Suy tư về thân phận con người qua đại dịch Covid-19

I. Dẫn nhập

Thế giới đang phát triển không ngừng, đời sống con người ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật đầy tinh vi và độc đáo. Nhờ những thành tựu khoa học đó, con người có thể hiểu biết nhiều hơn về vũ trụ và có thể giải đáp được những khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng, cơn đại dịch mang tên Virus corôna hay còn gọi là Covid-19 xảy ra làm cho mọi thứ phải điêu đứng. Nó không những gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, chính trị… mà còn làm đảo lộn cuộc sống, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Từ những thay đổi bên ngoài của cuộc sống, và nếu suy tư sâu hơn một chút, chúng ta có thể nhận ra thân phận con người qua cơn đại dịch này. Đó là một vấn đề mang tính muôn thuở, nhức nhối và hầu như không ai có thể đưa ra một lời giải đáp nào thỏa đáng. 

II. Đại dịch và con người

  1. Đời sống con người trước cơn đại dịch

Việc sử dụng những công nghệ kỹ thuật của khoa học cùng với những khám phá nghiên cứu của mình, “con người ngày nay đã đặt kỹ nghệ thành tiêu chuẩn để đánh giá[1]. Phải nói rằng, mọi giá trị của cuộc sống lúc này đều được đánh giá dựa trên khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của từng người. Vì vậy, trước khi đại dịch xảy ra, con người vẫn cứ mãi mê, tất bật xoay theo dòng chảy của cuộc sống, dường như chẳng ai để ý hay quan tâm đến những biến động của xã hội, thế giới xung quanh mình đang sống. Trong khi đó, Lời Chúa vẫn luôn cảnh tỉnh cho nhân loại chúng ta biết rằng “sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém, sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện” (Lc 21, 10).

Như cơn hồng thủy đã bất ngờ ập xuống vào thời ông Nô-ê khi “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang cưới vợ, họ đang lấy chồng” (Lc 17, 26). Khi Thiên Chúa tiêu diệt thành Xơđôm bằng lửa bởi trời thì “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang mua, họ đang bán, họ đang trồng, họ đang xây” ( Lc 17, 28). Cũng vậy, con người tưởng rằng cuộc sống của mình luôn êm đềm, bình yên, nhưng mấy ai ngờ được mọi thứ lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Cơn đại dịch đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người trên thế giới. Ngay cả khi chưa có đại dịch, con người vẫn luôn đối mặt với những hiểm họa như: chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, nghèo đói, thì nay là thời kỳ đen tối và u buồn của cơn đại dịch đang đè nặng trên nhân loại và nó đã thực sự gây nên những hậu quả khủng khiếp về mọi mặt trong xã hội, nhất là cho con người.

  1. Hậu quả của đại dịch

Mọi sự xảy ra đều để lại những hậu quả nhất định, và vì thế, cơn đại dịch cũng để lại những hậu quả cho đời sống con người. Một cách chung, cơn đại dịch cũng làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt thế giới và con người sống trong đó, làm đảo lộn nhân sinh quan và giá trị sống của nhiều người[2]. Trước hết, những hoạt động kinh tế của xã hội và thế giới bị ngưng trệ, các xí nghiệp, công ty, nhà máy phải đóng cửa vì thực hiện giãn cách xã hội. Kéo theo đó, nhiều người đang phải đối diện với bao nhiêu nỗi khó khăn như: thiếu việc làm, thiếu tiền bạc, thiếu lương thực, và nguy cơ bị lây nhiễm là rất cao. Một tình trạng điển hình vừa qua, tại Việt Nam, chúng ta đã nhìn thấy hàng trăm, hàng ngàn người với những phương tiện thô sơ nối đuôi nhau đổ xô trở về miền quê. Họ phải đánh đổi mọi thứ, bỏ lại công ăn việc làm nơi thành phố với hi vọng sẽ bảo toàn được tính mạng. Thứ đến, nỗi lo sợ càng tăng lên gấp bội khi mà tin tức báo chí, truyền thông đăng tải dịch bệnh rơi vào tình thế khó xử, nguy hiểm “con số các bệnh nhân cứ nhảy múa từng giờ, từng ngày[3]. Nhiều nơi, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, con số tử vong tăng nhanh đến quá tải, nên người ta đành phải hỏa táng hay chôn cất tập thể, thân xác con người chỉ được gói gọn trong những túi nilon. Có lẽ chưa bao giờ, chúng ta chứng kiến những cái chết đầy cô đơn, thảm thương đến thế, vì không có được một sự an tiễn biệt trực tiếp từ người thân. Nhìn những chiếc xe tang, những bệnh nhân hấp hối, hình ảnh những tử thi gần như xếp chồng lên nhau trong nhà xác lạnh lẽo, lúc đó, nhiều người nhận ra đời người ngắn ngủi biết chừng nào.

Ngoài việc gây ra cái chết thể xác, đại dịch Covid còn gây ra cái chết tinh thần cùng sự ám ảnh và đau khổ cho những người còn sống. Nhiều người đã rơi vào cảnh tuyệt vọng, mất nghị lực để sống, lo âu về tính mạng, về gia đình, về cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền và còn nhiều thứ khác nữa. Cuộc sống con người lúc này bị thu hẹp nơi những khu cách ly, “bị giới hạn tư bề và bị nhốt chặt vào những điều kiện sống, làm việc hay học tập…[4]. Các thành viên trong gia đình phải chia ly mỗi người mỗi nơi (vợ chồng, con cái, anh chị em..), họ ước mong sự bình an và vượt qua được những ngày đen tối này để đoàn tụ với gia đình. Trớ trêu thay, nhiều người đã không kịp nói lời từ biệt trước khi đi cách ly, và sau đó, người nhà chỉ nhận lại người thân trong một hũ tro và đứng trước tình cảnh này, nhiều người chứng kiến đã không cầm được nước mắt. Khi đó, lời Thánh vịnh một lần nữa vọng lên trong trái tim của mỗi người: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng. Một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103, 15-16).

Chúng ta không thể thay đổi được quy luật nghiệt ngã của phận người là đối diện với sự chết, đau khổ, nhưng chúng ta có thể thay đổi được lối sống để khi cái chết cận kề chúng ta không quá hối tiếc hay tuyệt vọng. Niềm tin, thái độ sống tích cực của con người có lẽ điều cần thiết hơn hết trong lúc này, như mục sư Martin Luther thật có lý khi nói rằng: “Chúng ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng có thể thay đổi được cột buồm”. Hoàn cảnh của dịch bệnh phức tạp và thê thảm đến mấy, nếu chúng ta luôn giữ trong mình niềm tin và hy vọng thì chắc chắn chúng ta sẽ không cảm thấy cuộc sống này đang đi vào ngõ cụt, nhưng nó vẫn luôn là một lối dẫn đến tương lai cho mỗi người.

  1. Tình người trong cơn đại dịch

Tác giả Sương Nguyệt Minh đã nhận định rằng: Trong cuộc chiến này, nếu muốn lật ngược thế cờ, đẩy virus covid ra khỏi cơ thể và dập dịch thành công ở mỗi quốc gia, thành phố đòi hỏi con người phải nghĩ đến con người.[5] Đại dịch vừa đảo lộn xã hội vừa làm hiện lên bộ mặt thật của nó, nhờ đó chúng ta thấy một xã hội đậm chất tình người, hình ảnh những người đau khổ, nghèo hèn, vô gia cư, những người ở tận đáy của xã hội được nhiều người biết đến. Họ là những con người đáng thương và thường bị mọi người trong xã hội lãng quên, khinh dễ và xa lánh. Nhưng chính lúc này đây, họ lại nhận được sự quan tâm,  thấu hiểu qua nhiều người cũng như qua truyền thông đại chúng. Chúng ta đón nhận và giúp đỡ cho những người gặp khó khăn không chỉ vì tình thương, mà còn vì tình liên đới với nhau. Chỉ như thế, chúng ta mới thực sự sống sung mãn nhân tính của mình trong gia đình nhân loại.  Như Xu Khômlinxki từng nói “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh, họ sinh ra là để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”. Để có thể in dấu ấn trong cuộc đời hay trong tim người khác, điều quan trọng là được mọi người nhìn nhận và quan tâm đúng mức. Cũng thế, hình ảnh của các bác sỹ, nhân viên y tế được mệnh danh là “chiến sỹ áo trắng” hay những tình nguyện viên và kể cả các Linh mục, Tu sĩ đã hăng hái lên đường tham gia nơi tuyến đầu chống dịch. Họ sẵn sàng quên mình đến với các bệnh nhân với hi vọng thắp lên một ngọn nến chiếu sáng giữa sự tăm tối của đại dịch, bằng việc lan truyền năng lượng tích cực giúp các bệnh nhân có tinh thần lạc quan để sống. Thật vậy, họ nhận ra tha nhân đang cần đến sự hy sinh, cộng tác của chính mình, mặc dù, nguy cơ lây nhiễm rất cao và có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Thiết nghĩ, đây cũng là thời cơ để mọi người tìm lại ý nghĩa chân chính của cuộc đời.

Bất cứ thời đại nào, con người đi tìm hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng xã hội của mình [6]. Quả thật, sống trong một xã hội, con người không thể sống một cuộc đời có ý nghĩa nếu không có sự liên đới với người khác. Đại dịch xảy ra dường như làm cho con người phát huy được tính sáng tạo của mình. Từ đó, cái được gọi là “văn hóa phúc” hay “văn hóa không đồng” đã xuất hiện trên mọi ngõ ngách của cuộc sống (những chuyến xe, hộp cơm, ổ bánh mì, đổ xăng, vá xe… tất cả đều “0 đồng”. Những câu khẩu hiệu như “ai ở đâu thì ở yên chỗ đó” hay câu “chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn ở nhà vì chúng tôi” cũng lần lượt được nói lên, xem ra dễ gây sự buồn cười nhưng thực chất nó vẫn mang ý nghĩa như một lời nhắn nhủ tâm huyết. Có thể nói rằng, chưa bao giờ con người yêu thương, quan tâm và gần gũi với nhau như lúc này. Tuy những việc làm và những cử chỉ của con người dành cho nhau nhỏ bé, tầm thường nhưng chất chứa trong đó cả những hy sinh thầm lặng, giá trị lớn lao của tình thương. Cách nào đó, con người cũng đã nhận ra cuộc sống này cần có sự sẻ chia, sự cho đi, vì họ biết rằng “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35) khi đó cuộc sống mới có ý nghĩa. Chắc có lẽ, mọi người đều ước ao có một “phép mầu” nào đó xảy ra xua tan đại dịch này để cuộc sống được trở lại bình thường.

Nhìn lại, chúng ta thấy đời người thật quá mỏng manh và ngắn ngủi, chỗ dựa trần gian chỉ là tạm bợ. Con người suốt một cuộc đời vất vả lao tác, vùi đầu vào công việc và chạy theo đà tiến của xã hội để khi cái chết đến bất ngờ, phải bỏ lại tất cả mọi thứ và ra đi với hai bàn tay trắng. Có thể nói, cái chết như là một chuyến đi cuối cùng của con người, chuyến đi cuối cùng của một đời người sau mấy mươi năm hiện hữu trên thế gian, đó là “trở về với cát bụi nơi mình đã được sinh ra” (St 3,19). Kỳ thực, đại địch đã giúp con người bừng tỉnh và nhận ra giá trị hữu hạn của kiếp nhân sinh, nhất là những bài học về cuộc sống.

  1. Bài học cho con người từ cơn đại dịch

Cơn đại dịch như đã vang lên một hồi chuông cảnh báo cho hết mọi người cũng như về đời sống của từng người. Cơn đại dịch Corona đang nhắc cho toàn nhân loại hiểu rằng, về cơ bản, tất cả chúng ta đều mang thân phận di cư, theo nghĩa là tất cả đều phải đối diện với hiện trạng hoặc viễn tượng bất ổn [7]. Thời gian đại dịch đòi buộc chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội, điều này giúp chúng ta có thời gian ngẫm nghĩ về cuộc đời, nhìn về những giá trị mà chúng ta đang theo đuổi, trong công việc cũng như những mối tương quan. Thật thế, ở trong màn đêm của đại dịch, chúng ta khát khao, mong mỏi có được ánh sáng của những ngày bình yên. Khi chúng ta thể hiện tình thương với người khác, chúng ta mới nhận ra mình cũng cần được chia sẻ tình thương như vậy. Khi đối mặt với hoàn cảnh bấp bênh bởi dịch bệnh, chúng ta mới có thể biết được đâu là nơi để bám víu chắc chắn cho cuộc đời. Đối với người tín hữu, nơi đó không gì khác ngoài Thiên Chúa như lời tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn (Tv 73, 26). Lúc đó, chúng ta sẽ bớt đi những thù ghét, tham lam, tranh đua và tích trữ, để sống một cuộc đời thanh thoát, ý nghĩa hơn trong tình thương và sự cảm thông với mọi người.

Giữa vũ trụ bao la này, chúng ta thấy con người thật nhỏ bé, chỉ một con virus vô hình cũng đủ làm cho mọi hoạt động của xã hội, cách riêng là tính mạng con người bị đe dọa trầm trọng. Tuy nhiên, virus vô hình đó đã tác động một cách hữu hình là đánh thức nhân loại đang ngủ mê trong sự hưởng thụ của cải vật chất, những tiện nghi do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đem lại. Cách đặc biệt với những Kitô hữu, đây là cơ hội để mỗi người xác tín lại đức tin của mình vào Thiên Chúa. Bởi vì, trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, đức tin của con người dễ dàng bị chao đảo, lay chuyển. Thế nhưng, nếu cuộc sống cứ êm trôi lặng lẽ thì đức tin sẽ chẳng được tôi luyện, vì chính thánh Giacôbê đã khẳng định: “Đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1, 3). Đến nay, chúng ta có thể nói rằng đại dịch Covid đã lan tràn khắp nơi và hết tất cả mọi thành phần trong xã hội đều không thể tránh khỏi. Vì thế, điều quan trọng lúc này là thái độ của mỗi người khi đối diện với nó. Chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa không tạo ra đại dịch, vì Ngài là Sự Thiện, Sự Tốt Lành và Ngài cũng không muốn con người phải chịu những đau khổ mà cơn đại dịch gây ra. Cho nên, bài học đắt giá nhất cho mỗi người đó là sự đón nhận với niềm tin và phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

III. Kết luận

Suy cho cùng, qua những ảnh hưởng đã gây ra cho con người và đời sống xã hội, cơn đại dịch như muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng mọi sự trong trời đất này chẳng có gì là bền vững, là đáng để gắn bó, vì tất cả đều hữu hạn và chóng qua. Chúng ta cũng không biết trước được điều gì sẽ xảy đến cho mình. Quả thật, như sách Giảng Viên đã nói:”Có thời sinh ra, có thời để chết đi” (Gv 3,2), thì mọi sự và con người cũng vậy. Chúng ta hãy xem đại dịch như là dấu chỉ thời đại để nhận ra thánh ý Thiên Chúa và canh tân đời sống của mình bằng việc sống tình bác ái yêu thương và chia sẻ với tha nhân. Nhờ đó, sự hy sinh và công lao của con người dành cho nhau trong cơn đại dịch sẽ không trở nên mai một và vô nghĩa. Ước mong rằng, chúng ta luôn giữ trong mình ngọn lửa của niềm tin và hy vọng cùng với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, để rồi chúng ta có thể cảm nghiệm được như lời thánh Phaolô Tông đồ: mọi sự xảy ra đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người (Rm 8, 28).

[1] Nguyễn Ngọc Hải, Con người–một huyền nhiệm, tài liệu triết học về con người, lưu hành nội bộ, 2014, tr.199.

[2] Lê Đức Tuân. “Giữa cơn đại dịch, hai tâm thức hy vọng”. truy cập ngày 30-11-2021. https://daminhtinmung.org/cau-nguyen/suy-tu/giua-con-dai-dich-hai-tam-thuc-hy-vong-6804

[3] Võ Viết Cường, “Vaccine cho tâm hồn” (tập 2). tr. 17.

[4] Nguyễn Ngọc Hải, Học viện thánh Anphongsô, chuyên đề triết học 22/09/2018, tr. 9.

[5] Sương Nguyệt Minh. Khi đại dịch thế kỷ covid-19 đi qua. Tp. HCM: Văn học, 2021. tr. 16.

[6] Tạ Văn Tịnh, Nhập môn Triết học, tr. 139.

[7] Khắc Bá “Từ đại dịch corona, nghĩ về thân phận”. truy cập ngày 30-11-2021. http://gpbanmethuot.com/trang-ban-doc/tu-dai-dich-corona-nghi-ve-than-phan-54682.html.

Bài viết: Trần Hoàn, CSC