Lời Chúa: Mc 12,28-34
Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”.
Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã để Đức Giê-su ở lại Giê-ri-khô cùng với anh hành khất mù lòa. Tiếp đó, Người khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem (x. Mc 11,1-11). Ngày hôm sau, thánh Mác-cô nói, Đức Giê-su đến Đền thờ để tống cổ những ai đã khiến nó thôi đóng vai trò “nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc” (x. Mc 11,12-19). Hôm sau nữa, Đức Giê-su trở lại Giê-ru-sa-lem, và trong “dụ ngôn bằng hành động” là cây vả khô héo, Người cho biết mình đã đến tìm hoa trái nơi dân Ít-ra-en nhưng không gặp ; nên như cây vả, Đền thờ sẽ bị phá hủy (x. Mc 11,20-25). Thành thử chúng ta đang ở trong những tuần cuối cùng của Đức Giê-su. Sự đối đầu với các giới chức đã lên đến cực điểm. Theo Mác-cô, chính trong Đền Giê-ru-sa-lem, chỗ công khai, trên bãi đất thiêng làm thành một thứ quảng trường với những hàng cột bao quanh và nhiều đám đông tụ họp, mà Đức Giê-su “tranh cãi”, “tấn công” và “bị trả đũa”… Nhiều cuộc luận chiến dữ dội nổ ra. Cung giọng lên cao dần giữa Người với các thủ lãnh bị Người khiêu khích. Các đề tài nóng bỏng nhất được đề cập : “Ông lấy quyền nào mà đuổi những kẻ buôn bán?” (Mc 11,27-33). “Vậy ông chủ vườn nho có lũ tá điền gian ác sẽ làm gì?” (Mc 12,1-12). “Có nên nộp thuế cho quân chiếm đóng không?” (Mc 12,13-17). “Ở thế giới bên kia, số phận kẻ chết sẽ thế nào?” (Mc 12,18-27).
Chính trong bối cảnh ấy mà một kinh sư phái Pha-ri-sêu, sau khi khoái chí vì câu Đức Giê-su trả lời vấn đề kẻ chết sống lại (phái Xa-đốc, các địch thủ của ông, vừa được một bài học đích đáng !), đã đến bên Đức Giê-su để hỏi Người : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng hàng đầu?”
1. Mến Chúa hơn cả mến chính mình.
Đam mê của dân Ít-ra-en chính là Torah (Lề luật). Trong các Yéshivot (trường học đức tin), người ta thấy trẻ em, thanh niên, người lớn, cụ già trải qua nhiều giờ “nghiên cứu” Thánh Kinh và các chú giải trong sách Talmud[1]. Rồi để xin một câu giải thích, một lời khuyên nhủ, một quy luật sống rút ra từ Lời vĩnh cửu, họ chạy đến giới chuyên gia là các kinh sư thời Đức Giê-su và các rabbi thời chúng ta. Sau đó, cũng trong các “trường học đức tin” này, người ta tranh luận, người ta “chia sẻ” (nói theo kiểu hôm nay). Mỗi sa-bát là một ngày dài cầu nguyện và hội học, trong đó thiên hạ cùng nhau say mê tìm hiểu các “giới răn” Thiên Chúa sâu hơn để cố gắng tuân giữ tỉ mỉ hơn. Ở trong bối cảnh văn hóa của dân mình, Đức Giê-su cũng đam mê Lề luật như vậy. Người thuộc Lề luật làu làu. Người từng đọc đi đọc lại nó với những kẻ khác ngay từ thuở nhỏ. Người từng tranh luận rồi tái tranh luận về nó. Là Ki-tô hữu, chúng ta có được nỗi đam mê đối với Kinh Thánh như vậy không ? Có khao khát đọc Lời Thiên Chúa không? Trong một tuần, chúng ta bỏ ra bao nhiêu thời gian để nghiêm túc “nghiên cứu” Kinh Thánh và cầu nguyện ? Có thảo luận cùng với những người khác để soi sáng cho nhau chăng ?
Câu hỏi được vị kinh sư đặt ra cho Đức Giê-su là một câu hỏi cổ điển trong các Yéshivot. Người ta đã nêu lên được trong Kinh Thánh 613 huấn giới : 365 điều cấm và 248 điều buộc… Chớ có cười ! Trung thành cho đến những chi tiết nhỏ nhặt là một dấu chứng tình yêu. Có yêu mới hiểu. Thế nhưng dân Do-thái hoàn toàn có ý thức về tầm quan trọng tương đối của các giới lệnh này và thấy phải tìm cho ra điều gì chủ yếu. Và họ đã tìm ra, trong Kinh Thánh của họ, một số câu trả lời. Đối với Đa-vít, Lề luật tóm tắt trong 11 quy định lớn (x. Tv 15). Đối với I-sai-a là sáu (x. Is 33,15). Đối với Mi-kha là ba (x. Mk 6,8). Đối với A-mốt là hai (x. Am 5,4). Và đối với Kha-ba-cúc là một (x. Kb 2,4). Phần rab-bi Hillel thì tóm tắt Lề luật trong châm ngôn duy nhất này : “Điều gì bạn không muốn thì chớ làm cho tha nhân”. Rab-bi Akiba, gần như đồng thời với Đức Giê-su, cũng chú tâm vào điểm chính yếu của Lề luật là yêu người. Còn rab-bi Giê-su thì nghĩ sao ? Đâu là điều răn trọng nhất ?
“Điều răn đứng hàng đầu là: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. “Thiên Chúa phải được phụng sự trước tiên!”. Đối với Đức Giê-su, ưu tiên phải là Thiên Chúa! Nhưng Người mở đầu câu đáp bằng lời khai mạc kinh “She-ma Ít-ra-en” (x. Đnl 6,4-5), kinh mà mọi tín hữu Do-thái hằng ngày tụng niệm: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất…”. Đây là khẳng định căn bản của niềm tin Do-thái, và độc thần giáo này đã trở thành gia sản chung của Ít-ra-en, của người Hồi giáo và của Ki-tô hữu.
Nhưng Đức Chúa cao cả ấy không tự nhiên được yêu như thế. Thiên Chúa của triết học và của các tôn giáo khác đúng ra chỉ khiến nhân loại tôn thờ, sợ hãi, vâng phục, thậm chí sùng kính sơ sài hay chỉ xem là Đệ nhất Nguyên nhân, Đệ nhất Động cơ (triết học Aristote). Đối với Ít-ra-en cũng như đối với Đức Giê-su, cái mà Thiên Chúa chờ đợi chính là “lòng yêu mến”! Điểm độc đáo của Kinh Thánh, đó là biến con người thở nên “đối tác si tình của một giao ước tình si”: chính Thiên Chúa đã ban cho nó khả năng làm việc này, khi “dựng nên nó giống Người” là Tình Yêu! (1Ga 4,8).
Vậy phải chăng bạn yêu Thiên Chúa ? Hãy khiêm tốn, chớ vội trả lời khẳng định. Bạn làm gì đối với người yêu nếu quả thật bạn yêu người đó ? Có đúng là bạn yêu Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” chăng ? Việc tích tụ các kiểu nói này hiển nhiên muốn diễn tả cường độ và toàn tính của tình yêu ấy, một tình yêu huy động và đầu tư mọi khả năng lẫn mọi sinh lực của chúng ta. Lạy Chúa, xin khiến tình yêu Chúa đốt cháy con từ đầu đến chân, từ tinh thần tới thể xác, từ sáng tới chiều, từ trẻ đến già, từ cuộc sống riêng tư nhất đến các trách nhiệm tập thể nhất của con, một kẻ chỉ luôn luôn nghĩ đến mình và yêu mình hơn hết mọi sự, kể cả khi con phụng sự Chúa và phục vụ người khác.
2. Thương người như thể thương thân.
“Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi”. Ta nhận ra Đức Giê-su qua kiểu nói này! Viên kinh sư chỉ hỏi có một điều, nhưng Người, không đợi kẻ đối thoại yêu cầu, đã theo thói quen đi xa hơn (xin nhớ lại câu chuyện đồng tiền nộp thuế : Mt 22,21).
Dĩ nhiên ta không quên cái Đức Giê-su vừa nói. Cái Người sắp nói cũng quan trọng… song ở “vị trí thứ nhì”. Điều đó có nghĩa là hai giới răn này vẫn khác biệt nhau. Người ta thường có khuynh hướng hòa nhập chúng, như thể “yêu Chúa” đã đủ hay “yêu người” đã đủ, hoạt động bác ái có thể thay thế cho việc nguyện cầu… Giới răn “thứ hai” đâu có thay thế giới răn “thứ nhất”! Đúng là chế nhạo Đức Giê-su nếu tục hóa Người, biến Người thành một tay giảng thuyết về vấn đề xã hội, một kẻ giáo hóa về tình nghĩa anh em : rất nhiều vĩ nhân khác đã nói lên điều ấy.
Tuy nhiên hai giới răn đó liên kết với nhau như hai mặt của một đồng tiền. Ai yêu mến Thiên Chúa thực sự thì cũng sẽ yêu tha nhân thực sự (như các vị thánh). Và ai yêu tha nhân thực sự thì chắc chắn sẽ khám phá ra Thiên Chúa và yêu mến Người, vì Người là Tình Yêu và là nguồn xuất phát mọi tình yêu chân thật. “Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”.
Thấy vị kinh sư hoan hỉ xác nhận lời mình, Đức Giê-su khen tặng : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa !”. Được chuẩn bị lâu dài bởi bao thế kỷ lịch sử, văn hóa và lòng đạo đức của dân Do-thái, Nước Thiên Chúa bây giờ đã đến trong bản thân Đức Giê-su. Phải chăng vị kinh sư của Ít-ra-en sẽ thực hiện bước cuối cùng này là gắn bó với Người ? Trong một vài ngày nữa, Người chỉ cần thêm hai tiếng “như Thầy” là đủ để mặc cho hai giới răn tình yêu ấy tất cả chiều kích của chúng, chiều kích của Vương Quốc cũ và mới : “Hãy yêu như Thầy đã yêu!” (Ga 15,12). Trong con tim Đức Giê-su, có hai mối tình : mối tình thứ hai tuôn chảy từ mối tình thứ nhất. Yêu anh em là hậu quả và là dấu chỉ của lòng yêu mến Thiên Chúa. Câu chuyện sau đây là một minh họa :
Có một thiếu nữ đã tìm tới Ấn Độ xin gia nhập Dòng Thừa sai Bác ái của mẹ Têrêxa. Dòng có một quy định là ai mới đến đều được mời sang Nhà Hấp hối để săn sóc những kẻ sắp qua đời. Vì thế, mẹ Têrêxa đã nói với thiếu nữ : “Con từng nhìn linh mục dâng thánh lễ, từng thấy ngài cầm Thánh Thể trong tay cách cung kính và mến yêu chừng nào. Con cũng hãy đi và làm như thế nơi Nhà Hấp hối, bởi vì con sẽ gặp được Chúa Giê-su trong thân xác những người anh em khốn khổ”. Thiếu nữ ra đi. Vài giờ sau cô trở lại với một nụ cười rạng rỡ mà mẹ Têrêxa có lẽ chưa bao giờ trông thấy. Cô vui vẻ nói với mẹ : “Thưa mẹ, con đã sờ được thân thể Chúa Ki-tô suốt ba tiếng đồng hồ !” Mẹ mới hỏi cho biết sự thể đã diễn ra như thế nào. Cô đáp : “Con vừa tới Nhà Hấp hối thì thấy người ta mang tới một cụ già vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy ông đầy những thương tích và bùn nhơ hôi hám. Con đã tắm rửa cho ông thật sạch sẽ và băng bó vết thương cho ông. Con biết rằng làm như thế là con đã chạm đến thân thể Chúa”.
[1] Talmud là một tập hợp các văn bản cổ của các rab-bi Do-thái trong suốt hơn 10 thế kỷ. Bộ sách gồm 20 cuốn, hơn 1200 trang, hơn 250 vạn chữ, nội dung gồm hai phần “Midrash” và “Gemara”. Đây là nơi khởi nguồn của trí tuệ và là kim chỉ nam cho lối sống của dân tộc Do-thái (theo internet) .
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế