Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Truyền Thống Giáo hội (III)

THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU TRONG THÁNH KINH

VÀ TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI (III)

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su được thực hành trong Giáo hội Công giáo trong vài thế kỷ gần đây có liên quan mật thiết với mặc khải được ban cho Thánh nữ Magarita Maria Alacoque. Tuy nhiên, các nhà thần học biết rằng một lòng sùng kính không bao giờ đặt nền tảng trên một mặc khải tư. Nền tảng đích thực của lòng sùng kính được tìm thấy trong mặc khải Ki-tô giáo với tính cách nó được các tông đồ truyền lại. Do đó, Giáo hội đã tìm cách để nghiên cứu về nền tảng nhằm nhận định đâu là nét căn bản của lòng sùng kính và điều gì mang tính cách riêng tư. Thực tế, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su khởi đi từ những nỗ lực của Thánh nữ Magarita Maria Alacoque, một tông đồ vĩ đại của Thánh Tâm Chúa Giê-su. Ngài đã thúc đẩy sự phát triển của lòng sùng kính và Lễ Kính Thánh Tâm Chúa trên toàn Giáo hội cũng như Tháng Thánh Tâm là kết quả cho những cố gắng của thánh nữ. Như thế, chúng ta cần quay về nguồn để thấy được lịch sử của lòng sùng kính này.

  • Thánh Tâm Chúa Giêsu theo các Giáo phụ[1]

Trước hết, người ta khám phá các giáo phụ đã nói về cạnh sườn Chúa Giê-su và Trái Tim Ngài. Các tác giả đã thu thập nhiều bản văn của các giáo phụ nói về Thánh Tâm Chúa, nhưng chính Hugo Rahner đã sắp xếp chúng lại và đưa ra ba chủ đề: (1) đầu tiên, một số bản văn các giáo phụ bàn về Ga 7,37-39, nhằm diễn tả nước hằng sống tuôn chảy từ ngực Chúa Giê-su; (2) Kế đến, có một truyền thống giáo phụ nói về Gioan, người môn đệ được Chúa yêu, đã tựa đầu vào ngực Chúa Giê-su; (3) cuối cùng, một số bản văn bàn về việc Giáo hội được tạo thành từ cạnh sườn của Chúa Giê-su bị đâm thâu trên thập giá (Ga 19,34).

  • Truyền thống giáo phụ về Ga 7,37-39[2]

“Như Thánh Kinh đã nói : Từ lòng người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Hugo Rahner đã cho thấy bài đọc này xuất phát từ Origene[3], và đã được trích dẫn bởi nhiều giáo phụ Hy Lạp và La-tinh, đặc biệt là thánh Ambrosio và Augustino. Ảnh hưởng của họ bao phủ suốt truyền thống Tây Phương. Rahner còn cho thấy các giáo phụ cổ thời ủng hộ một bài đọc khác cổ xưa hơn, trong đó chính Trái Tim Chúa Ki-tô là nguồn mạch của nước hằng sống, nguồn mạch của Thần Khí. Rahner gọi bản văn cổ xưa đó là bài đọc xứ Epheso, đối nghịch với bài đọc “Alexandria” của Origene. Hơn nữa, ông tin là đã tìm thấy bản văn chính xác của đoạn Tin mừng này, và đây là tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu các bản văn Thánh Kinh về Thánh Tâm.

Chứng nhân chính cho bài đọc xứ Epheso là thánh Hippolyto thành Rooma. Ngài đón nhận lời giải thích từ thánh Irene, và thánh Irene là đồ đệ của thánh Polycapo thành Smyrna, còn Polycapo là người đã tiếp xúc trực tiếp với thánh tông đồ Gioan, tác giả sách Tin Mừng.

Thánh Irene viết: “Chúa Thánh Thần ở trong tất cả chúng ta, Ngài là Nước Hằng Sống, mà Chúa Ki-tô ban cho tất cả những ai tin vào Ngài một cách ngay chính”. Và “Giáo hội là suối nước hằng sống, một dòng suối chảy từ Trái Tim Chúa Ki-tô. Ở đâu có Giáo hội, ở đó có Thần Khí của Thiên Chúa, và ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, ở đó có Giáo hội và tất cả mọi ân sủng. Nhưng Thần Khí là sự thật. Ai không ở trong Thần Khí này, sẽ không lãnh nhận được thực phẩm hay sự sống từ Trái Tim của Giáo hội, mẹ chúng ta, cũng không thể uống dòng suối trong phát xuất từ Thân Thể Chúa Ki-tô.”[4]

Một chứng nhân khác là thánh Justino. Ngài đã trở thành Ki-tô hữu ở Epheso và có nhiều bản văn nói về Chúa Ki-tô, nguồn mạch nước hằng sống. Ngài còn viết một đoạn về Thánh Tâm mang tính thần học khi phối hợp đoạn Ga 7,37-39 với Ga 19,34 và hình ảnh của Phaolo nói về Chúa Ki-tô (1Cr 10,4), Tảng Đá tuôn chảy ra dòng nước : “Chúng ta, những người Ki-tô hữu, là dân Israel đích thật, xuất phát từ Chúa Ki-tô, vì chúng ta được tạo thành từ Trái Tim Chúa Ki-tô, như dòng nước tuôn chảy từ Tảng Đá”[5].

Ngoài ra, thánh Cypriano và Ambrosio cũng đã giải thích Ga 7,37. Các ngài đều khẳng định Tảng Đá là biểu tượng thân xác Chúa Ki-tô. Dòng nước hằng sống sẽ tuôn chảy từ thân xác của Ngài đến những ai đang khát. Chúa Ki-tô là suối nước sự sống, vì Chúa Ki-tô Phục sinh thông ban Thần Khí. Trái Tim Ngài là nhà của Thần Khí, và Ngài ban cho chúng ta một trái tim mới bởi vì Ngài ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta.

  • Truyền thống Giáo phụ về đặc quyền của Gioan[6]

Origene là người đầu tiên tôn kính thánh tông đồ Gioan một cách đặc biệt, vì thánh tông đồ được tựa đầu vào ngực Chúa và được uống tận nguồn mạch nước hằng sống. Ở đây xin trích dẫn một bản văn của Thánh Gregorio Cả viết về truyền thống này như sau : “Trong Bữa Tiệc Ly, Gioan đã tựa đầu vào ngực Chúa và bắt đầu uống sữa giáo thuyết của ‘Ngôi Lời’ và ông đã dìm trái tim mình vào nguồn suối sự sống. Như bọt biển nhúng vào nước, và ướt đẫm hoàn toàn các mầu nhiệm mà Chúa Ki-tô đã dẫn đưa ông vào, thánh tông đồ xuất hiện trước mắt chúng ta như một tâm hồn tràn đầy các hồng ân mà ngài đã lãnh nhận từ Ngôi Lời và ngài đã tìm thấy nới nguồn mạch đích thật của chúng”.

  • Truyền thống Giáo phụ : Giáo hội được tạo thành từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giê-su trên thập giá[7]

Quà tặng của Thánh Tâm là Chúa Thánh Thần, một món quà được thủ đắc nhờ hiến tế của Chúa Ki-tô trên thập giá. Nhờ máu Chúa Ki-tô mà chúng ta được lãnh nhận Thần Khí. Nhưng nhiều giáo phụ đã giải thích Nước và Máu chảy từ cạnh sườn Chúa Giê-su theo một cách khác : với tính chất là những biểu tượng của các bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, và xa hơn nữa, với tư cách là biểu tượng của một bí tích vĩ đại là Giáo hội. Như Eva được tạo từ cạnh sườn của Adam, Giáo hội là Hiền Thê Chúa Ki-tô, cũng được tạo thành từ cạnh sườn của Adam mới.

Vào cuối thế kỷ II, ông Tertuliano đã nói : “Nếu Adam là hình ảnh của Chúa Ki-tô, vậy giấc ngủ của Adam cũng là hình ảnh của giấc ngủ của Chúa Ki-tô, Đấng đã ngủ trong cái chết, để từ cạnh sườn của Ngài nứt ra người mẹ thật của các sinh linh là Giáo hội”.

Đây là hình thức thứ hai của lòng sùng kính Thánh Tâm của các Ki-tô hữu cổ thời. Trong thiên kỷ thứ nhất của Ki-tô giáo, một ca đoàn đông đảo ngợi khen cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Ki-tô, từ nơi đó mà Giáo hội, người mẹ trinh khiết được tạo thành. Đây là giáo huấn của thánh Cyrilo thành Giê-ru-sa-lem trong bài nói chuyện với các tân tòng, và thánh Gioan Kim Khẩu đã rao giảng ở Antiokia : “Ngọn giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa Ki-tô và này từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa mà Giáo hội được tạo thành, như người mẹ đầu tiên là Eva được tạo thành từ cạnh sườn của Adam. Như vậy, khi thánh Phaolo nói : chúng ta phát xuất từ xác thịt của Chúa Ki-tô, ngài muốn ám chỉ đến cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa. Như Thiên Chúa đã lấy xương sườn của Adam mà tạo thành người nữ thì Chúa Ki-tô cũng ban cho chúng ta nước và máu từ cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài và từ đó tạo thành Giáo hội. Việc trước xảy ra trong giấc ngủ của Adam thì việc sau xảy ra trong giấc ngủ của cái chết của Chúa Giê-su”.

Bài giảng của thánh Augustino hoà hợp với giáo huấn phổ quát này, và những lời của ngài vẫn còn âm hưởng nơi các nhà thần bí thời Trung Cổ : “Adam ngủ để Eva được sinh ra, Chúa Ki-tô chết để Giáo hội được sinh ra. Trong khi Adam ngủ, Eva được tạo thành. Khi Chúa Ki-tô chết, cạnh sườn Ngài bị đâm thâu bởi lưỡi đòng, từ đó phát sinh các bí tích để tạo thành Giáo hội”[8].

Để tóm lại phần các Giáo phụ nói về Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta hãy đọc kết luận của Hugo Rahner: “Toàn thể lịch sử giáo huấn của các giáo phụ về cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Ki-tô có thể được tóm tắt trong một công thức: suối nước sự sống. Từ thánh Gioan, người đã uống ở ngực Chúa chúng ta, và từ Justino, Irene, những người đã cho chúng ta thấy dòng suối chảy từ Trái Tim bị đâm thâu của Chúa Ki-tô, một truyền thống các tư tưởng và bản văn đã trải dài không hề gián đoạn trong nhiều thế kỷ. Nó đã được xây lên từ các quan niệm Ki-tô giáo thời sơ khai và là một nền tảng vững chắc cho lòng sùng kính Thánh Tâm hiện nay, như đã được diễn tả trong Phụng vụ. Sự phát triển của lòng sùng kính Thánh Tâm đã đi đến chỗ trở về nơi nó phát xuất là dòng suối tuôn chảy từ Trái Tim Chúa Ki-tô. Điều các ngôn sứ đã nói, điều mà Chúa Ki-tô đã hứa là nước hằng sống và Giáo hội, đã tuôn chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Ki-tô và tràn lan trên khắp thế giới”.

  • Thời Trung Cổ[9]

Thời đầu của giai đoạn chuyển tiếp (1100-1250) không có sự đột phá nào trong thần học về Thánh Tâm, nhưng có một sự chuyển tiếp tiệm tiến và không ý thức từ thần học chủ quan của các giáo phụ đến một lòng sùng kính nồng nhiệt đối với Trái Tim bị đâm thâu của Chúa Giê-su. Kết quả là có một tổng hợp cả hai phương diện chủ quan và khách quan: kho tàng ơn cứu độ từ Trái Tim bị đâm thâu của Chúa Giê-su được xem như là quà tặng của tình yêu của Ngài. Thánh Anselmo thành Canterbury là nhà thần bí đầu tiên làm nên tổng hợp mới này : “Việc mở rộng cạnh sườn Chúa Ki-tô đã mặc khải sự phong phú của tình yêu Chúa, tình yêu của Trái Tim Ngài dành cho chúng ta”. Thêm vào đó, thánh Benado Clairveaux (1090-1153) cũng từng viết : “Lưỡi đòng đã từng đâm thấu Trái Tim Chúa để Ngài có thể mang nỗi yếu hèn của chúng ta. Bí mật của Trái Tim này đã mở ra bởi các vết thương của thân xác và từ đó tỏ cho chúng ta bí tích vĩ đại của lòng thương xót của Thiên Chúa. Ai có thể thấy điều gì khác trong những vết thương này?”

Trong thế kỷ XII, các thần học gia đã được chuyển giao từ truyền thống các giáo phụ về Trái Tim Chúa Giê-su; trong thế kỷ XIII và XIV, hạt giống này đã mọc lên thành cây. Sự phát triển này được chuẩn bị bởi một lòng sùng kính mạnh mẽ sự Thương Khó của Chúa Giê-su, bởi lòng sùng mộ đặc biệt đối với thánh Gioan tông đồ và bởi một loạt các bài chú giải sách Diễm Ca. Vào thời này, các tu sĩ Phanxico, các tu sĩ Đa Minh, …đóng vai trò lãnh đạo.

Vào thời đầu của Trung Cổ, các tu sĩ Biển Đức và Xi-tô có một vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển lòng sùng kính; nhưng nay các tu sĩ dòng hành khất trở nên quan trọng. Quả thật, thánh Bonaventura trở thành sứ giả của Mầu nhiệm Trái Tim Chúa Giê-su, ngay cả đối với thời đại chúng ta. Cuốn sách “Cuộc hành trình của tâm hồn đến với Thiên Chúa” của ngài thực sự là một bản đồ hành hương cho trái tim trên đường về với Thiên Chúa. Nó cho thấy con đường duy nhất đến với Chúa Cha là một tình yêu bừng cháy đối với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá, và tình yêu này được hoàn hảo trong sự hiệp thông đích thực của các trái tim. Nhiều đoạn trong các tác phẩm thần học của ngài nói về mầu nhiệm Trái Tim Chúa: “Trái Tim của Chúa chúng ta bị lưỡi đòng đâm thâu, nhờ vết thương có thể thấy được này mà chúng ta có thể nhận ra tình yêu không thể thấy được. Vết thương bên ngoài của Trái Tim cho thấy vết thương tình yêu của linh hồn”.

Trong khi đó, các tu sĩ Đa Minh cổ võ lòng sùng kính Trái Tim Chúa đặc biệt ở nước Đức, nơi có 46 tu viện nam và hơn 70 tu viện nữ Đa Minh[10]. Từ cuộc thương khó của Chúa, kết hợp với lòng sùng kính Thánh Thể, họ hình thành một nền tu đức tập trung vào Thánh Tâm. Thật vậy, thánh Alberto Cả, trong các tác phẩm của mình, đã trình bày thánh tông đồ Gioan – một người đã uống tận kho tàng khôn ngoan thần linh nơi Trái Tim Chúa. Alberto thường trở lại ý tưởng của các giáo phụ về việc Giáo hội được sinh ra từ Trái Tim được mở ra của Chúa Ki-tô. Ngoài ra còn có ba tu sĩ nổi tiếng khác là Meister Eckhart, John Tauler và Henry Suso.

Meister Eckhart[11] là tác giả đầu tiên nói về Thánh Tâm ngự trong Thánh Thể. Trong giáo huấn về việc rước lễ, ngài viết : “chúng ta phải được biến đổi trong Chúa Giê-su và kết hợp trọn vẹn với Ngài, để tất cả mọi sự của Ngài là của chúng ta, và tất cả mọi sự của chúng ta là của Ngài, trái tim chúng ta và trái tim của Ngài là một trái tim duy nhất.” Meister còn dùng biểu tượng ngọn lửa để mô tả tình yêu của Chúa Giê-su dành cho loài người : “Trên thập giá, Trái Tim Ngài như một lò lửa, và từ đó bừng cháy toả lan đi mọi hướng. Ngài bị nung nấu bởi ngọn lửa tình yêu của Ngài dành cho toàn thế giới. Vì thế, Ngài kéo toàn thế giới đến với Ngài bằng sức nóng của tình yêu của Ngài.”[12]

John Tauler[13] là một học trò của Meister và là một trong những nhà thần bí của mọi thời.[14] Ngài vượt qua thầy mình trong những điều liên hệ với Thánh Tâm và có một ảnh hưởng to lớn. Ngài đã từng suy tư : “Chúa Giê-su có thể làm gì hơn cho chúng ta mà Ngài đã không làm? Ngài đã mở Trái Tim Ngài ra cho chúng ta. Vì niềm vui của Ngài là ở với chúng ta trong sự bình an thinh lặng, để nghỉ ngơi với chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Trái Tim Ngài với những vết thương mà chúng ta có thể ẩn vào trong đó, cho đến khi chúng ta được thanh tẩy hoàn toàn khỏi mọi vết nhơ, cho đến khi trái tim chúng ta nên giống Trái Tim Ngài, cho đến khi chúng ta xứng đáng được Ngài dẫn vào Trái Tim linh thánh của Chúa Cha. Ngài ban cho chúng ta Trái Tim Ngài một cách trọn vẹn, để Trái Tim Ngài trở nên ngôi nhà của chúng ta. Ngược lại, Ngài cũng khao khát trái tim của chúng ta, để nó trở nên một nơi Ngài ngự trị.”

Chân Phước Henry Suso[15] (+1366) cũng là một môn đệ của Meister Eckhart. Linh đạo của ngài tập trung vào đau khổ của Chúa Ki-tô, trong đó ngài chia sẻ bằng những việc hãm mình khắc khổ. Tình yêu của ngài dành cho Chúa Ki-tô thì rất dịu dàng, một tình yêu được Thánh Tâm đốt lên trong trái tim ngài.

  • Thời kỳ Thánh nữ Magarita Maria Alacoque[16] (1647-1690)

Với tựa đề “Thời kỳ Thánh nữ Magarita Maria Alacoque” thì lòng sùng kính Thánh Tâm trong thời kỳ này tập trung không phải vào thánh nữ, nhưng là vào Chúa Giê-su như thánh nữ Magarita Maria đã được thị kiến. Những lời Chúa Ki-tô đã nói với thánh nữ Magarita Maria ở tu viện Paray-le-Monial : “ Đây  là Trái Tim …” đã vang vọng khắp toàn thể Giáo hội, và đã có những đáp ứng rộng rãi, ngay cả những tài liệu huấn quyền, dù không dựa vào  các mạc khải tư cho thánh nữ, nhưng đã đáp lại những gì mà Chúa yêu cầu thánh nữ.

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su là tất cả đối với thánh Magarita Maria Alacoque. Nó là linh đạo và cuộc sống của ngài. Đối với ngài, đó là cuộc sống kết hiệp mật thiết với Thánh Tâm bị thương tích và vô cùng đáng yêu của Chúa Giê-su. Điều đó có nghĩa là : cảm xúc như Chúa Giê-su, muốn điều Chúa muốn, yêu điều Chúa yêu : một cuộc sống yêu mến, kết hiệp và đền tội. Ở đây, chúng ta có thể chỉ ra một vài chiều kích dâng hiến của thánh nữ mà có sự ảnh hưởng đến sự thực hành của Giáo hội sau này: (1) thánh nữ nhấn mạnh đến bức hoạ Thánh Tâm Chúa Giê-su, đây là hình trái tim với những ngọn lửa, triều gai thiên và thánh giá, hay hình Chúa Giê-su đang đưa ra Trái Tim của Ngài. Đối với thánh nữ, bức hoạ là một phương tiện quan trọng để truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm và có được những ý tưởng về tình yêu của Chúa. (2) Thánh nữ nhấn mạnh đến việc dâng hiến bản thân cho Thánh Tâm Chúa Giê-su : một sự tận hiến trọn vẹn chính mình cho Thánh Tâm Chúa. Chúa Giê-su đã ban cho ngài Trái Tim Chúa và thánh nữ cũng dâng hiến trái tim mình cho Chúa. (3) Thánh nữ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đền tạ. Thánh Tâm Chúa Giê-su bị tổn thương; người ta lãnh đạm đối với tình yêu của Ngài. Thánh nữ muốn yêu mến Chúa nhiều hơn và diễn tả tình yêu của mình qua việc chịu các đau khổ, đền tạ và rước lễ đền tạ.

Trong thời kỳ này cũng xuất hiện một gương mặt khác nữa mà Đức Giáo Hoàng Pio X đã gọi là “người cha, tiến sĩ và tông đồ” của phụng vụ lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su. Đó chính là Thánh Gioan Eudes (1601-1680). Ngài đã lập Hội Dòng Trái Tim Đức Mẹ gồm các linh mục tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giê-su và Trái Tim Đức Maria.

Theo chiều hướng đó, chúng ta cùng tìm hiểu Thần học về Thánh Tâm và Giáo huấn của Giáo hội thời kỳ này.

  • Thần học về Thánh Tâm trong thời kỳ này[17]

Phong trào thần bí về Thánh Tâm Chúa Giê-su thì rất kỳ diệu. Do đó, nó lôi cuốn nhiều vị thánh và là linh đạo của rất nhiều người. Nhưng trong bốn thị kiến lớn của mình, thánh nữ được lệnh phải vận động để lập Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Từ đó, các nhà thần học và Bộ Phụng Tự tại Roma phải vào cuộc nghiên cứu. Vấn đề được đặt ra là: một cách chính xác chúng ta phải thờ lạy gì? Nghĩa là chúng ta muốn nói gì khi đề cập đến “Thánh Tâm Chúa Giê-su” ? và tương quan giữa Thánh Tâm Chúa Giê-su và tình yêu của Ngài là gì? Thần học về Thánh Tâm Chúa Giê-su đi vào cuộc tranh luận.

Cùng với thời gian, lòng sùng kính Thánh Tâm thì sống động và lan rộng trên nhiều quốc gia, nên nhiều đoàn liên minh Thánh Tâm được thành lập, trong khi đó thần học về nó lại gặp rắc rối. “Vào năm 1765, tức là 75 năm sau khi Thánh nữ Magarita Maria qua đời, một lời giải thích thần học đã được Bộ Phụng Tự chấp nhận : trái tim thể lý của Chúa Giê-su là biểu tượng của tình yêu Ngài. Trái tim con người của Chúa Giê-su xứng đáng được thờ lạy nhờ mầu nhiệm Ngôi Hiệp, nhưng trong lòng sùng kính này chúng ta nhìn vào trái tim con người của Chúa Giê-su như biểu tượng của tình yêu Ngài. Điều này trở thành thần học chuẩn mực.”[18]

Trong các tài liệu của Giáo hội, từ ngữ được chấp nhận là : trái tim con người của Chúa Giê-su là đối tượng chất thể của lòng sùng kính; tình yêu của Chúa Giê-su là đối tượng mô thể của lòng sùng kính. Vì trái tim con người của Chúa Giê-su được thờ lạy với tư cách là một biểu tượng của tình yêu. Vì thế, vấn nạn đặt ra là “tình yêu nào của Chúa Giê-su được biểu tượng hoá nơi con tim của Ngài?” Và thông điệp Haurietis Aquas, số 27 đã trả lời cho vấn nạn này : Trái Tim của Chúa Giê-su là biểu tượng của tình yêu Chúa trong sự nguyên tuyền của nó : tình yêu Thiên Chúa của Ngài, tình yêu con người của Ngài đối với Thiên Chúa và loài người chúng ta, và các tình cảm của Ngài.

  • Giáo huấn của Giáo hội trong thời kỳ này[19]

Các tài liệu của Giáo hội trong thời kỳ này nói về Thánh Tâm thì rất nhiều, ở đây xin được trích một số tài liệu quan trọng nhất :

Năm 1765, Bộ Phụng Tự, trong một sắc lệnh được Đức Giáo Hoàng Clement XIII chuẩn nhận, đã cho phép các Giám mục Ba Lan cử hành Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su.

Năm 1794, Đức Giáo Hoàng Pio VI ban hành Thông điệp “Auctorem Fidei”. Ba mệnh đề của nó đề cập đến lòng sùng kính Thánh Tâm : nó phi bác chủ trương cho rằng không được thờ lạy nhân tính hay một phần của nhân tính của Chúa Giê-su. Nó phi bác giáo thuyết cho rằng lòng sùng kính Thánh Tâm, như đã được phê chuẩn của Toà Thánh, là mới lạ, sai lạc và nguy hiểm.

Năm 1856, Bộ Phụng Tự với sự chuẩn nhận của Đức Giáo Hoàng Pio IX, mở rộng Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su cho toàn thể Giáo hội. Lễ được cử hành vào ngày Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.

Năm 1864, Magarita Maria Alacoque được phong chân phước và được phong hiển thánh năm 1920. Gioan Eudes được phong chân phước vào năm 1909, và được phong hiển thánh năm 1925.

Năm 1899, Đức Giáo Hoàng Leo XIII[20] ban hành Thông điệp “Annum Sacrum”. Ngài nâng lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su lên bậc lễ trọng, và dâng hiến toàn thể thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giê-su. Thông điệp nhấn mạnh vương quyền Chúa Ki-tô trải rộng trên mọi thụ tạo, và giải thích phương diện thánh hiến. Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giê-su cũng được chuẩn nhận trong năm này và được giới thiệu. Kinh Tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giê-su được chính Đức Giáo Hoàng Leo XIII biên soạn.

Năm 1925, Đức Giáo Hoàng Pio XI[21] ban hành Thông điệp “Quas Primas”, trong đó ngài thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su với tính cách là đại lễ cho toàn thể Giáo hội. Trong ngày đại lễ này, việc dâng hiến nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giê-su phải được làm lại mỗi năm. Thông điệp còn giải thích vương quyền Chúa Ki-tô với tư cách là Vua các tâm hồn chúng ta. Chúa Ki-tô phải hiển trị trong mỗi trái tim trước khi vương quyền của Ngài được thiết lập trên toàn thể xã hội.

Năm 1928, Đức Giáo hoàng Pio XI ban hành thông điệp “Miserentissimus Redemptor”. Từ số 11 đến số 36 nói về việc đền tạ : trước hết là việc đền tạ nói chung : đền tại vì tội lỗi của chúng ta. Chúa Ki-tô đã đền bù cho tất cả chúng ta, nhưng chúng ta cũng phải chia sẻ sự đền bù của Ngài bằng cách dâng hiến bản thân trong sự kết hợp với Chúa. Rồi thông điệp đưa ra sự đền tạ trong lòng sùng kính Thánh Tâm : một sự đền tạ dâng hiến cho Chúa Ki-tô, để an ủi Ngài trong những đau khổ Ngài chịu nơi trần thế, kế đến làm nhẹ bớt mà Chúa Ki-tô tiếp tục phải chịu trong Thân Thể mầu nhiệm của Ngài.

Đức Giáo hoàng Pio XI  đã mở ra quan niệm đền tạ như đã được thánh Magarita Maria thực hành theo hai cách : thứ nhất, bằng cách đền bù để chuộc tội, đây là một chủ đề trong Thánh Kinh; thứ hai, bằng cách nhấn mạnh đến việc Chúa Ki-tô tiếp tục phải chịu đau khổ trong Thân Thể mầu nhiệm của Ngài, như được trình bày trong Colose 1,24 : “Giôø ñaây, toâi vui möøng ñöôïc chòu ñau khoå vì anh em. Nhöõng gian nan thöû thaùch Ñöùc Ki-toâ coøn phaûi chòu, toâi xin mang laáy vaøo thaân cho ñuû möùc, vì lôïi ích cho thaân theå Ngöôøi laø Hoäi Thaùnh.” Sự kiện thông điệp đặt việc đền tạ trong bối cảnh Thánh Kinh là quan trọng và chuẩn bị cho những khai triển sau này. Nhân dịp này, lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su có thêm tuần cửu nhật, và có bản văn mới cho Thánh Lễ.

Năm 1956, Đức Giáo hoàng Pio XII[22] ban hành Thông điệp “Haurietis Aquas”, để cử hành lễ bách chu niên ngày mở rộng Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su cho toàn thể Giáo hội. Đây là tài liệu quan trọng nhất về Thánh Tâm Chúa Giê-su trong vấn đề giáo lý có liên hệ đến Thánh Tâm. Thông điệp này sẽ được trình bày chi tiết vào mục kế tiếp.

[1] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 175-181; Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 79-92.

[2] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 177-179.

[3] “This stream of the four waters flowing from Christ we see in the Church. He is the stream of living waters, and he is preached by the four evangelists. Flowing over the whole earth, he sanctifies all who believe in him. This is what the prophet heralded with the words: “Streams flow from his heart [koilia]”. Xc. Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 81.

[4] “Where the Church is, there is the Spirit of God; and where the Spirit of God is, there is the Church and all grace. But the Spirit is truth. Therefore whoever does not partake of this Spirit is not fed at the breast of Mother Church, and cannot drink from the crystal clear spring which flows from the body of Christ”. Xc. Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 81.

[5] “We Christians are the true Israel which springs from Christ, for we are drawn out of his heart [koilia] as out of rock”. Xc. Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 82.

[6] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 179; Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 88-89.

[7] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 179-181; Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 86-88.

[8] “Adam sleeps, that Eva may be born; Christ dies, that the Church may be born. When Adam sleeps, Eva is formed from his side; when Christ is dead, the spear pierces his side that the sacraments may flow forth whereby the Church is formed”. Xc. Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 88.

[9] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 187-195.

[10] Ibid., tr. 192.

[11] Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 108.

[12] “On the cross his Heart burnt like a fire and a furnace from which the flame burst forth on all sides. So was he inflamed on the Cross by his fire of love for the whole world”. Ibid.

[13] Ibid.

[14] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 177-179

[15] Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 109.

[16] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 201-207; Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 125-156.

[17] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 207-209.

[18] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 208.

[19] Ibid., tr. 209-211; Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 141-143.

[20]Xc. Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 158-167.

[21] Ibid., tr. 169-186.

[22] Xc. Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 186-208.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *