Suy niệm Tin Mừng CN IV MC Năm C: Thiên Chúa “hay quên”

Tu sĩ Gioan Trần Quốc Thành

Sau đại dịch Co-vid 19, một trong những di chứng mà con Vi-rút để lại cho nhân loại đó là chứng hay quên…Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe cũng cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa rất “hay quên” (nói theo lời của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê N.V. Thuận), nhưng là “hay quên” vì quá yêu con người, chứ không phải hay quên vì đãng trí như con người.

Quả vậy, dụ ngôn người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một người cha quá yêu thương đến độ quên hết mọi tội tầy trời của con mình: tội bất hiếu khi xin chia gia tài đang khi cha còn đang sống; tội phung phí tài sản là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, tội làm méo mó hình ảnh của người cha khi nghĩ rằng cha hạn chế tự do của mình.

Khi quên hết những lỗi lầm của đứa con ngỗ nghịch, người cha chỉ còn thấy và nhìn vào tấm lòng thống hối trở về của người con; thấy được tấm thân gầy guộc, xác xơ của người con dưới sự thống trị của tội lỗi. Tình yêu của bậc hiền phụ đã giúp ông quên đi những gì là xấu xa nhất của người con, để giờ đây ông nhìn thấy người con vẫn đẹp biết chừng nào. Đẹp vì biết hồi tâm tìm về với cha. Đẹp vì người con không đánh mất đi cảm thức về tội lỗi. Đẹp vì sự trở về của người con cách nào đó là “cơ hội” để người cha thi thố tình yêu và lòng thương xót của mình. Người cha đã tô thêm vẻ đẹp ấy qua việc chuẩn bị sẵn mọi thứ, để giờ đây ông bảo gia nhân mặc áo, xỏ dép và xỏ nhẫn cho người con, nghĩa là phục hồi tư cách làm con cho nó. Vòng tay của cha và đôi dép muốn nói lên rằng người cha sẵn sàng ôm lấy, bao bọc và chở che cho con mình. Nêu không phải vì quá yêu con đến độ quên hết mọi lỗi lầm của nó, thì người cha đã không chuẩn bị sẵn mọi thứ như vậy.

Không những quên tội của người con thứ, người cha còn quên luôn các tội của người con cả. Đó là tội làm méo mó hình ảnh nhân lành của người cha khi nghĩ rằng cha hà khắc và keo kiệt với anh; tội chối bỏ tình phụ tử lẫn tình huynh đệ khi nói “thằng con của cha đó”. Tình yêu thương không biên giới, không loại trừ đã giúp người cha quên luôn lỗi lầm của người con cả, quên rằng cả người con cả cũng đi hoang ngay khi còn ở trong nhà mình.

Người cha trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Thiên Chúa chúng ta. Một Thiên Chúa vì yêu mà quên hết mọi lỗi lầm của chúng ta, dang rộng vòng tay đón nhận chúng ta trở về với Người.

Nếu Thiên Chúa hay quên tội chúng ta và ghi nhớ ân tình với con người, thì chúng ta lại thường rất dễ quên ơn nghĩa nhưng lại nhớ rất dai dẳng lỗi lầm của người khác theo kiểu “sống để bụng, chết mang theo” hay như câu ngạn ngữ Pháp rằng: “Tôi tha cho bạn, nhưng tôi không bao giờ quên”…Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta rằng:

Là anh em, con cùng một cha trên trời, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm tình yêu và lòng xót thương của Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại biết bao lần ta đi xưng tội là bấy nhiêu lần Chúa quên hết những lỗi lầm và xúc phạm của ta. Quả thật, tòa giải tội là nơi mà ta có thể nói rằng “chúng sinh bình đẳng” và có một điểm chung, đó là nhận ra mình chỉ là tội nhân. Đặc biệt, tòa giải tội chính là nơi ta cảm nhận được cách cụ thể và rõ ràng nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, ta được mời gọi hãy lấy tình thương, lòng bao dung mà “quên đi” những lỗi lầm của anh chị em mình.

Là bậc làm cha mẹ, chúng ta cũng hãy biết “hay quên” lỗi lầm của con cái mình. Đó không phải là sự dung thứ bao che, nhưng là giáo dục bằng sự bao dung, vị tha, nhân hậu. Mở ra con đường hy vọng cho con cái thay đổi lối sống cũ của mình.

Là vợ chồng với nhau, chúng ta được mời gọi quên đi những lỗi làm và khuyết điểm của nhau để sống yêu thương và bao dung với nhau như ngày đầu cam kết với nhau trong Bí tích hôn nhân.

Là con cái trong gia đình, chúng ta được mời gọi đừng lãng quên những công ơn, những sự hy sinh vất vả của cha mẹ. Đừng nghĩ sai về cha mẹ. Cha mẹ không bao giờ hạn chế tự do hay muốn điều xấu cho mình. Trái lại, cha mẹ luôn yêu thương và đón chờ ta trở về, dù cho ta có đi hoang tới đâu.

Quả thật, trong mắt cha mẹ, con cái là tất cả. Cũng vậy, trong mắt Thiên Chúa, con người là tất cả dù người đó tội lỗi rất nhiều. Vì thế, ta đừng nghĩ sai về Thiên Chúa, đừng nghĩ rằng luật của Chúa lại khắt khe và trói buộc tự do của con người như thế. Ta không biết rằng luật của Chúa là luật của sự tự do đích thực. Thiên Chúa luôn muốn điều thiện hảo nhất cho chúng ta. Do đó, ta hãy nhớ đến những ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta cũng như nhớ đến ân nghĩa với nhau. Đồng thời, ta được mời gọi hãy quên đi những lỗi lầm của người khác, nhưng hãy nhớ về những lần đi hoang, bội nghĩa vong ân với Chúa. Từ đó, ta được mời gọi mau chóng trở về với Người.

Mùa Chay thôi thúc chúng ta nhanh chóng trở về làm hòa với Thiên Chúa. Đó cũng là lời mời gọi của thánh Phaolô trong bài đọc II rằng nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người (2 Cr 5,20-21).

Ước gì chúng ta biết “quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước”. Đặc biệt, ta được mời gọi luôn nhớ đến địa vị cao cả của mình là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của Chúa. Từ đó, ta biết cùng nhau bước đi trên con đường hy vọng và cùng nhau loan báo Tin Mừng về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho muôn người.

Xin Chúa thanh tẩy trí tâm

Giúp con quên hết lỗi lầm tha nhân. Amen

Bài viết liên quan

Suy niệm tin mừng thứ sáu tuần IV mùa chay

Lời Chúa: Ga 7, 1-2. 10. 25-30 Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ...

Suy niệm tin mừng thứ năm tuần IV mùa chay

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an 5, 31-47. Khi ấy, Chúa Giê-su nói...

Suy niệm tin mừng thứ tư tuần IV mùa chay

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an 5, 17-30 Khi ấy, Chúa Giê-su trả lời...

Suy niệm tin mừng thứ hai- tuần IV mùa chay

Lời Chúa: Ga 4, 43-54 Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính...

Suy niệm Tin Mừng – Chúa Nhật IV MC: Niềm Vui Của Người Được Tha Thứ

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM C “Niềm Vui Của Người Được Tha Thứ”...

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV mùa chay năm C

Chúa nhật thứ bốn Mùa Chay là điểm giữa của hành trình Mùa Chay, Phụng...