Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây!”. Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Các ông đáp: “Thưa được”. Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân; những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không như vậy được: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
CHỖ NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI
Năm 1949, khi bắt đầu cứu giúp những người hấp hối trên các vỉa hè thành phố Calcutta, Ấn Độ, mẹ Têrêxa cần có một căn nhà để mang họ về săn sóc. Chính quyền cho mẹ một phần của ngôi đền thờ kính nữ thần Kali, khu vực thường dành cho tín hữu hành hương ở tạm. Khi tin này lan ra, một số người kéo đến tòa thị sảnh hạch hỏi chính quyền sao lại cho phép một phụ nữ ngoại quốc dùng nơi thờ phượng của Ấn giáo để chiêu dụ dân địa phương theo Công giáo như vậy. Cũng có kẻ đến ty cảnh sát yêu cầu trục xuất mẹ Têrêxa ra khỏi ranh giới đền thờ. Ông trưởng ty hứa làm theo lời dân chúng nhưng xin để cho ông xem xét sự việc sao đã. Khi ông đến nơi, thì gặp mẹ Têrêxa đang săn sóc cho một người đầy những vết thương hôi thối ghê tởm. Trở ra ngoài sau một vòng quan sát, ông trưởng ty cảnh sát nói với số người tố cáo mẹ: “Tôi đã hứa với quý vị là sẽ đuổi nữ tu đó ra khỏi nơi đây, và tôi có ý định giữ lời, nhưng với một điều kiện: đó là quý vị hãy thuyết phục mẹ và chị em quý vị đến đây săn sóc các bệnh nhân này thay cho nữ tu đó. Nếu không, tôi sẽ chẳng làm theo lời quý vị”. Ông còn thêm rằng: “Đằng sau căn nhà này là tượng nữ thần Kali đứng trên bệ cao. Nhưng tôi vừa thấy một nữ thần Kali bằng xương bằng thịt”.
Những người nghèo khổ bệnh tật ở Calcutta thì ngày càng khám phá ra mẹ Têrêxa là một “thiên thần bác ái”, thế giới thì ngày càng xưng tụng mẹ là “trái tim của thời đại” qua không biết bao giải thưởng và danh hiệu cao quý trao tặng mẹ: giải Padma Shri của Ấn Độ (1962), giải tôn giáo Templeton của Anh Quốc (1973), giải Nobel Hòa bình của Na-uy (1979), giải Pacem in Terris của Va-ti-can (1979), giải Bharat Ratna của Ấn Độ (1980), giải Hòa bình Giáo dục của UNESCO (1992), danh hiệu “Công dân danh dự” của Hoa Kỳ (1996)… Giờ đây mẹ đã về nhà Cha; chúng ta tin chắc mẹ đang chiếm giải thưởng là một chỗ hạng nhất trong Nước Trời, và Giáo Hội đã sớm phong mẹ lên hàng hiển thánh năm 2016 (xem Wikipedia). Mẹ đã đạt tới vinh quang đó chính qua ngã phục vụ những con người phải chịu cảnh tủi nhục hơn cả, ngã đường mà Đức Giê-su kêu mời các môn đệ và chúng ta bước theo hôm nay.
1. Đường đến vinh quang…
Gia-cô-bê và Gio-an, hai trong số môn đệ ấy, có lẽ là con bà Sa-lô-mê, em ruột Đức Ma-ri-a, thân mẫu của Thầy họ (x. Mc 15,40; 16,1). Theo tập tục rất tự nhiên trong nhiều nền văn minh Đông phương, họ thấy việc lợi dụng các đặc quyền này là điều bình thường: là em con dì của Đức Giê-su, hai anh em sắp xin ông anh họ cho “cánh gia đình” được tham dự vào thành công của một trong những thành viên dòng tộc. Vả lại, Đức Giê-su đã chẳng nói: “Hãy xin, thì sẽ được” sao?
Thế nhưng, Người cũng mới loan báo cho họ lần thứ ba về việc mình chịu khổ nạn (x. Mc 10,32-34): “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế… Họ sẽ lên án xử tử Người…” Ngay chính lúc Đức Giê-su “chọn chỗ rốt cùng” thì họ, họ lại cố gắng “giành chỗ tốt nhất”. Họ vẫn còn mơ tưởng một Đấng Mê-si-a vinh quang như toàn dân, vị tướng hiển thắng sẽ giải quyết mọi sự bằng quyền lực mình. Nếu thế thì tại sao không lợi dụng một người bà con để thăng chức, hưởng đặc quyền, được tiến cử? Chớ phê phán họ khắt khe quá. Ta cũng chẳng làm thế mỗi lần có cơ hội sao? Khi có nhiều quan hệ, thì lợi dụng chúng để rút ra vài mối lợi phải chăng không là chuyện bình thường? Hãy đi xa hơn: cuộc sống Ki-tô hữu đối với ta phải chăng là đời phục vụ Thiên Chúa hay nỗ lực bắt Thiên Chúa phục vụ ta?
Thật ra, ước chi Gia-cô-bê và Gio-an đã biết ai sẽ “ngồi bên hữu bên tả” Đức Giê-su khi Người vào trong “vinh quang của Người” trên thập giá! Họ đang vô tình xin chỗ của hai tên cướp (đúng ra là hai tay kháng chiến chống lại đế quốc Rô-ma) bị đóng đinh với Thầy, vì vẫn chưa hiểu chi về số phận đích thật của Thầy. Qua các câu hỏi lại, Đức Giê-su cố gắng đưa họ đi từ ý tưởng “vinh quang Đấng Mê-si-a” sang ý tưởng “con đường dẫn tới đó”. “Vinh quang” hai anh em cầu xin, một ngày kia họ sẽ có được! Giấc mơ tuổi trẻ của họ sẽ thực hiện khi họ về già: Gia-cô-bê sẽ là vị tử đạo tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem (x. Cv 12,2) và Gio-an sẽ phải vào trại “tập trung cải tạo” của hoàng đế Néron trên đảo Patmos (x. Kh 1,9).
Để giúp thay đổi ước vọng của họ, Đức Giê-su sử dụng hai hình ảnh truyền thống của Thánh Kinh: “chén” và “phép rửa”. “Chén” thường là “chén đắng”, thức uống khó nuốt, ghê tởm: “Vì này tay Chúa cầm chén rượu, chén rượu đầy mùi vị đắng cay, rót cho bọn gian ác trên đời, thảy đều phải uống, uống không chừa cặn” (Tv 75,9). “Phép rửa” cũng có một ý nghĩa tương tự: đó là hình ảnh của sự đắm chìm trong gian khổ (x. Tv 42,8). Đức Giê-su ý thức rất rõ những gì sắp xảy đến cho bản thân, nên mới yêu cầu hai môn đệ: “Anh em có thể uống chén khổ nạn của Thầy, ngập chìm trong phép rửa bằng máu của Thầy không… Có chấp nhận bị chôn vùi như Thầy và với Thầy dưới những con nước ghê gớm này, tức chia sẻ cái chết của Thầy không?”
Với tất cả niềm hăng say quảng đại của tuổi trẻ, hai ông xẳng xái đáp: “Thưa được!”. Họ sẵn sàng lấy bản thân trả giá, dĩ nhiên với hy vọng được thỏa mãn ước nguyện quyền hành. Và Đức Giê-su công bố một lời tiên tri được thực hiện nửa phần khi Mác-cô ghi lại câu chuyện. Vinh quang thì Gia-cô-bê và Gio-an sẽ có. Nhưng đấy sẽ không phải là cái họ từng khao khát mà sẽ là “vinh quang” của Đức Giê-su. Phần chúng ta thì sao? Khi các lời cầu nguyện của chúng ta xem ra không được chấp thuận, rốt cục chúng ta có tin tưởng vào Thiên Chúa để Người nhậm theo cách của Người chăng?
2. … Qua ngã phục vụ
Nhưng mười ông còn lại đã tức giận vì cũng có tham vọng như hai anh em. Đức Giê-su bèn nhân cơ hội dạy cho họ một bài học cơ bản về quyền bính. Trước hết, Người nói tới cung cách cai trị giữa trần đời. Đây là lần độc nhất Đức Giê-su bàn đến “chính trị” nhưng chỉ để vẽ lên một bức tranh khá đen tối: “Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân; những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (dịch sát Bible de Jérusalem: “Thủ lãnh các nước thì cai trị nước như chúa tể và những người làm lớn thì bắt chịu quyền lực của họ”). Ta không thể bảo rằng Đức Giê-su ao ước thiết lập một thế giới không tôn ti trật tự, một thế giới vô chính phủ, một thế giới cào bằng. Nhưng một lần nữa (như đối với việc sử dụng tiền bạc hay phái tính), Người loại bỏ mọi lạm dụng: “quyền lực” không thể được thi hành như một sự thống trị và áp bức, như một “tương quan đối đầu” trong đó kẻ mạnh hơn thì thắng. Ý tưởng này của Người đã được Giáo Hội mới đây diễn tả và khai triển trong cuốn Giáo lý chung: “Các thể chế có bản chất trái ngược với luật tự nhiên, với trật tự công cộng và với các quyền căn bản của con người, thì không thể đem lại công ích cho những quốc gia đang bị áp đặt phải theo những thể chế đó. Quyền bính không rút ra tính hợp pháp luân lý tự chính mình. Nó không được xử sự cách chuyên chế, nhưng phải hành động vì công ích với tư cách “một sức mạnh luân lý đặt nền tảng trên sự tự do và ý thức trách nhiệm… Quyền bính chỉ được thực thi một cách hợp pháp khi nó mưu cầu công ích… và dùng những phương tiện được phép về mặt luân lý để đạt được công ích đó. Nếu các nhà lãnh đạo đưa ra những luật bất công hay sử dụng những biện pháp trái luân lý, thì những mệnh lệnh đó không thể bắt buộc lương tâm. Trong trường hợp này, quyền bính không còn hiệu lực, và trở thành một lạm dụng đáng xấu hổ” (Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1901-1903).
Đức Giê-su thẳng tay loại bỏ trong Giáo Hội, trong cộng đoàn Ki-tô hữu mẫu quyền lực được thực thi nơi thế gian như vừa trình bày: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em…”. Đây không chỉ là một luật trong bao luật, song là “Hiến pháp” của Giáo Hội, của cộng đoàn các môn đệ: mỗi người phải là tôi tớ của mọi người! Trong Giáo Hội, phải hoàn toàn từ bỏ nguyên tắc tiến thân, nâng bậc, tiền đồ, tước hiệu, huân chương, chỗ danh dự! Chỉ còn một nguyên tắc duy nhất: phục vụ khiêm tốn. Không có “thủ lãnh” theo nghĩa thế gian trong Giáo Hội. Chỉ có những tôi tớ, những thừa tác viên thôi. Khởi từ Đức Grê-gô-ri-ô I (590-604), tước hiệu “Servus servorum Dei” (Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa) thường được các Giáo hoàng sử dụng khi mở đầu “trọng sắc/sắc chỉ” của các vị.
Lý do căn bản của “Hiến pháp” độc đáo này chính là vì Giáo Hội phải đơn giản bắt chước Đức Giê-su: “Con Người đến để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Đức Giê-su gán cho cái chết của mình một ý nghĩa hết sức tích cực. Người chẳng nhìn nó theo kiểu một kẻ ái khổ: con đường thập giá đối với Người, trước hết không phải là “đau khổ” song là “phục vụ”! Dẫu mang tư cách con Thiên Chúa đầy uy quyền, Đức Giê-su đã không cư xử như “kẻ thống trị” nhưng như “tôi tớ”, chẳng đóng vai “chủ ông” nhưng vai “người giúp việc” (x. Ga 13,13). Phần chúng ta, chúng ta coi lời mời của Đức Giê-su là quan trọng như mẹ Têrêxa chăng? Đừng xét lương tâm kẻ khác, mà hãy xem mình có khuynh hướng thống trị ai? mình phải yêu thương ai? phải phục vụ hạng người nào?
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế