Thiên Chúa hoá dại vì yêu

 

Chẳng phải vì yêu hóa dại khờ
Nên rời điện ngọc xuống chơi thơ
Mặc da sương gió in màu nắng
Thắm máu châu thiêng đẫm rượu hồng.

Dù muốn hay không, chúng ta phải chân nhận rằng, mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời là một sáng kiến có một không hai trong vũ trụ. Bởi chưng, mầu nhiệm đó dĩ nhiên là sáng kiến tự do và tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không phải theo kiểu “ngẫu hứng và lập dị” mà luôn mang nơi mình lối nẻo “ hữu lý và độc đáo”. Một Thiên Chúa không an vị nơi điện ngọc nhưng đã ngụp lặn trong dòng đời sương gió, hầu mang đến cho nhân loại nét bút thư tình mang tên :Thiên Chúa trao tặng chính mình.

Chắc hẳn sẽ khó chấp nhận một Thiên Chúa dám cúi xuống thật sâu nơi tầng ý nghĩa thực tại phận người, để lắng nghe đời lầm lỡ trong dang dở của buổi hồng hoang tạo dựng. Bởi chưng, hình ảnh Thượng Đế trong văn hoá Hy Lạp, sẽ không được chấp nhận như Thiên Chúa trong Kinh Thánh, khi Ngài là một Thiên Chúa dám dấn thân.

Quả thật, theo quan niệm của người Hy Lạp, Thượng đế là nguyên lý cho con người và vũ trụ và tất cả phải đồng quy về Ngài; nhưng chính Thượng đế thì không cần phải quan tâm đến vũ trụ hay bất cứ ai. Đó là một Thượng đế được triết gia Hy Lạp cổ đại Pyrrho gọi là “ataraxia” nghĩa là Đấng có hạnh phúc, thanh thản đầy đủ trong chính mình và không bị làm phiền .

Trong khi đó, Thiên Chúa của Kinh Thánh lại là một Thiên Chúa “gánh lấy và liên lụy” sâu xa vào cuộc sống con người. Ngược với thái độ “hạnh phúc”, phẩm tính cao quí nhất của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là trao tặng .

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn được dạy: “Của cho không bằng cách cho”. Cho đi là quý nhưng không phải cho suông, mà đó là hiến tặng người với tấm lòng trân trọng. Theo giáo lý nhà Phật, người Phật tử thực hành bố thí đúng pháp không bao giờ cho suông mà phải dụng tâm. Hiểu một cách đơn giản, dụng tâm nghĩa là khi bố thí cần hiểu và thấy rõ, chánh niệm cao độ với việc mình đang làm. Cho nhiều hay ít, tốt hay xấu không mấy quan trọng. Điều cần thiết là hãy cho bằng cả tấm lòng, nghĩa cử trân trọng và cung kính, nguyện với lòng tăng trưởng thiện pháp này cho cuộc đời thêm vui, thấy rõ và tin tưởng vào phước báo của việc lành đang làm, trước – trong – sau khi bố thí tâm đều hoan hỷ, chính là dụng tâm bố thí.

Mặt khác, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cho của cải trong việc làm phúc. Nhưng trong cái nhìn Kitô giáo, chúng ta cần thấy được rằng: “ Của cho không bằng người cho”.

Thật thế, bản chất của trao tặng luôn ít nhiều hướng tới sự trao tặng bản thân của mình cho người khác. Trao tặng khác xa với trao đổi, nhưng trao tặng cho nhau đều quý giá nhất, đó là bản thân, là nghĩa tình dâng hiến. Khi chúng ta trao tặng chính bản thân mình cho ai đó, thì bản thân chính là món quà vô giá mà con người có thể trao tặng nhau. Chính trong trình thuật Tin Mừng Luca, mà chúng ta sẽ thấy được gương hy sinh bản thân mình của bà góa nghèo dâng hai đồng tiền kẽm trong đền thờ (x.Lc 21,1-4).

Qua đó, chúng ta thấy được ý nghĩa vừa nhân văn và cũng sâu xa nơi mặc khải Kitô giáo: trong nhiệm cục mặc khải, Thiên Chúa đã vén mở chính con người của Ngài qua Logos, và con người đã đón nhận điều đó không phải chỉ như những “sự vật”, nhưng như chính bản thân Thiên Chúa là, như chính tình yêu của Ngài dành cho bản thân mình.

Chính trong mầu nhiệm Nhập Thể, tình yêu Thiên Chúa “hóa dại khờ”. Thiên Chúa làm người trong sự thấp hèn nhất có thể, đã không yên vị trong thế giới của chính mình như quan niệm Thượng đế của triết gia Hy Lạp, nhưng là Thiên Chúa “đau nỗi đau của phận người, buồn nỗi buồn của con người”.

Ngay những chương đầu trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ gặp một Thiên Chúa “xắn tay áo, vén ống quần” với vận mạng con người. Chính Ngài “dấn thân” trong việc tự do sáng tạo vũ trụ. Cũng chính Ngài dấn thân khi hứa với Ađam và Evà về một ơn cứu độ (x.St3,15); Ngài hứa với Noe, rồi chính thức giao ước với Abraham (x. St 17). Tiến trình đó dẫn đưa đến giao ước chính thức, đúng nghĩa, giữa Thiên Chúa với dân riêng trên núi Sinai (x.Xh 24). Việc dính vào lịch sử đó, theo cách nghĩ con người, đã đưa Thiên Chúa vào những cung bậc thăng trầm của đời sống con người, gánh vác bao lụy phiền nơi phận đời, phận người trong dòng chảy lịch sử mãi không thôi. Nhưng đồng thời, cũng là lúc, Thiên Chúa tỏ ra mình cách trọn vẹn bản chất trao tặng của Ngài.

Càng liên lụy vào lịch sử con người, Thiên Chúa càng “hiểu” phải trao tặng thêm nữa. Và quả thật, Ngài đã trao tặng chính Con Một của mình cho nhân loại nơi biến cố nhập thế và nhập thể. Khi trao tặng Đức Giêsu cho con người nhân loại, Thiên Chúa dứt khoát “hiệp hành” với lịch sử thăng trầm đau thương của đời sống con người. Từ giây phút nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria, Thiên Chúa không là người dưng với vận mệnh con người nữa, nhưng công nhận tính tuyệt đối của bản thân, của lịch sử tính nhân loại. Việc công nhận đó, đã làm cho tính tuyệt đối của con người có được nền tảng chắc chắn nơi chính Thiên Chúa.

Ý thức được điều đó, chúng ta nên chăng cần sống niềm tin chân chính không phải là “dưỡng giáo” cho đẹp “tổng số” mà quên mất tính “toàn thể”, tức là quá chú trọng cái “dáng” rồi lạc mất cái “hồn” nơi nếp sống đạo thường hằng. Hy vọng mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời sẽ là chân trời bao la của hành trình yêu thương “triệt để”, ngõ hầu chúng ta đón nhận và trao tặng đời nhau trong những thăng trầm của thực tại trần thế này.

Anh Tài, CSC

Bài viết liên quan

Bóng cha chờ con

Màu sắc của đất trời trong thời gian chay thánh dường như được lắng xuống...

Thời khắc ân sủng qua tiếng thưa xin vâng của Mẹ

“Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavit cũng khẩn...

Sum vầy bên Cha Thánh

Hiệp hoan cùng Giáo Hội hoàn vũ và cách riêng với Giáo hội Việt Nam,...

Ai rồi cũng sẽ khác

Cách đây không lâu, ca khúc “Ai rồi cũng sẽ khác” của nhạc sĩ Phúc...

Mối bận tâm của người theo Chúa

Kết thúc những ngày nghỉ Tết nguyên đán bên gia đình và những người thân...

Tết viên mãn

Là người con đất Việt, chắc chắn ai trong chúng ta cũng luôn mong ngóng...