Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 2 Thường Niên năm C: Người đổi thay tất cả

Lời Chúa: Ga 2, 1-11

Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ tôi chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”.

Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na xứ Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

 NGƯỜI ĐỔI THAY TẤT CẢ

Trong một nhà máy nọ tại Ru-ma-ni -câu chuyện này đã xảy ra cách đây hơn ba thập niên- trước hàng ngàn công nhân tập trung trong hội trường, một diễn giả vô thần đang hùng hồn chứng minh sự huyền hoặc của Tin Mừng và sự dối trá của Chúa Giê-su. Ông tuyên bố: “Các bạn biết, phép lạ tiệc cưới Ca-na chỉ là thứ trò rẻ tiền của một tay ảo thuật. Tôi có thể làm lại việc ông Giê-su đã làm. Xem đây!” Thế rồi diễn giả huơ huơ tay trên một ly nước đã để sẵn trên bàn. Trong lúc mọi người chăm chú nhìn bàn tay của ông, thì một viên hóa chất bé tí từ trong tay áo ông rơi nhẹ vào ly và nước hóa nên đỏ thẫm. Vài kẻ vỗ tay. Diễn giả đắc chí nói: “Các bạn thấy chưa? Giê-su có hơn gì nào! Ông ta chỉ lợi dụng lúc các gia nhân không để ý mà ném vào chum một chất nào đó và thế là nước hóa thành rượu!” Bấy giờ một công nhân lên tiếng: “Thưa giáo sư, xin giáo sư vui lòng uống ly rượu này!” – “Không thể được! Đây là một chất độc! Uống vào chết ngay!” Anh công nhân liền mạnh dạn nói: “Với rượu của Người, Chúa Giê-su đã cho chúng tôi 2000 năm hoan lạc! Còn với rượu của các ông, các ông đã đầu độc chúng tôi!”

Đúng thế, trình thuật tiệc cưới được Gio-an, một chứng nhân trực tiếp, kể lại hôm nay không chỉ là một phép lạ nhỏ bé trong một đám cưới thôn quê bình thường. Được suy niệm lâu dài trong 50 hoặc 60 năm, sự kiện lịch sử đối với nhà thần học này đã trở nên cơ hội để trình bày cho chúng ta về mầu nhiệm thân thế Đức Giê-su cũng như ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong sự nghiệp của Người. Sự kiện này là một “dấu chỉ”.

1. “Nước” trở thành “rượu” tình yêu.

Mở đầu câu chuyện, Gio-an giới thiệu sơ qua khung cảnh và các nhân vật. Trong các nhân vật đó, ngoài Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a đóng một vai trò đặc biệt. Trong Tin Mừng của mình, Gio-an chỉ nhắc đến bà ở đầu, nơi trình thuật Ca-na này, và ở cuối, dưới chân thập giá (x. Ga 19,25-27). Tuy nhiên, thánh sử không nêu tên Ma-ri-a, chỉ định nghĩa bà trong tương quan với Đức Giê-su: đó là “thân mẫu Người”!

Nhạy cảm đối với nhu cầu cấp thời của đôi tân hôn, thân mẫu Đức Giê-su nhận thấy ngay thế kẹt của họ. Coi mình ở trong cuộc như người nhà, bà đã xin Con mình can thiệp giúp. Nhưng “Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ tôi chưa đến”. “Giờ Đức Giê-su” là một thành ngữ liên quan tới cuộc Vượt qua (x. Ga 7,30; 8,20; 13,1; 16,25; 16,32). Giờ duy nhất này, chính là giờ Người được vinh hiển: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha… xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,1.5). Giờ vinh quang đó diễn ra theo ba giai đoạn: đó là Thập giá, việc Người “được nâng lên” khỏi đất… đó là Phục sinh, việc Người “được nâng lên” bên hữu Chúa Cha… và đó là Hiện xuống, việc Người tuôn đổ Thánh Thần cho tín hữu… (x. Ga 3,14; 7,39; 8,28; 12,32). Như thế, anh thợ mộc làng Na-da-rét, được mời đến dự tiệc cưới ở một làng bên, đã để cho chúng ta khám phá, qua lời nói cử chỉ, “hữu thể” sâu xa của mình. Người gợi cho thấy “giờ của Người”, giờ ban “rượu của Giao ước mới” (x. Mt 26,27) còn chưa đến. Tuy nhiên, ít ra Người cũng làm một dấu lạ tượng trưng và tiên báo việc ban thứ rượu mới này.

Trực giác của phụ nữ, của người mẹ cho thân mẫu Đức Giê-su thấy là Người sắp can thiệp: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Có lắm hoàn cảnh trong đó chúng ta “không còn làm chi được nữa”, cạn kiệt giải pháp ở mức độ con người… lúc đó phải nại vào một kẻ khác, vào Đấng Toàn Tha, Đấng duy nhất có thể cứu rỗi. Đức Giê-su quyết định hành động, nên ra lệnh cho gia nhân đổ đầy nước vào sáu chum đá và biến nước thành rượu. Không một chi tiết nào ở đây là tình cờ! “Sáu chum nước dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục của người Do-thái…”: nước này là dấu chỉ của một tình trạng lỗi thời, những thói tục tôn giáo giờ phải bị vượt qua. Đức Giê-su đến để thay đổi, hoàn tất Do-thái giáo. Nước trở thành rượu! Rượu tượng trưng cho trật tự mới, nhiệm cục mới; nước chỉ những nghi thức của đạo Do-thái thuộc nhiệm cục cũ.

Tôn giáo của người Do-thái đã trở thành quá tỉ mỉ, vụ hình thức. Bệnh của mọi đạo! Người ta rốt cục tưởng rằng để làm đẹp lòng Thiên Chúa, chỉ cần chẻ các câu văn, hoàn thành mọi nghi tiết, cứu vãn những vẻ bên ngoài. Đức Giê-su đổi thay tất cả. Đạo của Đức Giê-su đổi thay tất cả: đó là rượu say nồng của tình yêu. Chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa nếu các nghi thức của chúng ta là dấu chỉ và là nguồn lực của việc chúng ta hiến thân cho kẻ khác, nếu chúng ta biến nỗi khổ của một người anh em thành niềm vui hay ít nhất một sự dịu lòng. ĐGS mang đến khả năng tuyệt diệu này: từ nay, mọi sự đều có thể trở thành tình yêu, tình yêu phong phú.

Và đó là ý nghĩa của chi tiết tiếp theo: “Họ đổ đầy tới miệng”: 600 lít rượu ban trong “dấu chỉ” đầu tiên này nói lên sự phong phú dư tràn các ân huệ của Thời Cứu thế. Trữ lượng quá mức đó đủ để say sưa cả một thôn làng! “Rượu nho” cũng là một biểu tượng Thánh Kinh cổ điển (x. Tl 9,13; Tv 104,15 v.v…). Nó là một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất vì tỏa niềm vui, gây sảng khoái, “khiến hoan hỉ lòng người”. Thời tiên sai đã được loan báo bằng những hình ảnh tiệc tùng trong đó chan hòa rượu chảy: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon!” (Is 25,6. Xem Am 9,14; Hs 2,16; Ge 4,18; Gr 31,12).

2. Nhân loại trở thành “hôn thê” của Thiên Chúa

Thế nhưng khi gia nhân trình rượu phép lạ cho quản tiệc thì đã có một sự hiểu lầm, một sự hiểu lầm rất ý nghĩa: quản tiệc nhầm Đức Giê-su với tân lang! Trong một vài câu nữa của Tin Mừng mình, Gio-an sẽ minh nhiên nói rằng Đức Giê-su chính là “Tân lang” đích thực (x. Ga 3,29). Đây là chìa khóa giải thích ý nghĩa chủ yếu của dấu chỉ Ca-na. Nó tiên báo cái lúc Đức Giê-su sẽ nói: “Nầy là rượu tiệc cưới mới, là chén Giao ước mới trong máu Thầy”.

Như ta biết, Cựu Ước đã có một truyền thống lâu dài và tuyệt diệu là trình bày Thiên Chúa như Hôn phu của nhân loại. I-sai-a, trong bài đọc thứ nhất Chúa nhật này, vừa đưa ra lại với chúng ta “tuyên ngôn tình yêu” cháy bỏng đam mê của Thiên Chúa: “Chẳng còn ai réo tên ngươi: “Đồ bị ruồng bỏ!” Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn”. Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi!” Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng”… Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,1-5; x. Hs 2,21; Ed 16,8). Hình ảnh hôn ước này sẽ được tất cả Tân Ước lấy lại (x. 2Cr 11,2; Ep 5,25; Kh 21,2; 22,17 v.v…).

Ngoài ra, như ta có thể nhận thấy, ở tiệc cưới Ca-na, cô dâu chẳng được đề cập. Kỳ lạ quá phải không! Chúng ta đâu có tham dự bữa tiệc cưới bình thường! Nếu chú rể đích thực là Đức Giê-su thì cô dâu đích thực chính là nhân vật mà Người gọi bằng cái tên mang ý nghĩa tượng trưng đặc biệt: “Hỡi Bà!” (dịch sát: “Hỡi người phụ nữ”). Hôn thê của Thiên Chúa chính là Ít-ra-en đang mong đợi “Giao ước mới” khi công nhận “họ hết rượu rồi”. Ít-ra-en ấy, dân được Thiên Chúa cưới trong Giao ước mới ấy, rồi đây sẽ là Giáo Hội. Và Đức Ma-ri-a tượng trưng cho cả hai: bà là “thiếu nữ Sion” và “hình ảnh Giáo Hội”. Như thế, Hôn thê không được nêu danh trong tiệc cưới này chính là chúng ta: Thiên Chúa yêu thương bạn… Thiên Chúa đã cưới nhân loại trong Đức Giê-su Ki-tô… để cùng chung vui buồn sướng khổ!

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà hôn nhân gặp khủng hoảng trầm trọng: tình yêu xem ra mất phương hướng, người ta cổ vũ luyến ái tự do, sống chung chẳng làm lễ cưới, chẳng mừng tình yêu, chẳng mang trách nhiệm, đối với nhau cũng như đối với con cái của mình, thậm chí cổ vũ cả hôn nhân đồng tính… Biết bao cuộc tình phù du, mới đầu thật tươi nở, sau đó đã trở nên lạt lẽo tầm thường, như nước lã không mùi vị! Trong bầu khí ấy, những đôi lứa vững chắc nhất đôi khi cũng không thoát khỏi nhận xét bi thảm: “Họ hết rượu rồi!” Tình yêu họ như mất đi. Ai là người có thể ban lại? Chính là Đấng đang cứu vãn tiệc cưới! Hiệp thông vào chén của Đức Giê-su, uống “rượu” của Người, đó là uống tận nguồn “tình yêu đã hiến trao tất cả, ban tặng đến cùng” (x. Ga 13,1). Trong bao thế kỷ, các nhà thần học đã bàn cãi xem cái gì cao cả hơn: “hôn nhân” hay “độc thân”. Dẫu sao cũng chớ quên hình ảnh “Thiên Chúa-Hôn phu” của Kinh Thánh. Hãy để sự âu yếm của Thiên Chúa tràn ngập mình. Nếu kết hôn, hai bạn là “dấu chỉ”, nghĩa là “bí tích”, “biểu hiện” của Tình yêu Thiên Chúa. Nếu độc thân, bạn chẳng phải là “không có mối tình”, vì bạn cũng được kết hôn với Tình yêu cao cả nhất! Nhưng vấn đề là bạn sống cuộc hôn nhân hay sự độc thân của bạn ra sao?

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế