Đức Thánh Cha: Trong Chúa Kitô, chúng ta là anh chị em của nhau

Chúa Nhật ngày 30/3, như những Chúa Nhật từ khi đau bệnh, Đức Thánh Cha không thể chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin, nhưng ngài vẫn gởi những lời suy tư của ngài cho giờ Kinh Truyền Tin. Đức Thánh Cha suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay.
 

Bài suy tư của Đức Thánh Cha cho Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chúc Chúa nhật tốt lành!

Trong Tin Mừng hôm nay (Lc 15,1-3.11-32), Đức Giêsu nhận thấy rằng những người Pharisêu, thay vì vui mừng khi thấy những người tội lỗi đến gần Người, lại cảm thấy chướng mắt và thì thầm phản đối. Vì thế, Người kể cho họ dụ ngôn về một người cha có hai người con: một người bỏ nhà đi xa nhưng sau khi rơi vào cảnh khốn cùng đã quay trở về và được cha đón nhận trong niềm vui; người còn lại, dù luôn vâng lời cha, nhưng lại phẫn nộ và không muốn vào dự tiệc. Qua đó, Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta về trái tim của Thiên Chúa: luôn đầy lòng thương xót đối với mọi người, chữa lành những vết thương của chúng ta để chúng ta có thể yêu thương nhau như anh chị em.

Anh chị em thân mến, chúng ta đang sống Mùa Chay này, nhất là trong Năm Thánh, như một thời gian của ơn chữa lành. Chính tôi cũng đang trải nghiệm điều đó, cả trong tâm hồn lẫn thể xác. Vì thế, tôi chân thành cảm ơn tất cả những ai, theo hình ảnh của Đấng Cứu Độ, trở nên khí cụ của sự chữa lành cho tha nhân bằng lời nói, bằng kiến thức, bằng sự ân cần và lời cầu nguyện. Sự mong manh và bệnh tật là những kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều phải đối diện; tuy nhiên, nhờ ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã ban tặng, chúng ta thực sự là anh chị em của nhau.

Tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Cha, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình: tại đất nước Ucraina đang thương tích, tại Palestine, Israel, Liban, Cộng hòa Dân chủ Congo và Myanmar, nơi đang phải gánh chịu cả những hậu quả nặng nề của trận động đất.

Tôi theo dõi với sự lo âu về tình hình tại Nam Sudan. Tôi tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy nỗ lực hết sức để giảm bớt căng thẳng trong nước. Cần phải gạt bỏ những bất đồng, với lòng can đảm và tinh thần trách nhiệm, cùng ngồi vào bàn đàm phán để tạo nên một cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Chỉ bằng cách đó, mới có thể xoa dịu nỗi khổ đau của người dân Nam Sudan và xây dựng một tương lai hòa bình, ổn định.

Ở Sudan, chiến tranh vẫn tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Tôi kêu gọi các bên tham chiến hãy đặt việc bảo vệ mạng sống của anh chị em mình lên hàng đầu; đồng thời mong muốn rằng các cuộc đàm phán mới sẽ sớm được khởi động để tìm ra một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng này. Cộng đồng quốc tế cũng cần gia tăng nỗ lực để ứng phó với thảm họa nhân đạo kinh hoàng.

Tạ ơn Chúa vì vẫn có những dấu hiệu tích cực: tôi xin nhắc đến việc phê chuẩn Thỏa thuận về phân định biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan, một thành quả ngoại giao đáng khích lệ. Tôi khuyến khích hai quốc gia này tiếp tục tiến bước trên con đường ấy.

Xin Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, giúp gia đình nhân loại biết hòa giải với nhau trong bình an.

Bài viết liên quan

Đức Hồng y Parolin chủ sự Thánh lễ kỷ niệm 20 năm ngày Thánh Gioan Phaolô II về Nhà Cha

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 2/4/2025, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Hồng y...

Giáo hội sắp có thêm ba vị hiển thánh và một chân phước

Giáo hội sắp có thêm ba vị hiển thánh và một vị chân phước, theo...

Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha ổn định; tiếng nói và khả năng di chuyển khá hơn

Theo thông cáo được ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh trình...

Đức Thánh Cha: Đừng mất hy vọng ngay cả khi chúng ta thấy mình không thể thay đổi cuộc sống

Trong bài giáo lý được chuẩn bị cho buổi Tiếp kiến chung ngày 2/4/2025, Đức...

Nuôi dưỡng trí tưởng tượng tôn giáo

Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh có cuộc phỏng vấn dành cho linh...

Đức Thánh Cha mời gọi tạp chí Văn minh Công giáo luôn đứng về phía Tin Mừng

Tạp chí La Civiltà Cattolica – Văn minh Công giáo – kỷ niệm 175 năm...