Nhân dịp lễ dỗ lần thứ 84 của Đức Cha Tổ phụ Eugène Marie Joseph Allys, tối ngày 22/4, Anh Em Thánh Tâm tại Cộng đoàn Thị Nghè – Sài Gòn, những người con thân yêu của Đức Cha Allys, cùng ngồi lại với nhau trong bầu khí huynh đệ, để cùng nhau nhìn lại những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của người cha hiền như một cách để nhìn lại quá khứ với lòng tri ân, để sống hiện tại cách say mê và hướng tới tương lai với niềm hy vọng. Đồng thời, tọa đàm về chủ đề: “Sống đặc sủng của Đấng sáng lập trong thời đại hôm nay”.
Trong phần đầu, Cộng đoàn cùng nhau nhìn lại những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Đức Cha. Để dễ nhớ tiểu sử của Đức Cha, Linh mục Duy Ân Nguyễn Hữu Vịnh, CSC (1925 – 2018) đã phác họa cuộc đời của ngài bằng những vần thơ rất ý nghĩa và dễ nhớ như sau:
Cha Lý: Người hiểu biết sâu (1),
Là linh mục trẻ (2) bay cao xa vời (3).
Lập Dòng (4) để giúp nhiều người:
Chầu nhưng, đạo mới, trẻ côi, người già.
Mời Dòng (5) từ các nước xa,
Đến lo truyền giáo hoặc là tĩnh tu.
Xây nhà nguyện (6), mở trường tư (7),
Việc chung coi trọng, đời tư coi thường (8).
Đức tài vang dội muôn phương (9),
Chính quyền Việt – Pháp huy chương tặng Người.
“Tôi yêu thương hết mọi người” (10),
Đó là khẩu hiệu suốt đời tung ra.
Ta nên nhớ số Hai Ba (11):
Linh mục, cha sở, Đức Cha, qua đời.
Để đời bốn hạt ngọc trai,
Là hai Giám mục (12) và hai cha triều (13).
Duy Ân Nguyễn Hữu Vịnh, CSC
Chú thích:
1. Người hiểu biết sâu
- Người hiểu: n là ký hiệu của số 5 (= năm),
h là ký hiệu của số 2 (= hai).
Như vậy, n,h = 52, là năm sinh: 1852.
- Biết sâu: b là ký hiệu của số 3 (= ba),
s là ký hiệu của số 6 (= sáu).
Như vậy, b,s = 36, là năm qua đời: 1936.
Cụm từ “người hiểu biết sâu” giúp ta nhớ năm sinh và năm mất của Đức Cha: 1852-1936.
2. Là linh mục trẻ
Cha Lý chịu chức linh mục năm 23 tuổi, là linh mục trẻ nhất lúc đó trong “Hội Thừa Sai Paris” (MEP).
3. Bay cao xa vời
Cha Lý thích truyền giáo ở những phương trời xa xôi: thích đi Á châu hơn Phi châu.
4. Lập dòng trong nước
- Dòng nữ: Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, 1920
- Dòng nan: Dòng Thánh Tâm, 1925
5. Mời Dòng nước ngoài
- Các Dòng hoạt động: Dòng Lasan 1904, Dòng Chúa Cứu Thế 1925
- Các Dòng chiêm niệm: Dòng Cát minh 1909, Dòng Xitô Phước Sơn 1918
6. Xây nhà nguyện
Đức Cha Lý là người rất khiêm tốn, lại có đầu óc thực tiễn. Ngài không muốn xây nhà thờ, nhưng chỉ muốn xây nhà nguyện, vừa thích nghi với thực tế, vừa phù hợp với túi tiền.
7. Mở trường tư (tư thục)
Ước mơ của Đức Cha Lý thật lớn lao, không chỉ mở trường tư thục tại giáo phận nhà, nhưng còn muốn mở trường khắp các giáo phận khác của Đông Dương nữa.
8. Đời tư coi thường
Bao nhiêu tài năng, tinh thần, sức lực, tài sản vạt chất, ngài đều để vào việc chung. Ngài không lo cho đời tư của mình: đồ dùng rất đơn giản, ăn uống đạm bạc, mỗi ngày chỉ mấy củ khoai và mấy con cá khô.
9. Đức tài vang dội muôn phương
- Đức Cha Lý có những đức tính: say sưa Thánh Thể; tin tưởng Thánh Linh; sùng mộ Đức Mẹ; yêu thương mọi người, nhất là các trẻ em mồ côi, thất học; cầu nguyện; can đảm; cương quyết; khiêm tốn; nhẫn nại.
- Các cấp lãnh trong nước cũng như nước ngoài, phần đạo cũng như phần đời, đều biết đến thân thế và sự nghiệp của ngài. Vì thế, Tòa Thánh đã tặng ngài tước vị: “Phụ tá ngai Tòa Thánh”. Chính quyền Việt Nam tặng ngài huy chương “Bội Tinh Kim Khánh”. Chính quyền Pháp tặng ngài huy chương “Bắc Đẩu Bội Tinh”.
10. Khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha: “Diligo omnes”.
11. Nhớ số Hai Ba (23)
- Thụ phong linh mục lúc 23 tuổi (1852-1875).
- Làm cha sở Phủ Cam được 23 năm (1885-1908).
- Làm Giám mục Giáo phận Huế được 23 năm (1908-1931, về hưu).
- Qua đời ngày 23 tháng 4 năm 1936
12. Hai Giám mục
- Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (bề trên Dòng Thánh Tâm 1925-1935; Giám mục Giáo phận Bùi Chu 1935-1948; sáng lập Dòng Mân Côi Bùi Chu).
- Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục (Giám mục Giáo phận Vĩnh Long; Tổng Giám mục Huế, thống nhất 6 Dòng Mến Thánh Giá thành Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế).
13. Hai cha triều
- Cha Giuse Trần Văn Trang
- Cha GB. Bửu Đồng.
1. Nhìn lại quá khứ với lòng tri ân
Dòng Thánh Tâm được thành lập từ năm 1925 bởi Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys, Giám mục Giáo phận Huế, với mục đích và ý hướng là giáo dục thanh thiếu niên về đức tin và văn hóa. Từ những năm đầu sau khi thành lập, Dòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về nhân sự và cơ sở. Tuy nhiên, với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhất là biến cố mùa Hè đỏ lửa 1972 và biến cố 30/4/1975. Dòng tưởng chừng như “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” khi các cơ sở và nhân sự hầu như chỉ là con số rất ít ỏi còn sót lại. Thế nhưng, kể từ khoảng năm 2000 trở đi, Dòng được bắt đầu phục hồi và có những bước phát triển mạnh mẽ. Đó là nhờ hồng ân của Thiên Chúa và công sức của biết bao tâm hồn. Do đó, nhân lễ giỗ lần thứ 84 của Đức Cha Allys, một dịp thật ý nghĩa để chúng ta cất lời cảm tạ Thiên Chúa và tri ân những người đi trước, những người đã góp công góp của, đã hy sinh và cầu nguyện cho Hội Dòng, đặc biệt là người Cha Hiền đáng kính của nhà dòng, Đức cha Eugène Marie Joseph Allys.
2. Sống hiện tại cách say mê
Trải qua 96 năm hiện diện và phát triển, cùng với biết bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, hiện nay Dòng đã gặt hái được nhiều thành quả thật đáng khích lệ. Trong đó:
Đệ tử viện: 48, Thỉnh viện: có 2 lớp với 28 em (một lớp 13, một lớp 15), Tập viện: 15, Học viện: có tất cả 105 anh em, Linh mục: có 54 và 3 phó tế, Hội Dòng có 3 Cộng đoàn
- Cộng đoàn Trung Ương: 67 Phan Đình Phùng, Tp Huế
- Cộng đoàn Lộc Hòa (Tập viện): 24/4 Lộc Hòa, Tây Hòa, Thống Nhất, Đồng Nai
- Cộng đoàn Thị Nghè: 92 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P21, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM
Hiện nay, Hội dòng đã hiện diện và phục vụ tại nhiều Giáo Phận.
- Miền Nam: Với các sở dòng ngoài Thị Nghè và Quận 12 còn có các sở dòng như Đông Hải (Chu Hải), Ngãi Giao, Suối Nho, Suối Cát (Bình Long)…
- Miền Trung: Bình Điền, Nguyệt Biều, Sơn Thuỷ, Vĩnh Phước, Đan Sa, Truyền Tin, Tình Di…
- Miền Bắc: An Phú (Bùi Chu), Tiên Chu (Thái Bình) và các Anh Linh mục đang phục vụ trong các giáo xứ tại Lào Cai, Yên Bái, Hưng Hóa.
3. Hướng tới tương lai với niềm hy vọng
Chúng ta biết, mục đích và ý hướng của Đấng sáng lập Dòng là Giáo Dục (ngày nay thường gọi tắt là Đặc sủng Đấng sáng lập[1]): Mở trường để dạy các cấp phổ thông và dạy giáo lý. Đặc sủng là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa hội dòng này với hội dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng. Một hội dòng mà không theo sát Đặc sủng của đấng sáng lập sẽ đánh mất đi căn tính của mình, và như một hệ qủa, sẽ mất đi phương hướng của nó.
Vatican II chỉ rõ: “Các Hội dòng phải luôn trung thành và noi giữ tinh thần cùng ý hướng đặc biệt của các đấng sáng lập”, (PC 2b)[2]
- Vậy theo Anh em, ý hướng của Đấng sáng lập được dòng chúng ta hiện nay áp dụng thế nào?
- Làm sao để phát triển Hội dòng theo sát Đặc sủng của Đấng sáng lập?
- Mở lưu trú
- Đào tạo Giáo lý viên
- Mở các lớp học tình thương
- Linh hướng các Hội đoàn “Gia Đình Thánh Tâm”
- Phát triển truyền thông
- Dòng cần có một ban chuyên đặc trách về Giáo lý: soạn giáo án, sắp xếp các chương trình…
- Chúng ta (Anh em học viện), những người đang trong chương trình đào tạo căn bản, chúng ta cần chuẩn bị gì cho sứ vụ mai ngày theo tinh thần và ý hướng của Đấng sáng lập?
- Tự trau dồi thêm thức về sư phạm, ngoại ngữ, sinh hoạt…
- Hàng năm cần có các chương trình ngoại khóa: Nghiệp vụ sư phạm, Linh hoạt viên…
- Cần có người học các chuyên môn trong lĩnh vực này: Quản lý giáo dục… \
[1] Đấng sáng lập là người được Thiên Chúa ban cho một ân huệ đặc biệt để bắt đầu một lối sống tu trì ổn định, với luật lệ rõ ràng nhằm xây dựng một tinh thần sống những lời khuyên Phúc âm và được Giáo hội phê chuẩn (x. LG 45); Vita Consecrata, số 36; Mutuae relations, các số 6,11.
[2] Xem thêm: VC số 36; Giáo luật điều 578; PI 68.
Ban Văn Hoá Cộng Đoàn Thị Nghè