“Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
Hôm nay, Giáo Hội Việt Nam long trọng mừng kính các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Vậy thế nào được gọi là “Tử Đạo”? Và cuộc hành trình đức tin của mỗi Kitô hôm nay phải chăng cũng được xem như là những hành trình “tử đạo”?
Từ “Tử Đạo” nhiều khi được hiểu một cách rất hàm hồ và có phần phiến diện do sự chủ quan, hay do quan điểm dân tộc, tôn giáo, chính trị… Chẳng hạn một số người cực đoan ôm bom lao vào đám đông giết hại những người vô tội, hay những người ra tay sát hại hàng ngàn người không cùng tôn giáo, không cùng quan điểm, không cùng lý tưởng để bảo vệ lợi ích của nhóm, của phe phái mình. Theo ý nghĩ của những người cực đoan, thì những người chết như thế được gọi là Tử Đạo hay anh hùng.
Vậy các Thánh Tử Đạo của chúng ta thì sao? Các Thánh Tử Đạo có phải là những người thích chết hay như những người đánh bom cảm tử để tự sát chính mình và người không cùng tôn giáo với mình chăng?
Các Thánh Tử Đạo có phải là những người theo chủ nghĩa anh hùng cầm gươm dao, triệt hạ kẻ thù để bảo vệ một lý tưởng, một triết thuyết nào chăng? Thưa, không phải thế. Điểm khác biệt giữa các thánh tử đạo với những anh hùng dân tộc, những cảm tử quân ở chỗ các Ngài chết không vì một sự hận thù nào. Mặc dù bị chết nhưng các Thánh Tử Đạo vẫn một lòng yêu thương và tha thứ cho kẻ giết mình.
Thật vậy, trở về nguyên nghĩa của từ “Tử Đạo” có nghĩa là người làm chứng. Các Thánh Tử đạo là những người đã lấy đời sống, lời nói, việc làm và chính mạng sống của mình để làm chứng cho chân lý, cho sự thật, cho tình yêu và lòng trung thành với Thiên Chúa mà họ tin thờ.
Bài đọc một trích sách Macabê đã trình bày cho chúng ta một bà mẹ rất đáng khâm phục. Bà đã can đảm chịu đựng và khuyên nhủ 7 người con trai của mình thà chết chứ không ăn thịt heo để trung thành với lề luật của Môsê. Đau khổ biết bao khi chứng kiến 7 người con chết trong một ngày. Vậy mà người mẹ ấy vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cây bà đặt nơi Thiên Chúa.
Bởi đâu, bà mẹ và 7 người con của bà cũng như các Thánh Tử Đạo có được sức mạnh và lòng trung thành với Thiên Chúa như thế? Thưa bởi tình yêu, tình yêu mà các Ngài dành cho Thiên Chúa. Vì tình yêu, các ngài sẵn sang đón nhận mọi gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo. Ngay cả sự chết cũng không thể tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Qúy vị và các bạn thân mến!
Ngày hôm nay, có lẽ không còn những bắt bớ, cấm cách, gông cùm, tra tấn và không còn đổ máu như những bậc anh hùng tử đạo, nhưng điều đó không vì thế mà không có tử đạo. Đời sống đạo của người Kitô hữu ngày nay xem ra đang như những người “đang lội ngược dòng” trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
Cuộc sống hôm nay, nhất là trong đại dịch Covid_19 đã phơi bày đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, tham quyền. Một xã hội xem ra: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, giận lận lừa lọc lại nên lương”. Vì một chút quyền lợi, mà người ta sẵn sàng bất chấp lương tâm để đạt được mình muốn. Trái lại, người Kitô hữu lại được mời gọi sống ngay thẳng, làm men, làm muối, là ánh sáng cho trần gian và làm chứng cho sự thật.
Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, con người trở thành mặt hàng buôn bán, trao đổi, mua vui và vất bỏ, thì người Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân phẩm và sự sống của tất cả mọi người, từ khi mới là bào thai cho đến khi kết thúc một cách tự nhiên.
Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng ngày một trở nên lỏng lẻo. Nhiều phong trào và cả những thể chế cổ súy cho lối sống chung, sống thử ngoài hôn nhân và thậm chí cả hôn nhân đồng tính, thì người Kitô hữu lại được gọi mời sống chung thủy một vợ, một chồng bất khả phân ly.
Đang khi xã hội đề cao tự do, đề cao cái tôi, đề cao sự hưởng thụ của cải vật chất, đề cao sự phóng túng tính dục, thì rất nhiều bạn trẻ và các tu sĩ trẻ được mời gọi từ bỏ tất cả để đáp lại lời mời gọi bước theo Chúa Kitô và bắt chước Ngài, qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm: Khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.
Trước những thách đố của xã hội, người Kitô luôn luôn trong tư thế phải biện phân, phải lựa chọn. Tin vào Chúa có vẻ dễ, nhưng để sống và trung thành với đức tin ấy luôn là một thử thách. Mỗi lần lựa chọn sống đức tin, chấp nhận thua thiệt, chấp nhận hy sinh để làm chứng cho Tin mừng. Mỗi lần sống như thế là mỗi lần chúng ta tử đạo. Bởi chính Đức Giêsu nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.
Giữa một xã hội tăm tối, nhất là trong đại dịch Covid_19 đang hoành hành, xin các Thánh Tử Đạo cầu bầu cùng Chúa cho chúng con là con cháu của các Ngài biết luôn trung kiên với Đức Tin. Xin các Ngài giúp chúng con luôn thắp lên niềm tin yêu bằng một đời sống yêu thương phục vụ. Chính khi sống những giá trị của Tin mừng, chúng con trở nên những chứng nhân niềm tin và hy vọng của Chúa Kitô cho con người hôm nay. Amen.
Bài viết: Lm Vũ Tuấn, CSC