Nuôi dưỡng trí tưởng tượng tôn giáo

Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh có cuộc phỏng vấn dành cho linh mục James Walters của Anh giáo, đang giảng dạy tại Trường Kinh tế London và là người đã thành lập Trung tâm Đức tin tại trường. Cuộc trò chuyện đã cho thấy vai trò của trí tưởng tượng tôn giáo, của thần học trong tư tưởng chính trị và kinh tế, là một yếu tố có thể biến đổi trong thế giới kinh tế và lãnh đạo.
 

Vatican News

Với tựa đề cuộc phỏng vấn “Nuôi dưỡng trí tưởng tượng tôn giáo”, Báo Quan sát viên Roma nhận xét như sau:

Trong số các nghiên cứu sinh và cựu sinh viên của trường, có 21 người đoạt giải Nobel, 60 nguyên thủ quốc gia, cùng một số lớn các nhân vật quan trọng trong giới chính trị, hàn lâm, ngoại giao, cũng như những gương mặt nổi bật trong lĩnh vực tài chính và kinh doanh toàn cầu; trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) là một trung tâm hàng đầu thế giới trong nghiên cứu về khoa học xã hội. Từ đây, hiện tại và tương lai có thể được phân tích và hình dung với những tác động quan trọng đối với vận mệnh nhân loại.

Trực giác nền tảng của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng thực tế được hiểu rõ hơn từ vùng ngoại vi hơn là từ trung tâm dường như đã tác động mạnh mẽ đến một môi trường trí tuệ như thế này. Thật bất ngờ, có lẽ, khi chúng ta nhận ra rằng nhận thức này đã được tiếp thu và phát triển theo những cách sáng tạo, trở thành yếu tố thiết yếu trong việc xây dựng các mô hình mới về sự chung sống và phát triển. Một trong những điểm độc đáo và mang tính đổi mới nhất của trung tâm giáo dục chính là Trung tâm Đức tin, nơi chúng tôi có dịp gặp gỡ với một học giả năng động và là linh mục của Giáo hội Anh James Walters.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Báo Quan sát viên Roma linh mục James Walters của Anh giáo:

Sứ mạng của Trung tâm Đức tin trong trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London là gì và linh mục diễn giải như thế nào qua việc giảng dạy và và cuộc sống hằng ngày giữa các sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới, tại một trong những thành phố tục hoá nhất hành tinh?

Tôi đã thành lập Trung tâm Đức tin tại Đại học cách đây mười năm. Tôi thực sự ấn tượng trước cơ hội to lớn mà một trường đại học ưu tú, với sinh viên đến từ hơn 150 quốc gia, mang lại để phát triển sự hiểu biết hơn giữa các tôn giáo trong số các nhà lãnh đạo tương lai. Do đó, sứ mạng của chúng tôi là phát triển kiến thức tôn giáo và kỹ năng lãnh đạo liên tôn cho học sinh, cũng như giúp họ dấn thân trong đức tin và hợp tác với những người khác để giải quyết những thách đố lớn trên toàn cầu, như biến đổi khí hậu. Chúng tôi thực hiện điều này chủ yếu thông qua chương trình ngoại khóa dành cho khoảng 80 học sinh mỗi năm. Nhưng chúng tôi cũng hợp tác với các khoa của trường đại học để hỗ trợ cam kết này, với một nghiên cứu về chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo có liên quan đến các vấn đề đương đại như xung đột, giới tính và sinh thái.

Thế giới hàn lâm có quan tâm đến sự hiện diện của Anh giáo. Có sự trân trọng, quan tâm và nhìn nhận những đóng góp mà Giáo hội có thể thực hiện?

Lúc đầu có rất nhiều nghi ngờ, vì Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London  chưa bao giờ có một trung tâm nghiên cứu nghiêm túc về căn tính tôn giáo của sinh viên. Trên một tạp chí, xuất hiện một thư của cựu sinh viên tố cáo tôi là đã đưa “lời nói dối trung cổ” vào một trường đại học hiện đại. Ngày nay, không còn sự thù ghét nữa. Chúng tôi đã xây dựng danh tiếng của mình dựa trên một cách tiếp cận chu đáo và toàn diện đối với đức tin, đồng thời, nhu cầu hiểu rõ hơn về vai trò của tôn giáo trong thế giới ngày càng trở nên rõ ràng đối với mọi người. Chúng tôi đã cố gắng chứng minh sự cân bằng trong việc phản ứng trước các biểu hiện nguy hiểm của tôn giáo trong thế giới ngày nay và mối đe dọa ngày càng gia tăng của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh những gì mà tôn giáo mang lại về khả năng đạo đức và xã hội để tạo ra sự thay đổi tích cực.

Các bạn trẻ mà linh mục đã gặp trong những năm qua như thế nào? Nền tảng đa dạng của họ và sự thiếu hiểu biết về Kitô giáo của họ ảnh hưởng đến công việc của linh mục như thế nào?

Bức tranh không đồng nhất. Các bạn trẻ châu Âu hầu hết xa rời Giáo hội, nhưng sự thù địch thời đại đối với “vô thần mới” đã biến mất. Tôi nhận thấy có một sự cởi mở lớn đối với việc tìm hiểu rõ hơn về truyền thống Kitô giáo và các vấn đề tâm linh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những sinh viên, đặc biệt đến từ khu vực Nam toàn cầu, những người rất gắn bó với đức tin của họ, mặc dù hiểu biết về tư tưởng Kitô giáo còn khá hạn chế. Ngoài ra, chúng tôi còn nhiều sinh viên đến từ tất cả các tôn giáo khác nhau trên thế giới, với các mức độ hiểu biết và khoan dung khác nhau, tùy thuộc vào kinh nghiệm và bối cảnh của họ. Một phần nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng sự tin tưởng giữa các sinh viên đến từ các bối cảnh khác nhau, để có thể trò chuyện về những vấn đề mà họ có thể cảm thấy bị đe dọa bởi sự khác biệt hoặc lo ngại sẽ gây ra sự xúc phạm.

Linh mục đã đề cập đến vai trò của trí tưởng tượng tôn giáo như một yếu tố biến đổi cả trong thế giới kinh tế và lãnh đạo. Linh mục có thể giải thích “trí tưởng tượng tôn giáo” là gì và làm thế nào để phát triển?

Rất dễ để nghĩ về tôn giáo như một tập hợp các niềm tin và thực hành mà mọi người tham gia, giống như các cam kết khác, nhưng thực tế tôn giáo cơ bản hơn nhiều đối với căn tính của con người. Chúng tôi nói về “trí tưởng tượng tôn giáo” để gợi ý rằng hơn bất kỳ điều gì khác, đức tin là một khuôn khổ tổ chức, qua đó phần còn lại của kinh nghiệm của chúng ta được diễn giải và sống. Bằng cách ưu tiên phương thức giáo dục tôn giáo, chúng tôi khuyến khích sinh viên xây dựng một sự hiểu biết đồng cảm về cách mà những tín đồ khác nhau hình dung thế giới và vị trí của họ trong đó. Đối với những sinh viên có đức tin, điều này khuyến khích họ suy nghĩ về cách thế giới quan tôn giáo định hình thái độ và hành động của họ, về các khía cạnh, từ các mối quan hệ giữa cá nhân đến sinh thái học.

Trong tất cả những điều này, linh mục thấy mối quan hệ nào phát triển giữa nghiên cứu và đức tin, giữa nghiên cứu hàn lâm, khoa học và tâm linh?

Từ lâu, các khoa học xã hội đã có xu hướng xem tôn giáo như một hiện tượng phụ, gắn liền với các sức mạnh vật chất như kinh tế và chính trị, nhưng hiếm khi xem tôn giáo như một yếu tố quyết định cần phải được xem xét nghiêm túc theo đúng bản chất của nó. Tôi tin rằng mọi thứ đang thay đổi. Chúng ta đang bắt đầu nhận ra vai trò của thần học trong tư tưởng chính trị và kinh tế, và có vẻ như có một sự cởi mở lớn hơn đối với các giải pháp mà đức tin có thể mang lại. Một phần quan trọng trong những gì chúng tôi đã cố gắng thực hiện với đơn vị nghiên cứu Tôn giáo và Xã hội Toàn cầu là chuyển từ cách tiếp cận khoa học xã hội truyền thống, vốn nhìn tôn giáo từ bên ngoài qua các thể loại thế tục, sang việc coi trọng hơn trí tưởng tượng tôn giáo một cách nghiêm túc hơn theo đúng bản chất của nó và cho phép các quan điểm tôn giáo được lắng nghe trong các cuộc tranh luận hàn lâm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh đến người nghèo như những người mang lại một góc nhìn cơ bản về thực tế: từ các vùng biên giới và ngoại vi, người ta có thể nhìn thấy những gì vẫn còn vô hình ở các trung tâm quyền lực lớn. Cộng đoàn Anh giáo cũng có một sự nhạy bén lớn về xã hội: làm thế nào điều này có thể thách đố một “trung tâm” thực sự của thế giới kinh tế tự do như trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London?

Khi chúng tôi mở Trung tâm Đức Tin cách đây mười năm, chúng tôi đã tổ chức một cuộc đối thoại giữa Tổng Giám Mục Rowan Williams và triết gia Bruno Latour. Triết gia đã bị cuốn hút bởi những căng thẳng có thể phát sinh vì sự hiện diện của các khái niệm thần học về công lý, năm thánh và sự tương trợ trong một tổ chức đã hỗ trợ lý thuyết kinh tế hiện đại. Thực tế, chúng tôi không phải chèo ngược dòng, như người ta có thể nghĩ. Ví dụ, trong bài phát biểu khai trường gần đây, phó hiệu trưởng mới của chúng tôi đã nói: “Chúng ta cần một tầm nhìn về xã hội thay vì phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa của chủ nghĩa tân tự do”. Điều này nghe rất giống với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Dường như giới trẻ không say mê đối thoại đại kết và liên tôn, giống như mọi thứ chỉ dừng lại ở lời nói. Linh mục đang đặt cược vào những thực hành nào nhiều nhất?

Có hai điều. Thứ nhất, người trẻ không hào hứng với đối thoại liên tôn nếu họ có thấy rằng điều này như muốn tránh những con voi trong phòng.

Một trong những điều đầu tiên tôi làm là đưa một nhóm sinh viên Hồi giáo, Kitô giáo và Do Thái giáo đến Israel và Palestine để thực hiện một cuộc viếng thăm theo tinh thần của một khoá học. Tôi đã làm được điều này cho sáu nhóm, cho đến khi đại dịch xảy ra và tiếp đó là chiến tranh Gaza. Trong đối thoại liên tôn, cần phải can đảm nếu chúng ta muốn đem lại ích lợi. Thứ hai, đúng là người trẻ muốn điều gì đó nhiều hơn là lời nói.

Chính về điểm này, sự quan tâm của chúng tôi đối với biến đổi khí hậu đã được chứng minh là rất lôi cuốn đối với việc cộng tác liên tôn. Những người trẻ rất quan tâm đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu và nhận ra rằng chỉ riêng khoa học và chính trị không thể giải quyết khủng hoảng này. Họ cũng đang tìm thấy những nhu cầu tâm linh bên trong chính mình khi đối diện với những thách đố này. Tôn giáo và biến đổi khí hậu là khuôn mẫu được yêu cầu nhiều hơn cả trong chương trình Niềm tin và Lãnh đạo của chúng tôi.

Theo kinh nghiệm này, linh mục đưa ra đề xuất gì cho toàn thể Giáo Hội, vốn thường dường như tách biệt với văn hóa và tập trung vào các vấn đề nội bộ?

Ngày nay có những tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi các Kitô hữu rút lui khỏi thế giới, mô tả thế giới này thù địch và khép kín với Tin Mừng. Tôi tin rằng điều ngược lại mới đúng. Những thách đố lớn của thời đại chúng ta và sự khan hiếm của các giải pháp chính trị thông thường cho chúng ta cơ hội để làm chứng một lần nữa về các nhân đức và sự khôn ngoan mà chúng ta đã nhận được qua đức tin. Tôi được mời phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP29 ở Baku năm ngoái và trong khi tôi đang đi dạo với một giáo sĩ trong bối cảnh đó, không ai hỏi tôi: “Tại sao linh mục lại ở đây?”. Trái lại, mặc cho những vụ bê bối và khủng hoảng của Giáo hội chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục được coi là những người bảo vệ một truyền thống luân lý mạnh mẽ, mà dân chúng biết là nếu không có sẽ bị thiếu. Mọi người cũng biết rằng chúng ta mang các mạng lưới rộng lớn của các tín hữu, nguồn lực, tổ chức và cộng đoàn giáo xứ đến với các vấn đề mà họ nỗ lực giải quyết. Do đó, chúng ta phải chống lại cám dỗ tập trung vào các vấn đề nội bộ và phân định những gì Chúa Thánh Thần đang làm trong thế giới và nơi chúng ta có thể làm việc với các đối tác của các tôn giáo khác hoặc những người không tin, để thúc đẩy các mục đích của Thiên Chúa cho công trình sáng tạo của Người trong những thời điểm khó khăn này.

Bài viết liên quan

Đức Hồng y Parolin chủ sự Thánh lễ kỷ niệm 20 năm ngày Thánh Gioan Phaolô II về Nhà Cha

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 2/4/2025, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Hồng y...

Triển lãm 500 thánh tích tại một nhà nguyện ở bang New Jersey, Hoa Kỳ

Từ 11 giờ sáng đến 7 giờ tối ngày 5/4/2025, tại hội trường Nhà nguyện...

Giáo hội sắp có thêm ba vị hiển thánh và một chân phước

Giáo hội sắp có thêm ba vị hiển thánh và một vị chân phước, theo...

Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha ổn định; tiếng nói và khả năng di chuyển khá hơn

Theo thông cáo được ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh trình...

Đức Thánh Cha: Đừng mất hy vọng ngay cả khi chúng ta thấy mình không thể thay đổi cuộc sống

Trong bài giáo lý được chuẩn bị cho buổi Tiếp kiến chung ngày 2/4/2025, Đức...

Đức Thánh Cha mời gọi tạp chí Văn minh Công giáo luôn đứng về phía Tin Mừng

Tạp chí La Civiltà Cattolica – Văn minh Công giáo – kỷ niệm 175 năm...