Thánh lễ an táng Đức Thánh cha Phanxicô

Sau khi đã có hơn 250.000 tín hữu kính viếng, từ trưa thứ Tư, ngày 23 tháng Tư đến 7 giờ tối, thứ Sáu, ngày 25 tháng Tư, linh cữu Đức Thánh cha Phanxicô đã được đậy nắp lại vào lúc 8 giờ tối sau đó, theo nghi thức luật định và quàn bên trong Đền thờ thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Sáng thứ Bảy, ngày 26 tháng Tư, linh cữu của Đức Cố Giáo hoàng đã được rước ra và đặt tại thềm Đền thờ thánh Phêrô, vào đầu thánh lễ an táng lúc 10 giờ, do Đức Hồng y Giovanni Battista Re, 91 tuổi, Niên trưởng Hồng y đoàn, chủ tế.

Cạnh bàn thờ là bản sao ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma mà Đức Thánh cha Phanxicô đặc biệt tôn kính.

Quan khách

Phía bên phải bàn thờ, từ dưới nhìn lên, được dành cho hơn 160 phái đoàn các nước và các tổ chức quốc tế. Hàng đầu tiên được dành cho phái đoàn nước Ý, do Tổng thống Sergio Mattarella hướng dẫn, và phái đoàn nước Argentina do Tổng thống Javier Milei dẫn đầu. Tiếp đến là các vị Vua và Hoàng hậu hoặc Thái tử, rồi đến các vị Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng, được xếp theo thứ tự ABC của tiếng Pháp. Vì thế, phái đoàn nước Mỹ, Etats-Unis, do Tổng thống Donald Trump hướng dẫn, được xếp ở vần E.

Cả Tổng thống Zelensky của Ucraina và cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có mặt.

Về phía các tổ chức quốc tế, đứng đầu là ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Việt Nam cũng có hai đại diện, là ông Dương Hải Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ý, và ông bí thư thứ nhất Nguyễn Đăng Hải Hùng, phụ trách cộng đồng.

Tổng cộng có tới 800 nhân vật quốc tế ngồi ở khu vực phía tay phải này.

Trong số các vị lãnh đạo tôn giáo bạn, có Đức Thượng phụ Bartolomaios I, vị Thượng phụ đứng đầu Chính thống giáo, có tòa ở Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng tế

Cánh bên trái bàn thờ được dành cho các vị đồng tế: ba hàng đầu tiên được dành cho 220 Hồng y và Thượng phụ, các hàng tiếp đến được dành cho hơn 700 Giám mục, trong đó có bốn Giám mục Việt Nam, đứng đầu là Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Hai khu vực bên dưới được dành cho khoảng 5.000 linh mục đồng tế, mang dây Stola màu đỏ.

Nhiều tín hữu đã đến viếng linh cữu Đức Thánh cha chiều ngày thứ Sáu và ngủ lại đại đường Hòa Giải để chắc chắn có thể vào Quảng trường dự thánh lễ an táng lúc 10 giờ sáng thứ Bảy hôm sau. Họ đã được vào đây khi các lối vào được mở ra từ lúc 6 giờ 30.

Tổng cộng, có hơn 250.000 người tham dự thánh lễ an táng. Họ đứng tràn ra tới cuối đường Hòa Giải. Không kể các tín hữu không thể tới Quảng trường thánh Phêrô. Họ hiệp ý tham dự thánh lễ qua các màn hình lớn được bố trí ở Quảng trường Risorgimento, Quảng trường Pia, cạnh bờ sông, và cả tại khu vực Đền thờ Đức Bà Cả, nơi linh cữu Đức Cố Giáo hoàng được rước tới đây để an táng.

Chính quyền thành Roma đã huy động 4.000 nhân viên an ninh các cấp, với các phương tiện kỹ thuật tối tân, để bảo đảm an ninh cho buổi lễ.

Thánh lễ

Lúc gần 10 giờ, linh cữu Đức Thánh cha Phanxicô được 14 người khiêng trên vai, tiến giữa hai hàng Hồng y đồng tế để ra quảng trường và đặt trên thềm Đền thờ. Trên quan tài, sách Phúc Âm được mở rộng.

Bài giảng

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng y Niên trưởng Hồng y đoàn đã gợi lại những nét nổi bật trong sự tận tụy chu toàn sứ vụ mục tử đoàn chiên Chúa mà Đức Thánh cha Phanxicô đã nhận lãnh, từ ngày 13 tháng ba năm 2013. Nhưng trước hết, Đức Hồng y ngỏ lời cảm ơn các vị lãnh đạo và các tín hữu hiện diện. Ngài nói:

“Nhân danh Hồng y đoàn, tôi nồng nhiệt cám ơn tất cả mọi người vì sự hiện diện nơi đây. Với tâm tình nồng nhiệt, tôi ngỏ lời trân trọng chào mừng và chân thành cảm ơn các vị Quốc trưởng, Thủ tướng chính phủ và các phái đoàn chính thức từ nhiều nước đến đây để bày tỏ lòng yêu thương, kính trọng và quý chuộng đối với vị Giáo hoàng vừa giã từ chúng ta”.

“Sự biểu lộ lòng quý mến và tham dự của đông đảo dân chúng mà chúng ta đã thấy trong những ngày sau khi Đức Giáo hoàng giã từ trần thế để đi vào vĩnh cửu, cho chúng ta thấy triều đại Giáo hoàng nồng nhiệt của Đức Phanxicô đã đánh động các tâm trí.

“Hình ảnh cuối cùng của ngài, vẫn còn trong đôi mắt và tâm hồn chúng ta, là hình ảnh Chúa nhật vừa qua, ngày 20 tháng Tư, Đại lễ Phục Sinh, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô, mặc dù có những vấn đề trầm trọng về sức khỏe, nhưng vẫn muốn ban phép lành từ bao lơn Đền thờ thánh Phêrô rồi ngài xuống quảng trường này để đi xe mui trần chào thăm đông đảo tín hữu đã đến tham dự thánh lễ Phục Sinh.

“Giờ đây, trong kinh nguyện, chúng ta muốn phó thác cho Thiên Chúa linh hồn của Đức Giáo hoàng yêu quý: xin Chúa ban cho người hạnh phúc vĩnh cửu trong chân trời sáng lạn và vinh quang của tình thương vô biên của Chúa.

Và Đức Hồng y Niên trưởng nhắc đến bài Tin mừng đọc trong thánh lễ, qua đó Chúa Giêsu ba lần hỏi thánh Phêrô: “con có yêu mến Thầy hay không”, trước khi Ngài ủy thác cho thánh nhân nhiệm vụ chăm sóc các chiên con và chiên mẹ, rồi Đức Hồng y khẳng định rằng:

“Mặc dù tình trạng sức khỏe yếu ớt và đau khổ vào cuối đời, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định đi theo con đường hiến thân đến ngày cuối cùng trong cuộc sống trần thế. Người đi theo vết chân của Chúa, Mục Tử Nhân Lành, đã yêu thương đoàn chiên cho đến độ hiến chính mạng sống mình vì chiên. Và người thi hành điều đó một cách mạnh mẽ và thanh thản, gần gũi đoàn chiên, là Giáo hội của Thiên Chúa, nhớ lại lời Chúa Giêsu mà thánh Phaolô tông đồ đã trích dẫn: “Cho đi thì vui hơn là nhận lãnh” (Cv 20,35).

Đức Hồng y Niên trưởng Hồng y đoàn cũng kể lại rằng: “Ngày 13 tháng Ba năm 2013, khi được bầu chọn trong mật nghị để kế nhiệm Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Đức Hồng y Bergoglio đã từng trải qua những năm tu trì trong Dòng Tên và nhất là kinh nghiệm phong phú 21 năm làm mục tử trong Tổng giáo phận Buenos Aires, trước tiên như Giám mục Phụ tá, rồi làm Giám mục Phó và nhất là sau đó làm Tổng giám mục chính tòa.

Quyết định lấy tên hiệu Phanxicô tỏ cho thấy ngay một sự chọn lựa chương trình và một lối sống mà người muốn mang lại cho triều đại Giáo hoàng, bằng cách cố gắng sống theo tinh thần của thánh Phanxicô Assisi.

Người duy trì tính khí và hình thức hướng dẫn mục vụ, và phong cách lãnh đạo mục vụ và để lại ngay dấu ấn cá tính mạnh mẽ của người trong việc cai quản Giáo hội, bằng cách thiết lập một liên hệ trực tiếp với mỗi người, và với dân chúng, muốn gần gũi tất cả mọi người, nhất là những người gặp khó khăn. Người dấn thân hết mình, nhất là cho những người rốt cùng trên trái đất, những người bị gạt ra ngoài lề. Người là một vị Giáo hoàng ở giữa dân với một con tim mở rộng đối với tất cả mọi người. Ngoài ra, người là một vị Giáo hoàng chú ý đến những gì mới mẻ trong xã hội và quan tâm tới những gì Chúa Thánh Linh khơi lên trong Giáo hội”.

Đức Hồng y Re cũng nhận xét Đức Giáo hoàng Phanxicô có những từ vựng đặc biệt và ngôn ngữ phong phú, luôn tìm cách soi sáng các vấn đề thời đại bằng sự khôn ngoan của Tin mừng. Người cũng cư xử một cách rất tự nhiên và xưng hô thân mật với tất cả mọi người, kể cả những người ở xa Giáo hội. Người giàu tình người và rất nhạy cảm đối với những thảm trạng ngày nay: “Đức Giáo hoàng Phanxicô thực sự chia sẻ những lo âu, đau khổ và hy vọng trong thời đại hoàn cầu hóa hiện nay, và xả thân an ủi, khích lệ, qua một sứ điệp có thể trực tiếp đi tới tâm hồn con người”.

Đức Hồng y Re nói thêm rằng: “Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô có chỉ nam là sự loan báo Tin mừng, phổ biến niềm vui Phúc Âm, và ý tưởng này cũng là tựa đề Tông huấn đầu tiên của người “Evangelii gaudium”, Niềm vui Tin mừng. Một niềm vui làm cho con tim của những người tín thác nơi Thiên Chúa được đầy tràn lòng tín thác và và hy vọng”.

“Tư tưởng chỉ đạo trong sứ mạng của Đức Giáo hoàng Phanxicô là xác tín Giáo hội là một căn nhà cho tất cả mọi người, một căn nhà có những cánh cửa luôn mở. Nhiều lần người dùng hình ảnh Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến”, sau một trận đánh, trong đó có nhiều người bị thương: một Giáo hội muốn quyết liệt chăm sóc những vấn đề của con người và những cơ cực lớn đang xâu xé thế giới ngày nay; một Giáo hội có khả năng cúi mình trên mỗi người để săn sóc các vết thương, bất luận họ thuộc tín ngưỡng hoặc giai tầng nào”.

“Vô số những cử chỉ và những lời nhắn nhủ của người bênh vực những người tị nạn và di tản. Người cũng liên lỉ nhấn mạnh hoạt động bênh vực người nghèo”.

“Trong số 47 chuyến tông du vất vả của Đức Thánh cha, đặc biệt còn lại trong lịch sử cuộc viếng thăm của người tại Irak, năm 2021, được thực hiện bất chấp những rủi ro. Cuộc tông du ấy là thuốc thoa dịu trên những vết thương còn hở, còn mở của dân chúng Irak. Họ đã chịu bao đau khổ vì những hoạt động vô nhân đạo của Nhà nước Hồi giáo ISIS. Đó cũng là một cuộc viếng thăm quan trọng đối với cuộc đối thoại liên tôn, một chiều kích quan trọng khác trong hoạt động mục tử của người. Với cuộc Tông du hồi năm ngoái (2024) tại bốn nước Á châu và Đại dương châu, Đức Giáo hoàng đã đến “vùng ngoại vi xa xăm nhất của thế giới”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô luôn đặt Tin mừng lòng thương xót ở trung tâm. Người liên tục lập lại rằng Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta: Chúa luôn tha thứ bất kỳ tình trạng nào của người xin tha lỗi và trở về đường ngay nẻo chính.

“Người đã muốn Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót, nêu bật lòng thương xót chính là “con tim của Tin mừng”. Lòng thương xót và niềm vui Tin mừng là hai từ chủ yếu của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

“Ngược với cái mà người đã định nghĩa là “thứ văn hóa gạt bỏ”, người nói về nền văn hóa gặp gỡ và liên đới. Đề tài tình huynh đệ đã tiến qua toàn thể Triều đại Giáo hoàng của người với những sắc thái mạnh mẽ. Trong thông điệp “Fratelli tutti, người đã muốn làm tái sinh một khát vọng hoàn cầu về tình huynh đệ, vì tất cả đều là con cái của cùng một Cha trên trời. Người thường mạnh mẽ nhắc nhở rằng tất cả chúng ta thuộc cùng một gia đình nhân loại”.

Sau cùng, Đức Hồng y Giovanni Battista Re nhắc đến Văn kiện về “Tình huynh đệ nhân loại cho hòa bình thế giới và sự sống chung” được Đức Giáo hoàng ký hồi năm 2019, trong cuộc viếng thăm tại Abu Dhabi; tiếp đến là Thông điệp “Laudato sì” nhắc nhở mọi người về nghĩa vụ cũng như tinh thần đồng trách nhiệm đối với căn nhà chung của nhân loại. “Không ai được cứu thoát một mình”.

“Đứng trước bao nhiêu cuộc chiến dữ dội trên thế giới những năm gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô không ngưng lên tiếng khẩn cầu hòa bình và mời gọi hãy trở về với lý trí, chân thành thương thuyết để tìm kiếm những giải pháp khả dĩ, vì chiến tranh chỉ là làm cho nhiều người chết, tàn phá nhà cửa, nhà thương và trường học. Chiến tranh luôn làm cho thế giới tệ hơn trước, nó luôn luôn là một thất bại đau thương và thê thảm đối với mọi người”.

Và Đức Hồng y chủ tế kết luận rằng: “Đức Giáo hoàng Phanxicô quý mến, giờ đây, chúng con xin Đức Thánh cha từ trời cầu nguyện cho chúng con, chúc lành cho Roma, cho toàn thế giới, như Chúa nhật vừa qua, Đức Thánh cha đã làm từ bao lơn Vương cung thánh đường này trong vòng tay ôm toàn dân Chúa, và cũng có ý ôm lấy toàn thể nhân loại đang tìm kiếm chân lý với con tim chân thành và giơ cao ngọn đuốc hy vọng”.

Nghi thức tiễn biệt

Cuối thánh lễ có phần tiễn biệt, trước hết theo nghi thức Latinh. Sau khi Đức Hồng y Re nhắn nhủ mở đầu, cộng đoàn tín hữu đã hát kinh cầu các thánh, xin các thánh chuyển cầu cho linh hồn Đức Cố Giáo hoàng, rồi Đức Hồng y Baldassare Reina, Giám quản Roma, đọc lời nguyện kết thúc, xin Chúa là Đấng thưởng công xứng đáng cho những người thợ Tin mừng, đón nhận tôi tớ Chúa là Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Nước Chúa.

Tiếp đến là phần cầu nguyện theo nghi thức Công giáo Đông phương Byzantine, do 14 vị Thượng phụ, Tổng giám mục Trưởng và Tổng giám mục các Giáo hội tự quản, đọc kinh xin Chúa ban ơn an nghỉ cho Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Thánh lễ kéo dài khoảng tiếng đồng hồ và kết thúc với thánh ca “Xin các thiên thần Chúa dẫn đưa linh hồn Đức Giáo hoàng Phanxicô vào thiên đàng”. Linh cữu Đức Cố Giáo hoàng được rước vào bên trong Đền thờ, từ đây được đưa tới Đền thờ Đức Bà Cả để an táng.

Bài viết liên quan

Nghi thức Phó dâng và Từ biệt và an táng Đức Thánh Cha Phanxicô

Vào cuối Thánh lễ an táng, trong Nghi thức Phó dâng và Từ biệt, các...

12 năm trọn vẹn nghĩa tình

Angelo Trần Thương nhớ ngài, Đức Thánh Cha Phanxico rất kính mến của chúng con!...

Kêu gọi ngừng bắn dịp tang lễ ĐTC Phanxicô

Một số thị trưởng và Giám mục Ý kêu gọi ngừng bắn dịp tang lễ...

Khoảng 40 người di dân, người nghèo, tù nhân sẽ từ biệt Đức Thánh Cha lần cuối tại Đền thờ Đức Bà Cả

Thông cáo của Tòa Thánh vào ngày 24/4/2025 cho biết một nhóm người nghèo và...

Phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam kính viếng Đức Thánh Cha Phanxicô

Sáng thứ Sáu ngày 25/4/2025, phái đoàn các Giám mục Việt Nam đã đến Roma...