1) Lời chào đầu tiên của Đức tân Giáo hoàng

Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đã có chào lời chào cộng đoàn tín hữu và toàn thế giới. Sau đây là toàn văn lời chào của ngài:

“Bình an ở cùng tất cả anh chị em”

Anh chị em thân mến, đây là lời chào đầu tiên của Đức Kitô phục sinh – vị Mục Tử nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên của Thiên Chúa. Tôi cũng mong ước lời chào bình an này sẽ đi vào lòng anh chị em, chạm đến các gia đình anh chị em và mọi người ở khắp nơi; đến với mọi dân tộc, khắp cả trái đất: “Bình an ở cùng anh chị em.”

Đây là bình an của Đức Kitô phục sinh – một bình an hiền lành, khiêm nhường và kiên vững. Bình an ấy đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa – Đấng yêu thương hết thảy chúng ta, không giới hạn và không điều kiện. Chúng ta hãy giữ trong tâm trí mình giọng nói nhẹ yếu nhưng luôn can đảm của Đức Giáo hoàng Phanxicô – Ngài đã chúc lành cho thành Roma, Đức Giáo hoàng đã chúc lành cho Roma và thế giới vào sáng Phục Sinh hôm ấy.

Xin cho tôi được tiếp nối lời chúc lành đó: Thiên Chúa yêu thương chúng ta – tất cả chúng ta. Sự dữ sẽ không thắng thế. Chúng ta ở trong tay Thiên Chúa. Không sợ hãi, hiệp nhất, tay trong tay với Thiên Chúa và với nhau, chúng ta sẽ tiến bước. Chúng ta là môn đệ của Đức Kitô, Đức Kitô đi trước chúng ta, và thế giới cần ánh sáng của Ngài. Nhân loại cần đến Ngài như một chiếc cầu nối đưa con người đến với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Anh chị em hãy giúp chúng tôi xây dựng những nhịp cầu – qua đối thoại và gặp gỡ – để tất cả chúng ta có thể trở thành một dân tộc luôn sống trong bình an. Cảm ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô!

Cảm ơn các Hồng y huynh đệ đã chọn tôi làm người kế vị Thánh Phêrô và đồng hành với anh em như một Giáo hội hiệp nhất, cùng nhau tìm kiếm hòa bình và công lý, cùng nhau hành động – dù là nam hay nữ – trung thành với Đức Giêsu Kitô, không sợ hãi, loan báo Đức Kitô, trở nên những nhà truyền giáo trung tín với Tin Mừng.

Tôi là người con của Thánh Augustinô, một tu sĩ Dòng Thánh Augustinô. Ngài từng nói: “Với anh em, tôi là một Kitô hữu; cho anh em, tôi là một giám mục.” Vậy nên, xin cho tất cả chúng ta cùng bước đi hướng về quê hương vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Tôi gửi đến Giáo hội tại Roma lời chào đặc biệt: Chúng ta cần cùng nhau suy tư xem làm sao để trở thành một Giáo hội truyền giáo – xây dựng những nhịp cầu, đối thoại – luôn mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, như chính quảng trường này – rộng mở cho tất cả, cho những ai cần đến lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta.

[Bằng tiếng Tây Ban Nha, ngài tiếp tục]:

Xin chào tất cả mọi người, và cách riêng đến các tín hữu trong giáo phận Chiclayo yêu dấu của tôi tại Peru – nơi có một dân thánh trung thành đã đồng hành với vị giám mục của mình, chia sẻ đức tin và đã cống hiến rất nhiều, rất nhiều, để tiếp tục là một Giáo Hội trung thành của Đức Giêsu Kitô..

[Trở lại tiếng Ý]:

Gửi đến anh chị em ở Roma, ở Ý và trên toàn thế giới – chúng ta mong muốn trở thành một Giáo hội hiệp hành, luôn cùng nhau bước đi, không ngừng tìm kiếm hòa bình, bác ái và sự gần gũi – nhất là với những ai đang đau khổ.

Hôm nay là ngày cầu nguyện với Đức Mẹ Pompei. Mẹ Maria – Mẹ Diễm Phúc của chúng ta – luôn muốn bước đi cùng chúng ta, luôn gần gũi với chúng ta, và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta bằng lời chuyển cầu và tình yêu mẫu tử của Mẹ. Vậy nên, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho sứ vụ này, cho toàn thể Giáo hội, và cho hòa bình thế giới.

Chúng ta cùng xin Mẹ Maria ban cho ân sủng đặc biệt này.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà….
(Toàn thể đám đông tại Quảng trường Thánh Phêrô và khắp nơi trên thế giới cùng đồng thanh đáp lại và đọc kinh Kính Mừng chung với Đức Thánh cha.)

2) Những từ khóa trong lời chào của Đức tân Giáo hoàng

Những từ khóa (key words) trong bài phát biểu đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Leo XIV là: Bình an (peace), Hiệp hành (synodal Church), Cùng bước đi (working together), Hiệp nhất ( united Church) Trung thành (faithful with Christ) Dialogue (đối thoại) Built bridge (xây cầu) Mở ra (open to all), Người nghèo (who need our charity, presence and love), Không sợ (without fear) Truyền Giáo (proclaim Christ) Bác ái (charity), Gần gũi (closeness) Hiện diện (presence) và Đức Maria.

Qua các từ khóa này, cùng với tiểu sử của ngài, chúng ta thấy:

– Đức Lêô XIV là người truyền giáo, hiểu đời sống dân chúng vùng nghèo. Sống nghèo giữa người nghèo. Ngài có kinh nghiệm cụ thể về truyền giáo lâu năm.

– Ngài là nhà đào tạo, giáo sư gắn bó với chủng viện, biết rõ vấn đề ơn gọi và linh mục. Ngài thi hành vai trò huấn luyện rất quan trọng, có kinh nghiệm đào tạo và hiểu rõ ứng sinh.

– Ngài là nhà quản trị và quen thuộc với Giáo triều Roma, từng là Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô và Tổng trưởng Bộ Giám mục – chức vụ rất quan trọng trong việc phân định, chọn lựa, bổ nhiệm giám mục toàn cầu.

Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV cho thấy một hành trình đức tin rõ ràng, vững chắc, với nền tảng thần học – giáo luật sâu rộng, kinh nghiệm mục vụ phong phú, đặc biệt là nơi các vùng truyền giáo nghèo như Peru, đồng thời có nhiều năm phục vụ tại Trung ương Tòa thánh. Ngài vừa là người vừa có kinh nghiệm thực tế tại Giáo hội địa phương, vừa có kinh nghiệm quản trị tại Giáo triều. Đức Lêô XIV đã được Đức Phanxicô tín cẩn trao nhiều nhiệm vụ then chốt trong Giáo triều.

3) Những nét tương đồng giữa Đức Phanxicô và Đức Lêô XIV

Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV có nhiều điểm chung nổi bật, không chỉ trong tiểu sử mà còn trong linh đạo, kinh nghiệm mục vụ, và đường hướng lãnh đạo. Những điểm tương đồng đó không phải là ngẫu nhiên, mà phản ánh một sự chuyển hướng sâu xa trong mô hình giáo hoàng của thế kỷ XXI, hướng về một Giáo hội phục vụ, khiêm hạ, hiệp hành và truyền giáo. Chúng ta cùng phân tích vài nét tương đồng cụ thể.

Phục vụ người nghèo: Cả hai đặt người nghèo làm trung tâm sứ vụ. Đức Phanxicô, từng sống giữa khu ổ chuột Buenos Aires, mở nhà tắm cho người vô gia cư tại Vatican (Vatican News, 2015), trong khi Đức Lêô XIV, làm việc ở Peru, xây trường học và trạm y tế cho người bản địa nghèo (Catholic News Agency, 2023). Vì thế, các ngài xem người nghèo như “báu vật của Giáo hội”.

Sống truyền giáo: Cả hai hòa mình vào vùng nghèo để loan báo Tin mừng. Đức Phanxicô kêu gọi Giáo hội “đi ra vùng ngoại biên” (Evangelii Gaudium, số 20), còn Đức Lêô XIV, ở Peru, học tiếng Quechua để đồng hành với dân chúng. Do đó, truyền giáo đối với các ngài là sống giữa người đau khổ.

Đơn sơ và gần gũi: Các ngài từ chối xa hoa để sống gần dân chúng. Đức Phanxicô ở Nhà khách Santa Marta, ôm người bệnh tại Quảng trường Thánh Phêrô (Reuters, 2013), trong khi Đức Lêô XIV chọn căn hộ nhỏ ở Chicago và cúi xin dân cầu nguyện khi nhậm chức (Vatican News, 8/5/2025). Vậy nên, sự đơn sơ của các ngài là chứng tá sống động.

Mở ra đối thoại: Cả hai đều xây cầu nối với thế giới. Đức Phanxicô ký Tuyên ngôn Abu Dhabi (Vatican News, 2019), còn Đức Lêô XIV tổ chức đối thoại liên tôn ở Chicago và kêu gọi “Giáo hội là cây cầu” (Urbi et Orbi, 8/5/2025). Nhờ đó, các ngài biến Giáo hội thành nơi lắng nghe và hiệp thông.

Hy sinh và nhân chứng âm thầm: Các ngài dâng đời mình trong thinh lặng. Đức Phanxicô viết thư an ủi tù nhân (Vatican News, 2017), còn Đức Lêô XIV âm thầm hỗ trợ người nghèo ở Peru giữa hiểm nguy. Do vậy, sự hy sinh của các ngài phản ánh tinh thần “tôi tớ khiêm hạ” (Lc 17:10).

Đức Phanxicô và Đức Lêô XIV đều là biểu tượng sống động cho một Giáo hội nghèo cho người nghèo – một Giáo hội hiệp hành, khiêm tốn, và can đảm đối thoại với thế giới hôm nay.

Các ngài không chỉ nói về những điều này – nhưng các ngài sống điều các ngài nói. Và chính vì thế, các ngài mang sức mạnh của Tin mừng cách chân thực, không cần biểu dương, nhưng bằng “lửa âm ỉ” của Chúa Thánh Thần nơi lòng người nghèo và những kẻ bé mọn.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV, cho Giáo hội hoàn vũ và toàn thế giới.

Lm. Micae Nguyễn Khắc Minh

Dịch soạn và tổng hợp từ vaticannews.va/en