước cho cố giúp việc đưa Mình Thánh cho Đức cha. Đức cha là kẻ có lòng mến Thánh Thể cách riêng, nên buổi sau cùng Đức cha chịu lễ mỗi ngày cách sốt sắng quá lẽ, mọi người có mặt đều lấy làm đồng lòng. Một chốc, ngài hỏi cha Trang còn đó hay là đã về? tôi muốn xưng tội với cha Darbon, là cha giải tội thường ngày cho tôi. Tức thì chú giúp thưa lại rằng: Bây giờ là 7 giờ tối, nếu Đức cha muốn thì cho đi mời. Tức thì Đức cha rằng: Thôi không cần phiền cố Darbon, cha xưng tội với cha Trang cũng đặng: đoạn ngài bảo kêu cha Trang (khi ấy đang ở bên phòng ngoài). Cha Trang dạ rồi bước vô, Đức cha rằng: Cha hãy làm phước cho tôi, đoạn Đức cha xưng tội một cách sốt sắng, cha Trang phải cảm động sa nước mắt vì thấy Đức cha là người thánh nhân đức giục lòng ăn năn tội cách chí thiết với Chúa mình.
Đấng thánh giám mục dọn mình chính chắn thể ấy, mà ta là kẻ có tội, là người tầm thường, thì phải làm sao lắm lắm mà ra trước Tòa Chúa? Đoạn Đức cha cảm ơn từ giã, cha Trang ra về, ngài còn dặn cha về nói lại: ai đến thăm cứ lên tiếng, tôi cảm ơn, lỗ tai tôi còn nghe rõ lắm.
Từ đây Đức Cha Chabanon, cố Lemasle, cha Etchebarne, giữ việc và cố Darbon là cha giải tội, năng đến luôn luôn. Qua ngày 20 Avril xem Đức cha phải ngặt mình, cứ kêu khát xin nước luôn, nói mình khô, nhiều khi ngất, khó thở quá. Có lần ngài xin bỏ chút muối vào trong sữa, hoặc nước mà đổ cho ngài, ngài xin làm vậy chớ uống không đặng mấy muỗng cà phê, và thấy miệng ngài khó mở ra. Trông xem xác năng trở trăn, ngón tay cũng cứ rờ mó bóp hai bên cánh tay, An Nam ta nói là mằn chiếu, cứ làm luôn, có lúc giang tay hình thánh giá. Vừa nghe ai vô, lên tiếng có các cha kính viếng Đức cha, thì ngài nói tiếng nhỏ nhỏ cảm ơn, mệt lắm, cha không nói đặng; nói vậy chớ xem tuồng lòng trí suy nghĩ đến Chúa, năng kêu xin Đức Chúa Cha thương xót. Ai có mặt thấy cũng động lòng thương Đức cha lắm, và trọng kính ngài như đấng thánh.
Đến ngày 22 Arvil trời bức sốt nồng nực, Đức cha cũng phải ngặt mình hơn, xem chẳng cựa quậy đặng, sức mòn kém lần, hơi thở ngặt nghèo. Mà phước thay cho Đức cha, chiều 22 rạng 23 lại có Đức cha Thành (Marcou) ở Thanh Hóa vào viếng Đức cha lần sau hết. Đức cha Thành là bạn tri âm của Đức cha già Lý. Chính đức cha Thành kể lại: người đã nhờ Đức cha Lý hồi nhỏ, còn làm học trò tại trường giảng đạo Paris, Đức cha Lý an ủi dẫn đàng cho Đức cha Thành đi tu, cả hai đấng thương mến nhau thật tình và giúp đỡ nhau trong việc mở Nước Chúa, cả hai cùng làm giám mục hiển vang truyền giáo tại cõi Đông Dương. Ngày nay hai đấng lại gặp nhau trong giờ sau hết ở thế này.
Đức cha già Lý nghe tiếng Đức cha Thành thì xem diện mạo mừng lắm. Hai ông thánh đàm đạo với nhau mật thiết về cõi thường sinh nay mai sẽ đến. Đức cha Lý cũng gượng mà nói song tiếng chẳng đặng rõ, miệng cũng ráng chúm chím cười như mọi khi. Một hồi lâu, Đức cha Thành kiếu lui về phòng nghỉ hồi đấy là 8, 9 giờ mai ngày 23 Arvil khỏi một chốc, lối 9 giờ rưỡi, Đức cha già Lý trở mình cách thở ngặt nghèo giống tuồng hấp hối. Hai cha con ông Chuyên, là kẻ giúp việc, chạy kêu cha giữ việc khi ấy ở một bên, tin cho Đức cha Giáo, Đức cha Thành, cha Lemasle, cha Darbon và ít cha khác, đến xem Đức cha già đã hòng qua đời, song đoán ngài cũng yên trí, các đấng kêu Chúa và đọc kinh theo sách lễ nhạc đưa linh hồn đến Tòa Chúa. Mọi người cảm động rưng rưng nước mắt! qua lối 11 giờ trưa thì Đức cha thở hơi sau hết dịu dàng, rồi tắt hơi! Mọi sự trong linh hồn xem ra bình tịnh, linh hồn lên Tòa Chúa lòng lành thương xót đến cha. Ấy là hết đời sống Đức cha già Lý…
Về những việc sau khi Đức cha Allys tạ thế
Vừa dứt tiếng chuông nhà thờ Phủ Cam đổ giọng bi ai đưa tin Đức cha già qua đời. Thì cả và họ đang náo nhiệt ăn làm buổi ban mai, liền ngưng lại sững sờ. Nghe ai nấy đều khóc rầm nhà, mặt mũi châu chan! Vì mọi người đều thương mến Đức cha. Cố Chính Lễ với cha Thục cùng hai, ba người khác thay y phục giám mục cho Đức cha. Đoạn đem xác ngài ra tại giữa nhà riêng Đức cha, để nằm trên giường trải khăn trắng, xung quanh rải hoa hường, hoa huệ, trên đầu để thánh giá, xung quanh giường để đèn, chân phía dưới để bình nước thánh cho kẻ đến kính viếng.
Một giờ sau, thấy các cha và bổn đạo xung quanh tựu đến đọc kinh cầu lễ cho Đức cha, ngày đêm đều thấy đủ mọi đấng bậc đến viếng đọc kinh, còn bên nhà thờ Phủ Cam người ta cũng tựu hiệp cả ngày trước Mình Thánh mà cầu hồn cho Đức cha. Làm như vậy cho đến ngày 27 Arvil là ngày táng xác.
Đức cha Allys là người đặng Bắc Đẩu officier de la legion d’Honneur và nhiều huy chương…, có công rất lớn với lưỡng triều Pháp, Việt; nên thấy cột cờ rủ cờ xuống. Đức Bảo Đại có phái quan thượng Thái Văn Toản đến tại nhà Chung chia buồn với địa phận, còn quan khâm sứ Graffeuil đang đi kinh lý tại các miền Đà Lạt cũng đánh giấy thiếp chia buồn, qua ngày sau lại phái quan trưởng ấn đến tại nhà xác cầu nguyện, và hứa thế nào cũng đến đưa đám. Chính cụ Thân thần, dầu già cả lụm cụm cũng trìu mến Đức cha, đến viếng thi hài Đức cha. Ngày ấy có bà khâm sứ, quan sáu bên võ binh Đại Pháp và nhiều quan khác, quan thượng Tôn Thất Tề, phủ Thừa phủ Doãn, quan thượng Phạm Quỳnh, và quan thượng Bửu Thạch đến kính viếng tại nhà xác. Cứ liên tiếp nhau trong mấy ngày, thấy các quan Tây, Nam, các công sở, các cha ở xa, các bổn đạo kinh thành và xa gần đến kính thi hài Đức cha nằm trên giường, giữa bông hoa và những ngọn đèn chói lòa như đấng thánh sống vậy. Người có đạo trọng kính Đức cha như đấng thánh, nên khi người ta đến viếng, có kẻ hôn giày người, nhiều kẻ lấy chuỗi ảnh mình đặt trên xác Đức cha, rồi đem về làm như dấu thánh, của quý cho mình. Cả ngày người ta đến viếng đọc kinh đã rồi, mà ban đêm lại thiên hạ khắp nơi đến đọc kinh, ngồi dọc đàng và các vườn nhà Chung, không thua gì mấy ngày đại hội La Vang, miệng người ta đọc cách dòn dẻo tỏ tâm tình trìu mến thương Đức cha biết là ngằn nào! Các nơi xa xôi đạo đời đều gửi giấy thiếp chia buồn với địa phận Huế, như chính quan Robin, toàn quyền cõi Đông Dương đánh điện phân ưu cùng địa phận; các địa phận, các Đức cha: Quy Nhơn, Kontum, Lào chẳng những gửi giấy thiếp chia buồn, mà lại hứa sẽ đến dự đám, Đức cha Tòng Phát Diệm cũng trìu mến Đức cha già, nhưng vì trở việc nên chỉ gửi giấy thiếp chia buồn mà thôi, còn Đức cha Cẩn đang ở Lạng Sơn phong chức, nghe tin thì ruột ngài đoạn trường đau đớn biết là ngằn nào! Ngài tin vô vì đàng xa lỡ việc, chỉ lo vô kịp đưa đám. Còn các quan chức là con cái Đức cha ở xa, nghe tin thì lo lục tục về kịp đám. Mọi người lo cầu nguyện, kẻ giáo hữu thì lo xin nhiều lễ Misa cho Đức cha; cũng thấy có quan bên lương dâng tiền xin lễ cầu hồn cho Đức cha nữa. Thật theo khẩu hiệu Đức cha già Lý: Diligo omnes – Tôi yêu mến mọi người, nên lòng mọi người cũng đều thương mến Đức cha khi có dịp tỏ ra dường ấy.
Đức cha qua đời 11 giờ ngày 23 Arvil thi thể để vậy cho người ta kính viếng, cầu nguyện đến 8 giờ chiều ngày 24 mới liệm ngài vào quan tài.
Vì sao mà để lâu giờ mới liệm vậy? là để đến trọn 33 giờ một đêm và trọn một ngày rưỡi. Địa phận Huế phải hai điều nguy biến ly biệt buồn rầu, Đức cha Chabanon tuy là trước nầy thuật: ngài giúp Đức cha già qua đời, song chính ngài cũng lâm bệnh hiểm nguy đã mấy tháng, có lẽ nguy đến tánh mạng: tì vị chẳng tiêu hóa, đêm chẳng ngủ, các bộ máy trong mình đều ra yếu, càng ngày phải hao mòn ốm o, ngài là đấng béo mập mà rày hai má thóp lủng vào, chân đi không vững, phải mệt cách lạ, đầu xoàng xiên khổ cực. Ngày lễ Truyền Phép và lễ Paques, hai lần làm lễ nửa mùa phải ngưng lại, mỗi khi gần nửa giờ sau mới tiếp làm. Từ lễ Paques về sau, ngài chẳng có làm lễ. Các lương y Pháp bắt ngài phải về Tây gấp mới trông sống nổi. Vậy theo chuyến tàu ngày 23 qua 24 kéo neo phải kịp về Pháp. Đợi chuyến sau thì muộn, cố Chính Lễ quyền bề trên địa phận phải đi đưa Đức cha Chabanon vào Tourane sớm 24 mới về kịp.
Vậy nên phải đợi cố Chính Lễ về chủ tọa cuộc niệm. Thảm thay! Chiều 23 Arvil có các cha ở Huế đến đưa Đức cha Giáo, cuối buổi cơm chiều, cố Chính Lễ đứng dậy thay mặt hàng giáo sĩ Tây, Nam mởi lời tiễn biệt. Ngài lên giọng bi ai mà thưa Đức cha Giáo rằng: Lạy Đức cha, mai nay chúng tôi đã đưa Đức cha già qua cõi đời đời! chiều nầy lại phải đau đớn đưa Đức cha về tạm nghỉ dưỡng bệnh bên Pháp trong buổi đại tang địa phận, địa phận mồ côi cả hai Đức cha!… Đức cha già không còn trông gặp ở thế này, còn Đức cha thì xin Chúa cho Đức cha đi đàng bằng yên, mau lành trở về cùng chúng tôi.
Đức cha Giáo dầu mệt, song cũng đứng dậy khóc ròng rã mà nói rằng: các cha Tây, Nam địa phận xưa rày tỏ lòng trung thành với tôi, nay tôi đi thì đứt ruột! song chẳng đã phải vâng lời trẩy đi trong lúc Đức cha già mới tạ thế! Tôi ra đi thật là tủi hổ! vì một đấng trọn hảo nhân đức, và khôn ngoan từng trải, đã làm gương sáng cho tôi, từ mấy năm tôi cầm quyền cai trị địa phận, rầy chẳng đặng dự liệm xác và cuộc lễ tống táng người thật thì tôi lấy làm buồn dạ lắm! song may nhờ có Đức cha Thành là bạn chí thiết Đức cha già xin ngài chủ tọa. Còn phần tôi ra đi, tôi xin các giáo sĩ cầu nguyện cho tôi đặng thuyên bịnh mà trở về. Laborem non recuso. Nếu Chúa còn muốn, thì sự chịu khó tôi chẳng từ nan. Đức cha sa nước mắt ròng rã. Đoạn đứng dậy, bắt tay, hôn mặt từ giã các cha Tây, Nam một cách đau đớn ly biệt, chí thiết tận tình. Ai nấy đều mủi lòng thảm thiết! Đoạn Đức cha Giáo đến nhà xác quỳ dưới chân Đức cha Lý, tay chắp lại sốt sắng đọc kinh hơn một khắc đồng hồ. Ai nấy thấy cái tấn kịch bi ai này, tả ra đặng không biết mấy tâm tình ở giữa hai Đức cha cũng là một địa phận.
Âu là Đức cha Giáo suy rằng rày xác cha nằm trước mặt tôi đây, mà tôi nay là người lâm bịnh trầm trọng, một mai tôi cũng in Đức cha, người ta cũng sẽ toan liệm xác tôi, sẽ làm cho tôi mọi điều in làm cho cha mai nay và bây giờ. Xem thấy mặt Đức cha Giáo thảm não lắm, đọc kinh rất sốt sắng. Đoạn đứng dậy lấy que rảy nước thánh trên Đức cha già cách chậm rãi ý tứ như nói rằng: Mai tôi không đưa đám cha ra phần mộ đặng thì ít là rày tôi từ giã cha. Requiescat in pace. Những kẻ đứng xung quanh thấy một bức tranh sống thảm kịch, lấy làm cảm xúc phi thường! và tưởng là Đức cha Giáo chẳng phải cầu nguyện cho Đức cha Lý mà là cầu nguyện với ông thánh Lý vì trong bài ngài từ biệt, ngài gọi Đức cha Lý là đấng rất nhân đức, thánh đáng kính. Đoạn Đức cha Giáo ra về nghỉ sớm, đặng mai 4 giờ thức dậy lên xe oto vào Tourane xuống tàu qua Pháp.
Cuộc liệm xác Đức cha Allys
Cha Lemasle quyền bề trên địa phận, truyền cho họ Phủ Cam đúng 8 giờ tối ngày 24 Arvil, liệm xác Đức cha già, cha Trang và cha Thục con hiếu tử đám tang, bàn tính với bổn đạo lo mọi sự sẵn sàng. Cái hòm rất tốt của một người bổn đạo họ Phủ Cam là ông trùm Vọng dâng cúng, sơn đen chạy chỉ vàng, có vẻ thánh giá vàng thiệt, còn một bên vẽ cái ấn Đức cha chăn chiên lành. Khẩu hiệu: “tôi yêu mến anh em mọi người”
Buổi chiều này người ta rùng rùng tuôn đến nơi sân nhà Đức cha như nước chảy. Trước sân nhà đã kéo một cái rạp lớn che vải, kết lụa treo cờ đen, cùng đính mấy dây đèn điện. Ngoài vách thành thẳng đàng lên nhà thờ Phủ Cam cũng treo cờ đen, thắp lồng đèn gương theo mấy hàng cây bên đàng, trước cửa ngõ đặt một tấm bảng lớn màu đen đề chữ rằng: Monseigneur Allys decede, priez pour son Excellence . R.I.P.
Ai đi qua lại phải ngừng chân thấy tấm bảng đều mủi lòng bước chân vào cầu nguyện cho Đức cha. Trước buổi chiều liệm và các ngày sau, thường năng thấy các nhà dòng tuôn đến từng toán, Nhà Dòng Anh Em, freres des ecoles chretienes, dòng Chúa Cứu Thế, các thầy dòng Trường An, nhà phước Saint Paul de Chartres, nhà phước Phú Xuân, nhà phước Kim Hai, nhà phước Phủ Cam, chẳng giờ nào mà chẳng thấy lẫn lộn cùng với bổn đạo đến đọc kinh cầu nguyện. Cha Lemasle chủ tọa cuộc liệm, phải đi đưa Đức cha Chabanon vào Tourane về kịp 7 giờ tối. Đúng 8 giờ, ba chuông tháp nhà thờ trổi giọng bi ai buồn thảm, đưa tin đến giờ nhập quan, chẳng còn đặng thấy Đức cha già Lý nữa! vừa 8 giờ cha Trang lên hiệu, và xin mời các bổn đạo ra ngoài sân. Trong nhà xác chỉ để cho các cha và một ít quan cùng một ít người hiếu nghĩa. Rồi lại đưa mấy người lo việc liệm xác vào. Một bên kia có cha Thục lo cho các đồ liệm sẵn sàng. Bà cụ Ngô, mẹ ngài đã dâng hàng gấm và bông gòn kết từng cái gối sẵn để chêm hai bên. Trong hòm chẳng để một chút gì bằng rơm, hoặc đất cát, cách làm đã tính trước. Sắp mọi sự xong Đức Marcou, các cha Tây, Nam và chức việc họ Phủ Cam đã đến thì khỉ sự đọc kinh liệm xác tiếng An Nam, nghe thê thảm lắm! Mọi người đều tươm nước mắt! đọc kinh xong thì lên hiệu? Cố Lamasle, cha Thục giữ một đầu, cha Trang lo một đầu, với nhiều người cầm lấy các cái dải bằng vải đã để sẵn dưới xác Đức cha già. Cố Lễ ra dấu tức thì mọi người đỡ xác Đức cha lên nhè nhẹ mà đưa vào hòm kề một bên cách êm ái. Tiếp theo nghe những tiếng bởi trong tim mọi người khóc òa lên! Chao ôi! Thảm thiết lắm! còn gì thế nữa! Ấy cuộc đời ở với nhau 84 năm cũng là mau chóng! Cố Lemasle cất lấy cái mũ Mitre, đoạn phủ hàng vải lên trên xác rồi giao cho thợ gắn sơn ta một lớp dày, đoạn đậy lắp đóng mộng săng. Ấy là xong chuyện, các cha ra về là 9 giờ rưỡi, xong người ta còn ở lại thương khóc cầu khẩn cả đêm, và liên tiếp mấy ngày sau.
Cuộc đưa đám xác Đức cha Allys
Chương trình đã định, đúng 8 giờ mai ngày 27 Arvil thì cử hành đám xác Đức cha già. Tự nhiên chẳng đợi phải mời, mọi người đặng tin liền tốc tả đến cho kịp đưa đám, ấy là bởi tấm lòng trung thành thương mến. Nào các quan phần đời, nào là các phẩm trật phần đạo, và các giáo hữu? khen thay cả toàn thể họ Phủ Cam, lớn bé đều tận suất tư lực, để lo việc đám tang Đức cha già. Nhà thờ thì trau dồi màn trướng đồ đen, rất có ý nghĩa cuộc tang chế một đấng ân nhân vĩ đại. Hai bên lề đàng có cắm cờ để rước quan khách lưỡng triều Đại Pháp, Việt Nam. Trong nhà thờ để nghế đoàn hoàn theo ngôi vị. Trên cung thánh để chỗ cho các giám mục và hàng linh mục ngồi. Lại có cất một rạp lớn để che cái lăng mộ Đức cha, trần thiết nhiều lá cờ đen, trướng đen vẽ nhiều kiểu phán xét cùng chỉ sự chết: rạp và đồ trần thiết không lẽ chê đặng. Cái mộ Đức Thầy đã xây sẵn giữa mồ hai cha già người họ Phủ Cam, theo lời trối của Đức cha. Trước mộ có đào một đàng dài, khi khiêng quan tài đến, thì để trên xe mà đẩy vào dưới khuông huyệt.
Cả họ Phủ Cam trong mấy ngày đi quyên tiền đặng một số khá: lớp lo xin lễ, lớp lo cuộc tống chung, trau dồi trần thiết, họ tuy là nghèo và nhằm buổi kinh tế, xong lòng ai nấy vì thương mến nên cúng dâng việc lo cha yêu dấu mình một cách rộng rãi chẳng tiếc…! Cả họ Phủ Cam đều để chế hết thảy, còn các chức thì mặc áo rộng trắng hơn ba bốn mươi. Lại đặt một đội đạo tùy 50 người, đầu bịt khăn trắng, mình mặc áo thâm dây thắt lưng trắng.
Tảng sáng ngày 27 Arvil đã thấy từ nhà thờ Phủ Cam cho đến sở nhà chung chật cứng người ta, bổn đạo các tỉnh; Quảng Bình, Quảng Trị cũng tuôn đến. Còn các họ xung quanh Huế thì nhiều, nhất là các họ chầu nhưng thương mến Đức cha đều để chế. Các sở phái người từng toán đi hầu đám. Đây nên kể lại cuộc rước xác, kéo dài đi hàng 6, hàng 8 đến 4 kilometres, song khúc đàng đi từ nhà thờ đến nhà chung không đặng dài.
Đúng 8 giờ mai, khi quan Khâm sứ và các quan văn phòng ngài, các cụ Thượng thơ Nam triều vừa đến tại nhà xác và phía trong, cha Lemasle, cha Úy, cha Thục và cha Trang đứng chủ hiếu tang đã sẵn. Bấy giờ cha Thục là học trò -con út Đức cha, rước quan tài vào nhà thờ còn cha Trang, cha Úy thì đi kèm hai bên cố Lemasle sau quan tài với cha Morineau và cha Chapuis, Chef de District, cùng đi chung với nhà hiếu.
Khi mọi sự đã sắp đặt yên bài, thì cố Lemasle bái chào quan Khâm sứ, tức thì cử hành động quan, cha Thục xướng kinh theo lễ nhạc, rảy nước thánh, tức thì đoàn đạo tùy vào khiêng quan tài, có các chức họ Phủ Cam chỉ huy. Chính ông câu Bút, mang tang phục chấp lệnh; lại có cử cố Darbon, cố Pourchet, tiếp rước các quý quan, đặt ông Hường Toại, quan Hường Mầu, quan Hồi Nghi, nghinh tiếp các quan triều; có đoàn hướng đạo cha Pourchet chỉ huy, đi dẹp đàng và 12 cha An Nam mặc áo các phép, đi từng chặng đàng xem coi bổn đạo cho có thứ tự đội ngũ như sau này:
Tiền đoàn là Thánh Giá lọng che, và đèn hầu đi trước hết, kế đồng nhi nam nữ cầm cờ đen mặc tang phục, rồi kế các bà các ông trong họ mặc tang phục trắng xóa lối vài trăm, tiếp đến đoàn đồng nhi nam mặc cotta cầm đèn, đồng nhi nữ con Đức Bà tang phục cầm đèn có hơn trăm, kế theo sau, bổn đạo các họ mặc tang phục, mỗi họ có phái vài mươi người đi đám, đôi ba chục họ, tôi không thể kể tên đặng, đi theo đội ngũ là đàn ông, còn đàn bà thì đi ngoài đội; kế nhà phước Phủ Cam, nhà Phước Dương Sơn, một ít bà phước Quảng Trị, Cổ Vưu, ít người nhà phước Di Loan, Cửa Tùng, nhà phước Tam Tòa, Kẻ Bàng, Quảng Bình… một đoàn hơn mấy trăm tay cầm đèn, miệng đọc kinh lần chuỗi cầu hồn, mặt mày lộ vẻ châu chan, rưng rưng hai hàng nước mắt; kế một toán nhà phước Phú Xuân con Đức Bà, nhà phước Kim Hai, con riêng của Đức cha đã lập, đi cỡ hơn một trăm người, rồi đến các bà soeurs Saint Paul de Chartres, đem con trẻ đi đám cũng cả 100, tiếp sau các bà soeurs đội núp trắng, các sở Saint Jeanne d’Arc, sở nhà thương ho lao, sở con trẻ, cũng đặng lối 3, 4 chục bà. Rồi đến các thầy nhà dòng Anh Em, đem học trò đi, đến đội ngũ học trò trường Providence hơn 100 trò, cha Thích chỉ huy, với đoàn hướng đạo cha Pourchet, rồi đến nhà dòng các cha Redemptoristes, các juvenites một đoàn khá đông, các cha dòng Cứu Thế mặc áo các phép và các thầy đi một toán cũng đặng 2, 3 mươi , kế các dòng Trái Tim Trường An, Đức cha đã lập, đi đội ngũ cũng đặng 4, 5 mươi, kế đến các cố các cha địa phận 7, 8 chục đấng. Trong số này có các cha Phước Sơn, 2 cố địa phận Qui Nhơn, là cha Saulot ở Tourane, cha Gallioz ở Faifo Quảng Nam, địa phận Vinh có cha Dalaine, Provicaire, địa phận Kontum có cố Corompt, địa phận Thanh Hóa có cố Poncet và cha ký lục Khâm sứ tòa thánh. Sau thì một khoảng dài hai hàng các thầy lý đoán với các cha mặc áo các phép trắng cỡ 5, 6 mươi đấng đi trước 4 Đức cha mặc y phục màu thâm là: Đức cha Gouin ở Lào, Đức cha Tardieu ở Qui Nhơn, Đức cha Jannin ở Kontum và Đức cha Hồ Ngọc Cẩn. Rồi đến cha Thục mặc cappa làm chánh sự rước xác, kế có toán chức việc họ Phủ Cam mặc áo rộng trắng An Nam đi trước quan tài, ở giữa có ông chức mặc áo xanh bưng cái gối gắn các medailles. Hai bên có hai chục ông mặc đồ đen, cầm đồ lỗ bộ kiểu Roma, đi hầu hai bên quan tài, sau quan tài thì các cha chủ hiếu là: cố Lemasle, cha Úy, cha Trang học trò Đức cha, với cố Chapuis, cố Morineau, cụ tổng đốc Khôi và phu nhân, ông thượng Diệm, bà quận phước môn Nguyễn Hữu Bài với ông Chuyên giúp việc Đức cha và các người cựu học trò Đức cha cho đi nhà trường, mặc tang phục đi theo, kế đó, các quan Đại Pháp và Nam triều; đi trước hết là quan Khâm sứ Graffeuin, quan thượng Thái Văn Toản thay mặt vua Bảo Đại, quan đốc lý Lavigne, quan Labbey, phó Khâm sứ, các quan văn phòng ngài; bên võ quan có quan sáu Frech và nhiều quan võ khác quan Sogni đầu sở liêm phóng, quan chủ kho bạc; bên triều An Nam thì có đủ các cụ thượng: cụ Phạm Quỳnh, cụ Hồ Đắc Khải, cụ Tôn Thất Quảng, cụ Bùi Bằng Đoàn bộ tư pháp, cùng các quan Tham Tri, Thị Độc trong các bộ… Phía bên các quan Đại Pháp đông, lại bà đầm, các cô tây đàng khác; hai bên các quan Tây, Nam thì có toán lính Polices đi hai bên giữ trật tự và một toán lính khác đi từng chặng dẹp đàng; sau các quan thì có vô số người đạo ngoại đi theo đám, ai nấy đều tỏ lòng thương tiếc.
Có một điều lấy làm lạ, là các đám táng trọng, thấy người ta dâng kính chùm hoa sành, hoa cườm, hoa kẽm, còn như đám Đức cha đây lại phải có đội hình nhà nước đi đưa, vì Đức cha đặng hai huy chương Bắc Đẩu De la legion d’Houneur. Song trong dịp này thấy vắng hai món ấy? Bởi vì theo lời trối Đức cha già phải làm giản dị, đừng chùm hoa, đừng văn tế nên cũng đừng lính hầu. Đức cha lấy các việc ấy là không giúp ích cho ngài lên thiên đàng, bởi Đức cha có lòng khiêm nhường khó khăn mọi đàng. Cả hai nhà nước đều đi đưa, mà không thấy các của ấy, đến đỗi Đức cha đã liệu trước tính cho một số tiền, chẳng muốn làm phiền dân nghèo khiêng.
Khi đoàn rước đám đến sân nhà thờ, thấy người ta đứng như kiến cỏ, các đội ngũ đứng lại hai bên, để cho quan tài với các quan nhà nước và các cha các thầy vô đã, rồi thiên hạ mới vô sau. Ở nhà thờ có Đức cha Marcou ngài đã già yếu không đi theo đám, ngài trực sẵn mà làm chánh tế lễ hát mai ấy. Đặt quan tài yên thì cha Darbon lo sắp đặt, mời rước các danh sắc? ngài mời ba cố hiếu tang ngồi ghế bên hữu, ba cha học trò Đức cha ngồi bên tả, xây mặt khích phía hông quan tài; trên cung thánh: hàng giữa chỗ rước lễ có ghế quy cho 4 Đức cha chầu lễ, hai bên thì hàng đạc đức Tây, Nam. Phía sau quan tài, thì các quan ngồi theo ngôi thứ, cùng thiên hạ đi đám, dầu nhà thờ rộng lớn song phải đứng ngoài vô số. Còn các thợ chụp hình núp các chỗ rình mò lấy hình.
Mọi sự an bài thì khởi sự làm lễ cả buổi lễ chuông nhà thờ cứ trổi giọng bi ai thảm đạm! Đức cha Marcou lên tòa dọn sẵn mặc đồ lễ, có cha Roux mặc cappa đen làm assistant, còn 5 thầy sáu và các thầy giúp lễ, thì có các thầy trường lý đoán, việc hát lễ cũng là các thầy.
Lễ đoạn thầy lễ nhạc mời 4 Đức cha dự lễ là: Đức cha Lào, Đức cha Qui Nhơn, Đức cha Kontum, Đức cha Cẩn, vào phòng đồ lễ mặc áo cappa, đầu đội mũ bạc (mitre) đi ra làm một với Đức cha chánh tế quan tài: Đức cha chánh tế ngồi giữa phía dưới quan tài, trở mặt lên bàn thờ, còn 4 góc 4 Đức cha ngồi ghế xây mặt phía mồ. Đức cha Marcou khi đọc lời nguyện non intres in judicium, ngài bắt mũi, dạ khóc tấm tức đọc gần chẳng ra tiếng! Kế xướng các kinh làm phép mồ cho mỗi Đức cha làm phép, mỗi ông làm hẳn hoi, khoan thi sốt sắng: lần này Đức cha Cẩn là một vị An Nam làm lễ phép theo hàng giám mục giữa lưỡng triều Tây, Nam xem cũng huy hoàng. Làm phép mồ xong thì cha Darbon là cha giải tội của Đức cha Allys, đặng cử làm chánh sự đưa xác ra huyệt. Mọi đấng bậc sắp hàng đi theo cha, hàng ngũ in hội buổi sớm vào nhà thờ đâu đâu có lính có đoàn hướng đạo với các cha chỉ huy giữ trật tự. Khi đến huyệt, ai nấy đều ở ngoài lăng, ngoài rạp, chỉ có các cha, các Đức cha, các quan đi theo quan tài vào, khi đã hạ quan tài đến trước cửa huyệt, thì cha Darbon đọc các kinh làm phép huyệt, rảy nước thánh, sau hết cha xướng lớn tiếng: Requiescant in pace! Ấy là xong, Đức cha nằm ở đây mãi mãi đợi ngày sống lại. Tiếp đến cha Lemasle giơ cây rảy nước thánh cho các Đức cha và quan Khâm sứ, quan Thái Văn Toản rồi lần lượt tới các quan theo ngài và các cha các thầy, rảy nước thánh trên quan tài, đoạn ai nấy ra về lòng ngùi ngùi thương tiếc cầu nguyện cho Đức cha.
Còn các cha lui về tại sở nhà chung dùng bữa với các Đức cha, vì các việc xong cũng quá 11 giờ. Ngồi bàn cả thảy có đến 110 cha, có nhiều cha dòng về nhà riêng mình. Trước khi từ giã ra về, cố Lemasle đứng dậy thay mặt cho địa phận cảm ơn các Đức cha ở xa xôi, chẳng nệ đến dự đám, lại cũng cảm ơn các cố Tây, các địa phận, đến chia buồn cùng địa phận Huế. Đức cha Cẩn cũng đứng dậy với 3 học trò Đức cha Lý, cảm ơn cố Lemasle bề trên địa phận và cha giữ việc, đã tận tình lo lắng cho Đức cha già, ngài cũng cảm ơn các cố khách, và các cha địa phận, sẵn lòng đến dự lễ cầu nguyện cho Đức cha già là cha riêng ngài và 3 cha khác, đoạn cũng cảm ơn quý chức Phủ Cam có lòng lo lắng tận tình. Cố Lễ cũng khen và cảm ơn họ Phủ Cam, đoạn mọi người giải tán.
Joseph Trang (Huế)
N.B chìu theo ý các Cha địa phận Huế xin, Bổn báo xuất bản luôn trọn cả bài lai thuật về “Những ngày sau hết của Đức cha Allys” trong kỳ nầy. Xin độc giả Chư vị cảm phiền rán xem.