Lễ kính thánh Vinh sơn Phạm Hiếu Liêm – Bổn mạng Học viện Dòng Thánh Tâm Huế

THÁNH VINH SƠN PHẠM HIẾU LIÊM, LINH MỤC, TỬ ĐẠO

(1732-1773)

Cổ nhân có câu: “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Vì thế, tâm tình tri ân các vị tiền nhân là một trong những đức tính tốt và được đề cao trong nền văn hóa Á Đông cách riêng là người dân Việt. Khi nhắc tới vị thánh tử đạo Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, chúng ta bắt gặp câu nói nổi tiếng của ngài trước mặt quan quyền: “Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ kể cả cái chết.” Quả thật, cuộc đời ngài là chuỗi tháng ngày hi sinh gieo hạt giống Tin mừng. Nhờ đó, chúng ta được thừa hưởng nhiều hoa trái là ân sủng đức tin.

Ngọn đuốc quang minh sáng tuyệt vời

Vì trung với Chúa mặc đầu rơi,

Đức tin kiều diễm luôn gìn giữ.

Đức ái ngàn trùng tát chẳng vơi.

1. Cuộc đời

Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm chào đời năm 1732 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, thị trấn Sơn Nam Hạ (nay là tỉnh Nam Định). Thân phụ là ông Antôn Doãn, một thân hào trong thôn. Thân mẫu là bà Maria Doãn, một người mẹ đạo đức, hết mình với việc giáo dục con cái. Năm 12 tuổi, Vinh Sơn Liêm vào tu trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Qua sáu năm tu học, thánh nhân được đánh giá là người thông minh đạo đức. Do đó, ngài được học bổng Tây Ban Nha, và được gửi đi du học tại trường Juan de Letran, Manila (Phi Luật Tân).

Ngày 09.09.1753, ngài xin gia nhập dòng Đa Minh. Một năm sau thánh nhân được tuyên khấn trọng thể và lấy biệt hiệu là Vinh Sơn Hòa Bình. Ngài tiếp tục tu học thần học và được thụ phong Linh mục năm 1758. Ngày 03.10.1758, ngài hồi hương. Ngày 20.01.1759 Thánh lễ “vinh quy” được diễn ra tại Trung Linh. Thánh Vinh sơn Liêm được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đảm nhiệm các xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung Lao, và kiêm luôn cả vùng Lai Ổn.

Ngày 02.10.1773, cha Vinh Sơn Liêm bị quan quyền bắt trong khi đang đi giảng cho họ Lương Đống. Ngài chịu cảnh tù tội với nhiều trận đòn roi. Ngày 07.11 cha bị đem đi xử, và thi hài được rước về an táng tại Trung Linh. Ngày 20.05.1906 Đức Piô X suy tôn ngài lên bậc Chân phước. Ngày 19.06.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

2. Thánh Vinh Sơn Liêm, mẫu gương hiếu học

Tất cả những gì thánh nhân thụ lãnh đều xuất phát từ tư chất lẫn tố chất. Ngài chăm chỉ học tiếng Latinh và chữ Nho. Cha thánh Vinh Sơn Liêm thừa hưởng một nền giáo dục từ gia đình từ nhỏ, đặc biệt nhờ lòng đạo đức của người mẹ. Lúc 12 tuổi, ngài được vào tu trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Người ta kể rằng: 6 năm học tập, thánh nhân có tư chất thông minh, đạo đức. Một vài điểm sơ lược cho thấy thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm là mẫu gương cho chúng ta trên hành trình truy tìm chân lý đức tin. Cách riêng, một số học viện, Dòng tu nhận ngài làm bổn mạng trong giai đoạn tu học.

Lần giở những trang tư liệu, chúng ta biết rằng cha thánh Vinh Sơn Liêm là một trong những linh mục đầu tiên du học ở nước ngoài. Ngài là một người học cao, hiểu rộng. Cha thánh Vinh Sơn Liêm say mê học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu các môn thánh khoa. Cuốn sách “Hội Đồng Tứ Giáo” được gán cho ngài. Tác phẩm này thuật lại cuộc đối thoại liên tôn giữa các tôn giáo: Thiên Chúa giáo, Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo. Cuốn sách đã vạch ra những giá trị nhân văn dưới lăng kính Kitô giáo.

3. Thánh Vinh Sơn Liêm, mẫu gương người mục tử

Sau khi lãnh nhận hồng ân thánh chức, thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm sống hết lòng phục vụ vì đoàn chiên. Ngài quan tâm, chăm sóc cho những người nghèo và những người đau yếu, bệnh tật cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trên cương vị là người mục tử, thánh Vinh Sơn Liêm (muốn nhiều người được nhận biết Chúa) nên Ngài hăng say với công việc truyền giáo. Ngài ước mong trở thành niềm an ủi và hy vọng cho mọi người. Vì đoàn chiên, ngài bất chấp nguy hiểm, miễn sao Tin Mừng của Chúa được loan báo cho người ta. Ngài cương quyết bảo vệ đức tin bằng mọi cách, ngay cả khi đối diện với mạng sống mình.

4. Thánh Vinh Sơn Liêm, mẫu gương con người sứ vụ

Có thể nói, khát khao dấn thân truyền giáo là sứ vụ của thánh Vinh Sơn Liêm. Trong cương vị là giáo sư chủng viện Trung Linh, ngài đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh với những tri thức đã được ngài nuôi dưỡng bằng sứ vụ truyền giáo trên quê hương Đất Việt. Suối 14 năm, thánh nhân đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau. Từ cương vị là cha giáo chủng viện tới việc đảm nhiệm quản xứ. Với bổn phận của người mục tử chăm lo coi sóc giáo xứ, cha thánh Vinh Sơn Liêm mở rộng truyền giáo tới các làng ngoại giáo, bất chấp nguy hiểm với một tình yêu mãnh liệt. Do đó, sứ vụ tông đồ của ngài đạt được nhiều kết quả. Dẫu sứ vụ sinh nhiều hoa trái, Cha thánh Vinh Sơn Liêm luôn khiêm tốn. Tất cả những gì ngài có được đều quy hướng về Chúa. Cha ý thức mình chỉ là dụng cụ Chúa dùng mà thôi.

Tựu trung, mừng kính thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, bổn mạng Học viện Thánh Tâm Huế, trong tư cách thụ huấn sinh thuộc giai đoạn Học viện, đặc biệt sống tinh thần năm thánh của Dòng, chúng ta noi gương bắt chước các nhân đức của thánh nhân. Nhờ đời sống hiếu học của ngài, chúng ta có cơ hội học tập và thực thi trong đời sống. Đồng thời việc thực thi mục vụ, chúng ta họa bản sứ vụ của người tông đồ Thánh Tâm. Nhờ đó, mỗi tu sĩ trở nên xưng danh là hậu duệ của thánh nhân. Ngõ hầu, chúng ta được bổ trợ theo sát gót Đức Kitô ngày một hơn.

Tài liệu tham khảo

https://catechesis.net/thanh-vinhson-liem-nhan-450-nam-tu-vi-dao-7-11-1773

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-vinhson-pham-hieu-liem-tu-dao-ngay-07-thang-11-40885

https://tgpsaigon.net/bai-viet/chu-hieu-trong-cuoc-doi-thanh-vinhson-liem-71530

http://daminhrosalima.net/cac-thanh-tu-dao-viet-nam/ngay-0711-thanh-vinh-son-pham-hieu-liem-20663.html

PETSON