Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Vọng: Niềm vui Đức tin

Lời Chúa: Lc 1, 39-45

Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.                 

NIỀM VUI ĐỨC TIN

Năm 1858… Bá tước de Bruissard khó chịu trước những tin đồn một bà hiện ra ở hang đá Lộ Đức (Lourdes, nước Pháp), đẹp tuyệt trần, nụ cười làm say đắm lòng người và lôi cuốn họ vào một thế giới linh thiêng mầu nhiệm. Chịu không nổi, ông tìm tới tận nhà chị Bê-na-đê-ta (Bernadette) phỏng vấn: “Này cô, nghe nói một bà nào đó đã hiện ra với cô và đã mỉm cười với cô. Bà đã mỉm cười như thế nào?” Bê-na-đê-ta e lệ trả lời: “Thưa ông, cần phải làm người trời mới mỉm cười được như vậy”. Ông bá tước thách thức: “Cô có thể diễn lại nụ cười đó cho tôi coi được không?” Bê-na-đê-ta im lặng, nét buồn phảng phất trên khuôn mặt. Vị bá tước tấn công thêm: “Tôi không thuộc tôn giáo nào, thế nên chuyện hiện hình này nọ đối với tôi chỉ là ảo tưởng!” Câu nói như một xúc phạm to lớn tới niềm tin. Bê-na-đê-ta hắt ánh mắt nhìn nghiêm nghị vào ông khách, giọng nói đanh thép: “Thế có nghĩa là ông coi tôi nói láo? Được, để tôi diễn lại cho ông xem!” Nói xong, Bê-na-đê-ta nhẹ nhàng đứng dậy, hai bàn tay chắp lại, cặp mắt ngước lên trời, ánh nhìn lung linh và khuôn mặt chị bỗng rực sáng, đôi môi rung động, đẹp một cách tuyệt vời! Bruissard cảm thấy rúng động toàn thân, rồi chới với, đất trời nghiêng ngả. Phút chốc, bao thành kiến phản đạo tan biến đâu hết, một chân trời ngập sáng mở ra. Ông thì thầm trong niềm tin mới mẻ: “Lạy Chúa, con xin tin Ngài!”

1. Hân hoan được mang Chúa đến

Chỉ còn vài hôm nữa là đến lễ Giáng sinh. Trong thời gian này, dù đại dịch Covid đang đe dọa, phố xá không nhiều thì ít cũng mang một bầu khí lễ lạc, các cửa hàng thì đua quảng cáo. Quảng cáo trên mạng còn đầy dẫy hơn. Trong những ngày chuẩn bị nhộn nhịp như vậy, phải chăng chúng ta sẽ dành một chút thời gian tự do nội tâm để suy niệm với Đức Ma-ri-a đang mong ngóng đứa con chào đời, để chiêm ngắm vẻ đẹp đức tin của bà, một đức tin làm nguồn phúc cho bà, một đức tin tỏa lan truyền nhiễm, đem lại nguồn vui lẫn đức tin cho kẻ khác, như chị thánh Bê-na-đê-ta trong câu chuyện ở Lộ Đức trên đây?

Bản văn mở đầu với việc “bà lên đường, vội vã đi miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa”, ngay sau khi thiên thần truyền tin Ngôi Hai nhập thể. Phản ứng nhanh nhẹn này là một dấu hiệu. Chính Lời Thiên Chúa đã khiến bà lên đường: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con traimà nay đã có thai được sáu tháng”. Ma-ri-a đăng trình ngay lập tức! Chúng ta tưởng tượng bà tràn đầy sốt sắng, nhiệt tình tuổi trẻ. Thái độ vội vã ấy là dấu chỉ đức tin của bà.

Chẳng có xe hơi, chẳng có tàu hỏa, và có lẽ chẳng có cả lừa, bà phải cuốc bộ 150km, về hướng Giê-ru-sa-lem phía Nam. Ain Karim (làng của bà chị họ) nằm trong vùng ngoại ô phía Tây của thành phố, cách 6km (nay là đại học y khoa Giê-ru-sa-lem). Nhưng đây không đơn thuần là một sự di chuyển mang tính địa lý, nó còn mặc ý nghĩa thần học. Chuyến du hành này khai mở một loạt du hành sẽ lấp đầy các trình thuật của Lu-ca. Con đường là một trong những nơi mạc khải và thực hiện sứ mệnh. Lời Thiên Chúa đã từ trời đến Na-da-rét. Hôm nay Lời đó từ Na-da-rét đến Giê-ru-sa-lem, tiên báo chuyến “lên đền” quan trọng sẽ đánh dấu đoạn cuối cuộc đời Đức Giê-su. Rồi từ Giê-ru-sa-lem, Lời sẽ lan sang Sa-ma-ri và cho đến tận cùng thế giới, đến tận lòng tôi, nếu tôi biết lắng nghe đón nhận.

Hành trình của Lời Thiên Chúa trước hết được thực hiện ở chốn thâm sâu nhất, và trong khung cảnh sống tự nhiên nhất: “giữa bà con”, “tại gia đình”. Nơi đây là giữa hai chị em họ. Đức tin luôn được thông truyền cách bình thường như thế. Da-ca-ri-a lúc ấy còn bị câm, vì đã chẳng có đức tin! (Lc 1,20.64). Cũng là một dấu chỉ rất ý nghĩa. Ông lão khốn khổ này sẽ không thể nói ngay cả một tiếng với hai người đàn bà, trong thời gian họ gặp nhau “ba tháng” (Lc 1,56). Chính các phụ nữ có đức tin đầu tiên! Chính các phụ nữ phát biểu niềm tin của mình!

Ma-ri-a mở miệng nói: “Shalom!” (Bình an: lối chào của người Do-thái). Bà đến chúc mừng và chia sẻ niềm vui của hai con người mà mới cách đây 6 tháng, còn là một cặp vợ chồng già buồn bã. Buồn bã vì “vô hậu”! Tai Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng chào, “đứa con trong bụng nhảy lên”. Là một y sĩ, Lu-ca quan tâm tới chi tiết đó. Mọi phụ nữ từng làm mẹ đều nhớ lại giây phút không quên khi đứa trẻ tỏ ra dấu hiệu tự trị đầu tiên này. Biến cố thông thường chăng? Sáo ngữ văn chương ngây ngô chăng? Tình tiết đa cảm lỗi thời chăng? Ô không! Đối với Lu-ca, đó là một khẳng định thần học, một “dấu chỉ” nữa: hai anh em sinh đôi là Ê-xau và Gia-cóp cũng đã nhảy lên như thế trong bụng bà Rê-bê-ca từng son sẻ (x. St 25,22). Thiên Chúa đi trước nhân loại trong các dự định của Người: “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1,5).

Gio-an Tẩy giả như vậy đã bắt đầu vai trò ngôn sứ, chứng nhân cho Đức Giê-su Ki-tô rồi! Chính ông loan báo cho mẹ ông biến cố kỳ diệu đang được chuẩn bị. Có lẽ chúng ta muốn duy lý hóa mầu nhiệm, coi đó chỉ là hiện tượng sinh học bình thường. Được thôi! Nhưng đó cũng là mầu nhiệm thần linh về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn “đi trước” chúng ta. Người bao giờ cũng biết chúng ta trước, bao giờ cũng yêu thương chúng ta trước, bao giờ cũng có dự định về chúng ta trước, bao giờ cũng ban ơn cho chúng ta trước!       

“Bà Ê-li-sa-bét được đầy Thánh Thần”. Đối với Lu-ca, các trình thuật thời thơ ấu của Đức Giê-su là một thứ tiên báo (hay thực hiện trước) thời Phục sinh. Đó đã là lễ Ngũ Tuần, nhưng là một lễ Ngũ Tuần nội tâm, không hiển hách rạng rỡ, Lu-ca về sau sẽ nói cũng chính Thần Khí Thiên Chúa ấy sẽ được “đổ trên hết thảy người phàm” (Cv 2,17-21; Ge 3,1-5). Rõ ràng Lu-ca đã đọc lại sự ra đời của Đức Giê-su dưới ánh sáng sự ra đời của Giáo Hội! Tuy nhiên điều đó không muốn nói rằng những biến cố ấy chẳng có thực. Vì Lu-ca đã ghi nhận chúng từ các môi trường thân cận vị Tẩy giả và từ họ hàng của Ma-ri-a, vốn hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

2. Hạnh phúc được tin vào Người

Ê-li-sa-bét lớn tiếng chúc tụng Ma-ri-a được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. Có lẽ lắm Ki-tô hữu đọc kinh “Kính mừng” mà chẳng biết rằng lời cầu nguyện của họ đến từ câu Tin Mừng vừa thấy. Những lời này đã đi qua các thế kỷ trên môi miệng tổ tiên chúng ta. Phải chăng ta sẽ để chúng rơi vào quên lãng, vì chẳng thường xuyên lần chuỗi, đọc kinh “Kính mừng”? Những lời này cũng là một câu trích Cựu Ước, được sử dụng hai lần, cho hai phụ nữ khác, Gia-ên và Giu-đi-tha (x. Tl 5,24; Gđt 13,18), hai phụ nữ đã cứu dân mình những thời đại nạn. Vậy trích dẫn đó phải chăng là tình cờ?

Lời chúc tụng “có phúc” đầu tiên này, xin lưu ý thêm, đã được một phụ nữ dành cho một phụ nữ. Bí mật thứ nhất của Thiên Chúa đã không được trao phó cho những người nam… Ngày nay có nhiều phong trào giải phóng phụ nữ. Một số cho rằng chúng chỉ bày vẽ, mang tính hàm hồ. Dưới khía cạnh tích cực, chúng là dấu chỉ thời đại, dấu chỉ của Thiên Chúa. Một phong trào phụ nữ, những thập niên gần đây, đã tự cho mình một phận sự: “Đòi cho nữ giới được làm linh mục, dám gọi Thiên Chúa bằng giống cái…”. Thật ra, việc đề cao phụ nữ đã khởi sự trong Tin Mừng Lu-ca rồi. Ma-ri-a và Ê-li-sa-bét đã “đầy tràn Thánh Thần” 30 năm trước các ông Phê-rô, Gio-an… Tin vui Phục sinh đã được loan báo trước tiên cho Ma-ri-a Mác-đa-la chứ chẳng phải cho các Tông đồ. Vị thánh lớn lao nhất trong mọi vị thánh, con người cao cả nhất trong loài người là một phụ nữ: Đức Ma-ri-a.

Sau khi nói đến phúc của cô em, Ê-li-sa-bét nói đến phúc của chính mình. “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Đây cũng là một trích dẫn Cựu Ước (x. 2Sm 6,9) nói tới việc Đa-vít không dám tin rằng Khám Giao ước lại có thể đến “trong nhà mình”. Khám là “nơi” Thiên Chúa hiện diện. Tuy nhiên từ đây (x. Ga 2,19) Người đã quyết định không ở trong những “đồ vật” phụng tự, những ngôi nhà bằng đá nữa, nhưng trong “Thân thể sống động” của Đức Ki-tô. Bạn đang tìm một Đấng Cứu thế, hãy mở mắt mà nhìn: bào thai mong manh bé nhỏ trong bụng mẹ này chính là “Con Thiên Chúa, tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Bí tích Thánh Thể cũng vậy. Mầu nhiệm Thiên Chúa mai ẩn!

Tất cả trình thuật này rõ ràng là tắm trong đức tin và chỉ có thể giải thích trong đức tin. Ma-ri-a được công bố là “có phúc” vì bà đã tin hơn là đã được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Quan trọng hơn việc cưu mang Con Thiên Chúa trong bụng, bà đã cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng. Điều này, Đức Giê-su rồi đây sẽ xác nhận! Khi nghe một phụ nữ lên tiếng với mình: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”, Người sẽ đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Phải chăng mối phúc này cũng là mối phúc chính của bạn? Phải chăng đức tin của bạn chính là nguồn vui của bạn và cũng đã trở thành nguồn vui cho kẻ khác, như Đức Ma-ri-a, như thánh nữ Bê-na-đê-ta?    

            Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế