Giới thiệu
Cách đây 50 năm, vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, giữa năm Toàn xá 1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ban hành tông huấn bàn về niềm vui Kitô giáo, mở đầu bằng những lời “Hãy vui lên trong Chúa” – trích dẫn từ thánh Phaolô (Pl 4,4) được phụng vụ lặp lại nhiều lần trong mùa Vọng. Vào thời điểm chính trị của nước Việt Nam lúc ấy, có thể quả quyết rằng hầu hết đồng bào không được nghe nói tới văn kiện này. Nói đúng ra, ngay cả bên Âu châu, tông huấn này cũng ít gây chú ý của dư luận. Xem ra niềm vui không phải là một đề tài nghiêm túc của thần học! Tuy nhiên, khi đọc kỹ tông huấn này, chúng ta thấy rằng “niềm vui” là một tư tưởng nòng cốt của Kitô giáo, bởi vì gắn liền với mầu nhiệm Nhập thể và Phục sinh. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của niềm vui Kitô giáo, và thúc giục các tín hữu hãy vun trồng niềm vui như là một hồng ân của Thánh Linh giữa một thế giới đầy dẫy đau khổ và tranh chấp. Niềm vui Kitô giáo bắt nguồn từ sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, và được diễn tả qua tình liên đới, canh tân bản thân và hòa giải.
Văn kiện này gồm 7 chương, không kể Nhập đề và Kết luận.
1. Lòng khao khát niềm vui trong con tim của mỗi người.
2. Niềm vui Kitô giáo được tiên báo trong Cựu ước
3. Niềm vui theo Tân ước
4. Niềm vui trong tâm hồn các thánh nhân
5. Niềm vui cho toàn dân
6. Niềm vui và hy vọng trong con tim các bạn trẻ
7. Niềm vui của khách hành hương trong Năm thánh
Bản văn tiếng Ý chỉ đánh số La-mã các chương; bản văn tiếng Tây-ban-nha còn thêm số Ả-rập để phân đoạn (77 đoạn). Chúng tôi cũng theo đường hướng này để dễ trích dẫn .
Những ý tưởng chính của mỗi chương có thể tóm lại như sau:
1) Lòng khao khát niềm vui trong con tim của mỗi người (số 5-15).
Con người đi tìm hạnh phúc và niềm vui. Niềm vui thường bị đe dọa bởi với những thách đố của cuộc sống, và những bất toàn của hạnh phúc trần thế, khiến cho con người đâm ra buồn phiền và thất vọng. Mặc dù sự tiến triển khoa học đã mang lại nhiều phúc lộc vật chất, nhưng nhiều người cảm thấy chán chường và trống rỗng. Vì thế các Kitô hữu cần đoàn kết với nhau để mang lại công bình và an ủi cho những người sầu khổ, theo điều răn yêu thương Chúa dạy.
2) Niềm vui Kitô giáo được tiên báo trong Cựu ước (số 16-20), qua những nhân vật chủ chốt như ông Abraham hoặc những biến cố tựa như cuộc xuất hành. Niềm vui này được gắn với kế hoạch của Thiên Chúa, với cao điểm nơi Đức Kitô.
3) Niềm vui theo Tân ước (số 21-32). Niềm vui được gắn liền với cuộc đời, việc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Đó là một niềm vui vượt trên những hoàn cảnh của trần thế, và được nâng đỡ nhờ tình yêu của Chúa, sự hiện diện của Thánh Linh, và lời hứa sẽ được sống mãi bên Chúa.
4) Niềm vui trong tâm hồn các thánh nhân (số 33-43). Các thánh cho thấy niềm vui Kitô giáo có thể được sống bằng những đường lối khác nhau. Văn kiện điểm qua trước hết là Mẹ Maria, các vị tử vì đạo và ba khuôn mặt quen thuộc của thời nay (Phanxicô Assisi, Têrêsa Lisieux, Maximiliano Kolbe). Qua những đau khổ, hy sinh và phục vụ, các ngài cho thấy rằng niềm vui sâu xa bắt nguồn từ sự hiệp thông với Thiên Chúa; các ngài trở nên khuôn mẫu cho tất cả các tín hữu cố gắng để sống niềm vui.
5) Niềm vui cho toàn dân (số 44-52). Niềm vui Kitô giáo được dành cho hết mọi người, và khuyến khích mọi người hãy tái khám phá nó, cách riêng vào thời buổi khó khăn. Văn kiện nêu bật tầm quan trọng của việc hoán cải, tha thứ, và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hằng ngày, dưới sự hướng dẫn của Giáo hội.
6) Niềm vui và hy vọng trong con tim các bạn trẻ (số 53-60). Giáo hội nhìn nhận các bạn trẻ như là thực thể sống động cho tương lai của mình, và khuyến khích các bạn hãy tìm gặp niềm vui trong đức tin vào Chúa Giêsu. Niềm vui này, dựa trên việc tìm kiếm và sống theo chân lý, sẽ giúp các bạn chu toàn sứ mạng của mình, và đưa Giáo hội tiến đến tương lai.
7) Niềm vui của khách hành hương trong Năm thánh (số 61-69). Năm thánh và sự hành hương là những biểu tượng của hành trình Kitô hữu tiến về Thiên Chúa. Cuộc hành hương không chỉ là vật lý mà thôi nhưng là tinh thần, và cứu cánh cuối cùng là sự kết hiệp với Thiên Chúa trên trời. Đức Thánh Cha giữ một vài trò đặc biệt trong cuộc lữ hành này, vì giúp Giáo hội hướng đến đức tin, hiệp nhất và vui mừng trong tình thương của Thiên Chúa.
Kết luận (số 70-77).
Như vậy, văn kiện khởi đi từ khái niệm niềm vui tự nhiên, rồi bước sang quan điểm của Kinh thánh (Cựu ước cũng như Tân ước), và tiếp tục với việc nhìn ngắm các mẫu gương của các thánh; từ đó đưa ra những áp dụng cụ thể cho cuộc sống hôm nay.
Đây là văn kiện đầu tiên của Huấn quyền đề cập đến niềm vui. Các giáo hoàng kế tiếp sẽ khai triển đề tài này, đặc biệt là Đức Giáo hoàng Phanxicô với thuật ngữ “niềm vui” được đặt ngay ở đầu văn kiện, chẳng hạn như: “Niềm vui loan báo Tin mừng” (Evangelii gaudium), “Niềm vui của tình yêu” (Amoris laetitia), “Hãy vui mừng hoan hỉ” (Gaudete et exsultate).
(Bản dịch của Học viện Đa Minh, Gò Vấp).
Bài viết liên quan
Thánh lễ tôn phong chân phước Stanislaw Streich tại Ba Lan
Thứ Bảy, ngày 24 tháng Năm vừa qua, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng...
Nhóm Kinh Mân Côi của cô Rodriguez ở bang Colorado, Hoa Kỳ
Với mong muốn những người lớn tuổi và những người đang mất dần trí nhớ...
Dạy Giáo lý và Phúc Âm hóa trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI)
Tân chỉ nam huấn giáo (2020) khẳng định rằng thế giới kỹ thuật số là một không...
Những chi tiết mới về cái chết của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một yếu tố khiến Thánh nữ “Bông...
Kết thúc điều tra cấp giáo phận mười vị tử đạo tại Nga
Hôm 23 tháng Năm vừa qua, Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở thủ đô...
Các nữ tu mang năng lượng mặt trời và hy vọng đến cho hàng ngàn
Năng lượng mặt trời mang lại ánh sáng và hy vọng cho hàng ngàn gia...