Tìm hiểu phụng vụ Lời Chúa tuần lễ cuối Mùa Vọng

Hạn từ “Mùa Vọng” được dịch từ tiếng La Tinh “Adventus”, có nghĩa là đến. Danh từ này có nguồn gốc từ ngoại giáo. Đối với họ, hàng năm các vị thần có thói quen đến thăm tín đồ của mình, sau đó các vị thần sẽ ở đó với họ suốt những ngày lễ.Trong văn chương Kitô giáo, từ “Adventus” xuất hiện trong bản Kinh thánh phổ thông (Vulgata). Từ này dùng để chỉ việc giáng lâm của Chúa Kitô. Ngài đến để khai mạc thời đại cứu chuộc và Ngài sẽ trở lại trong vinh quan để hoàn tất công cuộc cứu chuộc. Trong cái nhìn đó, người tín hữu phải chuẩn bị tâm hồn không phải chỉ để đón Chúa Giáng Sinh nhưng còn là đón nhận cuộc tái lâm vinh quang của Chúa vào ngày sau hết. Ngoài ra, “Adventus” cũng nói lên ý nghĩa chính yếu của mùa Vọng.

Thứ nhất, mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để “giải phóng” dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.

Thứ hai, mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.

 Chính vì hai ý nghĩa này, nên mùaVọng được chia thành hai giai đoạn với các bài đọc trong Phụng vụ khác nhau, nhưng đều xoay quanh ba chủ đề chính:

– Nói lên niềm mong đợi, khao khát Đấng Cứu Thế của Dân Chúa xưa.

– Nói lên thái độ tỉnh thức chờ mong Chúa đến để thoả lòng khao khát của Dân Thiên Chúa.

– Nói lên niềm vui hân hoan vì ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Kitô, Đấng Cứu Thế.

+ Giai đoạn I: Từ Chúa nhật I mùa vọng đến ngày 16 tháng 12. Mục đích của khoảng thời gian này là hướng tâm hồn các tín hữu về cuộc tái lâm lần thứ hai của Đức Kitô, tức ngày cánh chung. Trong giai đoạn này, các bài đọc được chia thành hai phần khác nhau:

Đợt 1: Đầu mùa Vọng (từ đầu MV đến 9 tháng 12): các Ngôn sứ trong Cựu Ước, nhất là sách Ngôn sứ Isaia.

Đợt 2: Giữa mùa Vọng (từ 10 đến 16 tháng 12): Thánh Gioan Tiền Hô.

+ Giai đoạn II: Từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12. Mục đích của thời gian này nhằm chuẩn bị trực tiếp mừng biến cố Chúa đã đến lần thứ nhất trong lịch sử, tức lễ Chúa Giáng sinh.

Phụng vụ mùa Vọng đã bước sang giai đoạn II, tức tuần lễ cuối cùng, từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12. Chính trong giai đoạn này, Giáo Hội dành riêng các bài Tin Mừng để tường thuật các biến cố trước Chúa giáng sinh.

17 tháng 12: Mt 1, 11-17 (Gia phả Đức Giêsu Kitô, con vua Đavít).

18 tháng 12: Mt 1, 18-24 ( Những giấc mơ của Thánh Giuse).

19 tháng 12: Lc 1, 5-25 ( Sứ thần Gariel truyền tin cho ông Dacaria).

20 tháng 12: Lc 1, 26-38 (Sứ thần Gariel truyền tin cho Đức Maria).

21 tháng 12: Lc 1, 39-45 (Đức Maria thăm viếng bà Êlizabeth).

22 tháng 12: Lc 1, 46-56 ( Bài Magnificat của Đức Maria).

23 tháng 12: Lc 1, 57-66 ( Thánh Gioan chào đời, được cắt bì và đặt tên).

24 tháng 12 (lễ ban sáng): Lc 1, 67-79 (Bài Benedictus của ông Dacaria).

Cùng với đó, Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe tung hô Tin Mừng với “bảy danh hiệu của Đấng Thiên Sai”:

17 tháng 12: “Lạy Ngôi Lời khôn ngoan của Đấng Tối Cao…”

18 tháng 12: “Lạy Chúa là thủ lãnh nhà Ít-ra-en…”

19 tháng 12: “Lạy Đức Kitô là mầm non từ gốc tổ Giesê…”

20 tháng 12: “Lạy Đức Kitô, Ngài nắm giữ chìa khóa nhà Đavit…”

21 tháng 12: “Muôn lạy Đức Emmanuen…”

22 tháng 12: “Lạy Đức Kitô là Vua muôn nước…”

23 tháng 12: “Lạy Đức Kitô là đá tảng góc tường…”

 Bốn tuần lễ trong mùa Vọng tượng trưng cho bốn mươi năm dòng dõi của Abraham, Isaac, Giacob được tôi luyện trong sa mạc trống không và nóng bỏng để chỉ còn lại lòng khát khao chân thật đến được nơi Chúa đã hứa ban. Nên trước đây, mùa Vọng được xem là mùa sám hối, mùa để đền tội. Tuy nhiên, theo tinh thần canh tân của Công đồng Vaticanô II , mùa Vọng không còn là mùa sám hối nữa, mà là mùa hân hoan trông đợi. Quy luật tổng quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch số 39 nói rõ: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Với hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi.”

Mùa Vọng năm nay, trong bối cảnh Covid 19, hơn lúc nào hết, chúng ta mong đợi Ngôi Hai Thiên Chúa đến để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi trong niềm hy vọng tràn trề. Ý thức được như thế, chúng ta cùng chung tâm tình với Giáo Hội, cử hành Đại lễ Giáng Sinh sắp đến đầy liêng thiêng và ý nghĩa, như xác tín của Công đồng Vaticanô II: “khi cử hành những mầu nhiệm cứu độ, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp phong phú của Chúa, nhờ đó những mầu nhiệm này có thể nói là được hiện tại hóa qua mọi thời đại, các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm và được đầy tràn ơn cứu rỗi.” (Sacrosanctum Concilium, số 102).

Anh Tài, CSC

Bài viết liên quan

Các công tố viên của Ý điều tra việc bán trái phép các thánh tích của Chân phước Carlo Acutis

Sau khi Đức Giám mục của giáo phận Assisi đệ đơn khiếu nại, các công...

Người Thợ Mộc Thầm Lặng

Thánh Giuse - người thợ mộc thành Nazareth không phải là một nhân vật ồn...

Về thôi….

Mùa chay, Giáo hội mời gọi chúng ta hướng tâm hồn lên với Chúa “trong...

GẶP GỠ ĐỨC MARIA

Một cuộc gặp gỡ đã quyết định hẳn định mệnh của Thánh Cả Giuse. Ánh...

Mùa chay – 40 ngày “lượm chay” trong hy vọng

Mùa chay, Giáo hội khuyến khích chúng ta làm những hành động cụ thể, với...

Thân vị Thánh Cả Giuse

Việc tôn sùng Thánh Cả Giuse không phải lúc nào cũng đã tôn vinh Thánh...