Giêsu – Đời Đá Vàng

Lặng yên thả mình trong cơn gió nhè nhẹ của buổi chiều “cách ly”, mới cảm nhận được những đau thương mà con người đã phải gánh chịu suốt gần ba năm qua. Đâu đó, nơi góc phố,  gánh hàng rong của em gái nhỏ vẫn đều đặn bán trước sân cổng nhà tôi, dù bất kể nắng mưa của phận đời. Đêm đêm, nơi khúc sông An Cựu êm ả này, hình bóng chiếc ghe nhỏ vẫn chong đèn tìm chút gì ấm dạ sau những ngày dịch giã. Chiều nay, bên ấm trà nhẹ với hương thơm thoang thoảng của khói trầm, tôi lâng lâng thả mình vào những ca từ mang âm hưởng triết lý, như được rút ra từ cuộc đời bi ai này:

Có một lần mất mát mới thương người đơn độc.

Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu.

Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về.

Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng

Đời đá vàng-Vũ Thành An

 

Quả thế, chỉ khi mang trong mình nỗi đau khổ, buồn chán của bệnh tật, chúng ta mới thể hiểu cảm giác của những ai đã từng mất mát. Nếu như trước đây, chúng ta dễ nói những lời động viên dành cho người khác trước những bi thương của họ, thì nay, trong hoàn cảnh này, rất có thể chúng ta sẽ khó lòng đón nhận được. Bản thân tôi học được bài học là biết cách mạnh mẽ đối diện và đón nhận những thách đố phận người, ngõ hầu tôi mở lòng ra với những nỗi cô đơn, trống vắng, trơ trọi của tha nhân đồng loại. Trong bầu khí của mùa Chay thánh, chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa có hóa dại không khi dám để con mình là Đức Giêsu dệt nên “đời đá vàng” bằng chính những gian nan, nghèo khó, đòn roi, phỉ báng, và tột cùng là cái chết đau thương trên Thập Giá?

Dù muốn hay không, chúng ta phải chân nhận rằng, mầu nhiệm Thập giá của Đức Giêsu là một sáng kiến có một không hai trong vũ trụ. Bởi chưng, mầu nhiệm đó dĩ nhiên là sáng kiến tự do và tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không phải theo kiểu “ngẫu hứng và lập dị” mà luôn mang nơi mình lối nẻo “ hữu lý và độc đáo”. Một Thiên Chúa không an vị nơi điện ngọc nhưng đã “oằn mình” trong đớn đau và “dầm dề” trong thất vọng, hầu mang đến cho nhân loại bức thư tình mang tên :Thiên Chúa trao tặng chính mình.

Chắc hẳn sẽ khó chấp nhận một Thiên Chúa dám cúi xuống thật sâu nơi tầng ý nghĩa thực tại phận người, để lắng nghe đời lầm lỡ trong dang dở của buổi hồng hoang tạo dựng. Bởi chưng, hình ảnh Thượng Đế trong văn hoá Hy Lạp, sẽ không được chấp nhận như Thiên Chúa trong Kinh Thánh, khi Ngài là một Thiên Chúa dám dấn thân.

Quả thật, theo quan niệm của người Hy Lạp, Thượng đế là nguyên lý cho con người và vũ trụ và tất cả phải đồng quy về Ngài; nhưng chính Thượng đế thì không cần phải quan tâm đến vũ trụ hay bất cứ ai. Đó là một Thượng đế được triết gia Hy Lạp cổ đại Pyrrho gọi là “ataraxia” nghĩa là Đấng có hạnh phúc, thanh thản đầy đủ trong chính mình và không bị làm phiền . Trong khi đó, Thiên Chúa của Kinh Thánh lại là một Thiên Chúa “gánh lấy và liên lụy” sâu xa vào cuộc sống con người. Ngược với thái độ “hạnh phúc”, phẩm tính cao quí nhất của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là trao tặng .

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn được dạy: “Của cho không bằng cách cho.”  Cho đi là quý nhưng không phải cho suông, mà đó là hiến tặng người với tấm lòng trân trọng. Theo giáo lý nhà Phật, người Phật tử thực hành bố thí đúng pháp không bao giờ cho suông mà phải dụng tâm. Hiểu một cách đơn giản, dụng tâm nghĩa là khi bố thí cần hiểu và thấy rõ, chánh niệm cao độ với việc mình đang làm. Cho nhiều hay ít, tốt hay xấu không mấy quan trọng. Điều cần thiết là hãy cho bằng cả tấm lòng, nghĩa cử trân trọng và cung kính, nguyện với lòng tăng trưởng thiện pháp này cho cuộc đời thêm vui, thấy rõ và tin tưởng vào phước báo của việc lành đang làm, trước – trong – sau khi bố thí tâm đều hoan hỷ, chính là dụng tâm bố thí.

Mặt khác, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cho của cải trong việc làm phúc. Nhưng trong cái nhìn Kitô giáo, chúng ta cần thấy được rằng: “ Của cho không bằng người cho”.

Thật thế, bản chất của trao tặng luôn ít nhiều hướng tới sự trao tặng bản thân của mình cho người khác. Trao tặng khác xa với trao đổi, nhưng trao tặng cho nhau đều quý giá nhất, đó là bản thân, là nghĩa tình dâng hiến. Khi chúng ta trao tặng chính bản thân mình cho ai đó, thì bản thân chính là món quà vô giá mà con người có thể trao tặng nhau. Chính trong trình thuật Tin Mừng Luca, mà chúng ta sẽ thấy được gương hy sinh bản thân mình của bà góa nghèo dâng hai đồng tiền kẽm trong đền thờ (x.Lc 21,1-4).

Qua đó, chúng ta thấy được ý nghĩa vừa nhân văn và cũng sâu xa nơi mặc khải Kitô giáo: trong nhiệm cục mặc khải, Thiên Chúa đã vén mở chính con người của Ngài qua Logos, và con người đã đón nhận điều đó không phải chỉ như những “sự vật”, nhưng như chính bản thân Thiên Chúa là, như chính tình yêu của Ngài dành cho bản thân mình. Chính trong mầu nhiệm tự hiến, hình ảnh một vị Thiên Chúa không yên vị trong thế giới của chính mình như quan niệm Thượng đế của triết gia Hy Lạp, nhưng là Thiên Chúa “đau nỗi đau của phận người, buồn nỗi buồn của con người”. Quả thật, “đời đá vàng” mà Đức Giêsu dệt nên từ 33 năm ở trần thế trở nên ý nghĩa và sinh ích biết bao cho nhân loại.

Bài viết: Pet. Anh Tài, CSC

 

Bài viết liên quan

Đời sống thánh hiến: Lời mời gọi nhớ đến Chúa Giêsu trong mọi khoảnh khắc

Nhân Ngày Thế giới về Cầu nguyện cho Đời sống Thánh hiến, vào ngày 02...

Thánh Lễ Tất Niên Liên Tu Sĩ Tổng Giáo Phận Huế

+++ > XEM HÌNH ẢNH TẠI ĐÂY “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa Thần...

Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô, điều đó muốn nói gì cụ thể hôm nay?

WGPTH (18/01/2025) – Cha Timothy Radcliffe đã có bài nói chuyện với các bạn trẻ...

Giáo dục thiêng liêng, một giáo dục khẩn cấp?

Điều thiêng liêng không có tính siêu việt chẳng khác gì một hình thức thờ...

ĐTC Phanxicô: các nhà giáo dục hãy nhìn người trẻ bằng cái nhìn và trái tim của Chúa Giêsu

Vì lợi ích của trẻ em, người trẻ và người lớn sống bên cạnh các...

Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho ngày giới trẻ thế giới lần thứ 39

SỨ  ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 39, ngày 24/11/2024 Những...