Tản mạn lễ Thăng thiên

Trong Kinh Thánh chỉ có Tin mừng Luca và Máccô tường thuật cho độc giả biết về cuộc chia ly giữa Đức Giêsu và các Tông đồ yêu dấu của Ngài. Cuộc chia ly thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa thần học và cũng là một bước ngoặt khai mạc thời kỳ hoạt động của Giáo hội. Vì đó mà hằng năm, Giáo hội vẫn long trọng cử hành kỷ niệm biến cố chia ly này và đặt cho một cái tên kiều diễm: lễ Thăng Thiên.
Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với con người, nên phải mượn ngôn ngữ của con người để diễm tả hoặc trình bày một vấn đề nào đó. Mà ngôn ngữ tự bản chất là giới hạn. Vì thế, khi chúng ta đọc Kinh Thánh, sẽ có những chỗ cần vượt lên trên ngôn ngữ, mới hầu mong nắm bắt được những mầu nhiệm thâm sâu. “Trời”, theo nghĩa Kinh Thánh và quan niệm phổ thông của con người vẫn được hiểu là không trung, là “nhà” của thần linh, là nơi Thiên Chuá ngự. “Đất” là bệ dưới chân Ngài, là nơi cư ngụ của con người. Đức Giêsu vì yêu nhân loại, nên đã từ trời xuống thế để cùng con người chia sẻ động từ yêu. Và sau khi sứ mạng của Ngài viên mãn, Đức Giêsu lại “lên trời” để về với Thiên Chúa Cha. Vì thế, khi nói Đức Giêsu lên trời, chúng ta thường nghĩ rằng Ngài đang an vui với Thiên Chúa Cha. Thực tế có phải vậy không? Chắc chắc là không. Bởi nếu hiểu như thế, vô tình chúng ta đã bị ngôn ngữ đánh lừa hoặc ít ra cũng bị giới hạn và nô lệ bởi động từ “lên” và “xuống”.
Khi nói đến việc Đức Giêsu lên trời, nghĩa là chúng ta đang đặt Ngài trong không gian vũ trụ ba chiều. Thế nhưng, điều đó chỉ đúng với quan niệm của con người. Thiên Chúa là Cội Nguồn của thời gian, không gian…nên Ngài vượt ra ngoài vũ trụ và bên kia mọi sự. Thiên Chúa không ở trên hay ở dưới, không bên hữu cũng chẳng bên tả. Khi xác định trong không gian: trên dưới, trái phải, trước sau…thì nó chỉ có giá trị tương đối với người quan sát, tự thân nó không có giá trị gì. Không có điểm chuẩn tuyệt đối để từ đó định vị cho toàn thể vũ trụ. Cho nên nếu Đức Giêsu mà các Tông đồ thấy “lên trời”, thì ở một nơi nào đó phải nói là Ngài “xuống đất” mới hầu mong là hợp lý.
Theo các nhà thần học, khi nói về các chiều nơi Đức Giêsu lên hoặc xuống, thì nó đều được hiểu là những chiều kích thiêng liêng: đó là những vực thẳm tội lỗi của sự chết (hỏa ngục) hoặc đó là thượng giới của ân sủng (thiên đàng). Đó không là nơi chốn, nhưng là những hoàn cảnh hoặc tình trạng trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng ở khắp mọi nơi và bên kia mọi sự.
Tắt một lời, khi đọc biến cố Đức Giêsu lên trời trong Luca và Máccô, chúng ta được mời gọi vượt lên nghĩa thông thường của hai động từ “lên” và “xuống”, và cũng không nên lưu tâm đến những chi tiết vật chất của bức trang thăng thiên. Bởi lẽ, cả Luca và Máccô không nằm cung cấp cho độc giả một phóng sự nóng bỏng về biến cố về trời của Đức Kitô, nhưng mục đích chính yếu đó là trao cho chúng ta một giáo huấn đó là: cuộc siêu tôn, cuộc trở về vinh quang của Đức Kitô ( Pl 2,6-11).
Pet. Anh Tài, CSC