Ngọn lửa phục sinh – niềm hy vọng luôn bừng sáng trong đời sống thánh hiến

Thiên Định, CSC

Chúng ta đang quy tụ trong đêm linh thánh nhất của Năm Phụng vụ – đêm Vọng Phục Sinh – đêm đầy tràn ánh sáng và hy vọng. Trong bối cảnh của Năm Thánh Hy Vọng 2025, đêm nay không chỉ là lời loan báo một biến cố đã xảy ra trong quá khứ, nhưng còn là lời mời gọi tái sinh nơi mỗi chúng ta – những người được Thiên Chúa kêu gọi sống đời thánh hiến.

Đêm nay, chúng ta không cử hành một nghi lễ tưởng niệm đơn thuần. Chúng ta canh thức với Chúa, như người tôi tớ chờ chủ về, như những người canh giữ ánh sáng giữa đêm đen. Và ánh sáng mà chúng ta canh giữ, chính là Chúa Kitô Phục Sinh – niềm hy vọng vĩnh cửu.

1. Bóng tối và ánh sáng – hai thế giới trong một tâm hồn

Phụng vụ bắt đầu trong bóng tối. Tất cả im lặng, trầm sâu, như mồ đá phủ lấy thân xác Chúa Giêsu. Nhưng ngay giữa bóng đêm đó, một ngọn lửa được thắp lên, và từ ngọn lửa ấy, ánh sáng lan tỏa đến từng người chúng ta.

Ánh sáng của cây nến Phục Sinh – là hình ảnh sống động nhất cho điều mà chúng ta được mời gọi trong năm thánh này: gieo rắc và giữ gìn hy vọng, ngay giữa những thực tại tưởng chừng như đã chết.

Trong đời sống thánh hiến, chúng ta không thiếu những đêm tối. Có những lúc ta chán nản, hụt hơi, không còn cảm thấy “nhiệt huyết ban đầu”; có những lúc lời khấn như gánh nặng hơn là hiến lễ tình yêu. Có những lúc đời sống cộng đoàn trở thành thử thách không ngờ.

Nhưng chính trong những giờ phút như thế, đêm Vọng Phục Sinh vang lên như một lời nhắc nhở đầy quyền năng:

Bóng tối không phải là tiếng nói cuối cùng.
Sự chết không phải là chấm dứt.
Hy vọng vẫn còn, bởi Chúa vẫn sống.

2. Lời Chúa – Dòng lịch sử của một tình yêu hy vọng

Đây  là  khoảnh  khắc  được  mong  đợi,  câu  chuyện  trong Tin  Mừng  theo Thánh Luca (Lc 24,1-12). Các bà, vào buổi sáng Phục Sinh, đến mộ, mang theo hương liệu để ướp xác Chúa Giêsu. Nhưng tảng đá đã được lăn ra, ngôi mộ trống không. Sự kinh ngạc ập đến với họ.

Hai thiên thần xuất hiện và loan báo cho họ tin vui không thể tin được: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24,6). Những người phụ nữ: Maria Mađalêna, Gioanna và Maria, mẹ của Giacôbê, là những chứng nhân đầu tiên của sự Phục Sinh. Họ chạy đi loan báo tin vui cho các môn đệ, nhưng các ông, không tin, cho đó là “chuyện vớ vẩn”. Chỉ có ông Gioan và Phêrô đứng dậy, chạy đến mộ. Các ng thấy mộ trống, khăn liệm để riêng một chỗ, và trở về nhà, lòng đầy kinh ngạc.

Câu chuyện này nghe đơn giản, nhưng lại có sức mạnh đánh động rất lớn. Nó nói với chúng ta rằng sự chết không là tiếng nói cuối cùng. Rằng tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn tất cả. Rằng Chúa Giêsu, khi phục sinh, đã phá vỡ xiềng xích của sự chết, đã mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Phụng vụ Lời Chúa đêm nay là bản trường ca của Lịch sử Cứu độ, từ Sáng Thế đến Xuất Hành, từ lời hứa đến Giao Ước – tất cả đều là hành trình của một Thiên Chúa trung tín, kiên nhẫn, và yêu thương không mỏi mệt.

Người thánh hiến được mời gọi đọc lại Lời Chúa như đọc lại chính hành trình ơn gọi của mình. Cũng có những “Ai Cập nội tâm”, những “biển đỏ thử thách”, những lần ta như dân Do Thái than phiền, muốn quay về chốn nô lệ cũ. Nhưng như xưa, Thiên Chúa không mệt mỏi tái tạo Giao Ước, thì hôm nay, Ngài cũng không bao giờ rút lại lời mời gọi nên thánh trong đời sống tu trì.

Đêm nay, lời Chúa vang lên không chỉ để kể chuyện cũ, nhưng để ta lặp lại lời tuyên xưng đức tin và niềm hy vọng, rằng: Thiên Chúa chưa bao giờ bỏ cuộc – và Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

3. Ngôi mộ trống – Dấu chỉ của một khởi đầu

Khi ánh sáng bừng lên và Alleluia vang dội, Tin Mừng Phục Sinh được công bố: “Người không còn ở đây. Người đã sống lại!” Ngôi mộ trống – đối với người không có đức tin – là điều vô nghĩa. Nhưng với người tin, đó là chìa khóa mở ra cánh cửa hy vọng.

Trong đời tu, có khi ta cảm thấy như mình bước vào ngôi mộ trống: cầu nguyện mà khô khan, sống cộng đoàn mà cô đơn, phục vụ mà không thấy kết quả. Nhưng chính lúc ấy, ta được mời gọi “vào trong mộ”, như Phêrô và Gioan – để thấy, để tin, và để ra đi loan báo. Phục Sinh không phải là phần thưởng cho người vững mạnh, nhưng là ơn ban cho người biết hy vọng trong yếu đuối.

4. Đời tu – một cuộc sống Phục Sinh giữa lòng thế giới

Nếu đời sống thánh hiến không làm chứng cho Phục Sinh, thì nó trở thành một hình thức đạo đức vô hồn. Nhưng nếu đời tu được sống với niềm xác tín rằng Chúa đang sống, thì mọi đau khổ sẽ có ý nghĩa, mọi hy sinh đều sinh hoa trái, và mọi bóng tối đều có ánh sáng soi đường.

Trong Năm Thánh Hy Vọng này, Giáo hội mời gọi chúng ta – những người sống đời thánh hiến trở nên “người canh giữ hy vọng” giữa một thế giới đầy bất ổn. Chúng ta không chỉ giữ hy vọng cho riêng mình, mà còn là nơi ẩn náu của hy vọng cho những ai không còn niềm tin.

Hãy để ánh sáng từ cây nến Phục Sinh trở thành ánh sáng từ chính đời sống của ta – một đời sống luôn hướng về Chúa, và chiếu tỏa hy vọng qua cầu nguyện, tình huynh đệ, và sứ mạng phục vụ.

5. Hy vọng không làm ta thất vọng

Thánh Phaolô nói: “Chúng ta được cứu độ trong niềm hy vọng.” Và đêm nay, đêm Phục Sinh, chính là bằng chứng sống động rằng niềm hy vọng ấy là thật.
Khi ta còn quỳ gối cầu nguyện – hy vọng vẫn còn.
Khi ta còn chia sẻ đời sống chung – hy vọng vẫn đang lớn lên.
Khi ta còn bước đi trong niềm tin – thì Chúa vẫn sống trong ta.
Xin ánh sáng Phục Sinh cháy mãi nơi mỗi người chúng ta.
Xin cho đời sống thánh hiến của chúng ta luôn là lời chứng mạnh mẽ rằng: “Chúa đã sống lại thật – Alleluia!”
Amen.

Bài viết liên quan

suy niệm tin mừng Chúa nhật Phục Sinh năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan 20, 1-9. Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi...

Suy niệm thứ bảy tuần thánh năm C

Lời Chúa: Mt 28, 1-10 Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần...

Suy niệm tin mừng thứ sáu tuần thánh

Tin Mừng: Ga 18, 1-19, 42 1 Sau khi nói những lời đó, Đức Giê-su đi ra...

Suy niệm tin mừng thứ năm tuần thánh năm C

Lời Chúa: Ga 13, 1-15 Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến...

Giuđa đã ra đi

Ốc Trần Bữa tiệc vượt qua của người Do thái là dịp để họ kỷ...

Khước từ những lời hứa hão huyền

Một trong Mười Hai, tên là Giuđa Ítcariốt, đã đến gặp các thượng tế và...