Tất cả chúng ta đều được kêu gọi tự vấn mình cùng một câu hỏi rằng: trước những chuyện hiện giờ, tình yêu muốn mình làm gì đây?
“Hoàn toàn có thể cho rằng chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh mình, khi mà hóa ra Chúa ghét mọi người chúng ta ghét”. Anne Lamott
Những lời này đáng để suy ngẫm, khi nhìn vào mọi mặt của sự phân rẽ chính trị và tôn giáo thời nay. Chúng ta đang sống trong sự chia rẽ đầy cay đắng. Từ các viên chức chính phủ cho đến bàn ăn trong gia đình, có thể thấy được một sự căng thẳng và chia rẽ về chính trị, tôn giáo và những sự thật tùy biến đến độ vô lý lố bịch. Đáng buồn thay, những chia rẽ này lại khơi lên những gì xấu xa nhất trong tất cả chúng ta. Sự lễ độ đã rạn vỡ và cùng với nó là một thứ gì đó minh họa rõ ràng định nghĩa trong Kinh thánh về “ma quỷ”, nói cụ thể chính là, sự vô lễ, thù ghét, và xem người ta là ma quỷ, ngày càng lan rộng. Tất cả chúng ta giờ thiển cận tự mãn cho rằng Chúa ghét hết tất cả những người mà chúng ta ghét. Sự phân cực trong cuộc bầu cử mới đây ở Hoa Kỳ, vụ tấn công chiếm điện Capitol, những tranh cãi luân lý và tôn giáo đầy chua cay về phá thai, và việc mất đi khái niệm về sự thật, tất cả những điều này làm rõ rằng sự khiếm nhã, thù ghét, vô lễ và sự thật tiện dụng đang thống trị thời này.
Chúng ta sẽ đi về đâu đây? Tôi là thần học gia, không phải chính trị gia hay nhà phân tích xã hội, nên những ý kiến của tôi thiên về cương vị môn đệ kitô giáo và sự trưởng thành nhân văn căn bản hơn là về các phản ứng chính trị. Trong mặt tôn giáo, chúng ta sẽ đi về đâu đây?
Có lẽ để tìm hiểu cách phản ứng hợp lý trong kitô giáo, chúng ta nên đặt vấn đề như thế này: trong một thời như thế này, yêu thương nghĩa là gì? Yêu thương nghĩa là gì trong một thời mà người ta không còn nhất trí rằng cái gì là sự thật? Làm sao chúng ta lễ độ và lịch sự khi cảm thấy không thể nào tôn trọng những người bất đồng với mình?
Để làm rõ một vấn đề quá phức tạp, đôi khi nên thực hiện bằng Via Negativa, nghĩa là hỏi xem mình nên tránh làm gì? Chúng ta không nên làm gì trong thời nay?
Trước hết, chúng ta không được bỏ qua phép lễ độ và biến cung cách vô lễ và quỷ hóa người khác thành chuyện hợp tình hợp lý, nhưng chúng ta cũng không nên tiêu cưc không lành mạnh, sợ rằng nói ra sự thật sẽ khiến người khác bực mình. Chúng ta không nên bất chấp sự thật và để cho những dối trá, bất công trơ tráo diễu võ dương oai. Quá đơn giản để nói rằng cả hai phía đều có người tốt, để rồi chúng ta dựa vào đó mà trốn tránh đưa ra phán quyết thật sự về sự thật. Cả hai phía đều có những người chân thành, nhưng sự chân thành cũng có thể bị dẫn dụ. Chúng ta phải chỉ thẳng mặt dối trá và bất công. Cuối cùng, chúng ta phải chống lại cám dỗ tinh vi đến nỗi gần như không thể chống lại, dụ chúng ta để cho sự công chính của mình biến thành tự phụ, một trong những thứ gây chia rẽ nhất do cái tôi quá lớn.
Chúng ta cần làm gì vì tình yêu thương? Fyodor Dostoevsky từng viết rằng yêu thương là một thứ đáng sợ và khắc nghiệt, và phản ứng đầu tiên của chúng ta là phải chấp nhận sự thật như thế. Yêu thương là thứ khắc nghiệt, nó không chỉ là sự khó chịu khi đối đầu người khác hoặc bị họ đối đầu. Sự khắc nghiệt của yêu thương thể hiện rõ nhất (gần như là không chấp nhận nổi) khi chúng ta phải giằng sự tự phụ của mình xuống để có được một mức độ trưởng thành cao hơn, để chấp nhận rằng Thiên Chúa yêu thương những người chúng ta ghét không kém gì yêu thương chúng ta, và trong mắt Thiên Chúa, họ cũng quý báu và quan trọng y hệt như chúng ta.
Khi chấp nhận được điều này, chúng ta có thể bắt đầu lên tiếng vì sự thật và công lý. Rồi sự thật có thể đương đầu với “sự thật tùy biến” và sự chối bỏ sự thật. Nhiệm vụ của chúng ta là thế đấy. Phải vạch trần sự dối trá, và chúng ta cần điều này trong các tranh luận chính trị, trong hội thánh và trên bàn ăn gia đình mình. Có nhiều lúc, đấu tranh này đòi buộc chúng ta phải bỏ đi “sự ân cần” vốn là một chuyện rất khó với những người nhạy cảm. Tuy nhiên, dù không thể nào luôn mãi ân cần, nhưng chúng ta có thể luôn lễ độ và lịch sự.
Một trong những nhân vật mang tính ngôn sứ đương thời, linh mục Dòng Tên Mỹ Daniel Berrigan, bất chấp nhiều lần bị bắt vì bất tuân luật dân sự, đã kiên quyết khẳng định rằng một ngôn sứ phải có lời khấn yêu thương chứ không phải lời khấn ghét bỏ. Do đó, trong mọi nỗ lực để bảo vệ sự thật, để lên tiếng vì công lý, và nói lên sự thật với cường quyền, thì chúng ta phải nói bằng yêu thương, chứ không phải giận dữ hay thù ghét. Hơn nữa, việc chúng ta hành động bằng yêu thương hay ghét bỏ, sẽ luôn thể hiện ra nơi phép lễ độ hoặc thiếu lễ độ. Dù chúng có giận dữ đến đâu đi nữa, tình yêu thương vẫn giữ cho chúng ta một phép lễ độ, lịch sự bắt buộc phải có. Mỗi khi thấy mình rơi vào sự hấp tấp muốn quy chụp ai đó, là chúng ta có thể chắc chắn rằng mình đã rời xa tinh thần môn đệ, tinh thần ngôn sứ và những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta.
Cuối cùng, cách chúng ta phản ứng với thời đại vẫn là một chuyện rất riêng của chúng ta. Không phải tất cả chúng ta đều được mời gọi làm một việc như nhau. Thiên Chúa đã cho chúng ta những ơn gọi độc nhất vô nhị, có người được gọi để phản kháng công khai, có người được gọi để phản kháng thầm lặng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều được kêu gọi tự vấn mình cùng một câu hỏi rằng: trước những chuyện hiện giờ, tình yêu muốn mình làm gì đây?