Người thánh hiến sống niềm vui phục sinh

Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta đã phục sinh, đây là một mầu nhiệm, một sự thật mà chúng ta luôn tự hào và hãnh diện vì được là con cái của Ngài. Sự phục sinh của Chúa là minh chứng bảo đảm nhất cho chúng ta về cuộc sống thường tồn nơi Thiên Quốc. Chính Ngôi Hai Con Thiên Chúa năm xưa đã chịu chấp nhận thân phận phàm nhân và bằng lòng nhập thể trong gia đình nghèo nàn tại làng quê Nazaret. Ngài sống thân phận ấy bên cha mẹ trong suốt 30 năm. Ngài dành trọn từng giây phút của 3 năm thực thi sứ vụ của Thiên Chúa Cha, công khai rao giảng Tin mừng và mời gọi mọi người tiếp nhận nguồn ân thiêng là niềm tin vào sự sống muôn đời.

Mang thân phận con người, Đức Giêsu cũng phải đi qua những chặng đường với đầy rẫy những cung bậc cảm xúc khác nhau của con người. Hạnh phúc có, đau khổ có, niềm vui hay nỗi buồn xảy đến trong cuộc đời của Ngài cho dẫu không được kể ra cụ thể như một số sự kiện trong Kinh Thánh nhưng chúng ta có thể hiểu ngậm với nhau rằng những điều đó đã xảy ra với Ngài. Sự phục sinh của Ngài liền kề sau cái chết thảm thương trên thánh giá, chính xác hơn là sau ba ngày thân xác Ngài nằm bất động trong ngôi mộ trống. Và rồi đúng như lời của Ngài đã tiên báo cho các tông đồ và cho dân chúng, Ngài đã trỗi dậy từ chính trong đau khổ và sự chết. Sự phục sinh của Ngài là  sự đổi mới có một không hai từ muôn thuở cho đến muôn đời.

Người thánh hiến là người được mời gọi bước theo sát với từng bước chân của Thầy Chí Thánh. Theo sát ở đây không có nghĩa là chúng ta phải đi lại những bước chân của Ngài nơi vùng quê mà Ngài hiện diện theo cách thể lý. Theo sát ở đây phải được hiểu với nghĩa thiêng liêng, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Là người sống đời tu, chắc chắn không dưới một lần chúng ta đã trải qua những khó khăn trong việc sống và tuân giữ ba lời khuyên phúc âm, nhất là trong đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, khi phải đối diện với mọi hiểm nguy ấy, chúng ta phải giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa và an tâm rằng Ngài sẽ can thiệp trên cuộc đời của chúng ta.

Mỗi một ngày sống của chúng ta trên thế gian này, cho dù mang thân phận là ai chăng nữa thì với quỹ đạo thời gian, chúng ta đều có 24 giờ để sống. Mà cũng chính vì thế nên nó khiến chúng ta dễ rơi vào tình trạng sống quen sinh coi thường và dẫn đến thảm họa là mất niềm hy vọng. Đời sống cộng đoàn vẫn được coi là một thách đố lớn với đời tu, bởi ở trong môi trường ấy có quá nhiều tính cách khác nhau. Nếu mỗi người không tự tìm thấy cái mới mẻ hay nói cách khác là nếu không biết nhìn người khác bằng đôi mắt của Đấng phục sinh thì trong đời sống cộng đoàn sẽ xuất hiện tình trạng coi thường nhau. Thậm chí là khi người khác đã thay đổi, họ thực sự nên mới mẻ rồi mà chúng ta vẫn dán cho họ tem mác cũ kỹ luôn tồn tại trong cái nhìn của mình bấy lâu nay. Học nơi gương mẫu của Đấng phục sinh, chúng ta được mời gọi mặc dù sống trong môi trường quen thuộc, bên những anh chị em cùng chung chí hướng quen thuộc và vẫn với những công việc bổn phận quen thuộc nhưng mỗi ngày mỗi người hãy tìm thấy cái mới mẻ trong những quen thuộc.

Sự phục sinh của Đức Ki-tô là không giới hạn cả về không gian lẫn thời gian, Ngài có thể đến với và ở giữa các môn đệ trong căn phòng đóng kín cửa. Vì thế nên chúng ta có thể gặp Ngài ở khắp mọi nơi có thể không phải bằng hình ảnh sống động mà qua tha nhân là hình ảnh của chính Ngài. Cầu nguyện là một việc vô cùng quan trọng nếu không muốn nói cách cứng ngắc là bắt buộc. Tuy nhiên, người thánh hiến ở các linh đạo khác nhau đều được mời gọi cách chung là kết hợp cầu nguyện và lao động để làm nên sự hài hòa, mang lại sắc mầu tươi thắm và an nhiên cho đời sống cộng đoàn. Trước khi Đức Giê- su hiện ra với các tông đồ tại biển hồ sau ngày Ngài phục sinh, các ông đã chắng bắt được con cá nào. Nhưng khi Ngài xuất hiện thì một mẻ cá lạ lùng đã xảy ra làm các ông không khỏi bàng hoàng và kinh ngạc. Đó là một trong rất nhiều minh chứng cho thấy lao động cần phải có cầu nguyện và cầu nguyện cũng cần có lao động. 

Người thánh hiến sống niềm vui phục sinh với Đức Ki-tô không có nghĩa là chỉ có niềm vui mà không có nỗi buồn. Vì còn mang thân phận con người nên chắc chắn chúng ta sẽ vẫn và luôn gặp phải những câu chuyện bất ngờ chất chửa muôn ngàn cảm xúc trong đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chuẩn bị cho mình tư trang hành lý là ân phúc phục sinh của Chúa thì mọi khổ đau hay u sầu xảy đến cũng sẽ được cảm hóa bằng niềm vui phục sinh.

Gương mẫu rất gần gũi của người thánh hiến sống niềm vui phục sinh đó là Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô – một tu sĩ dòng Tên. Cuộc đời mục tử của ngài đã nêu bật lối sống thánh thiện và thân thiện với tất cả mọi người. Đức Cố Giáo hoàng trở nên như gương mẫu niềm hy vọng phục sinh của Đức Ki-tô và sự bình an cho thế giới. Ngài luôn tìm thấy sự mới mẻ, sự phục sinh nơi mọi người, mọi sự kiện và cả nơi mọi loài thụ tạo.

Ước nguyện sao từng giây phút trong hành trình sống đời dâng hiến của chúng ta sẽ là bản nhạc niềm vui phục sinh tuyệt hay thu hút mọi tâm hồn tìm về bên Chúa.

Angelo Trần

Bài viết liên quan

Vì sao vị Giáo hoàng kế vị cần là một mục tử theo trái tim Chúa Giêsu?

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, và Đức Giáo hoàng được Chúa Thánh Thần...

Nét đẹp của lao động trong đời sống thánh hiến

Tháng 5 năm 2025, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các tín hữu cầu...

TÌNH YÊU VẪY GỌI

Trong hành trình đức tin, tình yêu không chỉ đơn thuần là một cảm xúc...

12 năm trọn vẹn nghĩa tình

Angelo Trần Thương nhớ ngài, Đức Thánh Cha Phanxico rất kính mến của chúng con!...

Mất và thấy

Ốc Trần Tôi là một người phụ nữ nhan sắc tuyệt vời, khó để tìm...

Ẵm con trong vòng tay Mẹ

Angelo Trần Thứ bảy tuần thánh, Giáo hội không cử hành bất cứ một nghi...