Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh (Mt 4,12-17.23-25)

28122019 121449

Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói:
“Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”. (Mt 4,17)

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 3, 22-4, 6

“Hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng lãnh nhận được nơi Chúa, vì chúng ta giữ các giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Các con thân mến, chớ tin bất cứ thần trí nào, nhưng hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì có nhiều tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian. Do điều này mà các con biết là thần trí của Thiên Chúa: Thần trí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm thì là bởi Thiên Chúa; còn thần trí nào phủ nhận Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa mà ra, đó là thần trí của Phản-Kitô; các con nghe nói rằng nó đến, và hiện giờ nó đã ở trong thế gian rồi.

Các con thân mến, các con bởi Thiên Chúa mà ra và đã thắng nó, vì Đấng ở trong các con thì cao trọng hơn kẻ ở trong thế gian. Chúng thuộc về thế gian, nên nói chuyện thế gian, và thế gian nghe theo chúng. Chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra. Ai biết Thiên Chúa, thì nghe chúng ta; còn ai không bởi Thiên Chúa, thì không nghe chúng ta. Do đó mà chúng ta biết được thần trí chân thật và thần trí dối trá.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 2, 7-8. 10-11

Đáp: Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp (c. 8a).

Xướng: 1) Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con. Hãy xin Cha  Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài”. – Đáp.

2) Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết; quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Ngài; hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa. – Đáp.

 

Tin mừng: Mt 4, 12-17. 23-25

12 Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. 13 Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, 14 để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:

15 “Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! 16 Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”.

17 Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.

23 Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

24 Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành.

25 Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã kêu gọi hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần. Sám hối là điều kiện tiên quyết để được đón nhận Chúa. Chúng ta cần sám hối không phải một lần hoặc vài lần, nhưng cần sám hối mỗi ngày và trong từng phút giây của cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi của Chúa nhắc lại lời mời gọi sám hối của thánh Gioan Tẩy Giả: “Hãy ăn năn sám hối”. Chúa đã nhập thể làm người và đã đích thân rảo qua các nẻo đường để rao giảng Tin Mừng. Là ánh sáng, Chúa không thể giấu mình được, Chúa cần chia sẻ chính mình. Chúa đã đến không như một ánh lửa leo lét, nhưng như ánh sáng huy hoàng để soi lối cho những ai đang ngồi trong bóng tối tử thần biết tìm về ơn cứu độ.

Lạy Chúa, để nhận ra ánh sáng đó, con cần có lòng khao khát ước mong. Ánh sáng của Chúa cũng vô ích nếu con không muốn thấy bởi vì đối với người mù, ngay cả mặt trời chính ngọ cũng chẳng khác gì đêm tối. Ánh sáng chỉ thuận lợi cho con nếu con muốn và có thể sử dụng. Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con. Chúa đến để giải thoát con khỏi đêm tối tội lỗi.

Xin ánh sáng của Chúa chiếu soi vào tâm hồn con, để con nhận biết thân phận yếu đuối tội lỗi của mình. Bởi vì nhận biết mình tội lỗi là bước đầu của lòng sám hối. Lòng sám hối đích thực của con là quyết tâm sống tốt hơn với những việc làm cụ thể theo Lời Chúa dạy. Xin Chúa giúp con luôn biết sám hối trong suốt cuộc đời.

Xin cho Lời Chúa hôm nay hoán cải tâm hồn con, để ánh sáng của Chúa lan tỏa trong con, phá tan mọi ảnh hưởng tội lỗi, làm cho nẻo đường con đi luôn trong sáng, thánh hóa đời sống con nên thánh thiện. Amen.

Ghi nhớ: “Nước trời đã đến gần”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ mạng:

– Địa bàn hoạt động được Ngài chọn là miền Galilê, một miền được coi là lãnh địa của dân ngoại. Từ thời Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã nói “Galilê, miền đất của dân ngoại”. Nhưng Isaia đã tiên báo rằng dân ở đó sẽ “thấy một ánh sáng huy hoàng”.

– Hoạt động của Ngài gồm giảng dạy và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền.

– Sứ điệp của Ngài là “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”.

B. Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Khi nào cần tóm lược một cách vừa gọn nhất mà cũng vừa đầy đủ nhất lời rao giảng của Gioan Tiền hô và của Chúa Giêsu, Phúc Âm dùng câu “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (x. Mt 3,2). Sám hối là điều kiện tiên quyết để được cứu rỗi, bởi vì sám hối là ý thức mình đang đi lệch đường và quyết tâm quay về đường chính. Có quay về như thế thì mới được vào Nước Trời. Cũng vì ý thức sự cần thiết của sám hối nên Giáo Hội luôn kêu gọi sám hối trước mỗi Thánh lễ.

2. “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Câu này cũng có nghĩa vì Nước Trời đã đến gần nên con người phải sám hối; nó cũng có nghĩa hãy sám hối để mình có thể vào Nước Trời; và cũng có nghĩa hãy sám hối để Nước Trời có thể đến giữa mọi người.

3. Người Hồi giáo có câu chuyện sau đây: Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm nang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian.

Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích “Món quà giáng sinh”)

4. Có một vị ẩn sĩ nổi tiếng là thánh thiện và được nhiều người đến xin ông cầu nguyện cho. Điều đó làm cho ông rất hãnh diện. Một buổi sáng nọ, trên đường đến thăm một ngôi nhà thờ, ông thấy một người ngồi nức nở bên đường. Đến gần, ông nhận ra đó là tên cướp mà mọi người trong vùng đều run sợ. Vị ẩn sĩ định bỏ đi, nhưng anh ta tiến đến quỳ trước mặt ông và xưng thú tội lỗi. Nghe xong, vị ẩn sĩ tự nhiên nổi giận và nói lớn tiếng: “Một tên trộm cướp như ngươi mà hy vọng được Chúa tha thứ sao ? Ta nói thật với ngươi: cây gậy ta đang cầm trên tay trổ bông còn dễ hơn việc Thiên Chúa tha thứ cho ngươi”. Nói như thế rồi, vị ẩn sĩ tiếp tục cất bước, bỏ mặc tội nhân trong thất vọng. Nhưng chưa đi quá mười bước, cây gậy ông đang cầm trên tay bỗng bị cắm sâu xuống đất. Ông dùng tất cả sức lực để rút lên nhưng cây gậy vẫn không nhúc nhích. Lạ hơn nữa, từ thân cây gậy, cành lá và hoa từ từ mọc ra. Rồi ông nghe có tiếng nói “Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho một tội nhân sám hối còn dễ hơn một cây gậy trổ bông. Một người tội lỗi biết hối cải được tha thứ dễ dàng hơn một kẻ kiêu hãnh” (“Mỗi ngày một tin vui”)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu rao giảng ở Galilê (Mt 4,13-17.23-25)

  1. Nghe tin Gioan bị bắt, Chúa Giêsu lánh về Galilê để tránh sự thù hằn của nhóm biệt phái và luật sĩ, đúng như lời tiên tri Isaia đã nói: dân ngồi trong bóng tối sự chết đã nhìn thấy ánh sáng của Chúa, Vì ở đó, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin mừng, kêu gọi mọi người sám hối và chữa lành các bệnh tật. Tiếng tăm người đồn ra khắp xứ Syria, nên dân chúng từ khắp nơi tuốn đến theo Người.
  2. Capharnaum, trung tâm truyền giáo

Khi Gioan bị bắt cầm tù, nhiệm vụ của ông đã xong, vai phụ phải lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. Đức Giêsu đã rời Nazareth đến Galilê và chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo. Vùng Galilê này bị người ta khinh dể bởi vì đối với thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ; đối với người mộ đạo sùng tín, miền này thật đáng nghi ngờ. Đó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư phức tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày.

Thế mà tại sao Đức Giêsu lại tới cư ngụ tại Capharnaum, bên bờ hồ ? Thưa Ngài chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo vì ba lý do:

– Thứ nhất để thực hiện lời tiên tri Isaia đã loan báo từ 732 năm trước cho các chi họ sống chung đụng với các dân ngoại.

– Thứ hai Capharnaum là quê hương của bốn môn đệ đầu tiên mà có lẽ nhà ông Phêrô là nơi thuận tiện cho việc truyền giáo.

– Thứ ba đây là lý do quan trọng nhất: để cho muôn dân được thấy “một ánh sáng huy hoàng”.

  1. Nội dung việc rao giảng của Chúa Giêsu.

Có thể nói thánh Matthêu đã tóm gọn nội dung việc rao giảng của Chúa Giêsu trong một câu: “Hãy sám hối, vì Nước trời đã gần đến”. Thực ra, nội dung việc giảng dạy này đã được Gioan Tẩy giả rao giảng và sau này các tông đồ cũng tiếp tục thực hiện.

“Sám hối” là bước dứt khoát đầu tiên vào Nước trời, là sức mạnh nhạy bén biến đổi đời người nên    mới. Nền tảng sự hối cải là khiêm tốn, nhìn nhận sự lỗi lầm và tội lỗi của mình trước Thiên Chúa. Đề tài sám hối rất thích hợp với tâm hồn của dân Galilê. Họ thờ Thiên Chúa nhưng lòng họ bị ô nhiễm quá nhiều bóng tối sự chết, bóng tối của tà thần, của tệ đoan xã hội, của lòng tham do các dân ngoại cư ngụ, buôn bán ở Capharnaum.

Sám hối là nền tảng niềm tin của Kitô giáo. Một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo là càng nhận ra sự nhỏ bé bất toàn của mình, con người càng lớn lên trong ân sủng của Chúa. Chính khi Gioan Tẩy giả nhận mình nhỏ bé, Chúa lại cho Ngài được lớn lên, chính lúc ý thức mình thấp kém, Chúa lại tôn vinh Ngài như người cao trọng nhất trong Nước trời.

  1. “Hãy sám hối vì Nước trời đã gần đến (Mt 4,17)

Lời đầu tiên Đức Giêsu dạy khi rao giảng Tin mừng là “Hãy sám hối”. Theo nguyên nghĩa của nó là trở lại (metanoia). Tại sao chúng ta phải quay trở lại ? Vì đã đi lạc đường. Đời sống con người là một hành trình đi về quê trời. Cuộc hành trình nào cũng phải có đích đến và cuộc hành trình chỉ kết thúc khi tới đích. Trong cuộc hành trình có những người đi lạc hướng, mà nếu đã lạc hướng thì không bao giờ tới đích. Ai đã lạc hướng mà càng chạy nhanh thì càng xa đích đến. Thánh Augustinô khen họ là những người “bene currit, sed extra viam” chạy nhanh đấy nhưng lạc hướng.

Điều kiện sám hối là phải “biết mình”, xem mình đang ở trong tình trạng nào và phải chỉnh hướng cuộc đời làm sao cho đúng. Cổ nhân thường nói: “Khôn chết, dại chết, biết là sống”. Chính vì thế ông Socrate đã mở đầu triết thuyết của ông bằng câu châm ngôn nổi tiếng: “Anh hãy tự biết mình”.

  1. Truyện: Tướng cướp biết sám hối

Trong một khu rừng già núi Hắc Sơn ở nước Đức, một bọn cướp đang chia nhau chiến lợi phẩm mà chúng lấy được hồi đêm. Bọn cướp này có thói quen bán đấu giá với nhau của cải chúng cướp được, rồi sau đó chúng mới bán lại cho người khác.

Hôm ấy, món cuối cùng chúng đem ra đấu giá là một cuốn Thánh kinh. Tên cướp đóng vai hộ giá viên giới thiệu món hàng này, bằng những lời diễu cợt phạm thượng khiến cả bọn cười ồ lên. Một tên khác mở đại một trang như kiểu bói toán. Hắn chỉ vào một câu và đọc to lên, rồi thêm những lời trào phúng làm cho cả bọn cười ngặt nghẽo.

Nhưng tên cầm đầu trong bọn bỗng dưng trở nên nghiêm nghị, hai tay ôm đầu rồi gục xuống tỏ vẻ suy nghĩ. Ba mươi năm về trước, chính vào buổi sáng ngày hắn quyết định bỏ nhà ra đi, hắn đã nghe ông bố hắn đọc những lời Thánh kinh này trong giờ kinh sáng của gia đình. Lúc này đây hắn không thể ngờ được rằng hắn lại nghe vang lên những lời ấy.

Tên cướp còn đang chúi đầu về dĩ vãng thì một đồng bọn vỗ vai hắn và bảo: “Này, sao đàn anh có vẻ mơ mộng thế ? Đàn anh muốn mua nó không ? Đàn anh cần cuốn Thánh kinh hơn đàn em đó, vì điểm mặt anh hùng phạm pháp trên thế giới thì đàn anh phải là vô địch mà”.

Trước lời diễu cợt bạo gan đó, hắn chỉ chậm rải trả lời: “Mày nói đúng! Tao chính là thằng phạm tội nặng nhất. Cứ để cuốn sách cho tao, bao nhiêu cũng được”.

Bọn cướp chia tay để đem các món hàng đi bán. Riêng tên tướng cướp thì cầm cuốn Thánh kinh, đi tìm một chỗ vắng trong rừng ở lại đó đọc Lời Chúa và ăn năn sám hối về cuộc đời tội lỗi của mình (Mỗi ngày một tin vui).