Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng Lễ Chúa Phục Sinh 2023
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2023
Các con thân mến,
Bốn mươi ngày của Mùa Chay ân sủng sắp kết thúc. Theo cách hướng dẫn đậm nét mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, giờ đây chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng của một cuộc khổ chế, một cuộc leo núi lành mạnh hướng tới lễ Phục Sinh của Đấng cứu chuộc chúng ta. Người nhấn mạnh về điều này trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay rằng: “Khổ chế Mùa Chay là một quyết tâm được trợ giúp nhờ ân sủng, để vượt thắng khiếm khuyết đức tin và thái độ phản kháng của chúng ta khi đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá”. Thật vậy, từ những ký ức tuổi thơ Kitô giáo của mình, cha có thể nói với các con rằng: trong đời sống đức tin của chúng ta, Mùa Chay là một khoảng thời gian rất đặc biệt. Phụng vụ của Giáo hội trong khoảng thời gian này như một tiếng chuông trầm lắng, nhưng vang lên thật mạnh mẽ để kêu gọi chúng ta một sự chay tịnh từ đáy lòng mình, như một phương cách đẹp nhất, hiệu quả nhất, để bước vào Mầu Nhiệm Phục Sinh. Bởi đó mà trong ngày đầu tiên của Mùa Chay, chúng ta sẽ luôn được nghe lời nhắc nhở thật mạnh mẽ của tiên tri Gioen rằng: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (x. Ge 2, 13). Sau tiếng chuông loan báo và hướng dẫn sự chay tịnh này, chúng ta sẽ mừng sự phục sinh của Chúa. Mầu nhiệm này là điều cốt lõi và cũng là nền tảng của đức tin Kitô giáo chúng ta. Chính vì thế, cùng với lời chào quý mến gửi đến các con, cha cũng muốn chia sẻ thêm một vài suy nghĩ về mầu nhiệm lớn lao này: MẦU NHIỆM CHÚA PHỤC SINH.
1. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống của thân xác.
Chúa Giêsu đã chết không phải vì tội của Người, nhưng là vì chúng ta. Chân lý này được minh chứng rõ nét trong cuộc thương khó của Người. Tổng trấn Philatô sau nhiều lần xét hỏi đã đưa ra phán quyết: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23, 4b). Và hơn thế nữa, trước mặt toàn dân, ông còn nhận ra nơi Chúa Giêsu một điều gì đó rất đặc biệt, khiến ông phải đắn đo sợ hãi: “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi” (Mt 27, 24b). Điều này càng làm cho ta nhớ lại hình ảnh của Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50, 6). Cái chết lạ lùng ấy như báo trước một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại: Chúa Phục Sinh. Sự kiện này, theo suy tư của Thánh Gioan tông đồ, nó đã được Kinh Thánh báo trước (x. Ga 20, 9). Thật vậy, ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những bằng chứng về việc Chúa sống lại nơi các tường thuật Phúc âm: những người lính canh mồ khiếp sợ, run rẩy bởi sự vinh hiển của Chúa Kitô phục sinh (x. Mt 28, 4), họ nhận tiền của các thượng tế để nói sai sự thật, nói ngược lại với những gì mình đã thấy về Đấng phục sinh (x. Mt 28, 12 – 15), và còn nhiều tín hiệu khác nữa.
Tuy nhiên, các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn luôn là những chứng nhân hùng hồn và sống động nhất về sự kiện này. Từ những biến đổi lạ thường trong cảm xúc cho đến những bài giảng ngắn gọn nhưng đầy xác tín: Chúa chúng ta đã sống lại ; từ những bước chân không sợ hãi của niềm vui cho đến những lời chứng mạnh mẽ: chúng tôi chỉ nói những điều chúng tôi đã nhìn thấy, tất cả đều phải phát xuất từ một điều gì đó thật chắc chắn, từ một niềm vui thật to lớn, đó chính là Chúa đã phục sinh, và đây cũng chính là trọng tâm lời rao giảng của các Thánh Tông đồ. Các ngài đã lặp đi lặp lại không mỏi mệt rằng: “Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết. Về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15).
2. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống danh dự.
Cha đang muốn chia sẻ với các con một chút cảm nghiệm của mình, khi đọc một số tài liệu về ngôi mộ của Chúa, để cho thấy sự kiện Chúa Phục Sinh cũng để lại một niềm vinh dự lớn cho đức tin Kitô giáo. Thật vậy, từ một góc nhìn khác, ngôi mộ của Chúa chúng ta, ngôi mộ của một người bị kết án vì đã dạy và đã sống cho tình yêu, ngôi mộ của Đấng phục sinh, ngày nay đã trở thành một di sản văn hóa và tâm linh cho toàn thế giới. Ngôi mộ ấy luôn là điểm đến của các cuộc hành hương thánh địa. Sự nhộn nhịp và đa dạng của khách hành hương, sự bảo vệ và quyền sở hữu phong phú của các quốc gia và tôn giáo, cho phép chúng ta gọi Nhà thờ Mộ Thánh này là “tài sản chung” của thế giới. Đành rằng, lịch sử vẫn còn nhắc lại những cuộc thánh chiến đau buồn vì địa điểm này, nhưng trên hết, luôn là một sự kính trọng và ước muốn sở hữu một báu vật linh thiêng và vĩ đại như thế.
Bằng suy nghĩ cá nhân, khi chia sẻ với các con điều này, cha luôn nghĩ đến câu nói thời danh như một lời tiên tri của Thánh Phêrô: “Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã trở thành viên đá góc tường” (x. Cv 4, 11).
3. Chúa Kitô phục sinh đối với hoạt động của tình yêu.
Cho dù các con lắng nghe tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa nơi bất kỳ một thánh sử nào, cha tin rằng: lòng trí các con cũng sẽ đọng lại một sự ngưỡng mộ nhất định nào đó dành cho Đức Giêsu, vì cuộc khổ nạn ấy hoàn toàn là vì tình yêu và cho tình yêu. Bởi đó mà Người đã nói với chúng ta rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Thế nhưng, tình thương ấy không phải để dành tôn thờ hay ngưỡng mộ, nhưng là để sống và thực hành, nên Người luôn tha thiết mời gọi chúng ta đón nhận nó như một giới răn mới, một giới răn duy nhất: các con hãy thương mến nhau như Thầy đã thương mến các con (x. Ga 15, 12). Điều này một lần nữa làm cho chúng ta phải chú ý, khi nó trở thành trọng tâm của cuộc đối thoại giữa Đấng phục sinh và Thánh Phêrô ở bờ hồ Tibêria: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (x. Ga 21, 15-17). Chính tình yêu và sức mạnh của Đấng phục sinh đã thúc đẩy các môn đệ Người sống trọn vẹn giới răn ấy qua việc làm chứng về Chúa phục sinh và cuộc tử đạo của các ngài, như những tấm gương sáng ngời cho chúng ta.
Là những người đã và đang tin vào Chúa phục sinh, chúng ta cũng được mời gọi sống và thực hành giới răn mới ấy trong đời sống hàng ngày của mình. Đó cũng chính là điều cốt lõi trong linh đạo Kitô giáo của chúng ta. Trong chiều kích của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, ta được mời gọi sống yêu thương khi nhìn lên Thánh giá Chúa. Thánh giá đó chính là lời nói đầy đủ và hành động cao đẹp nhất của yêu thương. Hãy yêu người, các con sẽ gặp được Chúa; Hãy kính Chúa, các con sẽ sống an vui với người.
Các con thân mến,
Chúng ta không thể nào đo lường và thấu đáo sự phong phú của Mầu nhiệm Phục sinh, nếu chúng ta không hạ mình lắng nghe và suy gẫm. Trong sứ điệp Phục Sinh năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Chúa Giêsu sống lại vẫn mang những dấu thương tích nơi đôi tay, đôi chân và cạnh sườn. Những vết thương này là dấu ấn đời đời về tình thương của Ngài đối với chúng ta”. Chúng ta hãy ghi nhớ những lời này như một nguyên nhân và động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc sống đức ái trong đời sống của mình, vì đó cũng là phương cách thật đẹp để chúng ta mừng Chúa sống lại. Giờ đây, trong bầu khí thánh thiêng của Phụng vụ Tuần Thánh, cha nói với từng người trong các con rằng: Chúc Mừng Chúa Phục Sinh. Alleluia.
Vĩnh Long, ngày 02 tháng 4 năm 2023.
Phêrô Huỳnh Văn Hai Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo