Với sự giúp đỡ của khoa chú giải Thánh Kinh, chúng ta có thể tìm thấy những tư tưởng quan trọng được đề nghị và cổ vũ cho việc Tôn sùng Thánh Tâm Đức Ki-tô.
THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU
TRONG THÁNH KINH VÀ TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI (II)
1.1. Cựu Ước
Ý nghĩa của hạn từ “trái tim” trong Cựu Ước được diễn đạt cách cô đọng nơi một tác phẩm gần đây như sau : “Trái tim là nguyên lý và bộ phận của sự sống con người, là trung tâm tập trung những hoạt động và suy tư của đời sống tâm linh của một nhân vị, vì thế, nó là nguồn gốc và cốt lõi của đời sống đạo đức và tôn giáo của con người”[1]. Như vậy, trái tim là trung tâm tinh thần của linh hồn con người, nên nó đại diện cho toàn bộ con người.
Sự nhận thức về trái tim mang tính biểu tượng này có nền tảng từ trong Thánh Kinh. Thật sự, đây là từ quan trọng và xuất hiện khá nhiều trong Cựu Ước. Từ trái tim trong tiếng Hip-ri là “leb”, “lebad”, “beten” hay “kereb” được diễn tả trong Cựu Ước đến 858 lần[2]. Theo văn hoá Semit, thì trái tim chỉ đời sống bên trong của một người. Cựu Ước không dùng từ trái tim với nghĩa đen như một bộ phận cơ bắp (Xh 28,29; 1Sm 25,27)[3], nhưng thường được sử dụng theo nghĩa bóng, sau đây là những bản văn minh hoạ cho điều đó: “Tại sao anh em để lòng mình ra nặng nề cứng cỏi, như người Ai-cập và Pha-ra-ô đã để lòng chúng ra nặng nề cứng cỏi? (1Sm 6,6); Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em (Ge 2,13); Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng (Ðnl 6,5-6); Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta (Gr 31,33)”.
Bên cạnh đó, có 26 bản văn[4] Cựu Ước nói về Trái tim Thiên Chúa, chẳng hạn : Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng (St 6,5-6). Đức Chúa đã tìm cho mình một kẻ như lòng Người mong muốn (1Sm 13,14). Ta sẽ cho xuất hiện một tư tế trung kiên để phục vụ Ta, nó sẽ hành động theo lòng Ta và ý muốn của Ta (1Sm 2,35). Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; chúng sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi (Gr 3,15). Ta lấy làm vui mà thi ân cho chúng, và đem hết sức hết lòng mà trồng chúng vững chắc trên đất này (Gr 32,41). Những bản văn Kinh Thánh nói về trái tim Thiên Chúa vừa nêu, luôn đặt trong mối tương quan với con người và thường truyền đạt ý muốn của Ngài dành cho con người.
Thêm vào đó, Thánh vịnh cũng thường nói đến “trái tim” đến 113 lần[5]. Một vài bản văn minh hoạ : “Chúa ban xuống lòng con nhiều hoan lạc (Tv 4,8); Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo (Tv 32,11); huấn lệnh Ngài ban, con vâng giữ hết lòng (Tv 119,69); Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng (Tv 37,4)”.
Đọc trong Cựu Ước, chúng ta sẽ bắt gặp hai bản văn rất quan trọng tiên báo về “trái tim” Đấng Thiên Sai : “con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40)[6]; Thủ lãnh của nó sẽ từ nó xuất thân, và người thống trị nó sẽ từ giữa nó mà ra. Ta sẽ cho nó tới gần, và nó sẽ đến với Ta – sấm ngôn của Đức Chúa – vì ai là kẻ cả gan dám đến gần Ta? (Gr 30,21). Với Thánh vịnh 40, lời cầu nguyện mang tính thiên sai đã tóm gọn tất cả những điều được Đức Giê-su Na-da-rét thi hành bằng một trái tim của Người Con : Ngài đã để thánh ý Chúa Cha chi phối cuộc đời của mình, ngay cả thân xác chịu thương khó và chết để được thánh hiến cho công cuộc cứu chuộc nhân loại. Trong bản văn Gr 30,21, mệnh đề “nó sẽ tới gần Ta” được hiểu như là một chuyển động của tư tế tiến về bàn thờ như là một sự đáp trả cho lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong khi thi hành nhiệm vụ thánh, người tư tế phải đặt con tim mình như là bằng chứng, và còn phải thề hứa dâng cuộc sống của chính mình để đổi lấy kho tàng cứu rỗi cho muôn người. Trường hợp Đức Giê-su, Ngài đã trao ban Trái Tim mình như là bằng chứng cho chân lý khi Ngài đi về gần Thiên Chúa vì phận vụ tư tế trong việc hiến thánh tại Bữa Tiệc Ly và trên đồi Calvario.[7]
Ngoài ra, còn có những Thánh vịnh thuộc trào lưu Thiên sai đề cập đến Trái Tim của Đức Ki-tô : “con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan” (Tv 22,15); “lại mang vào thân tủi hổ với nhục nhằn” (Tv 69,20); “Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn” (Tv 16,9). Hai Thánh vịnh đầu diễn tả những đau khổ của Đấng Thiên Sai và Thánh vịnh cuối cho thấy niềm vui Phục Sinh của Đấng Thiên Sai. Thánh Tông đồ Phê-rô đã trích dẫn đoạn này trong bài giảng đầu tiên của ngài (Cv 2,25-28).
Tóm lại, bức tranh tuyệt đẹp về những chuẩn bị tương lai của Đấng Thiên Sai được thể hiện qua một từ ngữ căn bản rất đáng yêu của Thánh Thần, đó là Trái Tim (The Heart). Trái Tim của Đấng Thiên Sai, Đấng được Xức Dầu dễ tùng phục, ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa; đó là lòng khiêm nhường và hy sinh. Đây là một Trái Tim đầy sự giận dữ oai nghi, hay bị kết tội chết cực hình, hay là lâng lâng trong sự hạnh phúc tột bậc.[8]
1.2. Tân Ước
Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đề cập đến “trái tim”[9], trong khi rao giảng, rất nhiều lần: “Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” [10](Mt 12,34b) ; “Sao các ông lại có những ý nghĩ xấu xa trong lòng như vậy?”(Mt 9,4); “Vì kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34); “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch” (Mt 5,8); “Các anh chẳng hiểu chi cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin”(Lc 24,25).
Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy những lời của Đức Giê-su có ảnh hưởng lớn đến trái tim con người : “Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32). Ð?ng th?i, chng ta cung nh?n ra nhi?u l?n chính Cha Gi-se nĩi v? tri tim, t?m lịng c?a Ngi. “Thầy chạnh lòng thương đám đông …”(Mt 15,32); “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng … vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,28-29); “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói: ‘Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống’. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận”(Ga 7,37-39).
Quả thật, mỗi trái tim là một bí nhiệm, nhưng trái tim Chúa Giê-su lại mầu nhiệm trong một cách thức độc đáo duy nhất vì chúng ta tin rằng Trái Tim của Ngài có chiều sâu thần linh. Thánh nữ Margarita Maria thường nói về Trái Tim thần linh của Chúa Giê-su. Khi đề cập đến Trái Tim Chúa Giê-su, Công đồng Vatican II nói về Trái Tim của Ngài : “Ngài đã yêu với một trái tim con người”[11]. Cha Pedro Arrupe, trong một bài báo, đã đặt tựa đề là “Trái Tim Chúa Ki-tô trung tâm của mầu nhiệm Ki-tô giáo và là chìa khoá của vũ trụ”[12].
Để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Trái Tim Đức Giê-su Ki-tô, bài viết tiếp tục trình bày những chiều kích tình yêu nơi Trái Tim của Đức Giê-su đã được mặc khải khi Ngài sống giữa chúng ta.
(1) Tình yêu trung tín của Đức Giê-su[13]
Mặc khải về tình yêu trung tín của Đức Chúa là trung tâm của Cựu Ước và trung tâm của giao ước. Tác giả Thánh vịnh hát rằng: “Vì lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời” (Tv 136). Tuy nhiên giao ước Mô-sê chưa phải là mặc khải cuối cùng về tình yêu Thiên Chúa, và chính Cựu Ước cũng hướng về một giao ước mới.
Chính trong sứ vụ của Con Thiên Chúa, mà chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa được mặc khải trong một cách thức đầy đủ. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã cam kết đến đời đời, không chỉ dành cho Israel, nhưng cho toàn nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa đã được mặc khải cho chúng ta khi Ngài sai Con của Ngài đến thế gian (1Ga 4,9).
Tính cách dứt khoát của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta được mặc khải trong biến cố Nhập Thể. Chúa Giê-su là tình yêu nhập thể của Chúa Cha. Nó được mặc khải rõ ràng hơn trong cách mà Chúa Giê-su đã sống và đã chết cho chúng ta. “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”(Rm 8,32).
Chúa Giê-su đã đến với tư cách là chàng rể (Ga 3,29) là mục tử tốt lành (Ga 10,14), Đấng thí mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,15) “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13). “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,23).
Thư gửi tín hữu Hip-ri nhấn mạnh “một lần thay cho tất cả”, tính cách trung gian của Chúa Giê-su, điều bảo đảm tính vĩnh cửu cho giao ước mới: “Đức Giê-su là vị mục tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu” (Dt 10,19). Để cho đến muôn đời Thiên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta và chúng ta là Dân của Ngài. “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?” (Rm 8,35-39).
(2) Tính phổ quát của tình yêu của Chúa Giê-su[14]
Tình yêu của Chúa Giê-su, một cách căn bản, thì mới mẻ bởi vì nó vượt qua và huỷ bỏ các giới hạn về yêu thương trong Cựu Ước. Đoạn Thánh Kinh trong sách Lê-vi 19,18 qui định : “Hãy yêu thương người lân cận như chính ngươi” nhưng “ai là người lân cận của tôi?”[15] Trong Cựu Ước, nó ám chỉ những người cùng một chủng tộc, cùng một đức tin là những người lân cận. Chúa Ki-tô đã gỡ bỏ mọi rào cản giới hạn tình huynh đệ, và đây là cuộc cách mạng tình yêu vĩ đại của Ngài : ơn cứu độ phổ quát, ơn nghĩa tử phổ quát, tình huynh đệ phổ quát, và tình yêu phổ quát. Quan niệm về “người lân cận” được giải thích trong dụ ngôn về người Samari tốt lành (Lc 10,29-37).
Ngay cả kẻ thù cũng không bị loại trừ : “Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”(Mt 5,43-45).
Tình yêu phổ quát của Chúa Cha được mặc khải một cách rõ ràng và trở nên tiêu chuẩn của tình yêu của chúng ta. Trong cách nhìn của Chúa Giê-su, sự phân biệt chủng tộc, phái tính không còn nữa, vì tất cả chúng ta là anh em và chị em của nhau. Mặc dù sứ vụ của Ngài chỉ giới hạn trong dân Israel, Ngài đã sai các môn đệ đi rao giảng cho mọi dân tộc, cho đến tận cùng trái đất[16].
(3) Lòng thương xót của Chúa Giê-su[17]
Chúa Giê-su đến để kêu gọi người tội lỗi, chứ không phải người công chính (Mc 2,15-17). Chúng ta vẫn còn nhớ cách ứng xử cực kỳ tế nhị của Ngài đối với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8,3-11). Với một câu hỏi, Ngài đã làm cho cả đám đông đang sôi sục chuẩn bị ném đá người phụ nữ phải im lặng. Maria, Madalena, Mat-thêu, Gia-kêu, … trở thành các bạn hữu của Ngài. Ngài cũng gọi Giu-đa là bạn của Ngài, và nài xin Cha tha thứ cho những kẻ đang đóng đinh Ngài. Do lòng thương xót, Ngài đã chữa lành các bệnh nhân, và đem đến cho dân chúng những điều tốt lành nhất. Đức Gioan Phaolo II đã mở đầu thông điệp “Dives in Misericordia” bằng một trích dẫn trong Ep 2,4-5: “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ”[18]. Đây không phải là ý nghĩa của tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa mà Đức Ki-tô là hiện thân của tình yêu đó sao? Chúa Ki-tô cứu chúng ta khỏi nỗi khốn khổ của mình, Ngài chữa lành những trái tim tan vỡ.
Việc tha thứ các tội nhân là trung tâm của sứ vụ của Đức Ki-tô. Ông Phê-rô đã chú tâm đến nó và hỏi : “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” ”“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Không có giới hạn cho lòng thương xót. Chúa Giê-su đến không phải với tư cách là thẩm phán mà là Đấng Cứu Thế (Ga 3,17) Ngài là Con Chiên gánh tội trần gian (Ga 1,29), và Ngài đổ máu ra để đem lại ơn tha tội (Mt 26,28).
Để cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Giê-su dành cho những thành phần chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống: kẻ đau ốm, người bị loại trừ, người nghèo khổ, người đói khát,… thể hiện bằng hành động; chúng ta nhìn lại các phép lạ Chúa đã làm. Chúa Giê-su chữa lành người đau ốm, cho người chết sống lại, làm cho đám đông có bánh ăn no nê, biến nước thành rượu ngon … Chúng ta cũng hãy nhìn vào Chúa Giê-su, Đấng tha thứ tội lỗi, ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, giao tiếp với phụ nữ. Một loạt các bản văn tỏ lộ Trái Tim đầy lòng thương xót của Chúa Giê-su rất rõ ràng và còn kể lại việc Chúa Giê-su động lòng thương xót khi nhìn thấy sự khốn khổ của đám đông (Mt 9,36; Lc 7, 13; 10,33; 15,20; Ga 11,33). Thêm vào đó, chúng ta cũng bắt gặp một hình ảnh Đức Giê-su gợi lên cho chúng ta nhiều suy tư, qua lời Ngài “Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ” (Mt 9,13); dụ ngôn về những khách được mời dự tiệc cưới (Lc 14,12-14); dụ ngôn kẻ mắc nợ không biết tha thứ (Mt 18,23-25); dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền bị đánh rơi và nhất là đứa con hoang đàng (Lc 15). Những dụ ngôn này hướng chúng ta về suy nghĩ Thiên Chúa là cha giàu lòng thương xót và Đức Giê-su là “người Samaria nhân hậu”, là Mục Tử nhân lành đi tìm con chiên lạc. Chúa Giê-su là người Samaria nhân hậu đã chữa lành những vết thương đau đớn của loài người, và phải trả bằng một giá đắt “chết như một tội nhân”.
(4) “Tình yêu nhiệm lạ” trong “Giờ của Ngài”[19]
Toàn bộ cuộc đời Chúa Giê-su là một mặc khải về tình yêu dành cho Chúa Cha và nhân loại, đỉnh cao của sự biểu lộ này là trong ngày cuối cùng của đời Ngài nơi dương thế. Di ngôn Ngài để lại, những quà tặng sau cùng, đã tạo ra một ấn tượng quá mạnh mẽ và không thể quên được. Hai nơi thu hút sự chú ý là : Nhà Tiệc Ly và đồi Can-vê. Thánh Gioan đã kể lại những sự kiện diễn ra trong ngày cuối cùng đó trong 7 chương trên 21 chương của toàn bộ Tin Mừng[20] của Ngài. “Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”(Ga 13,1). Chúa Giê-su không có một viên đá để gối đầu, nên di ngôn của Ngài để lại cũng rất đơn sơ, nhưng ý nghĩa thì quá phong phú. Bữa Tiệc Ly mở đầu với việc Rửa chân. Trước khi ban cho chúng ta điều răn mới về tình yêu, Ngài đã ban cho chúng ta một gương mẫu để tỏ rõ loại tình yêu mà Ngài muốn : một tình yêu phục vụ; một tình yêu được biểu lộ trong những công việc “tầm thường” của đời sống hằng ngày. Ngài đã làm gương trước.
Vào thời điểm đó, Tin Mừng nhất lãm kể về một hành động khác của Chúa Giê-su, thiết lập Bí tích Thánh Thể : “Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy… Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Món quà từ biệt lý tưởng này đã tóm gọn những giảng thuyết về Nước Trời của Ngài : sự hiệp thông, việc chia sẻ bánh trong tình huynh đệ, tự hiến chính mình. Nó cũng giải thích ý nghĩa cái chết của Ngài : “Máu của Thầy đổ ra vì anh em”. Đó là một quà tặng để Ngài thực sự hiện diện và ở lại với nhân loại này, với chúng ta mọi ngày : “Ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ ở lại trong tôi và tôi ở trong người ấy”. Đó là quà tặng từ biệt quá lý tưởng mà chỉ một mình Chúa Giê-su mới có sáng kiến như vậy.
Khi biểu lộ tình yêu bằng hành động, Đức Giê-su cũng ban cho chúng ta một điều răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau”(Ga 13, 34-35). Điều răn của Chúa Giê-su nâng tình yêu thương lên một tầm cao mới, vì nó đặt nền trên tình yêu của Đức Giê-su, và nó vượt xa tình yêu của Cựu Ước truyền dạy. Chính tình yêu này đã làm trọn lề luật và lời các ngôn sứ. Và “Ai yêu thương thì sống trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16), vì mọi tình yêu đích thật đều phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng tự bản chất là Tình Yêu.
Bữa Tiệc Ly kết thúc với lời nguyện tư tế của Chúa Giê-su (Ga 17). Ngài xin Chúa Cha thánh hiến chúng ta trong sự thật, ban cho chúng ta sự sống đời đời, làm cho chúng ta hiệp nhất thành một, và đó là lời nguyện ước sau cùng của ngài : “để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”.
Lúc hấp hối là một cao điểm khác. Đức Giê-su đã ban ơn tha thứ, ngay cả đối với những kẻ đang hành hình Ngài. Ngài ban cho chúng ta mẹ của Ngài “Đây là Mẹ con”. Và Ngài cũng phó thác chúng ta cho Mẹ Maria. Khi mọi sự hoàn tất, Ngài cũng trao ban chính sự sống của mình : “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”. Thế là Ngài đã trao ban tất cả cho chúng ta. Ngài tự huỷ chính mình. Đúng là Tình Yêu nhiệm lạ!
(5) Trái tim hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giê-su[21]
Khi tìm hiểu về Trái Tim của Chúa Giê-su trong Tân Ước, người ta thường đề cập trực tiếp đến đoạn Tin Mừng Mt 11,29[22], nơi mà chính Chúa Giê-su đã nói một cách rõ ràng lý do tại sao chúng ta cần học hỏi và trở nên môn đệ của Ngài. Đặt bản văn này trong bối cảnh chung Mt 11,25-30, thì chúng ta thấy nó gồm 3 lời của Chúa Giê-su: Mt 11,25-26[23] là lời Chúa Giê-su chúc tụng Chúa Cha vì đã mặc khải mầu nhiệm của nước trời không phải cho bậc khôn ngoan thông thái biết, nhưng là cho những người bé mọn; Mt 11,27[24] nói đến sự hiểu biết lẫn nhau; và Mt 11,28-30[25] là lời mời gọi trở nên môn đệ – ách của vị Tôn Sư thì nhẹ nhàng.
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Những từ “hiền hậu và khiêm nhường” theo truyền thống Thánh Kinh là tính cách của những người nghèo của Thiên Chúa (Anawim). Đối nghịch lại là những người giàu có kiêu căng, những kẻ chỉ đi theo đường lối riêng của mình, họ tự mãn không cần đến Thiên Chúa[26].
Trong Cựu ước, hai từ “hiền hậu và khiêm nhường” xuất hiện chung với nhau lần đầu tiên trong Xp 2,3[27] , qui chiếu đến những người nghèo của Gia-vê[28], Đức Chúa. Trong Bát Phúc, Chúa Giê-su có sự phân biệt rất rõ ràng giữa người có tinh thần nghèo khó và người hiền lành. Nhưng như chúng ta biết, những người nghèo khó, đói khát, hiền lành, bị bách hại, tất cả đều là tính cách thuộc về cùng một lớp người : Anawim, những người nghèo của Gia-vê. Tất cả họ được chúc phúc. Chúa Giê-su rao giảng Tin mừng cho họ, và Nước Trời là của họ. Tất cả những điều này được tóm tắt trong Isaia 61,1-2 và được trích dẫn trong Lc 4,18[29].
Như vậy, khi Chúa Giê-su nói rằng : Ngài hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, có nghĩa là Ngài đặt mình ở giữa những người nghèo của Đức Chúa. Ngài tự giới thiệu mình với tư cách là một trong những Anawim, thuộc về lớp người đó, không chỉ vì sự nghèo khó bên ngoài của Ngài, nhưng còn hơn nữa là vì những khuynh hướng hiền lành và khiêm nhượng trong Trái Tim của Ngài. Quả thật, Chúa Giê-su vừa là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Con Một của Chúa Cha, Con Người vinh quang khải hoàn nhưng đồng thời cũng là một trong những người nghèo của Đức Chúa, một trong những người khiêm tốn, một lớp người sống phó thác nơi Thiên Chúa. Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng, không kiêu căng, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, Ngài nên mẫu mực lý tưởng cho ai nghèo khó trong tinh thần. Đó là lý do tại sao Ngài mời gọi những ai nghèo hèn, những ai vất vả lao nhọc và gồng gánh nặng nề hãy đến với Ngài, vì Ngài cũng là một người trong số họ.
Thật là nghịch lý biết bao : vinh quang và nghèo hèn; vĩ đại và khiêm tốn. Để hiểu được điều nghịch lý này, chúng ta cần nhận ra Chúa Giê-su là Ngôi Lời Nhập Thể, Con duy nhất của Thiên Chúa đã trở nên con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã khiêm tốn trở nên một trong những người nghèo. Ngài thực sự trở nên nghèo túng. Bất cứ điều gì Ngài có đều là quà tặng của Chúa Cha, vì thế Ngài là một trong những người nghèo.
Sự liên đới với người nghèo của Chúa Giê-su ăn rễ sâu trong Trái Tim của Ngài. Cuộc sống của Ngài nên một với Lời Ngài. Nước Trời dành cho những người hèn mọn, vì Thiên Chúa mặc khải chính mình cho họ. Vì thế, Chúa Giê-su mời gọi họ “hãy đến với tôi” để được gần gũi vị Tôn Sư, để được nghỉ ngơi và được tăng thêm sức mạnh bình an do chính Trái Tim khôn ngoan, hiểu biết và đầy xúc cảm của Ngài ban.
(6) Trái tim Chúa Giê-su, mầu nhiệm vượt qua và hiện xuống[30]
Khi xét đến các mối quan tâm và thái độ sâu xa nhất của Trái Tim Chúa Giê-su, chúng ta cần đọc lại các bản văn của Gioan về Trái Tim Chúa Giê-su, một nguồn mạch của Nước Hằng Sống, và lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim ấy đã mở rộng nguồn mạch này. Xét về mặt lịch sử thì đây là thần học cổ xưa nhất về Trái Tim Chúa Giê-su đã được chứng minh bởi hai anh em thần học gia Rahner[31].
“Như Thánh Kinh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 37-39). Câu này xét theo từng chữ thì không tìm thấy trong Cựu Ước, nhưng có bản văn gần gũi với nó là Tv 78,16: “Từ khe đá, Người khơi dòng suối chảy, nước đổ dạt dào như những con sông”. Nhưng ý tưởng về thời Đấng Mesia được biểu trưng bằng việc tuôn tràn Thần Khí, và hình ảnh dòng nước là biểu tượng của ân huệ của Thần Khí thì rất phổ biến trong Cựu Ước[32].
Ki-tô giáo thời sơ khai cũng đồng hoá Chúa Ki-tô với Tảng Đá tuôn chảy ra dòng nước, vì “Chúa Ki-tô là Đá Tảng”(1Cr 10,4). Và chính Chúa Ki-tô cũng đồng hoá thân xác phục sinh của mình với Đền Thờ (Ga 2,19). Theo cách này, chúng ta có ở đây một thần học phong phú về Chúa Giê-su, nguồn Nước Hằng Sống, nguồn mạch ban Thánh Thần. Từ nguồn mạch này chúng ta có thể uống nhờ lòng tin, và Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta làm như thế.[33] Vì “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”(Ga 1,16).
Chúng ta cũng hãy nhìn lên Trái Tim bị đâm thâu : “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”(Ga 19,34).
Trước đó, Đức Giê-su nói : ““Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”(Ga 19,30). Nhưng một điều khác đã xảy ra. Một lưỡi đòng đã đâm thấu Trái Tim Chúa. Đối với các lý hình thì hành động này nhằm bảo đảm rằng ông Giê-su Na-da-ret đã chết thật sự, nhưng đối với Gioan, đó là một sự kiện đầy ý nghĩa, thánh nhân đã làm chứng một cách long trọng. Chân của Chúa không bị đánh gãy vì Ngài là chiên Vượt Qua (Xh 12,46)[34]. Hơn nữa, Dacaria 12,10 đã tiên báo cách bí nhiệm rằng “chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu”, và “Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế”. Thánh Gioan đã thấy điều này được thực hiện ở đây (Ga 19,37).
Đây là ý nghĩa tuyệt đỉnh của sự việc. Nếu việc đâm thủng cạnh sườn Chúa Giê-su với máu và nước chảy ra là sự hoàn tất lời tiên báo của ngôn sứ Dacaria, thì điều này có nghĩa là nó hoàn tất toàn bộ lời các ngôn sứ về ân hệ nước hằng sống và ân huệ thời Đấng Mesia và như vậy cách nào đó cũng hoàn tất lời Ga 7,37-39 như các giáo phụ vẫn tin tưởng[35]. Thần Khí phải được trao ban sau khi Chúa Giê-su được tôn vinh, nhưng Gioan đã trình bày việc Chúa chịu đóng đinh như là “được nâng lên”, tức là sự khởi đầu của việc tôn vinh. Và việc máu và nước chảy ra trong bối cảnh này trở nên một dấu chỉ quan trọng của việc trao ban Thần Khí. Máu của hiến tế và Nước biểu tượng cho Thần Khí. Các giáo phụ còn đi xa hơn khi nghĩ về Bí tích Thánh Thể và Rửa Tội; Giáo hội hình thành từ cạnh sườn của Chúa với tư cách là Eva mới. Các nhà thần bí thời trung cổ nhìn lên Đấng bị đâm thâu và khám phá ra Trái Tim Yêu Thương của Chúa Giê-su. [36]
Đây là mầu nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm của sự chết và sự sống mới. Nó là mầu nhiệm Hiện Xuống, mầu nhiệm tuôn trào Thần Khí. Ở đây, chúng ta khám phá ra mầu nhiệm Vượt Qua và Hiện Xuống là trung tâm của linh đạo Trái Tim[37]. Ở đây chúng ta bắt đầu nhận ra cách Thiên Chúa hoàn tất lời hứa ban cho chúng ta một trái tim mới: qua dòng máu đổ ra trên thập giá; qua Thần Khí, Đấng dẫn đưa chúng ta tới sự thật toàn vẹn, và là Đấng theo Thánh Phaolo sẽ dạy chúng ta biết yêu thương.
Như thế, hành trình truy tìm Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước về “Trái Tim” đến đây tương đối khá đầy đủ: từ trái tim “rất người” đến niềm hy vọng một trái tim mới đến từ Thiên Chúa và được thành toàn nơi Đức Ki-tô. Mặc dầu chúng ta thấy không có một bản văn cụ thể nào đề cập đến việc Tôn Thờ Trái Tim thể lý của Chúa Ki-tô, nhưng với sự giúp đỡ của khoa chú giải Thánh Kinh, chúng ta có thể tìm thấy những tư tưởng quan trọng được đề nghị và cổ vũ cho việc Tôn sùng Thánh Tâm Đức Ki-tô[38]. Để hiểu rõ hơn quá trình hình thành và phát triển của việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giê-su, chúng ta cùng nghiên cứu nội dung của Huấn Quyền Giáo hội qua các giai đoạn khác nhau.
(Còn nữa)
[1] Xc. Francis Larkin, Understanding the Heart (San Francisco : Ignatus Press, 1980), tr. 20.
[2] Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer (San Francisco : Ignatius Press, 1992), tr. 25.
[3] Xh 28,29 : “Khi vào nơi thánh, A-ha-ron sẽ mang trên ngực tên con cái Ít-ra-en, … được ghi vào túi đeo trước ngực, chỗ đựng thẻ xăm phán quyết”; 1Sm 25,27 : “xin được giao cho các đầy tớ đi theo chân đức ông.”
[4] Joseph Ratzinger, Đấng Chịu Đâm Thâu, Nguyễn Luật Khoa biên dịch (Hà nội : Tôn giáo, 2009), tr. 67.
[5] Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 27; Francis Larkin, Understanding the Heart, tr. 21.
[6] Thư Hip-ri 10, 5-7.
[7] Xc. Francis Larkin, Understanding the Heart, tr. 22.
[8] “It is a Heart full of majestic anger, or sunk in mortal anguish, or leaping with ecstatic joy”. Xc. Francis Larkin, Understanding the Heart, tr. 24.
[9] “Trái tim” trong tiếng Hy lạp là “kardia, koilia, splancha”, tiếng Latinh là “cor, venter, viscera”. Xc. Francis Larkin, Understanding the Heart, tr. 19.
[10] “For a man’s words flow out of what fills his heart”.
[11] Gaudium et Spes, số 22
[12] Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, Phạm Quốc Huyên chuyển ngữ (Hà nội : Tôn giáo, 2010), tr. 114.
[13] Ibid., tr. 114-116.
[14] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr.116.
[15] Xc. Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca, dẫn vào và chú giải (Tp. HCM : Mai Khôi, 2011), tr. 237.
[16] Xc. Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu, dẫn vào và chú giải (Tp.HCM : Mai Khôi, 2004), tr. 114-119.
[17] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 117-119.
[18] Gioan Phaolo II, Thông điệp Dives in Misericordia.
[19] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 119-122.
[20] Xc. “Tin Mừng Gioan, chương 13-19”, CGKPV, Kinh Thánh Tân Ước (Hà nội : Tôn giáo, 2008).
[21] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 122-128; Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu, dẫn vào và chú giải, tr. 165-169.
[22] “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
[23] “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”
[24] “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
[25] “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
[26] Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 125.
[27] “Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa.”
[28] Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 125.
[29] “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức.”
[30] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 128-133.
[31] Ibid., tr. 128.
[32] Ed 36,27: “Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi”; Is 11,1-9: “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này : thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”; Is 61,1 : “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân.”
[33] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 130.
[34] “Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó.”
[35] Cử Hành Giao Ước mới- Từ điển Phụng vụ, “Thánh Tâm” (1997).
[36] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 132.
[37] Ibid., tr. 133.
[38] Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer (San Francisco : Ignatius Press, 1992), tr.50.
Tác giả bài viết: Fx. Lê Văn Cường, CSC