Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh – Năm B | Ga 15,1-8

Sinh Nhiều Hoa Trái
Trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần IV vừa qua, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả tương quan thân thiết giữa Thiên Chúa và dân Người. Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Hai bên biết nhau, nghe nhau, và hiểu nhau. Người mục tử tốt lành ấy dám chết cho chiên được sống và dám liều mạng sống mình để bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công. Mối tương quan ấy được Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh trong bài Tin mừng hôm nay qua hình ảnh quen thuộc cây nho và cành nho. Đồng thời, Ngài chỉ ra điều kiện cần thiết để những ai theo Ngài có thể duy trì mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa qua việc “ở lại trong Thầy” và chỉ có như vậy, “người ấy sinh nhiều hoa trái.”
“Thầy là cây nho, anh em là cành.” Khi ví chúng ta là những cành nho Chúa muốn nói điều gì? Người muốn nhấn mạnh sự liên hệ giữa chúng ta với Người. Sự liện kết mà Chúa nói ở đây là sự liên kết có tính cách bản chất, rất đặc biệt, chứ không phải là sự liên kết có tính cách hình thức, kế cận, hoặc chủng loại. Sự liên kết này làm cho hai chủ thể, hai nhân vị có chung một nguồn sống, có chung một sinh hoạt, và có chung một kết quả là sinh hoa trái. Kinh Thánh soi sáng cho chúng ta về sự liên kết giữa thân và cành. Khi Saolô trên đường tìm bắt những người tin theo Chúa thì Chúa không hỏi, “Sao ngươi đi tìm bắt những người tin theo Ta?, mà Người lại hỏi: “Tại sao ngươi tìm bắt Ta?” Chính sự liên kết này mà thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi- Sự sống của tôi chính là Đức Kitô.” Nơi khác, trong Tin mừng Mát-thêu chương 25, Chúa Giêsu cũng khẳng định, “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta.” Chúa Giêsu và những người tin Chúa đã trở nên một- một sự sống, một hành động, và một kết quả.
Khi được kết hợp đặc biệt với Chúa như thế thì cuộc sống của người tin Chúa phải sống như thế nào? Chúng ta cần phải sinh hoa kết trái, nếu không thì sẽ bị chặt đi và quang vào lửa. Nhưng để có thể sinh hoa trái, thì trước hết chúng ta cần phải ở lại trong Chúa. Ở lại trong Chúa là ở lại với một mức độ sâu xa, bền vững, và yêu mến. Ở lại trong Chúa là kiên trì ở lại giữa những thách đố của đức tin. Ở lại trong Chúa là một tiến trình lớn lên trong đức mến. Hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho và ở lại trong cây nho để nói về tương quan giữa Chúa và các môn đệ. Dòng nhựa sống được thông chuyển từ cây sang cành. Từ đó cành sinh hoa kết trái xum xuê. Cũng vậy, đời sống ơn gọi và sứ vụ của chúng ta chỉ đơm bông kết trái, nếu chúng ta ở lại trong Chúa và để cho nhựa sống Lời Chúa biến đổi chúng ta.
Trong thư thứ nhất, Thánh Gioan tông đồ nói: “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ.” Thánh Gioan nhắc nhở việc giữ giới răn của Thiên Chúa phải được cụ thể hóa trong đời sống thường nhật, chứ không phải chỉ bằng lời nói gió bay: “Chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa.” Chúa Giêsu là cây nho thật vì Chúa Cha là người trồng nho, Ngài luôn cẩn thận chăm sóc cây nho này; vì thế, cành nào không sinh trái thì Chúa Cha sẽ chặt nó đi. Còn cành nào sinh trái thì Chúa Cha cắt tỉa để nó sinh trái nhiều hơn.
Việc ở lại trong Chúa được Chúa Cha đánh giá qua những hoa trái thiêng liêng thiết thực. Đó là tinh thần khiêm tốn rửa chân cho người khác, phục vụ những người nghèo khó, và yêu thương mọi người như Chúa đã làm. Ở lại trong thân nho Giêsu là tha thứ cho những người làm tổn thương chúng ta, yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt địa vị giai cấp, không ghen ghét, và không loại trừ ai. Tất cả những việc làm này cho thấy chúng ta đang gắn kết với thân nho là chính Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy làm nảy sinh những hoa trái bác ái, hy sinh, phục vụ, và sống lời Chúa trong ơn gọi và sứ vụ của mình. “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái.”
Vincent Pham, CSC