Chúa nhật 23-05-2021. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20,19-23)

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.  Ðó là lời Chúa.

Suy niệm :

Lễ Ngũ Tuần nguồn gốc là lễ Mùa, lễ kết thúc thời kỳ thu hoạch mùa màng ở Do thái, được khai mạc bởi việc dâng tiến bó lúa đầu tiên (Đnl 16,9-10). Lễ Ngũ Tuần diễn ra vào ngày thứ năm mươi tính từ lễ Vượt Qua, tính ra là bảy ngày nhân bảy tuần là dấu chỉ của sự viên mãn. Vào thời kỳ tiếp cận với kỷ nguyên Kitô giáo, lễ Ngũ Tuần, còn hơn ngày lễ tưởng niệm, là dấu chỉ hằng năm làm mới lại Giao Ước. Vào ngày lễ này, Dân Chúa lập lại lời thề hứa trung thành với Đức Chúa.

Với đoạn Tin mừng hôm nay, Mẹ Giáo hội cho chúng ta biết trong sự sợ hãi và bất an của các một đệ khi thiếu vắng Thầy, Chúa Giêsu Kitô phục sinh thấu hiểu, Người hiện ra, đứng giữa các môn đệ và trao ban bình an cho các ông. Đồng thời, Người củng cố đức tin cho các ông với dấu chỉ của vết đinh nơi tay và mũi giáo nơi cạnh sườn Người vẫn còn đó. Chính Chúa Cha dùng sức mạnh Thánh Thần mà làm cho Con của Người chiến thắng sự chết. Giờ đây, Thánh Thần lại được Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh thổi hơi trao ban, khai mở lòng trí các ông, làm chúng ta liên tưởng đến một cuộc sáng tạo mới. Nếu như trong trình thuật tạo dựng, Ađam và Evà được Chúa cho quyền canh tác, quản cai và làm chủ trái đất, thì với cuộc sáng tạo mới, sứ vụ các môn đệ được khai mào khi Chúa Giêsu trao quyền cai quản toàn cầu này: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.  

Như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy đi thì ích lợi hơn cho anh em, Thầy sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Phù Trợ khác”. Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khai sinh Hội Thánh, một Hội thánh sẵn sàng loan báo Tin mừng, để qui tụ muôn dân nước. Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tất cả các môn đệ Chúa Giêsu khi họ đang tề tựu trong phòng Tiệc Ly. Sự kiện lạ là có những lưỡi như thể bằng lửa đậu trên các môn đệ là dấu chỉ các ông được tràn đầy Thánh Thần. Ngài ban sức mạnh để các môn đệ vượt thắng mọi nỗi sợ hãi của sự bắt bớ, tù đày, án tử để mở tung cửa, họ bắt đầu bước ra mạnh dạn loan báo Tin mừng Chúa Phục Sinh cho mọi người. Vâng, nơi tháp Babel mà con cháu ông Noe theo thói của ma quỷ, kiêu ngạo muốn xây một tháp cao vút để chứng tỏ mình hơn Thiên Chúa khiến Chúa cho họ nói chuyện không ai hiểu ai nữa, đưa đến cãi vã và chia rẽ, thì chính Thánh Thần mà Thiên Chúa trao ban là tình yêu, là nhựa sống giúp hàn gắn lại vết thương cho những ai tùng phục Ngài. Hoa trái của Thánh Thần đó là các môn đệ rao giảng bằng tiếng Do Thái, nhưng thính giả thuộc nhiều dân tộc, quốc gia khác nhau, ai ai nghe cũng đều hiểu được lời rao giảng của các môn đệ như đang nghe chính ngôn ngữ bản xứ của mình.

Đôi lúc, chúng ta chỉ dừng lại ở việc tạ ơn Chúa rằng khi lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức, mình nhận được bảy ơn thiêng của Chúa Thánh Thần như trong sách Giáo lý dạy: khôn ngoan – thông hiểu – lo liệu – sức mạnh – suy biết – đạo đức – kính sợ Chúa. Những ân ban, ân huệ, linh ân, đặc sủng, đoàn sủng, hồng ân, tặng phẩm chung quy cũng gồm tóm một tư tưởng thần học là “điều được trao ban”, là quà tặng. Tuy nhiên, có một điều quan trọng hơn đó là chúng ta không phải chỉ được trao ban hồng ân Chúa Thánh Thần mà thôi nhưng còn được trao ban chính Chúa Thánh Thần, mà chúng ta còn gọi bằng nhiều tên như Thánh Linh, Thần Khí, Thần Chân Lý, Đấng Phù Trợ, Đấng Biện Hộ, Đấng Bàu Chữa.

Một trong những vở kịch nổi tiếng của William Shakespeare là The Merchant of Venice (Người lái buôn thành Venice). Antonio, một thương gia thành đạt của Venice, đã gặp rắc rối vì lòng quảng đại của mình. Bạn của anh ấy là Bassanio đã hỏi mượn tiền của anh. Antonio đồng ý, nhưng vì tất cả tài sản của anh đều được cất giấu tại một hòn đảo xa nên cả hai đã đến gặp Shylock, một kẻ cho vay tiền người Do Thái. Shylock đồng ý cho họ mượn 3000 đồng, nhưng đòi hỏi Antonio ký một cam kết là anh sẽ phải cắt một cân thịt của anh nếu khoản vay không được hoàn trả đúng thời gian ba tháng. Antonio đồng ý với thỏa thuận ấy. Thật không may, Antonio đã không thể giữ lời hứa. Vụ kiện đã được trình lên tòa án. Shylock đã từ chối lời đề nghị trả 6.000 đồng ducat của Bassanio, tức là gấp đôi số tiền cho vay. Anh ta nhất mực yêu cầu một cân thịt của Antonio. Mọi người có mặt tại tòa đều khẩn khoản cầu xin sự sống cho Antonio nhưng Shylock kiên quyết rằng bản cam kết phải được thực hiện. Vì vậy, tòa án buộc phải cho phép Shylock cắt một cân thịt của Antonio. Ngay lúc đó, một người biện hộ trẻ tuổi đến đề nghị được làm Luật sư bào chữa cho trường hợp của Antonio. Khi đến lượt anh phát biểu, người biện hộ lý luận rằng bản cam kết cho phép Shylock chỉ lấy đi phần thịt chứ không được lấy bất kỳ giọt “máu” nào của Antonio. Do đó, nếu Shylock làm chảy bất kỳ giọt máu nào của Antonio, “đất đai và tài sản” của anh ta sẽ bị tước đoạt theo luật pháp của Venice.

Người biện hộ trẻ tuổi bước vào đúng lúc Antonio đang hoàn toàn tuyệt vọng làm chúng ta liên tưởng đến vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ các tín hữu. Ngài sẽ xuất hiện đúng lúc nếu chúng ta cần đến Ngài.

Thánh Phaolô nhắc nhở rằng “có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa.” Vậy chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta luôn ý thức rằng Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, để chúng ta luôn gìn giữ mình nên sạch trong, thánh thiện, và xứng đáng là nơi ngự trị của Thánh Thần Thiên Chúa. Đồng thời xin Ngài bàu chữa cho chúng ta trước toà Chúa uy linh, cũng như xin cho chúng ta được trở nên khí cụ của Chúa cho anh chị em mình nhờ sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh. 

Bài viết liên quan

Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên – THÁNH AGATA, trinh nữ, tử đạo

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, có khi nào chúng ta đặt câu hỏi: Tại...

Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ: Gia Đình Nơi Nuôi Dưỡng Ơn Gọi Thánh Hiến

Gia Đình Nơi Nuôi Dưỡng Ơn Gọi Thánh Hiến Tuấn Vũ, CSC Ml 3,1-4; Hr...

LỄ MỒNG 3 TẾT: Công việc – Ân huệ và trách nhiệm

Ngày mồng 3 Tết, Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho công ăn việc...

LỄ MỒNG HAI TẾT: Hiếu Kính Tổ Tiên – Dấu Chỉ Của Tình Yêu và Đức Tin

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội Việt Nam mời gọi chúng ta hướng...

LỄ TÂN NIÊN: Năm Mới sống hy vọng

Năm mới luôn là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại những gì đã...

LỄ GIAO THỪA – XUÂN ẤT TỴ 2025: “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”

Đêm giao thừa luôn là một thời khắc thiêng liêng và ý nghĩa, khi chúng...