Lễ Các Đẳng Linh Hồn: Niềm Hy Vọng Phục Sinh

Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, hôm qua Giáo Hội kính trọng thể Các Thánh Nam Nữ. Hôm nay Giáo hội Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời. Sự hiệp thông này thâm sâu đến nỗi, điều gì mỗi người làm hoặc chịu, trong và vì Đức Kitô, cũng đều mang lại hoa trái cho các linh hồn. Chúng ta cùng nhau suy tư về ý ngĩa của ngày lễ hôm nay.  Ngày nọ, quan Homidas, người Ba Tư, được vua Constantino dẫn đi tham quan một vòng kinh thành Rôma. Nhà vua chỉ cho quan thấy những cảnh lộng lẫy và huy hoàng rực rỡ của kinh thành. Quả thực là Rôma rất đẹp. Sau cuộc tham quan, vua Constantinô hỏi vị quan về cảm tưởng của ông, nhà vua hoàn toàn bất ngờ khi vị quan mỉm cười nói: “Điều tôi lấy làm lạ là ở một kinh thành lớn lao, đẹp đẽ, và giàu có như thế này mà người ta cũng phải chết như ở những nơi khác.”

Quả thật, chẳng có chỗ nào mà người ta không phải chết, chẳng có ai mà không phải đối diện với cái chết. Người lớn tuổi chết, người trung tuổi cũng chết, người trẻ cũng chết; người nghèo chết, người giầu cũng chết, vua quan cũng chết, và thường dân cũng chết, “nhưng lãng quên người đã chết là bắt họ chết thêm một lần nữa. Họ đã chết một lần về thể lý. Giờ đây, nếu xa cách Thiên Chúa vĩnh viễn thì đó mới là cái chết đích thực và đau khổ trọn đời.” Trước cái chết bủa vây, vua Tự Đức đã phải thốt lên:

“Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê

sống gởi rồi ra lại thác về.

Khôn dại cùng chung ba thước đất.

Giàu sang chưa chín một nồi kê.

Tranh giành trước mắt, mây tan tác.

Đày đoạ sau thân, núi nặng nề.

Muốn đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo,

gượng làm chút nữa để mà nghe.”

Cho dù người đó là ai, làm gì đi chăng nữa, khi chết cũng chỉ cần “ba thước đất” như Thánh Vịnh 49 đã phải thốt lên: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn… nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.” Mọi sự đều trở về hư không sau cuộc sống ngắn ngủi trên trần thế. Điều này không có nghĩa, chết là hết.

Nếu chết là hết thì cuộc sống hy sinh trần thế này chẳng có nghĩa gì. Nhiều người cho rằng, chết là hết nên họ ra sức ăn chơi và tận hưởng cuộc sống đời cho thỏa thuê. Tuy nhiên, tiên tri Đaniel cho chúng ta biết một thực tại sau cái chết của mỗi người, “trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12:1-3). Mọi người đều kết thúc hành trình dương thế là trở về lòng đất với đôi bàn tay trắng, nhưng sự khác biệt lớn lao giữa họ là được hưởng sự sống đời đời với Chúa hay là phải chịu ô nhục. Điều này phụ thuộc vào lựa chọn con người đã sống với Thiên Chúa và với tha nhân như thế nào.

Chúa Giêsu đã khẳng định cho chúng ta về sự tồn tại của sự sống đời sau cho những ai tin tưởng nơi Ngài: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không chết bao giờ.” CGS không nói xuông, bằng chứng là Ngài đã cho Lazaro sống lại sau 4 ngày chôn cất trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè, và các môn đệ. Chính CGS đã trải qua cái chết, đã sống lại, để đảm bảo cho chúng ta được sống lại với Người. “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng, thì chúng ta cũng sẽ cùng sống lại với Người”. Để có thể được sống lại như CGS, chúng ta cần phải tin vào Ngài, nghĩa là sống như Ngài đã sống, yêu vô vị lợi như Ngài đã yêu, và phục vụ như Ngài đã nêu gương cho chúng ta. Tin vào CGS, yêu như CGS, và phục vụ như CGS là lối sống mà các thánh đã chọn trên hành trình dương thế và nay các ngài đang được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. “Các vị thánh không phải là những vị anh hùng xa xôi hay bất khả đạt tới, mà là những người như chúng ta, những người bạn của chúng ta, những người có cùng điểm xuất phát là hồng ân đức tin.”

Đây cũng là lối sống mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và những người thân thương của chúng ta đã chọn đi theo Chúa. Các ngài đã chọn Chúa làm gia nghiệp, sống đức tin trong suốt hành trình tại thế, và trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Sống trung thành với Chúa giúp các ngài tín thác vào Thiên Chúa qua việc chu toàn bổn phận làm cha mẹ, làm vợ chồng, và làm người tín hữu gương mẫu trong giáo xứ.  Những việc làm của các ngài cho thấy, các ngài xác tín vào sự sống đời sau, và phần thưởng cho những người trung thành với Chúa là được ở trên Thiên Đàng. Với những gì các ngài đã tin, đã sống, và đã làm, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho linh hồn các ngài “được uống thỏa thuê nơi nguồn nước trường sinh,” như tiên báo trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan tông đồ về phần thưởng cho những ai chiến thắng trong cuộc chiến đấu của đức tin nơi dương thế.

Tuy nhiên, “nhân vô thập toàn.” Là con người không ai mà không tránh khỏi những bất toàn, lầm lỗi, và thiếu xót trước Thiên Chúa và tha nhân khi còn sống tại thế. Vì thế, sách Macabe cho chúng ta biết, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội thánh lữ hành đã “xin dâng hy lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện” (2Mcb 12, 45). Với truyền thống tốt đẹp này, Giáo Hội dành riêng tháng 11 hàng năm để mời gọi chúng ta kính nhớ và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Cầu cho các linh hồn là dịp nhắc nhớ chúng ta về bổn phận của mình với các linh hồn trong luyện ngục, bằng những lời cầu nguyện, và những việc lành phúc đức. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi để nhớ đến thân phận của chính mình, vì cuộc sống đời này có cùng có tận, chỉ có cuộc sống sau cái chết mới là vĩnh viễn. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị cho cái chết của mình. Nếu ngày mai tôi chết, tôi sẽ làm gì hôm nay? Việc làm khôn ngoan nhất mà chúng ta có thể làm và cần phải làm ngay từ bây giờ, đó là ý thức tội lỗi của mình, ăn năn trở về với Chúa, xin Chúa hướng dẫn cuộc sống chúng ta, và hãy dùng tiền của thế gian mà mua lấy nước Thiên Đàng qua những việc làm yêu thương bác ái, giúp đỡ người khó khăn, và xin dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn, chứ đừng để cho những thú vui của thế gian điều khiển, lôi cuốn. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể ra đi trong hân hoan, được sống lại với Chúa, và được sum họp với người thân yêu trong hạnh phúc Nước Trời. Amen

Vincent Pham

[bai/]

Bài viết liên quan

Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên – THÁNH AGATA, trinh nữ, tử đạo

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, có khi nào chúng ta đặt câu hỏi: Tại...

Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ: Gia Đình Nơi Nuôi Dưỡng Ơn Gọi Thánh Hiến

Gia Đình Nơi Nuôi Dưỡng Ơn Gọi Thánh Hiến Tuấn Vũ, CSC Ml 3,1-4; Hr...

LỄ MỒNG 3 TẾT: Công việc – Ân huệ và trách nhiệm

Ngày mồng 3 Tết, Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho công ăn việc...

LỄ MỒNG HAI TẾT: Hiếu Kính Tổ Tiên – Dấu Chỉ Của Tình Yêu và Đức Tin

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội Việt Nam mời gọi chúng ta hướng...

LỄ TÂN NIÊN: Năm Mới sống hy vọng

Năm mới luôn là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại những gì đã...

LỄ GIAO THỪA – XUÂN ẤT TỴ 2025: “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”

Đêm giao thừa luôn là một thời khắc thiêng liêng và ý nghĩa, khi chúng...