Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I MV Năm C: Sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại

LC 21, 25-28. 34-36

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người”.                   

SẴN SÀNG CHO NGÀY CHÚA TRỞ LẠI

Hôm nay chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới. Sau Mác-cô, bây giờ thánh Lu-ca sẽ nói cho ta về mầu nhiệm Đức Giê-su. Ngay Chúa nhật thứ nhất này, chúng ta đã được ném về “đằng trước”. Thời gian mùa Vọng là thời gian Đức Kitô “đến”: Người đã đến tại Bê-lem ngày Giáng sinh… Người đang đến trong mỗi biến cố và mỗi bí tích… Người sẽ đến vào thời tận cùng…

1. Ngày Chúa vinh quang trở lại

Bài Tin Mừng mở đầu với việc Đức Giê-su loan báo ngày Quang lâm. Để “mô tả” Ngày đó, Người dùng một thể văn đặc biệt gọi là thể văn “khải huyền”. Thể văn này đã xuất hiện tại Ít-ra-en hai thế kỷ trước Đức Giê-su và sẽ kéo dài sau đó một thế kỷ nữa. Văn phong Thánh kinh này tiếp nối phong trào ngôn sứ. Lúc ấy, tất cả mọi hy vọng của các ngôn sứ đều đã bất thành: thay vì độc lập, dân Ít-ra-en bấy giờ sát nhập và lệ thuộc các đại đế quốc ngoại giáo kế tiếp nhau, khiến người ta có cảm tưởng là lịch sử đã vuột khỏi bàn tay Thiên Chúa. Đấy là một cớ vấp phạm và một cơn thử thách cho đức tin. Thành thử trào lưu khải huyền trước hết muốn giúp tái sinh niềm hy vọng, bằng cách la to hơn nữa, ngay cả trong thất bại, sứ điệp của các ngôn sứ: Thiên Chúa là chủ lịch sử, Người sẽ có tiếng nói sau cùng! Vì chẳng biết Thiên Chúa sẽ toàn thắng sự dữ thế nào, nên người ta mô tả bằng cả một ngôn ngữ quy ước, với những hình ảnh vũ trụ vĩ đại và ngoạn mục.

Theo ngôn ngữ truyền thống này, ba không gian lớn đều bị rung chuyển: trời, đất, biển. Hỗn mang như giáng xuống vũ trụ, để một “thế giới mới” được tạo thành. Nơi I-sai-a (13,9-10; 34,3-4) chính những hình ảnh khủng khiếp này cũng được sử dụng để mô tả ngày tàn của Ba-by-lon: một bằng chứng cho thấy không nên hiểu chúng theo mặt chữ. Thiên Chúa đã sáng tạo thì Người chỉ có thể hoàn thành chứ không thể tiêu diệt! Hình ảnh “các ngôi sao từ trời rơi xuống”, “mặt nhật chẳng còn chiếu rạng” chỉ muốn nói Thiên Chúa là chủ tể và ngày Người đến sẽ làm rúng động và biến đổi vũ trụ (theo nghĩa tích cực). Chớ quên rằng phần lớn các dân tộc Đông phương cổ thường tôn thờ tinh tú như các hữu thể siêu nhiên, thống trị thế giới và quyết định vận mạng của loài người. Cứ nghĩ tới thành công (ngay cả trong thời hiện đại) của tử vi và chiêm tinh thì đủ hiểu. Nhưng nếu chư dân tôn thờ các thần dổm đó, thì Ít-ra-en trong các khải huyền của mình, tuyên bố rằng chúng chỉ là những tạo vật của Thiên Chúa, sẽ phải run sợ trước uy danh Người trong Ngày chung thẩm. Lần cuối cùng Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử loài người sẽ mang tầm mức vũ trụ và có tính cách quyết liệt.

“Muôn dân sẽ lo lắng hoang mang… Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc…”. Khác với Mác-cô trong đoạn song song nghe cách đây 15 ngày (CN 33 TN năm B), Lu-ca nêu bật hơn các phản ứng của con người trước các “biến cố-dấu chỉ”: đây là một thảm kịch nhân loài hơn là một đảo lộn vũ trụ. Con người mọi thời đều bị cám dỗ hủy diệt “thời gian”, vì coi nó đồng nghĩa với bất ổn. Chúng ta không thích “biến cố”, nghĩa là cái không thể dự kiến, cái bất ngờ, và thường lo sợ điều bí ẩn. Do đó mà có những khuynh hướng bảo thủ, duy truyền đủ loại, cố gắng làm tất cả để không gì “xảy đến”, chẳng gì “đổi thay”. Thế nhưng tất cả Kinh Thánh lặp lại với chúng ta rằng “biến cố” là cuộc “tỏ mình của Thiên Chúa” thật sự: Thiên Chúa đến, Thiên Chúa can thiệp qua sự kiện này. Việc vũ trụ lay chuyển là một biến cố đáng sợ, gây hốt hoảng… tuy nhiên đó là “dấu chỉ” cho thấy Người “đến trên mây trời”.

Kể ra không thiếu những nhà “tiên báo đại họa” chuyên loan cho chúng ta những tai biến tương tự hay tồi tệ hơn: nguy hiểm hạt nhân, nhân mãn địa cầu, gia tăng ô nhiễm, luân lý băng hoại v.v… từ đó tuyên bố ngày hủy diệt sắp tới và ai muốn được cứu thoát thì phải theo đường lối của họ, có khi đường lối này lại là tự sát (giáo phái “Chân lý tối cao” tại Nhật, “Thiên môn” tại Mỹ và “Đền mặt trời” tại Bỉ là những ví dụ). Phải chăng Đức Giê-su cũng chỉ là một trong các “tay nói gở”, sử dụng kinh hãi để lôi kéo thiên hạ theo mình? Không! Thay vì khai thác, Người giải tỏa nỗi sợ. Các “biến cố đảo lộn, thay vì chấm dứt tất cả, chỉ khai mào một thế giới mới, loan báo một cuộc  gặp gỡ. Tương phản với nỗi sợ của con người, này đây nổi lên hình ảnh chói lọi của Con Người trong chính vinh quang Thiên Chúa: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” Nói câu nầy, Đức Giê-su lấy lại “khải huyền của Đa-ni-en” (Đn 7,13-14)… nhưng biến đổi nó toàn diện. Vương triều của Thiên Chúa được Đa-ni-en chờ đợi sẽ chiến thắng kẻ thù của dân Ít-ra-en bằng một cuộc đột nhập dữ dội và lạ lùng của Thiên Chúa vào lịch sử qua nhân vật “Con Người đến trên mây trời”. Đức Giê-su đồng hóa mình với Con Người đó. Nhưng thay vì hủy diệt lịch sử, Con Người-Giê-su sẽ hoàn tất lịch sử và đem lại ơn cứu rỗi chung cục.

2. Biết chuẩn bị sẵn sàng

Thành thử bản văn Tin Mừng đúng là một sứ điệp hy vọng: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Chúng ta nhận thấy có hai cặp tương phản. Đối lại các thảm họa bề ngoài là cuộc quang lâm của Đức Giê-su. Đối lại cơn hoảng hốt của dân ngoại là việc ngửng đầu của các tín hữu. “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc… còn anh em, hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu…”. Sự tương phản này còn đậm nét hơn trong bản văn đầy đủ, bao gồm dụ ngôn nổi tiếng “cây vả loan báo mùa hè tươi đẹp” (Lc 21,29-30, bị phụng vụ loại bỏ ở đây).

Thành thử đối với nhiều người, cái xuất hiện như một sự phá hủy (“tận cùng” của Đức Giê-su trên thập giá, “tận cùng” của Giê-ru-sa-lem năm 70, “tận cùng” của mỗi người khi chết, “tận cùng” của các nền văn minh, “tận cùng” của vũ trụ: nghĩa là hết thảy mọi “biến cố” chết chóc) thì đối với Đức Giê-su và đối với mọi tín hữu tin lời Người, là chính khởi đầu của ơn cứu độ, của sự hoàn thành: “vì anh em sắp được giải thoát”. Bởi lẽ mầu nhiệm Vượt qua: chết-sống là khẳng định trung tâm của Đức tin.

“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em,”. Chớ để mình bị bắt chợt bởi những lần Đức Giê-su “đến”, nhất là lần cuối cùng. Con tim chúng ta dễ ra nặng nề trong những lo lắng và cơn lốc mưu sinh, trong những bận tâm thái quá về vật chất trần tục: “Ngươi nặng nề lắm, dân Ta hỡi. Quá nhiều thức ăn trướng bụng ngươi. Quá nhiều đồ vật chiếm hữu ngươi. Quá nhiều yên ổn trói buộc ngươi. Quá nhiều phù phiếm cầm giữ ngươi. Quá nhiều ngớ ngẩn ngập tràn ngươi. Quá nhiều ảo tưởng quyến rũ ngươi. Ngươi nặng nề lắm, dân Ta hỡi. Hãy trở nên nhẹ nhàng. Hãy sẵn sàng ra đi!” (Charles Singer). Một chương trình hay cho Mùa Vọng: mùa làm nhẹ gánh, mùa tạo lòng thanh thản. Hãy giải thoát mình khỏi âu lo thái quá về chuyện ăn chuyện mặc! Những lời Tin Mừng này quả đã được viết cho thời đại và cho nền văn minh tiêu thụ của chúng ta!

Chớ để mình bị “bắt chợt”, như con thú sập bẫy. Hãy “tỉnh thức”, luôn báo động, chẳng ngừng cảnh giác. Việc bất biết ngày “Quang lâm” không được làm chúng ta thụ động uể oải, nhưng biến thành những con người “đứng thẳng” mọi lúc! Qua những lời cuối cùng của bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với chúng ta rằng mỗi ngày đều là ngày Người đến! Nên trong viễn tượng này, việc cầu nguyện thay vì là một thái độ trốn chạy, lười nhác, lại là một thứ “tuần phòng” của chúng ta, giúp chúng ta khỏi rơi vào hoàn cảnh như nhân vật trong câu chuyện kết thúc bài suy niệm này:

Chuyện cổ Tây phương có kể tích anh chàng điên ở cung điện nọ được vua trao cho một “thanh quyền trượng”, biểu hiện của vương quyền, nhưng là để làm trò cười giải trí cho nhà vua. Vua phán: “Hãy giữ thanh quyền trượng này; khi nào ngươi kiếm được kẻ ngu dại hơn ngươi thì trao lại cho nó”. Anh chàng điên cười mà nhận. Và từ đó, mỗi khi có đại triều, y múa may cây vương trượng, dáng điệu ngông nghênh vênh váo, cố chọc cười mua vui cho nhà vua. Sau đó ít lâu, vua lâm bệnh nặng. Biết mình sắp chết, ông cho triệu chàng điên tới và buồn bã bảo chàng: “Ta sắp sửa đi du lịch một nơi xa lắm” – “Đức vua đi tận đâu?” – “Ta chẳng biết nữa” – “Đức vua đi có lâu không?” – “Đi hoài và không trở về đây nữa” – “Đức vua đã chuẩn bị hành trang chưa?” – “Chưa hề” – “Vậy xin Đức vua cầm lấy cái này”. Nói đoạn anh chàng điên trao lại cho nhà vua thanh quyền trượng.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế